Lơ là trong quản lý
Temu, doanh nghiệp thuộc PDD Holdings của Trung Quốc, từ tháng 10 đã lặng lẽ cho phép người dùng tải ứng dụng (app), mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt. Temu không thông qua trung gian tại Việt Nam hoặc cho phép các doanh nghiệp Việt bán hàng trên nền tảng này. Chỉ sau hơn 1 tháng, Temu đã trở thành app bán hàng thu hút lượng người dùng Việt Nam nhờ giá rẻ, mẫu mã đẹp, thời hạn đổi trả có thể lên tới 90 ngày và không thêm chi phí, thời gian giao hàng nhanh, 3 - 6 ngày tùy địa điểm.
“Thách thức cho Việt Nam rất lớn, từ kiểm soát xuất xứ đến chất lượng hàng hóa”, ông Trần Quốc Kỳ, Giám đốc điều hành Gigan, một công ty hoạt động trong lĩnh vực tiếp thị số, nhận xét. Theo ông, các sàn thương mại điện tử giá rẻ của Trung Quốc như 1688, Taobao, Temu, đang đẩy doanh nghiệp sản xuất/nhà phân phối trong nước vào “cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn”. Hiện, các sàn Trung Quốc đang chiếm lợi thế về giá thành, tính đa dạng của sản phẩm và năng lực dịch vụ khách hàng, đặc biệt là năng lực vận chuyển.
Lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng “cần có thời gian” để làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng, giúp họ hiểu rõ hơn về các trách nhiệm pháp lý tại Việt Nam, cũng như xác định kế hoạch tuân thủ quy định trong tương lai. “Nếu Temu không tuân thủ đăng ký hoạt động trong tháng 11 này, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện các biện pháp kỹ thuật, như chặn các ứng dụng và tên miền, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long cho biết tại họp báo chính phủ hơn một tuần trước.
Việc một loạt sàn TMĐT giá rẻ xuyên biên giới của Trung Quốc tấn công thị trường Việt Nam, một phần nhờ ưu đãi theo Quyết định 78/2010/QĐ-TTg về miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với đơn hàng giá trị nhỏ dưới một triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, nhưng phần quan trọng khác là sự lỏng lẻo trong quản lý. Hai năm trước, Shein đã bán hàng thời trang vào Việt Nam với cách thức đơn giản, người dùng tải ứng dụng (app), mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt, nhưng gần như không gặp bất cứ trở ngại nào.
Sự chủ quan vào khả năng và công nghệ kiểm soát không gian mạng có thể dẫn đến những hệ quả khó lường khi các sàn TMĐT giá rẻ xuyên biên giới của Trung Quốc đã gần như chiếm lĩnh thị trường TMĐT Việt Nam. Ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông, tại hội thảo hôm 8/11 thừa nhận rằng, các cơ quan chức năng đã nắm bắt tình hình hoạt động của sàn TMĐT Temu ngay từ lúc triển khai phiên bản tiếng Việt. Nhưng theo ông, sự việc này không hề phức tạp, bởi “chỉ cần chặn các tên miền và ứng dụng trên IOS hoặc Android, có thể chặn các nền tảng TMĐT hoạt động trái phép, hay hoạt động không đúng với mục đích đăng ký với cơ quan chức năng”.
Lợi thế nhờ quy mô
Mua hàng trên các sàn TMĐT giá rẻ xuyên biên giới đã được nhiều người dùng Việt Nam lựa chọn thay thế mua sắm truyền thống. Trong tháng 10 và đầu tháng 11, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), đã đặt 3 đơn hàng từ Temu. “Mỗi đơn hàng chỉ 100.000 - 200.000 đồng không phải là chi phí lớn, nhưng từ cách làm này, Temu đã được hàng triệu người dùng ở Việt Nam biết đến”, ông cho biết.
Trung Quốc trong một thập niên trở lại đây đã vươn lên dẫn đầu ngành TMĐT thế giới. Theo Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS), đây là kết quả của quá trình phát triển một các bài bản nền tảng số, giai đoạn trước năm 2020. Bắt đầu từ phổ cập internet, bảo đảm tốc độ nhanh, chi phí thấp, mục tiêu là tăng lượng người tiếp cận internet. Kế đến là phát triển các thiết bị thông minh để người dân có thể tiếp cận internet và các ứng dụng ở bất kỳ đâu. Cuối cùng là chuẩn bị nền tảng dữ liệu đủ lớn. Ông cho biết: “Trung Quốc đã xây dựng nhiều trung tâm thu thập dữ liệu và mua cả các công ty số liệu nước ngoài, cho đây là tài sản trong tương lai”.
