Bài toán tăng trưởng nhìn từ phía cung

Các chính sách hỗ trợ phía cung (hỗ trợ và hậu thuẫn sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp) đang được nhìn nhận còn nhiều dư địa.
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu 999 ô-tô điện thông minh đầu tiên của VinFast sang thị trường Mỹ, ngày 25/11/2022. Ảnh | KHÁNH AN
Xuất khẩu 999 ô-tô điện thông minh đầu tiên của VinFast sang thị trường Mỹ, ngày 25/11/2022. Ảnh | KHÁNH AN

Thúc đẩy đầu tư tư nhân

“Nếu không mời gọi doanh nghiệp, không đồng hành với doanh nghiệp, địa phương không thể có tăng trưởng 8%, không thể có nền tảng để đạt được các mục tiêu cao hơn trong giai đoạn tiếp theo”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ với khoảng 400 doanh nhân hội viên Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội.

Cùng với lời khẳng định này, ông Quyền chủ động đề nghị tổ chức các cuộc gặp với Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội định kỳ theo quý, thời gian có thể khoảng một buổi chiều, hình thức là trao đổi cởi mở. Các vấn đề, vướng mắc của doanh nghiệp nếu thuộc phạm vi sở, ngành của Hà Nội có thể giải quyết được sẽ giải quyết luôn. Các vấn đề cần tư vấn, hoàn thiện, hỗ trợ thủ tục, giới thiệu đầu mối xử lý cũng được trao đổi, hướng dẫn.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 21, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, thay vì chỉ tiêu 6,5% đã định, để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ giao cho Hà Nội tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025. Trong hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp đã được đặt ra, tiếp tục thúc đẩy đầu tư tư nhân được xác định ở hàng ưu tiên.

Cụ thể, Hà Nội sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức các diễn đàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh, phấn đấu số doanh nghiệp đăng ký mới tăng hơn 2%. Xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư, tập trung thu hút vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, các ngành công nghiệp như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, điện tử - tin học, chế tạo và lắp ráp ô-tô, công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghệ cao, công nghệ sinh học, hóa dược…

“Sau sắp xếp, Hà Nội còn 15 sở. Sở Tài chính sẽ là đầu mối rà soát các dự án, trên cơ sở đó công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách công khai. Rất mong các doanh nghiệp quan tâm”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định. Thủ tục hành chính sẽ rút ngắn đáng kể so với trước, thời gian sẽ nhanh, chi phí tuân thủ giảm.

Dư địa chính sách

Con số 10.128 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 2/2025, tăng 34,36% so với cùng kỳ năm trước được Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cập nhật đã ghi nhận sự khởi sắc đáng kể.

Tuy nhiên, do số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2025 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2024 nên tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong hai tháng đầu năm nay chỉ đạt 20.781 doanh nghiệp, giảm 8,92% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với bình quân khoảng 20 nghìn doanh nghiệp thành lập trong một tháng của năm 2024, con số này khá thấp.

Đặt trong bối cảnh Chỉ số quản trị mua hàng ngành sản xuất Việt Nam (PMI) tháng 2/2025 tiếp tục ở dưới ngưỡng trung bình (chỉ đạt 49,2 điểm), có thể thấy khó khăn của các doanh nghiệp phải đối diện khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng giảm.

Một lần nữa, bài toán hỗ trợ doanh nghiệp để gia tăng tỷ trọng trong tăng trưởng kinh tế được đặt ra, không chỉ ở một vài địa phương.

Họp báo sau cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2025, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin trách nhiệm của Bộ Tài chính là cùng các doanh nghiệp, hiệp hội và các bộ, ngành tính toán và đưa ra những chính sách ưu đãi phù hợp nhất, bảo đảm các cam kết quốc tế và tốt nhất cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển lớn mạnh, không chỉ trong nền kinh tế của Việt Nam mà còn có thể vươn ra khu vực và thế giới.

Bài toán tăng trưởng nhìn từ phía cung ảnh 1

Dự án sữa của Tập đoàn TH tại Nga.

