Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng- Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa:

“Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo - cơ hội lớn để vươn mình”

NDO - Nhân sự kiện Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trước thềm xuân mới 2025, doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng- Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa - từng tham gia Diễn đàn Liên minh lãnh đạo thế giới năm 2019 thảo luận về chủ đề chuyển đổi số và Trí tuệ nhân tạo (AI) – đã có cuộc trao đổi với báo Nhân Dân chung quanh câu chuyện vai trò của khoa học, công nghệ đối với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng- Chủ tịch công ty Trầm Hương Khánh Hòa
Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng- Chủ tịch công ty Trầm Hương Khánh Hòa

Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng chia sẻ:

Phải khẳng định, bắt đầu công cuộc Đổi mới năm 1986 đến nay, Việt Nam đã đạt những kỳ tích vô cùng đáng tự hào, như từ nước xin viện trợ lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nhưng chúng ta không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu chỉ dựa vào xuất khẩu nông sản thô mà phải hướng tới chuyển đổi số, phát triển công nghệ cao…

Sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đang trở thành đất lành của những tập đoàn công nghệ toàn cầu như Samsung, NVIDIA. Họ đầu tư vào Việt Nam vì nhìn thấy cơ hội hợp tác để phát triển những sản phẩm mang tính toàn cầu, đặc biệt là AI, công nghiệp bán dẫn. Việt Nam sở hữu một loại khoáng sản hiếm có đứng thứ 2 thế giới, đó là đất hiếm - nguyên liệu chiến lược sản xuất chất bán dẫn. Đảng và Nhà nước ta đã có chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn với những mục tiêu đầy tham vọng như đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành một trung tâm công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu. Công nghiệp bán dẫn sẽ trở thành ngành khoa học và công nghệ vừa mang tính nền tảng, vừa mang tính ứng dụng với thị trường rộng lớn gần 200 quốc gia. Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng có thể nhìn thấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ đất nước đã đủ thế và lực; đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc. Với tư cách doanh nhân, tôi cho rằng đó là một định hướng sáng suốt mang tính khoa học, khi Việt Nam đã hội đủ các yếu tố để có bước tiến đột phá và mỗi người dân cần không chỉ hưởng ứng mà phải chung tay góp sức.

Nhưng để vươn mình thì yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Từ công cuộc Đổi mới đến nay, nhiều thế hệ người Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình, giờ đây chúng ta cũng cần “nâng cấp”, “tái cơ cấu” để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.

Trong gần 40 năm Đổi mới, thì 10 năm đầu tiên tăng trưởng đạt 7,6%, thập niên tiếp theo là 6,6%, thập niên thứ 3 là 6,3% và đến thập niên thứ 4 giảm 6%. Đây là dấu hiệu cảnh báo vì xu hướng tăng trưởng không đi lên. Như vậy, muốn đạt mục tiêu thịnh vượng phải có sự thay đổi rất lớn, quyết tâm phải cao. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, được xác định là một trong ba đột phá chiến lược của Việt Nam nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Theo ông, trong kỷ nguyên mới, người Việt Nam cần những phẩm chất, kỹ năng gì để đáp ứng được đòi hỏi của thời cuộc?

Chúng ta cần nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số; tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mỗi người Việt Nam, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp phải định vị mình, định vị sản phẩm của mình để phù hợp với tình hình mới, kỷ nguyên mới.

Nhân sự cho kỷ nguyên vươn mình đặc biệt quan trọng, phải làm sao các sản phẩm đáp ứng được những nhu cầu khắt khe của thế giới nhưng thấm đẫm bản sắc Việt Nam. Vì vậy chúng ta phải đổi mới tư duy và cơ chế để thu hút được nhân tài đất Việt ở khắp thế giới trở về. Việt Nam đang có một lực lượng lao động hùng hậu trình độ cao ở nhiều nước phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật… Tôi đã có cơ hội được tiếp xúc, làm việc với nhiều người trong số đó và thấy rằng nếu được trọng dụng, họ sẽ giúp cho khoa học, công nghệ nước nhà phát triển.

Trong những thập niên qua, người lao động Việt Nam vẫn chủ yếu làm gia công cho nước ngoài. Nhưng tình hình bây giờ đã khác. Tỷ phú Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA đánh giá Việt Nam sở hữu rất nhiều lợi thế, trong đó “siêu năng lực” lớn nhất chính là coi trọng giá trị gia đình và giáo dục, có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực STEM, đặc biệt là Toán học và Khoa học. Điều này giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp kỹ sư phần mềm lớn thứ hai thế giới. Ông chủ NVIDIA muốn chúng ta tham gia cùng họ thiết kế sản phẩm, khai thác tài nguyên, đưa tài nguyên, trí tuệ, đưa bản lĩnh, văn hóa người Việt vào sản phẩm. Hãng công nghệ NVIDIA coi Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của họ là với tinh thần đó, điều này vừa mừng vừa lo.

Lo vì bao năm qua, nền giáo dục Việt Nam dù có nhiều bước tiến nhưng nhìn chung vẫn lạc hậu, cách giảng dạy vẫn nặng về lý thuyết, sinh viên ít có cơ hội thực hành. Với thực tế đó, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho công nghiệp bán dẫn và AI là cả một thách thức. Chúng ta cần kiên định đầu tư đủ lớn, đủ sâu để có những sản phẩm AI, bán dẫn nội địa hóa hoàn toàn, dù khó khăn cũng không nên bỏ cuộc giữa chừng sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Vì vậy cần phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số bằng tâm thế không khoan nhượng, với tinh thần ra trận của ông cha thuở trước.

