Năm 2025 mang lại nhiều hứng khởi
Ông có thể đưa ra những đánh giá rút gọn nhất về kinh tế Việt Nam trong năm 2024?
Trước hết phải nhìn nhận, 2024 là năm thế giới vẫn đối mặt với nhiều biến động khôn lường. Căng thẳng địa chính trị gia tăng dẫn tới giá xăng dầu, hàng hóa cơ bản, cước vận tải, trồi sụt thất thường.
Tổng cầu, đầu tư toàn cầu giảm; tỷ giá, lãi suất bấp bênh; Tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu rất phức tạp. Những yếu tố này dẫn đến nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, tăng trưởng chỉ ở mức 2,6% đến 3,2% (theo dự báo của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế).
Trong nước cũng vậy, chúng ta vừa phải ứng phó với các thách thức bên ngoài vừa đương đầu với nhiều vấn đề nội tại như: bất cập, tồn tại cũ về thủ tục hành chính, cơ chế chính sách. Thêm vào đó là những khó khăn đột xuất phát sinh như bão Yagi, bão Trà Mi gây thiệt hại lớn.
Vượt trên tất cả những khó khăn đã đề cập, Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng tốt khi là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất toàn cầu ở mức 7,09% theo Tổng cục Thống kê.
Dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 800 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Xuất siêu gần 25 tỷ USD… Đặt giữa tương quan với các quốc gia láng giềng như Singapore (tăng trưởng 4%), Thái Lan (dự báo tăng 2,7%), Malaysia (khoảng 5%), thì rõ ràng tăng trưởng của Việt Nam là rất đáng ghi nhận.
Việt Nam cũng giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, được các tổ chức quốc tế nâng hạng đánh giá: Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB) với triển vọng “Ổn định”; Moody’s xếp hạng ở mức Ba2, triển vọng “Ổn định”; S&P xếp hạng ở mức BB+, triển vọng “Ổn định”.
Trong năm vừa qua Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực thực hiện 3 đột phá chiến lược, đặc biệt về thể chế và cải thiện hạ tầng. Tôi nghĩ những điều này ngay cả người dân bình thường cũng cảm nhận được khi thực hiện thủ tục hành chính, hay tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, còn có những điểm sáng mới, như báo cáo của Chính phủ cho biết sau 3 năm không đạt chỉ tiêu về tăng năng suất lao động thì năm nay chúng ta đã vượt kế hoạch đề ra, với tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,88%.
TS Trần Đình Cường |
Chất lượng nguồn nhân lực có nhiều cải thiện. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 44/132, tăng 4 bậc so với năm 2022, theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Những kết quả này là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Ông trông đợi gì ở năm 2025?
Chúng ta đã quan sát thấy nhiều chuyển động đáng chú ý trong thời gian gần đây, do đó, năm 2025 mang lại cho tôi nhiều hứng khởi. Về kinh tế, tăng trưởng GDP vẫn trên đà tích cực, được thúc đẩy bởi cả các yếu tố trong nước và quốc tế.
Đầu tháng 12, Thủ tướng cho biết Chính phủ tập trung ưu tiên và làm mới các động lực tăng trưởng để phấn đấu GDP năm 2025 đạt 8%. Đây là một con số tham vọng, cho thấy quyết tâm và sự lạc quan của Chính phủ.
Nhiều dự án hạ tầng quan trọng đang trong quá trình triển khai hoặc lên kế hoạch, như các dự án đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc bắc nam, hệ thống đường ven biển, nhà máy điện hạt nhân…
Chính phủ cũng xác định các động lực tăng trưởng mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển kinh tế, bên cạnh các động lực truyền thống.
Đặc biệt, chúng ta nhắc nhiều đến “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc trong thời gian gần đây. Rõ ràng muốn vươn mình thì không thể chỉ làm cái thông thường. Muốn vươn mình phải tạo ra sự phát triển vượt bậc. Những nỗ lực đầu tiên để đạt được sự vươn mình đó đã được công bố.