Chỉ số năng lực logistics (LPI) của Trung Quốc đạt 50,9% vào tháng 7/2024. Liên đoàn Logistics & Mua sắm Trung Quốc cho rằng, với chỉ số này, vận tải đường sắt, đường bộ và hàng không, hậu cần kho bãi và chuyển phát nhanh bưu chính, đều nằm trong vùng mở rộng hơn 50 điểm, phản ánh nhu cầu hậu cần ổn định và nhiều thuận lợi.
Thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh nhờ sự tiện lợi. Ảnh | THÙY DƯƠNG |
Các nhà phân tích khuyên các công ty Việt Nam nên chú ý hơn đến những sàn TMĐT xuyên biên giới quy mô lớn - vốn đang thống trị thị trường Trung Quốc và khu vực. Sau nhiều năm đầu tư vào tăng trưởng, các sàn TMĐT xuyên biên giới đã trở thành nhân tố chính trong nền kinh tế số Trung Quốc nhờ đạt được tiến bộ về lợi nhuận. Dữ liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trực tuyến trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,1 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 996 tỷ USD), tăng vọt 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, sản phẩm kỹ thuật số, dịch vụ và chương trình đổi trả là 3 động lực mới thúc đẩy tăng trưởng TMĐT trong nửa đầu năm 2024.
Báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III/2024 của Metric thể hiện rõ về sự lấn lướt doanh số của các sàn thương mại điện tử có vốn đầu tư ngoại hoặc trụ sở chính ở nước ngoài. Tiktok Shop và Shopee tiếp tục là 2 sàn có tăng trưởng dương cả về doanh số và sản lượng so với quý III-2023, lần lượt là 110,6% và 11,3%. Ngược lại, Lazada sụt giảm 70,5% doanh số. Đáng lưu ý, Tiki và Sendo, 2 sàn TMĐT có yếu tố Việt Nam thể hiện rõ trượt dốc về doanh thu, trong đó, Tiki sụt giảm 32,1% so với quý III-2023; Sendo sụt giảm 65,3% doanh thu.
Một điểm nữa, với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), trong một vài năm tới, ngôn ngữ không còn là rào cản trên các sàn TMĐT xuyên biên giới bán hàng bằng tiếng Việt nữa.
Vẫn có khả năng cạnh tranh
Báo cáo Google, Temasek và Bain & Company công bố hôm 5/11, ghi nhận khả năng thị trường TMĐT Việt Nam tăng trưởng 18% trong năm nay, đạt giá trị 22 tỷ đô-la Mỹ, lớn thứ ba ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Thái Lan. Các dữ liệu đều chỉ đến nền kinh tế số của Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng với tốc độ hai chữ số, chủ yếu nhờ vào sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử và ngành du lịch. Tuy nhiên, báo cáo này không bóc tách mức tăng trưởng hai con số mỗi năm của TMĐT Việt Nam. Mức tăng trưởng với tốc độ hai chữ số không hoàn toàn dựa vào nội lực của nền kinh tế hay xu hướng thị trường, mà còn có sự đóng góp không nhỏ của các sàn TMĐT nước ngoài, như Lazada,Tiki, Shopee, vốn là các nền tảng có sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc.
Nhưng cũng có những tin tốt từ Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company. Chẳng hạn các sáng kiến của chính phủ đã chuẩn hóa các hệ thống thanh toán và tăng cường khả năng tương tác, tiếp tục khuyến khích chuyển đổi khỏi tiền mặt. Điều này, thúc đẩy TMĐT Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng, từ 15 tỷ USD vào năm 2022 lên 22 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt khoảng 63 tỷ USD vào năm 2030.
Vấn đề lớn nhất hiện nay là khả năng cạnh tranh giữa các sàn TMĐT trong nước và Trung Quốc, đòi hỏi xử lý sớm các vấn đề liên quan đến pháp lý của các sàn TMĐT xuyên biên giới không trụ sở ở Việt Nam. Theo nhiều nhà phân tích, Nhà nước có thể cân nhắc áp dụng một số phương pháp kiểm soát thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng quốc gia bằng cách áp dụng mức thuế phí cao hơn khi người dùng thanh toán cho như nền tảng được chỉ định, tương tự 1688. Ngoài ra, vấn đề nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong sản xuất và bán hàng có thể là một giải pháp hữu ích, phù hợp với sự tăng trưởng của TMĐT. Gần đây, TP Hồ Chí Minh đã có định hướng cho phát triển TMĐT, tập trung vào cải thiện dịch vụ logistics để rút ngắn thời gian giao hàng, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển và hỗ trợ các ngành sản xuất. Theo hướng này, doanh nghiệp Việt vẫn có khả năng cạnh tranh với các nền tảng bán hàng Trung Quốc khi giải quyết được các vấn đề nội tại.