Trong câu chuyện vươn mình của dân tộc, chúng ta cũng phải quan tâm đến tình hình thế giới. Hiện nay, các sản phẩm khoa học, công nghệ của thế giới có ứng dụng AI, đặc biệt là ở Mỹ đã ở tầm rất cao. Vì thế, Việt Nam cần định vị các sản phẩm khoa học, công nghệ ở phân khúc phù hợp, theo tôi phải ứng dụng rộng rãi không chỉ trong nước mà phải có tính toàn cầu. Trong những năm tới, các cơ quan chuyên môn của của Nhà nước kết hợp với doanh nghiệp đang đầu tư phải xây dựng chiến lược sản phẩm ở tầm quốc gia, có ảnh hưởng với thế giới mang lại nhiều lợi nhuận cho đất nước.

Ngày 22/12/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ông đánh giá thế nào về vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đối với sự vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới?

Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban. Điều đó cho thấy người đứng đầu Đảng ta xem phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một công việc hết sức quan trọng và tôi tin với việc Tổng Bí thư làm Trưởng ban sẽ tháo gỡ rất nhanh những bất cập, vướng mắc, tạo ra sự phát triển đột phá.

Chuyển đổi số cũng đã được Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định là 1 trong 7 định hướng chiến lược đưa đất nước phát triển. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế-xã hội, mà còn là quá trình xác lập phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và AI.

Nghị quyết 57 đã nêu rõ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu và đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Khi dự Diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Toàn cầu Club de Madrid năm 2019, thảo luận về Chuyển đổi số và Xã hội Trí tuệ Nhân tạo, tôi nhận thấy nếu không tham gia vào cuộc chơi này, chúng ta sẽ bị tụt hậu. Các doanh nghiệp của Việt Nam có tầm nhìn hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi giá trị của AI. Không chỉ đơn giản là những cái máy, AI sẽ là một thực thể đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ sản xuất viên thuốc, sản xuất cái kim sợi chỉ cho tới những vấn đề to lớn như vũ trụ, vũ khí, sinh học, hóa học.

Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để tiến vào kỷ nguyên mới bằng những nhận thức mới, sức mạnh mới, xứng tầm với tiềm năng và bản sắc của chúng ta. Tôi rất mừng vì Nghị quyết 57 đã đưa ra những định hướng đúng, xác định rõ thể chế, nhân lực, hạ tầng và dữ liệu là những nội dung trọng tâm cốt lõi. Thể chế được xem là điều kiện tiên quyết, cần được hoàn thiện trước một bước với tư duy đổi mới, bảo đảm quản lý hiệu quả và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Nguồn nhân lực chất lượng cao cần được chú trọng với cơ chế đặc biệt để thu hút và sử dụng nhân tài. Hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số phải được phát triển theo nguyên tắc hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí. Dữ liệu được khai thác tối đa tiềm năng, trở thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy công nghiệp dữ liệu và kinh tế dữ liệu.

“Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo - cơ hội lớn để vươn mình” ảnh 1

Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng tiếp Tiến sĩ Alondra Nelson từng là Phó Trợ lý của Tổng thống Joe Biden- được đưa vào danh sách TIME100 những người có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2023 - đến thăm và làm việc với công ty Trầm Hương Khánh Hòa.

Chúng ta cũng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số và AI. Tôi đã mạnh dạn tìm đến những trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới như Đại học Harvard, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) Hoa Kỳ, gặp gỡ những nhà khoa học, trí thức nổi tiếng để đề nghị hợp tác. Qua những chuyến đi, tôi nhận thấy hình ảnh Việt Nam trong họ rất tốt. Điều này có được cũng từ đường lối ngoại giao rất hợp lòng dân và xu thế thời đại mà các thế hệ lãnh đạo đất nước đã vạch ra. Chúng ta nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhiều nước trên thế giới, của nhiều giới, trong đó có giới khoa học, trí thức, giới doanh nhân, giới lãnh đạo… Nhờ đó Việt Nam thu hút được các nguồn lực về khoa học công nghệ, tài chính, kỹ năng quản trị...Tôi nghĩ trong thời gian tới nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới sẽ đến Việt Nam đầu tư, mang theo tài chính, thị trường, kỹ nghệ để hợp tác với chúng ta tạo nên những sản phẩm có giá trị cao. Việt Nam sẽ được hưởng lợi trong cạnh tranh địa chính trị của khu vực và thế giới, cũng như sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu. Tất cả những yếu tố nó sẽ giúp Việt Nam cất cánh trong kỷ nguyên mới. Tôi cho rằng chính xác là cất cánh chứ không phải tăng tốc nữa.

Theo kinh nghiệm hợp tác quốc tế của công ty Trầm Hương Khánh Hòa, tôi thấy sự hợp tác sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, giảm suất đầu tư cho những sản phẩm mới, nâng cao sức cạnh tranh và tiếp cận được những công nghệ mới nhất. Vấn đề bây giờ là khâu tổ chức thực hiện, chúng ta phải xây dựng được mô hình doanh nghiệp thích ứng tốt với các sản phẩm khoa học, công nghệ. Người Việt Nam được đánh giá là thông minh, cần cù chịu khó, khéo tay chẳng có lý do gì mà không làm được những sản phẩm công nghệ cao như AI, bán dẫn đẳng cấp thế giới.

Tôi tin, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ làm nên mùa xuân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Xin trân trọng cảm ơn ông!