Trang trại bò sữa của Tập đoàn TH True milk được đầu tư theo mô hình kinh tế xanh... |
Đó là tinh giản bộ máy, thu gọn các đầu mối. Tôi cho rằng đó là bước đi đúng hướng và hy vọng những nỗ lực này sẽ giải quyết được một số nút thắt mà doanh nghiệp đã kiến nghị trong nhiều năm qua: như môi trường kinh doanh thông thoáng, thủ tục hành chính tinh giản, thời gian giải quyết thủ tục hành chính không bị kéo dài, các chính sách rõ ràng và việc thực thi chính sách minh bạch.
Tất cả những kiến nghị này đều có hàm ý hướng đến bộ máy hành chính công hoạt động hiệu quả hơn. Chúng ta có rất nhiều dư địa để thực hiện điều này.
Năm 2025 cũng là một năm có ý nghĩa quan trọng, là năm quyết định việc có thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) hay không, nên tôi trông đợi đó sẽ là một năm sôi động.
Lâu nay, cả các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đến doanh nghiệp và người dân thường nhắc đến cụm từ “kinh tế xanh”. Vậy kinh tế xanh là gì, theo ông?
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) định nghĩa nền kinh tế xanh là: “Một nền kinh tế mang lại sự cải thiện về phúc lợi con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể các rủi ro môi trường và sự khan hiếm sinh thái”. Ở dạng đơn giản nhất, nền kinh tế xanh có thể được hiểu là một nền kinh tế có lượng carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và tạo ra sự thịnh vượng cho toàn xã hội.
TS Trần Đình Cường - Ảnh: Phạm Nghĩa |
Đây là khái niệm rất rộng và chưa có chuẩn định lượng nào trên thế giới về việc thế nào là xanh. Dù vậy, xanh vẫn là xu thế đang lên trên thị trường thế giới.
Các diễn biến ngày càng cực đoan hơn của khí hậu như nắng nóng, hạn mặn, nước biển đã thúc đẩy các quốc gia trên thế giới đưa ra nhiều cam kết toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng đã cam kết rất mạnh mẽ là đạt phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050.
Theo thống kê của EY, trong năm 2024, có hơn 40 quốc gia đã công bố kế hoạch cho công nghệ xanh, với 5 ngành tiên phong là năng lượng, giao thông đường bộ, thép, hydrogen và nông nghiệp. Hơn 30 quốc gia và một số công ty sản xuất ô-tô đã cam kết các xe mới bán ra sẽ phát thải bằng 0 vào năm 2035 tại các thị trường dẫn dắt và vào 2040 trên toàn cầu.
Khoảng 100 quốc gia phát triển và đang phát triển đã ban hành 780 chính sách liên quan đến tài chính xanh, tăng 317% so với năm 2015... Đó là chưa tính đến các đòi hỏi của các thị trường xuất khẩu, của nhà đầu tư và của người tiêu dùng về các sản phẩm xanh, bền vững.
Thế giới đã thay đổi và chúng ta cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Vậy phát triển xanh là xu thế không thể đảo ngược hay chỉ là một trào lưu nói cho sang?
Xu hướng “xanh”, “bền vững” có thể chuyển động nhanh hoặc chậm trên toàn cầu và ở từng quốc gia vào các thời điểm khác nhau, tùy vào ưu tiên chính sách của các chính phủ, nhưng đây vẫn là xu thế không thể đảo ngược.
Tại các thị trường phát triển như châu Âu, quy định của các chính phủ, “khẩu vị” của các nhà đầu tư cũng như của người tiêu dùng đã dịch chuyển đáng kể về hướng xanh, bền vững.
Số liệu thống kê của EY cho thấy, hiện toàn cầu có hơn 450 tổ chức tài chính từ 45 quốc gia, đại diện cho khoảng 13 nghìn tỷ USD vốn tư nhân, đã cam kết phát thải ròng bằng không và cung cấp tài chính cho công nghệ xanh.
Về phía người tiêu dùng, khảo sát Chỉ số Người tiêu dùng tương lai của EY (EY Future Consumer Index) vào tháng 4/2024 cũng cho thấy 82% người tiêu dùng cho rằng bền vững là một trong những yếu tố quan trọng trong quyết định mua hàng.
TS Trần Đình Cường - Ảnh Phạm Nghĩa |
Cũng trong khảo sát này, trên 60% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi cho biết họ “cực kỳ lo ngại” về biến đổi khí hậu. Điều này phản ánh xu hướng tiêu dùng toàn cầu với các yếu tố xanh, bền vững ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong hành vi mua sắm của khách hàng.