Như vậy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ không chỉ dừng lại ở việc giải quyết các tồn tại, khó khăn của bộ phận doanh nghiệp riêng có hay các vấn đề trước mắt của doanh nghiệp.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao và Bộ Tài chính đang triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết Phát triển đột phá khu vực kinh tế tư nhân. Tinh thần là khẩn trương”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ thông tin. Yêu cầu tiên quyết là giải quyết “điểm nghẽn của điểm nghẽn” tức là cơ chế và pháp luật; tạo ra một môi trường thông thoáng để các doanh nghiệp tư nhân có điều kiện tốt nhất tiếp cận các nguồn lực.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trước mắt, các đề xuất về chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước trong năm 2025 được báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15/3/2025.

Tuy nhiên, dài hạn hơn, bài toán phải giải là phát triển đột phá khu vực kinh tế tư nhân. Trong buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn yêu cầu nhìn nhận một số hạn chế, yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân, như đông về lượng nhưng hạn chế về năng lực cạnh tranh, thiếu vắng doanh nghiệp đầu đàn, liên kết còn yếu kém... Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng khẳng định, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất, đặc biệt là cho tăng trưởng. Phải có chiến lược rõ ràng cho phát triển của khu vực kinh tế tư nhân phù hợp với trình độ phát triển hiện nay của nền kinh tế, với không gian địa kinh tế, địa chính trị của đất nước và có tính tới những biến đổi của địa kinh tế, địa chính trị thế giới nhằm bảo đảm cho kinh tế tư nhân có đủ sức phát triển với khả năng thích ứng, khả năng chống chọi và khả năng cạnh tranh cao.

Nhìn từ góc độ dư địa chính sách, thúc đẩy cải cách từ phía cung thì dư địa tăng trưởng đang nằm ở sự vươn lên, tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân vào nền kinh tế.

Nhiều kỳ vọng

Đặt nhiều kỳ vọng vào Nghị quyết mới về phát triển kinh tế tư nhân đang được xây dựng, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chờ đợi yêu cầu quyết liệt, mạnh mẽ với tư duy mới trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý về huy động, phân bố và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.

“Ở đây, mục tiêu phải là giải phóng sức sản xuất, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, loại bỏ cơ chế xin-cho và tư duy bao cấp, với tinh thần một vấn đề, một nội dung chỉ nên quy định tại một luật. Khi đó, niềm tin kinh doanh được thúc đẩy mạnh mẽ”, ông Cung tin tưởng. Để đạt được mục tiêu, cần tháo bỏ điểm nghẽn trong pháp luật về lĩnh vực đầu tư, đất đai và xây dựng; xây dựng khung khổ pháp lý cho hình thành và phát triển toàn diện, đa dạng các loại thị trường vốn. Một mặt, cần tạo điều kiện để Nhà nước (bao gồm cả Trung ương và địa phương) có thể huy động được số vốn đủ lớn cần thiết cho đầu tư phát triển nhưng mặt khác phải để các loại doanh nghiệp gồm khởi nghiệp, hộ cá thể, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ tiếp cận được vốn mà còn tiếp cận, huy động được số lượng vốn đủ đầu tư, đủ lớn và dài hạn với chi phí hợp lý, khi cần thiết, để phát triển bứt phá…

“Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo, thực hiện nhất quán quan điểm người dân và doanh nghiệp được phép làm những gì mà pháp luật không cấm. Nền kinh tế mạnh cần những doanh nghiệp mạnh, dựa trên cải thiện mạnh mẽ năng lực đổi mới sáng tạo”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Cùng với đó, đang có những đề xuất liên quan đến việc nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư quốc gia, các quỹ đầu tư địa phương, đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư huy động vốn cộng đồng và cho vay ngang hàng... Không thể thiếu việc tạo khung khổ pháp lý cho vận hành và phát triển thị trường khoa học công nghệ; gia tăng mạnh mẽ nhu cầu, nguồn lực và năng lực nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp, đồng thời phát triển cả lượng và chất đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu phát triển và mạng lưới tổ chức nghiên cứu phát triển của quốc gia.