Nông nghiệp xanh ngày càng trở thành trào lưu rộng rãi trong canh tác nông nghiệp nhờ những lợi ích thiết thực: tiết kiệm đầu vào và hiệu quả đầu ra. Những cam kết của Việt Nam trong COP26 về việc thực hiện giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 là một trong những động lực thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng chuyển đổi xanh của ngành nông nghiệp. GS, TS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trao đổi với Nhân Dân hằng tháng chung quanh chủ đề này.
Việc chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam đang đi theo hướng nào, thưa ông?
Việt Nam đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh.
Về tổng thể, phát triển xanh mà ngành nông nghiệp đang hướng đến là duy trì tăng trưởng bền vững; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất, nước; tăng sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chế phẩm sinh học, giảm đầu vào hóa chất nông nghiệp; tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên; áp dụng các công nghệ tiên tiến; gia tăng sản xuất hữu cơ và mở rộng quy mô áp dụng các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt… để hướng tới nâng cao hiệu quả sản xuất, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu của nền nông nghiệp này là tạo năng suất cao và bền vững, đồng thời giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng đời sống của người nông dân.
Ông đánh giá như thế nào về những quyết sách và hành động của Chính phủ thời gian qua để thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ của nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững?
Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhấn mạnh 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển nông nghiệp.
Đặc biệt tại Hội nghị COP26 năm 2021, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, là tiền đề thực hiện nền nông nghiệp xanh. Trước hết là Cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 đến năm 2050; cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; thứ hai là tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất. Ngay sau COP26, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan, xây dựng các kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là những chính sách nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030 với mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường …
Những quyết sách mang tính chiến lược của Chính phủ hết sức quan trọng vì không chỉ đưa ra định hướng cho ngành mà còn kịp thời hoàn thiện hành lang pháp lý, mở ra cơ hội cho đầu tư phát triển, hội nhập quốc tế theo xu hướng xanh. Cùng với các luật bảo vệ môi trường, các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn dưới luật đã đưa ra những chính sách và quy định cụ thể khuyến khích hoạt động sản xuất bền vững. Thí dụ lần đầu tiên được ban hành, Luật Trồng trọt số 31 đã dành hẳn 1 chương quy định về sử dụng tài nguyên trong canh tác, trong đó đưa ra các quy định sử dụng và bảo vệ đất trồng trọt, sử dụng nước tưới, sử dụng sinh vật có ích, canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Sau khi Luật ra đời, các cơ quan quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) đã ban hành hàng loạt đề án nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên trong nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với bảo vệ môi trường như đề án bảo vệ sức khỏe đất; đề án sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; đề án nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón… Tất cả các đề án này đều hướng tới mục tiêu của tăng trưởng xanh mà tôi vừa nhắc đến ở trên.
GS, TS Nguyễn Hồng Sơn |
Có thể nói nhờ những quyết sách đúng đắn và kịp thời này, việc xanh hóa nền nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, theo ông đó là gì?
Việt Nam có lợi thế để phát triển nông nghiệp xanh như có nhiều vùng sinh thái nông nghiệp với điều kiện khí hậu, đất đai đa dạng. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật, như: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “kỹ thuật tưới nông-lộ-phơi”... Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường.
Hay mô hình lúa-tôm, lúa-cá là một trong những mô hình điển hình về thích nghi với biến đổi khí hậu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ nâng cao giá trị cho sản xuất, mà còn giúp giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững. Đây chính là những hướng đi mới phù hợp với thị trường hiện nay bởi trên thị trường thế giới, nhiều quốc gia phát triển đã khuyến khích, ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm sinh thái, sản phẩm hữu cơ.
Trong chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp theo hình thức kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng với những quy mô khác nhau. Cùng với các công trình khí sinh học, ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh hướng dẫn nông dân thu gom chất thải vật nuôi để nuôi trùn quế, ruồi lính đen… tạo nguồn protein làm thức ăn cho vật nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam cũng đã và đang phát triển mạnh mẽ. Theo Bộ NN&PTNT, nếu như năm 2016, diện tích canh tác hữu cơ đạt khoảng 77 nghìn ha, thì đến năm 2022, cả nước đã có khoảng 240 nghìn ha. Đặc biệt, có đến 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ và xu hướng này ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Nhờ triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch nên sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Điều tra công bố năm 2020 của Tổ chức Nông nghiệp Quốc tế cho biết, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang 180 nước trên thế giới, bao gồm: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Singapore...
Phát triển xanh góp phần như thế nào trong việc giúp ngà
nh nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, khi biến đổi khí hậu đang gây những tác động hết sức nặng nề?
Tập trung khuyến khích và đẩy mạnh sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; sử dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước… hay áp dụng các phương pháp canh tác thông minh khác không chỉ giúp chúng ta quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, sử dụng hiệu quả các loại vật tư, nhiên liệu mà còn góp phần quan trọng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu đặc biệt là hạn, mặn; giảm thiểu phát thải khí thải nhà kính từ đó giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên hơn 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Cùng với chuyển đổi 300 nghìn ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường, ngành nông nghiệp phấn đấu diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2-3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Đồng thời, mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới bảo đảm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Lợi ích của nông nghiệp xanh đã thấy rõ, tuy vậy người làm nông còn không ít e ngại, băn khoăn khi thực hiện việc chuyển đổi theo xu hướng này, ông có thể phân tích nguyên do tại sao?