Theo tôi, với các doanh nghiệp, muốn trả lời câu hỏi có nên đầu tư vào xanh hay không thì phải bắt đầu bằng câu hỏi: Chúng ta đang làm ăn với ai và chúng ta muốn làm ăn với ai?
Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường mà chúng ta gọi là “khó tính” như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh là 168,8 tỷ, chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu. Muốn xuất thêm hàng vào các thị trường đó chúng ta có cần xanh không?
Tôi nghĩ là cần. Hay các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam đến từ Singapore, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản cũng đều có xu hướng đòi hỏi ngày càng cao về yếu tố xanh. Nếu chúng ta muốn làm ăn với họ, tất nhiên không thể kháng cự xu hướng đó.
Nhưng cũng có quan điểm cho rằng: “xanh”, “bền vững” chỉ là “con bài” để các nước phát triển trói buộc các nước đang phát triển vào các chuẩn mực cao hơn nhằm mục tiêu chuyển giao công nghệ và mở rộng thị trường?
Thế giới luôn có những trào lưu khác nhau và sự va đập của những quyền lợi khác nhau. Người kinh doanh tìm kiếm cơ hội trong các làn sóng đó. Mỗi cuộc chơi đều có luật chơi mà nếu chúng ta lựa chọn tham gia thì chúng ta phải tuân thủ.
Điều chúng ta kiểm soát được là chọn tham gia cuộc chơi nào, tham gia như thế nào? Như tôi đã nói ở trên, nếu đối tác, thị trường xuất khẩu và khách hàng của chúng ta quan tâm đến xanh thì chúng ta không thể làm khác được. Làm khác sẽ bị đào thải.
Tất nhiên, không phải cứ xanh bằng mọi giá, xanh là thành công. Có rất nhiều yếu tố để cân nhắc. Ở từng thời điểm, mỗi doanh nghiệp sẽ có những đặc thù riêng để quyết định tham gia cuộc chơi ở mức nào.
Quan trọng là các doanh nghiệp chủ động xác định lộ trình “xanh” và “bền vững” của mình và nghiêm túc quyết liệt thực hiện thành công lộ trình đó.
Theo ông, cơ hội thực sự cho doanh nghiệp Việt Nam là ở đâu?
Trước hết, tham vọng hướng tới kinh tế xanh của Việt Nam là rất lớn, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.
Chính phủ đã đưa ra chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó nhấn mạnh lấy con người làm trung tâm, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân với cộng đồng xã hội…
Do đó, chuyển đổi xanh của doanh nghiệp có được sự đồng hành của Chính phủ. Tất nhiên, vẫn cần nhiều hơn sự hỗ trợ của Chính phủ về cơ chế, chính sách hay các khoản trợ cấp để dẫn dắt, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh nhanh hơn.
Về thị trường, một số nghiên cứu của EY và cũng như các tổ chức quốc tế khác cho thấy chúng ta có cơ hội trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng xanh, đô thị thông minh hay xe điện.
Xanh, bền vững không đồng nghĩa với đắt đỏ, tốn kém
Các rào cản khắt khe của kinh tế xanh liệu có làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, thưa ông?
Trong trước mắt tôi nghĩ là không. Hiện nay các yêu cầu về xanh, bền vững hiển hiện nhất mà chúng ta phải chú ý đến là CBAM - Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU.
Tất nhiên, vẫn cần chuẩn bị cho các điều chỉnh chính sách khác. Như đã nói ở trên, một trong các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là xuất khẩu và một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là EU, nên cơ chế CBAM chắc chắn sẽ tạo ra ảnh hưởng. Nhưng ảnh hưởng đến mức nào?
Với CBAM, xi-măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện sẽ là những ngành bị ảnh hưởng trước. Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, 9 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng sắt thép của Việt Nam là khoảng 1,6 tỷ USD.
