Xây dựng hệ sinh thái sầu riêng
Đắk Lắk được đánh giá là một trong những địa phương có diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh của Tây Nguyên. Đắk Lắk hiện đã vươn lên vị trí dẫn đầu của cả nước về diện tích với gần 37.400 ha, sản lượng năm 2024 đạt gần 317.700 tấn. Điều đáng chú ý, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành, phát triển nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, sinh thái, tuần hoàn, cải thiện và nâng cao đời sống khu vực nông thôn.
Đơn cử như hộ ông Lê Trọng Minh (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) đã theo đuổi các giải pháp canh tác hữu cơ, sinh học trên vườn sầu riêng nhiều năm qua. Vườn cây của ông cũng đã đạt chứng nhận VietGAP, được cấp mã số vùng trồng. Với diện tích 1,7 ha sầu riêng trồng xen trong cà-phê, gia đình ông Minh chủ yếu sử dụng các loại phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học chứa thành phần nấm đối kháng để cung cấp dinh dưỡng, phát triển bộ rễ, tăng sức đề kháng tự nhiên của cây trồng đối với các loại sâu bệnh. Việc ghi nhật ký cũng trở thành thói quen, giúp ông kiểm soát tốt quy trình canh tác, theo dõi đặc điểm thời tiết, đặc tính sâu bệnh qua từng năm, củng cố thêm kiến thức, kinh nghiệm. Niên vụ này, vườn sầu riêng của gia đình ông đã cho thu hoạch 45 tấn, với 90% hàng loại A, bảo đảm các tiêu chí xuất khẩu.
Là một trong những đơn vị đi tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất sầu riêng, HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch (huyện Krông Pắc) đang mở ra cho “thủ phủ” sầu riêng một không gian sản xuất hiện đại, thông minh. Ông Mai Đình Thọ - Chủ tịch Hội đồng quản trị chia sẻ, HTX hiện có 196 ha, tổng sản lượng đạt gần 3.000 tấn. Chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng đạt lợi nhuận cao nhất. Chính vì vậy, HTX đã mạnh dạn đưa vào thử nghiệm nhiều tiện ích công nghệ số vào sản xuất, trong đó có thiết bị thông minh đo dinh dưỡng đất Enfarm, bộ giải pháp AIGU Smart Farm… trên diện tích hơn 10 ha.
Bước đầu, các tiện ích công nghệ số này đã giúp cho chủ vườn nắm chính xác những chỉ số về độ ẩm, dinh dưỡng, nhiệt độ… của đất, từ đó bổ sung đúng, đủ lượng dưỡng chất, nước mà cây cần, tránh được việc chăm bón dư thừa gây tốn kém và ảnh hưởng không tốt đến sinh trưởng của cây trồng. Ứng dụng này còn có thể tích hợp với hệ thống tưới nước, bón phân tự động, các thông tin hiển thị nhanh, cập nhật liên tục trên điện thoại di động, giúp chủ vườn có thể quản lý quy trình sản xuất từ xa, giảm công lao động… Mặt khác, thông qua các ứng dụng này, HTX cũng có thể đồng giám sát, quản lý, hướng dẫn thành viên thực hiện đúng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, mã số vùng trồng.
Về khâu chế biến, các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cũng ngày càng siết chặt quy trình kiểm định chất lượng sản phẩm, từ khâu thu mua đầu vào đến thành phẩm xuất khẩu. Theo bà Lê Thị Bích Thủy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Trái cây Thủy, là doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn nên sau những thông tin cảnh báo từ phía Trung Quốc đối với một số lô hàng sầu riêng Việt Nam vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, công ty đã chủ động triển khai tập huấn nâng cao trình độ công nhân viên, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát và siết chặt quy trình làm sạch sau khi thu hoạch cũng như trước khi đóng gói xuất khẩu.
Đối với việc bảo đảm chất lượng hàng hóa sau thu hoạch, doanh nghiệp luôn lựa chọn các đơn vị cung cấp thuốc xử lý bảo đảm an toàn thực phẩm. Các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật của doanh nghiệp được đánh giá và cấp chứng chỉ bởi Cơ quan quản lý FDI Thái Lan. Khi về Việt Nam thì được kiểm định và xác nhận bảo đảm an toàn trong thực phẩm của Viện Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cho rằng, để bảo đảm đáp ứng quy định ngày càng khắt khe của quốc gia nhập khẩu, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, doanh nghiệp và đơn vị xuất khẩu; thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân vùng trồng và cơ sở đóng gói thực hiện đúng các quy định tại Nghị định thư về quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc...
