Khu vực doanh nghiệp đang sôi động trở lại

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, 82,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định trong quý IV. Nhiều giải pháp kiến tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) lắp ráp xe máy. Ảnh | TRẦN HẢI
Công nhân Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) lắp ráp xe máy. Ảnh | TRẦN HẢI

Nỗ lực vượt bậc

Tốc độ tăng trưởng của dòng vốn đầu tư tư nhân tiếp tục tăng, đã đạt 7,1% trong 9 tháng đầu năm 2024 - mức tăng của 9 tháng cao thứ hai trong vòng 5 năm trở lại đây. Đây là một trong những lý do thúc đẩy niềm tin của TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam về những nỗ lực mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. “Nếu không có cơn bão Yagi, GDP quý III có thể sẽ tăng cao hơn mức 7,4%. Sức chống chọi, khả năng thích ứng của nền kinh tế đã tăng mạnh. Khả năng thích ứng của doanh nghiệp, của người dân cũng vậy, tốt hơn rất nhiều...”, TS Bình chia sẻ.

Thực tế, siêu bão Yagi và cơn bão số 4 liên tục đổ bộ vào miền bắc và miền trung trong tháng 9 vừa qua đã gây ảnh hưởng rất nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tại các địa phương có bão đi qua. Hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động để khắc phục thiệt hại sau bão làm chậm tiến độ sản xuất trong quý.

Nhưng khó khăn mà các doanh nghiệp đối mặt không chỉ là tác động của bão lũ. Theo Điều tra xu hướng kinh doanh hàng quý của Tổng cục Thống kê, thực hiện với hơn 6.000 doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành này vẫn là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Cụ thể, có 53% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước vẫn ở mức thấp; 50,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do sự cạnh tranh của các hàng hóa trong nước ngày càng cao và 31,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa tại các thị trường quốc tế vẫn chưa hoàn toàn phục hồi trở lại.

Cùng với đó, khi đánh giá về các yếu tố đầu vào, các doanh nghiệp vẫn đối mặt với điểm nghẽn về vốn. 27,5% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính; 21,7% doanh nghiệp gặp khó khăn do lãi suất vay vốn cao và vẫn còn 3,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do không có khả năng tiếp cận được các nguồn vốn vay.

Điều đáng nói, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước cảm thấy khó khăn hơn, so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bài toán từ phía doanh nghiệp

Sự hụt hơi của khu vực kinh tế tư nhân được ghi nhận trong Khảo sát tình hình doanh nghiệp mà Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa hoàn tất, báo cáo Chính phủ cuối tháng 9/2024. Kết quả khảo sát cho thấy, 20,4% doanh nghiệp ngoài nhà nước đánh giá tình hình hiện nay “rất tiêu cực”, 42% đánh giá “tiêu cực” so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với mức 9,7%; 17% và 14,8%; 39,5% của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng đang nhìn thấy cơ hội phục hồi khi Chính phủ đang đặt ưu tiên cao trong thực hiện các giải pháp để đạt được mức cao trong mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm 2024, ở mức 7%. Cùng với đó, nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất, cơ cấu nhóm nợ.

Tuy nhiên, vẫn còn dư địa cho những giải pháp quyết liệt hơn, có thể thấy trong loạt kiến nghị mà các doanh nghiệp gửi tới Tổng cục Thống kê, kỳ vọng sẽ được sớm thực hiện. Theo đó, 43,4% doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục giảm lãi suất cho vay để có nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh, 33,9% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách để bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng, 19,6% doanh nghiệp kiến nghị giảm tiền thuê đất cho sản xuất-kinh doanh, 17% doanh nghiệp kiến nghị phải bảo đảm nguồn điện ổn định cho sản xuất, 21,4% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, 20,9% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới, đối tác mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng lượng tiêu thụ hàng hóa ở các thị trường trong và ngoài nước... Đặc biệt, 25,9% doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan nhà nước cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để thời gian chờ đợi và thực hiện các thủ tục hành chính của doanh nghiệp được rút ngắn đến mức tối đa.

Khu vực doanh nghiệp đang sôi động trở lại ảnh 1

Tốc độ tăng/giảm vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành 9 tháng các năm giai đoạn 2020-2024 (%). Nguồn | Tổng cục Thống kê

Vấn đề là, theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV, những kiến nghị của doanh nghiệp dường như không có nhiều thay đổi, nhất là những lo ngại về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tốc độ thực hiện các quy trình, thủ tục... Trong khảo sát của Ban IV, hơn 44% doanh nghiệp bất an với điều kiện kinh doanh phức tạp, khó tuân thủ và đang có xu hướng quay trở lại “tiền kiểm”, thay vì “hậu kiểm”. Tâm lý sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm của các công chức khi các cơ quan nhà nước siết chặt các quy định cũng tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, nỗi lo hình sự hóa các giao dịch kinh tế đã nổi lên, đứng thứ hai trong các khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp, sau khó khăn về đơn hàng. Đây cũng là những vấn đề mà ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhắc tới khi tiếp tục bày tỏ yêu cầu tốc độ, sự kịp thời trong giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. “Các tồn tại trên có thể khắc phục, cải thiện được nếu các cơ quan, địa phương làm hết sức, luôn vì lợi ích của doanh nghiệp. Từ góc độ của doanh nghiệp, họ rất mong thực thi chính sách phải tốt hơn chứ không chỉ đơn thuần là đúng luật. Khi doanh nghiệp gặp khó, cần tháo gỡ thì cần được bảo đảm thời hạn giải quyết, không để doanh nghiệp phải mòn mỏi chờ đợi”, ông Hiếu chia sẻ.

Niềm tin kinh doanh sẽ trở lại từ những động thái rất cụ thể như vậy.

Thông điệp từ Chính phủ

Công điện số 103/CĐ-TTg về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo đã được Thủ tướng Chính phủ ký ngay sau khi thông tin cập nhật về tình hình doanh nghiệp được gửi tới phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Nhiều đề xuất, kiến nghị của cộng đồng kinh doanh đã được ghi nhận trong các nhiệm vụ mà người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các trưởng ngành thực hiện.

Cụ thể, Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững; tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách giảm thuế, gia hạn nộp thuế đã ban hành; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp nhanh, toàn diện, bền vững, nhất là các cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp, đóng góp cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho nhân dân. Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi số; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng thể chế quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam. Bộ Công thương tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại để đa dạng hóa sản xuất, thị trường chuỗi cung ứng… thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài; nghiên cứu tổ chức các chương trình hội chợ, ngày hội tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng và các hình thức khác để tăng sức mua của thị trường nội địa. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách về tuần hoàn tài nguyên để thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm thiểu carbon. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Đặc biệt, yêu cầu kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển tiếp tục được nhấn mạnh. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm thực thi của các cơ quan, đơn vị; cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép không cần thiết, không phù hợp, làm tăng chi phí tuân thủ...

Đây là những điều mà doanh nghiệp đang rất trông đợi, khi mà phần còn lại của năm 2024 và dự báo năm 2025 vẫn còn rất nhiều biến số khó lường.