Ðẩy nhanh việc giám sát sở hữu chéo ngân hàng

Từ việc các tổ chức tín dụng phải công bố thông tin về cổ đông lớn, nhiều mối quan hệ chằng chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp dần lộ diện, ghi dấu bước tiến mới trong nỗ lực giảm sở hữu chéo và thao túng ngân hàng. Cùng với động thái này, cơ quan chức năng đang xây dựng khung khổ pháp lý về lộ trình tuân thủ đối với các cổ đông sở hữu tỷ lệ vượt quy định. Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng, cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định này để sớm phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong sở hữu chéo, kịp thời ngăn chặn các hành vi thao túng trong lĩnh vực ngân hàng.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank. Ảnh | TRẦN HẢI
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank. Ảnh | TRẦN HẢI

Lộ diện cổ đông lớn tại ngân hàng

Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, từ 1/7/2024, các cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng phải công bố thông tin của chính cổ đông, người có liên quan và tỷ lệ sở hữu. Khái niệm “người có liên quan” được mở rộng đến cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng quy định, một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một cổ đông tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ.

Mới đây, thông tin về cổ đông lớn được Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) công bố cho thấy, trong số 11 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, có 3 doanh nghiệp thuộc ROX Group (trước đây là TNG Holdings) nắm giữ gần 5,4% vốn điều lệ, bao gồm: Công ty CP ROX Key Holdings, Công ty cổ phần Đầu tư và Cho thuê Tài sản TNL, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng ROX Cons. Tại HDBank, Sovico Holdings - thành viên thuộc Tập đoàn Sovico nắm giữ 417,7 triệu cổ phần, tương đương 14,27% vốn điều lệ.

Tại Ngân hàng ABBank, trong số 19 cổ đông (bao gồm 16 cổ đông cá nhân và 3 cổ đông tổ chức) đang sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, Tập đoàn Geleximco là cổ đông tổ chức nắm giữ lượng cổ phần lớn thứ 2 với tỷ lệ tương đương 12,78% vốn điều lệ. Ông Vũ Văn Tiền, Phó Chủ tịch HĐQT ABBank đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Geleximco không trực tiếp sở hữu cổ phần tại ABBank nhưng nắm 33,5% cổ phần tại Geleximco. Ông Vũ Văn Hậu, em ruột ông Vũ Văn Tiền, cùng người liên quan đang sở hữu gần 180 triệu cổ phần, tương đương 17,41% vốn ABBank.

Tại Eximbank, có 5 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Trong đó, cổ đông tổ chức lớn nhất là Tập đoàn GELEX sở hữu 4,9% vốn điều lệ. Tại VIB, ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB và người có liên quan sở hữu trên 20,2% vốn điều lệ.

Như vậy, nhiều cổ đông ngân hàng đang vi phạm quy định về giới hạn sở hữu cổ phần. Liên quan vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Dự thảo Thông tư quy định rõ, ngân hàng thương mại phối hợp với cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ phù hợp với phương án cơ cấu lại hoặc được phê duyệt của cấp có thẩm quyền của cổ đông và người có liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng. Ngân hàng thương mại rà soát danh sách cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ.

Dự thảo Thông tư cũng quy định: Cổ đông, cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sẽ không được tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại ngân hàng dưới mọi hình thức cho đến khi bảo đảm tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định, trừ trường hợp nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu. Kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới (trong trường hợp đã cấp tín dụng) cho cổ đông, cổ đông trong nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn hoặc người có liên quan của các cổ đông đó.

Cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi bảo đảm tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định. Trường hợp ngân hàng thương mại, cổ đông, cổ đông và người có liên quan không thực hiện đúng theo lộ trình tuân thủ, tùy theo tính chất, mức độ, ngân hàng nhà nước xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Tăng cường thể chế cùng đẩy mạnh thanh kiểm tra

Nhận xét về các diễn biến mới này, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, việc các ngân hàng công bố thông tin tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn và Ngân hàng nhà nước xây dựng khung khổ pháp lý để từng bước giảm tình trạng sở hữu chéo là bước tiến tích cực để lành mạnh hóa hoạt động và giảm tình trạng thao túng hoạt động ngân hàng vốn đã để lại nhiều hậu quả đáng ngại trong thời gian qua.

Liên quan nội dung này, tại Báo cáo điểm lại về kinh tế Việt Nam tháng 8/2024 với tiêu đề “Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn” vừa công bố ngày 26/8, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) khuyến nghị, trên cơ sở một số chính sách cải cách gần đây, cần có những bước tiến quan trọng hơn để giảm rủi ro và những tổn hại có thể xảy ra trong lĩnh vực tài chính. Một trong những hành động được khuyến nghị là tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn, bao gồm việc phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh từ mối quan hệ liên kết giữa ngân hàng với các tập đoàn doanh nghiệp, đặc biệt các ngân hàng có mối quan hệ liên kết với doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.

Theo ông Hiếu, sở hữu chéo dẫn đến việc chi phối và thao túng hoạt động của ngân hàng đã xảy ra từ những năm 2015 với điển hình là thất thoát tại Ngân hàng Xây dựng (CB Bank) và Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Toàn cầu (GP Bank) vào năm 2015. Hơn 8 năm sau đó, tình trạng sở hữu chéo và thao túng hoạt động ngân hàng vẫn xảy ra với vụ việc tại Ngân hàng SCB năm 2022. “Thao túng ngân hàng qua việc sở hữu chéo là thủ đoạn được lựa chọn, có chủ đích và chuẩn bị tinh vi nên không dễ dàng đối phó. Do đó, bên cạnh việc yêu cầu tất cả các ngân hàng công khai, minh bạch tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, giám sát việc sở hữu chéo và có chế tài nghiêm nếu phát hiện vi phạm, công khai các vụ việc vi phạm để có tính răn đe. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ áp dụng các công nghệ giám sát từ sớm, từ xa để tăng hiệu quả thực thi”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Từ góc độ khác, PGS, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quy định công bố thông tin cổ đông từ 1% trở lên sẽ giúp các nhà đầu tư sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về cơ cấu sở hữu, từ đó đánh giá chính xác rủi ro và tiềm năng của ngân hàng. Trong đó, rủi ro có thể đến từ việc sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản.

“Dù đã có bước tiến như vậy song chưa hẳn có thể kỳ vọng kết quả rõ rệt ngay. Hay nói cách khác, việc cải thiện tiến tới giảm tình trạng sở hữu chéo là quá trình dài, cần được thực hiện liên tục và có giám sát chặt chẽ. Trong đó, cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng và các lĩnh vực khác để có thể liên thông về cơ sở dữ liệu, từ đó xây dựng hệ thống tự động phát hiện sai phạm và cảnh báo sớm. Việc này đòi hỏi phải chuẩn hóa dữ liệu của ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sử dụng 2, 3 sổ sách kế toán nên khó có thể kiểm soát dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế. Giải pháp công nghệ vẫn là cách thức hiệu quả để đồng bộ dữ liệu, tăng cường minh bạch và quản trị rủi ro của ngành ngân hàng, nên cần nỗ lực thực hiện”, ông Huân chia sẻ.