Đây là con số khiêm tốn so với quy mô GDP trên 430 tỷ USD của Việt Nam để có thể gây ra ảnh hưởng đáng kể như làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tất nhiên, trong dài hạn, các yêu cầu về xanh có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn, với tiêu chuẩn khắt khe hơn và sẽ tác động lên các doanh nghiệp, các ngành cụ thể. Đó là điều các doanh nghiệp nên lưu ý, cập nhật thông tin để có chuyển đổi kịp thời theo tín hiệu thị trường.
Một số doanh nghiệp Việt đã chọn kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm định hướng phát triển và đã có được những thành công bước đầu như TH True milk, Vinamilk... Nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, muốn đầu tư công nghệ xanh, phải đối diện với những áp lực gì?
Thay đổi công nghệ đúng là một thách thức lớn, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Nhưng chuyển đổi xanh không nhất thiết phải bắt đầu từ công nghệ.
Theo tôi có một số giải pháp ít tốn kém hơn mà các SMEs có thể cân nhắc, như: Cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng bằng cách thay hệ thống chiếu sáng bằng thiết bị tiết kiệm năng lượng, bảo dưỡng thiết bị định kỳ, kiểm tra việc sử dụng năng lượng trong toàn bộ chuỗi sản xuất để phát hiện những khu vực/quy trình sử dụng năng lượng chưa hiệu quả;
Giảm thải và tái chế; Sử dụng các nguồn cung bền vững, sử dụng các nguyên liệu thân thiện hơn với môi trường; Đào tạo đội ngũ nhân viên về các thực hành xanh; Số hóa một số quy trình và giảm sử dụng giấy; Giảm các chuyến bay không cần thiết, tăng làm việc online, khuyến khích nhân viên sử dụng phương tiện công cộng.
Cùng với đó, doanh nghiệp có thể lưu ý hơn đến việc dán nhãn xanh và phát hành các báo cáo bền vững, để đội ngũ nhân viên, khách hàng và thị trường gia tăng hiểu biết về các nỗ lực của doanh nghiệp và cải thiện nhận diện thương hiệu; Quan tâm đến các khoản vay xanh để hỗ trợ chuyển đổi; Tận dụng các giải pháp công nghệ như hệ thống quản lý năng lượng.
Khuyến nghị của tôi là đừng lập tức chối bỏ xanh vì nghĩ nó tốn kém và không dành cho mình. Hãy quan tâm đến nó và từng bước áp dụng các thực hành tốt, phù hợp với điều kiện doanh nghiệp. Nếu có đủ tiềm lực, có thể tìm đến các nhà tư vấn có kinh nghiệm để xây dựng một lộ trình hợp lý. Xanh, bền vững không đồng nghĩa với việc luôn luôn phải đắt đỏ, tốn kém.
Để hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững, cần những hỗ trợ gì từ chính sách, thưa ông?
Trước hết bao giờ cũng là khung khổ pháp lý. Chính phủ có thể sớm hoàn thiện bộ tiêu chí về phân loại xanh quốc gia, đưa thị trường carbon vào hoạt động, ban hành các tiêu chí về công trình xanh. Kèm theo đó là các chính sách hỗ trợ như ưu đãi thuế, trợ giá, các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh hay chính sách trợ cấp tiền mặt hiện cũng được khá nhiều quốc gia áp dụng.
Chính phủ cũng có thể đầu tư vào phát triển hạ tầng, như nguồn năng lượng xanh, vì hiện nhiều doanh nghiệp FDI có nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng này cho quá trình sản xuất của họ.
TS Trần Đình Cường - Ảnh: Phạm Nghĩa |
Chính phủ cũng có thể tăng cường các cơ chế hợp tác công tư, tăng hợp tác quốc tế để tìm kiếm nguồn đầu tư xanh, hay hỗ trợ trong việc nâng cao nhận thức của thị trường và người tiêu dùng, hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu.
Thúc đẩy chuyển đổi số cũng là một giải pháp, bởi bản thân chuyển đổi số cũng mang yếu tố xanh, bền vững, khi nó thúc đẩy việc tăng hiệu suất hoạt động, hiệu suất sử dụng tài nguyên.
Đây là thứ mà chúng ta gọi là “chuyển đổi kép”. Tóm lại, chuyển đổi xanh là một chặng đường doanh nghiệp cần sự đồng hành, hỗ trợ từ Chính phủ để sớm đạt được mục tiêu.
Trân trọng cảm ơn ông!