Ðồng hành cùng doanh nghiệp kích hoạt tăng trưởng

Tốc độ xử lý các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính… để kích hoạt dòng vốn đầu tư, đặc biệt ở khu vực tư nhân, đang được xác định sẽ là động lực tạo bứt phá cho tăng trưởng các tháng cuối năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất, lắp ráp ô-tô tại nhà máy Công ty TNHH Ford Việt Nam. Ảnh | TRẦN HẢI
Sản xuất, lắp ráp ô-tô tại nhà máy Công ty TNHH Ford Việt Nam. Ảnh | TRẦN HẢI

Nhận diện động lực tăng trưởng

Đầu tháng 8/2024, tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục gửi tới khuyến nghị về việc khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. “Đây là động lực tạo bứt phá cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2024 và thời gian tới”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ký gửi Chính phủ nêu rõ.

Thực tế, các động lực tăng trưởng, cả từ phía cung và cầu tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 đạt 54,7 điểm, là tháng thứ tư liên tiếp ở mức trên 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục phục hồi. Gần 23 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái… Tổng vốn FDI đăng ký 7 tháng đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9%; vốn FDI thực hiện khoảng 12,6 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ...

Tuy nhiên, báo cáo nói trên cũng nhìn nhận, các động lực tăng trưởng đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, đáng nói là đầu tư phục hồi chậm, sức mua trong nước 7 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019. Ở phía cung, khu vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao. Sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế và sức mua tại các thị trường lớn, tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án bất động sản, triển khai các dự án đầu tư còn chậm, nhất là các dự án có quy mô lớn, dự án sử dụng vốn đầu tư công. Vẫn còn 26.500 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ. Một số địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… có dấu hiệu thiếu hụt lao động cục bộ.

Những động lực tăng trưởng mới được nhắc tới, gồm các ngành và lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh, AI, chíp, bán dẫn… lại chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực. Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, Đề án Phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn chậm được ban hành.

Như vậy, trong bối cảnh sức ép lạm phát còn cao, dự báo tăng trưởng, thương mại, đầu tư toàn cầu mặc dù có xu hướng phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc thực hiện bằng được kịch bản tăng trưởng quý III đạt 6,5-7,4%, tạo bản lề cho thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 7% tiếp tục là bài toán khó, nhưng không phải không có lời giải hữu hiệu.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cấp, ngành, địa phương tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn để sửa đổi, bổ sung; tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng, phòng cháy chữa cháy, truy xuất nguồn gốc.

Cùng với đó, Bộ cũng kiến nghị tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thúc đẩy kích cầu tiêu dùng trong nước, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. “Tinh thần là đổi mới, sáng tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị.

Cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh

Sự hồi phục, dù vẫn còn yếu, của dòng vốn đầu tư tư nhân đang là mối quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia kinh tế. TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam thậm chí cho rằng, kịch bản đạt 7% tăng trưởng trong năm nay của Việt Nam phần lớn đang trông vào sự sôi động của khu vực tư nhân. Ông Bình phân tích, trong bối cảnh kinh tế hiện tại, với nỗ lực hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, nỗ lực giữ nhịp tăng trưởng xuất nhập khẩu và khả năng hồi phục của cầu tiêu dùng trong nước sau quyết định tăng lương cũng như nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng mà Chính phủ đang lên kế hoạch, khả năng nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng là 6,5%. “Tuy nhiên, để đạt được 7% thì doanh nghiệp sẽ phải bỏ vốn nhiều hơn vào nền kinh tế. Hiện tại, tăng trưởng vẫn đang dựa vào các khoản đã đầu tư trong quá khứ. Các khoản đầu tư mới cũng là để chuẩn bị năng lực cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai”, ông Bình lý giải.

Bản thân giới kinh doanh cũng có những tính toán tương tự. Theo ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang liên kết, tạo thành các chuỗi để tối ưu hiệu quả của nhau trong hệ sinh thái. “Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư, tìm kiếm hợp đồng, chia sẻ cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái và cả bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều khó khăn nằm ngoài khả năng chủ động của doanh nghiệp, như việc tiếp cận đất đai khó khăn hay những rào cản từ thủ tục hành chính phức tạp”, ông Lễ trăn trở.

Nhìn lại, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển và tăng trưởng mạnh trong thời gian qua nhờ kinh doanh những ngành, nghề Việt Nam có lợi thế, có thị trường tiêu thụ, nhất là xuất khẩu như nông sản, chế biến thủy, hải sản, dệt may, da giày, điện tử… Chính vì vậy, những khó khăn của thị trường toàn cầu trong giai đoạn dịch bệnh và bất ổn địa chính trị đã tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, thậm chí phá sản.

Từ đầu năm đến nay, với sự phục hồi của thị trường toàn cầu, dù còn nhiều dự báo bất ổn, đầu tư tư nhân đã có sự hồi phục đáng kể, tăng 6,7% trong 6 tháng đầu năm so với mức tăng 4,2% của quý I. Tuy vậy, con số này vẫn thấp so với mức tăng 8-8,5% của giai đoạn trước dịch Covid-19. Hơn thế, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường trong 7 tháng đã tăng đáng kể là 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập và rút lui cũng đã tăng trở lại, với mức 1,1 (thay vì 0,8 của quý I/2024), song tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng qua lại giảm 9,1% so với cùng kỳ, ở mức hơn 1,7 triệu tỷ đồng.

“Sự chậm lại của dòng vốn này có nguyên nhân từ sự chậm trễ trong quyết định hành chính, rủi ro về mặt pháp lý... khi có một số lượng dự án lớn vướng mắc về thủ tục pháp lý. Nhưng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lý do có lẽ vì môi trường kinh doanh vẫn chưa thuận lợi, chi phí cao và chưa đủ sức tạo nhiệt huyết lớn cho người kinh doanh”, TS Lê Duy Bình phân tích.

Cụ thể hơn, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, danh sách các rào cản đối với phát triển doanh nghiệp hiện tại là tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, không tham gia được vào lĩnh vực phân phối ở thị trường nước ngoài. Đặc biệt, đa phần doanh nghiệp tư nhân trong nước đang gặp khó khăn trong đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nên không dễ tham gia vào các ngành nghề được coi là động lực tăng trưởng mới…

Nhắc đến nhiều văn bản luật, cơ chế chính sách mới đã có hiệu lực từ đầu tháng 8 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng…, TS Nguyễn Đình Cung khuyến nghị: “Thị trường bất động sản đang được kỳ vọng sẽ khởi sắc nhờ các dự án được tháo gỡ khó khăn, nguồn cung được khôi phục và việc mất cân đối cung-cầu sẽ được khắc phục… Nếu danh mục các khó khăn của doanh nghiệp được tháo gỡ, dòng vốn vào bất động sản được kích hoạt trở lại sẽ giúp kỳ vọng trên trở thành hiện thực”. Ngoài ra, ông Cung đề xuất, điều kiện, thủ tục tiếp cận vốn ngân hàng cũng cần được xem xét lại, bảo đảm thuận lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động tốt, có đơn hàng… tiếp cận được vốn, thay vì dựa nhiều vào điều kiện về tài sản thế chấp.