Một vườn trồng cà chua theo hướng hữu cơ ở Măng Đen, Kon Tum. Ảnh: T.H |
Có thể thấy, nông nghiệp xanh tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại một số rào cản cần được tháo gỡ, đó là bởi chúng ta vẫn chưa có quy hoạch không gian rõ ràng đối với các mặt hàng nông sản chiến lược, sản xuất dàn trải ở nhiều địa phương, nhiều vùng kinh tế kể cả những vùng không có lợi thế; thiếu quy hoạch để xây dựng cơ sở hạ tầng và bảo vệ vùng sản xuất hữu cơ; chưa có các cơ chế, chính sách riêng đủ mạnh để hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ nói riêng và các chương trình phát triển sản xuất xanh nói chung mà phần lớn mới được lồng ghép thực hiện trong các chương trình, dự án khác như: chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng…
Nền sản xuất nông nghiệp của nước ta còn nhỏ lẻ và mang tính manh mún, chưa có sự liên kết chặt chẽ, liên kết sâu theo chuỗi giá trị. Lực lượng sản xuất đã phát triển rất cao nhưng quan hệ sản xuất vẫn chậm được thay đổi đã gây khó khăn cho việc phát triển một nền sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với chứng nhận chất lượng và ký kết hợp đồng kinh tế và xây dựng thương hiệu để tiêu thụ sản phẩm. Việc phát triển thị trường cũng gặp trở ngại do quy mô hàng hóa nhỏ lẻ, không đồng nhất về chất lượng và thiếu chứng nhận chất lượng, thiếu thương hiệu cho sản phẩm. Cũng từ hạn chế này, giá trị sản phẩm chưa được cải thiện rõ rệt trong khi chi phí sản xuất cao hơn, do đó chưa khuyến khích được người dân và các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất xanh, sản xuất hữu cơ.
Khả năng tiếp cận công nghệ cao của người dân còn hạn chế do thiếu kiến thức và đầu tư. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi chi phí ban đầu lớn, trong khi đó, năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế vào nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế. Có thể nói, nguồn lực tài chính cho phát triển nông nghiệp xanh cũng còn rất thiếu. Để thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp xanh theo hướng bền vững, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân gồm các doanh nghiệp và người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội đầu tư cho phát triển hạ tầng nông nghiệp.
Khoa học-công nghệ là yếu tố then chốt trong chuyển đổi xanh, trong khi như ông nói ở trên- áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đòi hỏi chi phí rất lớn, như vậy nên giải bài toán này thế nào?
Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng tính ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
Muốn áp dụng công nghệ hiệu quả, trước hết cần có những nền tảng công nghệ tốt, người dân phải có hiểu biết và kiến thức đầy đủ về công nghệ, về thị trường và phải tìm kiếm và lựa chọn được công nghệ phù hợp, công nghệ hiệu quả với chi phí đầu tư thấp… Điều này chỉ có thể đạt được khi chúng ta có những chính sách đầu tư mạnh mẽ hơn (kể cả chấp nhận rủi ro) cho khoa học công nghệ để tạo ra bước đột phá, trong đó đặc biệt quan tâm đến các công nghệ nền như công nghệ sinh học, công nghệ cao để phục vụ một nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, công nghệ chế biến nông sản cần được ưu tiên đầu tư đúng mức.
Năm 2023, Việt Nam đã bán thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng. Ảnh: Trần Hải |
Ngành nông nghiệp hiện tại đang nhắc rất nhiều đến câu chuyện sản xuất phát thải thấp và tín chỉ carbon, ngoài những lợi ích về phát triển bền vững, nó có thực sự mang lại hiệu quả kinh tế như chúng ta kỳ vọng?
Trong vài năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công những thương vụ bán tín chỉ carbon, thu “tiền tươi thóc thật” với giá trị lên đến khoảng 60 triệu USD. Trong đó, Chương trình Khí sinh học ngành chăn nuôi Việt Nam đã triển khai tại 53 tỉnh, đến nay đã có 181.683 công trình khí sinh học được xây dựng đã đem lại lợi ích cho 1 triệu người dân ở khu vực nông thôn. Thông qua Chương trình này, Việt Nam đã bán được hơn 3 triệu đơn vị tín chỉ carbon, thu về 8,1 triệu USD. Năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon và thu về hơn 50 triệu USD. Đây là tiền đề để nhiều tổ chức, cá nhân và địa phương quan tâm đến thị trường tín chỉ carbon vốn giàu tiềm năng.
Theo đánh giá, ngành nông nghiệp Việt Nam, từ chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng đều có triển vọng chuyển hướng sang canh tác, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, với các giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ… Tiềm năng ngành nông nghiệp có thể cung cấp khoảng 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm (tương đương 57 triệu tấn CO2 giảm phát thải), có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế đem về gần 300 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam chủ yếu tham gia thị trường carbon tự nguyện nên giá bán thấp, chỉ 5 USD/tín chỉ, do Việt Nam chưa có các ký kết song phương, nên chưa thể bán tín chỉ carbon ở thị trường bắt buộc - thị trường có giá bán lên đến vài trăm USD/tín chỉ. Thị trường tự nguyện dễ tham gia , nhưng sẽ có thời gian định mức đánh giá. Nếu quá hạn thì hệ thống sẽ tự động đưa tín chỉ carbon về 0. Thị trường bắt buộc không phải điều chỉnh hạn ngạch, trong khi thị trường tự nguyện lại điều chỉnh theo từng năm. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã từng bước nâng mức hạn ngạch này như một cách thể hiện trách nhiệm trong NDC - cam kết tự nguyện của mỗi quốc gia. Vấn đề định giá carbon cũng rất quan trọng khi tham gia trường tín chỉ carbon.
Trân trọng cảm ơn ông.