![]() |
Trồng bơ hữu cơ tại Hợp tác xã Bơ Đại Hùng, TP Buôn Ma Thuột. |
Chủ động vùng nguyên liệu
Đắk Lắk hiện có 68.368 ha cây ăn quả, trong đó tập trung vào một số loại cây như: sầu riêng, bơ, chanh dây, nhãn, vải…, chiếm gần 18% tổng diện tích cây trồng lâu năm. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất còn mang tính tự phát và manh mún. Đây là rào cản lớn cho sản xuất hàng hoá hướng tới thị trường xuất khẩu cũng như yêu cầu chuẩn hoá các tiêu chuẩn chất lượng nông sản.
Để tháo gỡ những điểm nghẽn trên, Đắk Lắk tập trung xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn VietGAP. Trong đó, đáng chú ý là dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2022-2024” với quy mô tại Đắk Lắk là 110 ha, gồm các loại cây: chanh leo, sầu riêng và mít, bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định.
Ông Hoàng Hữu Tân (thôn 3, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) cho biết, gia đình ông tham gia mô hình với 6 sào trồng cây chanh leo. Khi tham gia dự án, hộ ông được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo đúng quy trình VietGAP… Nhờ đó, cây chanh leo sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh nên sản lượng đạt khá cao với khoảng 30 tấn quả. Ngoài ra, do áp dụng quy trình sản xuất an toàn đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu nên đầu ra sản phẩm ổn định và giá bán cao (14.000 đồng/kg), chỉ sau lần thu hoạch đầu tiên gia đình đã thu hồi được chi phí ban đầu.
Tương tự, hộ ông Nguyễn Thái Sơn (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) chia sẻ, “những năm qua cây mít cũng gặp nhiều khó khăn do giá cả biến động mạnh, có lúc xuống còn 5.000 – 7.000 đồng/kg. Vì vậy các hộ trồng mít ở đây gặp rất nhiều khó khăn trong định hướng đầu tư, chăm sóc. Do đó, năm 2024, gia đình tôi quyết định tham gia mô hình sản xuất mít theo hướng VietGAP để gia tăng giá trị cho sản phẩm. Gia đình cũng như các hộ trong tổ hợp tác được hỗ trợ vật tư, phân bón vi sinh để chăm bón cho vườn mít đạt hiệu quả hơn, cấp tem truy xuất nguồn gốc cho quả… Hiện vườn cây đang phát triển tốt và đang kết nối với một số đơn vị tiêu thụ sản phẩm VietGAP để có đầu ra ổn định”.
Bên cạnh các dự án, không ít HTX cũng chủ động xây dựng vùng nguyên liệu trái cây. Đơn cử như HTX Bơ Đại Hùng (TP Buôn Ma Thuột) nhiều năm qua đã liên kết cùng một số nông hộ, với tổng diện tích 15 ha để cải tạo lại vườn cây theo quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ, với đa dạng về giống loài, mùa vụ, bảo đảm việc có bơ thu hoạch quanh năm. Đồng thời, HTX liên kết với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang để cung cấp nguyên liệu bơ hữu cơ cho doanh nghiệp sản xuất tinh dầu, phục vụ chế biến mỹ phẩm.
Ông Đặng Huy Hùng, Giám đốc HTX Bơ Đại Hùng cho biết, hiện nhu cầu sử dụng bơ tương đối lớn nhưng vùng trồng đang bị thu hẹp dần. Do đó, để bảo vệ trái bơ – vốn từng là đặc sản của vùng Tây Nguyên trước “sức hút” của sầu riêng, HTX đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm để tiến tới xây dựng thương hiệu cho trái bơ Đắk Lắk, từng bước khẳng định thương hiệu hàng hóa thông qua việc đẩy mạnh hoạt động marketing.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, trong thời gian không xa, Đắk Lắk sẽ trở thành vùng trái cây chủ lực của cả nước. Vì vậy, phát triển bền vững vùng nguyên liệu sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… là tầm nhìn chiến lược của tỉnh. Đắk Lắk sẽ tiếp tục xây dựng, mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn và gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm nhằm đưa những sản phẩm an toàn nhất đến tay người tiêu dùng.