NSND Thúy Mùi:

Chèo đang cầm cự

Cơ hội của chèo rất lớn chứ không bị hạn chế như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, nhưng theo NSND Thúy Mùi (ảnh nhỏ), nghệ thuật chèo hiện nay đang cầm cự chứ chưa phát triển. Để bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc này được sống khỏe, sống mạnh, điều cần hơn cả là tâm huyết, sự lao tâm khổ tứ mà chị gọi là “như một sự khổ hạnh” của những nhà quản lý.

Chèo đang cầm cự

Giải nghĩa một tình yêu

- Liên hoan Chèo toàn quốc 2019, đang diễn ra tại Bắc Giang. Qua đó, chúng ta phần nào thấy được diện mạo của chèo hiện nay. Có vẻ như chèo đang quay lại xu hướng hoài cổ?

- Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 đã đi qua được hai phần ba quãng đường, nhưng chưa thấy có tác phẩm nào nổi bật. Hiện nay, các đơn vị lấy tích cũ, lấy kịch bản đã có đơn vị dàn dựng rồi để dựng lại. Rất thiếu những tác phẩm chèo hiện đại. Đây là vấn đề lớn của chèo - thiếu kịch bản. Chúng ta vẫn trong tình trạng mượn kịch bản của các loại hình khác để chuyển thể. Đề tài hiện đại ít được lựa chọn bởi chèo vốn cách điệu, làm dân gian, lịch sử rất ổn còn làm hiện đại rất khó vì dễ bị sai lệch. Nhân vật hiện đại mà cứ như Thị Mầu và Súy Vân thì ai xem được. Chèo bây giờ diễn tích cổ nhiều quá, thành nệ cổ, diễn viên diễn chuyện hiện đại thì không chân thật nên khán giả xem sẽ thấy giả, không chạm vào trái tim khán giả. Chèo phải nói về đời sống hiện đại mới kéo được khán giả đến, nhất là khán giả trẻ. Còn lớp khán giả già đang mất dần, từ những năm 80 của thế kỷ trước, tôi thấy khán giả chèo đã 50 tuổi và đến bây giờ họ đã 80-90 tuổi rồi. Nhiều năm qua chúng ta không phát triển thêm khán giả mà chỉ mất đi thôi.

- Vậy theo chị, nghệ thuật chèo có thật sự đang sống?

- Chèo đang cầm cự thì đúng hơn.

Thiếu vắng những tác phẩm lớn. Còn các vở dựng mới thì ít hiệu quả. Nếu nghệ sĩ thật sự có tâm với nghề, một vở diễn đưa ra phải đi diễn được nhiều đêm, anh em sống được bằng nghề và vở diễn sống được. Như thế, mới gọi là chèo đang sống. Tôi biết, làm được điều đó cũng khó lắm, phải rất tâm huyết với nghề đồng nghĩa với một sự khổ hạnh, luôn phải trăn trở, suy nghĩ bằng mọi cách. Chúng ta không chỉ giới hạn mình trong biên độ của một cá nhân nghệ sĩ hay một nhà hát mà đó là vấn đề của xã hội, của một loại hình nghệ thuật mang đậm hồn cốt của dân tộc, và trách nhiệm với các thế hệ nghệ sĩ.

- Điều này có mâu thuẫn với phong trào hát chèo đang phát triển rầm rộ ở các tỉnh, với nhiều câu lạc bộ chèo ra đời?

- Hiện nay phong trào hát chèo ở các địa phương rầm rộ nhưng chưa hẳn những người đó đã đi xem chèo. Phải làm thế nào để những người thích hát chèo đi xem chèo. Liên hoan Chèo toàn quốc là dịp để các đơn vị đến xem nhau và học hỏi nhưng phần lớn các nghệ sĩ không xem nhau. Nhiều đoàn đổ lỗi do không có kinh phí nhưng tôi nghĩ lý do không hoàn toàn nằm ở đó. Giống như phong trào hát chèo, tỉnh nào cũng có câu lạc bộ, huyện nào cũng có câu lạc bộ nhưng người ta không mua vé đi xem chèo. Phải giải nghĩa được điều này. Yêu chèo không chỉ hát mà nên đi xem, cũng như diễn viên dù mới vào nghề hay giỏi đến mấy cũng nên đi xem bạn chèo diễn như thế nào. Không bao giờ khá lên được nếu không xem bạn diễn.

Bắt đầu từ ươm mầm…

- Diễn viên chèo hiện nay sống bằng lễ hội, người ta lo ngại rằng, một lúc nào đó, chúng ta phải về lễ hội mới được xem chèo? Liệu việc chèo sống bằng các lễ hội có đánh mất giá trị của chèo?

- Hiện nay lễ hội ở miền bắc phát triển rầm rộ, đó cũng chính là nơi giúp chèo sống, khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 4 âm lịch. Còn từ tháng 5 đến tháng 9, sân khấu chèo gần như vắng lặng. Các đơn vị nên hoạch định kế hoạch hoạt động cho những tháng “nông nhàn” đó. Còn nói rằng, chèo diễn ở lễ hội làm mất giá trị của chèo là không đúng. Chính lễ hội đang góp phần giữ gìn được những giá trị của chèo, đó mới là chèo đích thực. Ngày xưa chèo chỉ diễn ở sân đình, giờ về lễ hội là đình làng, chùa, là không gian của văn hóa dân gian, về với cội nguồn. Còn chèo đóng khung về kinh đô, thị thành là một bước phát triển lên rồi. Có những người nói chèo chỉ thuộc về thôn quê thôi, cũng đúng, vì chèo ra đi từ đó. Còn lên sân khấu hộp đòi hỏi sự chỉn chu, tinh túy. Những thăng hoa của nghệ thuật không chỉ trên sân khấu hộp, những chỗ trang trọng tinh túy ấy, mà kể cả những nơi thôn dã, nghệ sĩ vẫn có thể thăng hoa. Điều đó cũng tốt cho các nghệ sĩ, được trải nghiệm ở nhiều sân khấu, nhiều không gian khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay, phần chèo diễn ở lễ hội đang chiếm thời lượng quá lớn, trong khi sân khấu chính thống lại thiếu vắng khán giả.

- Chèo sẽ ra sao nếu không có những tiếng nói mới? Cách làm hiện nay của các nghệ sĩ là đang bảo tồn, bảo tàng chèo chứ chưa phát triển loại hình nghệ thuật này. Vì sao chèo thiếu những sáng tạo mới, dám phá bỏ những khuôn mẫu, mực thước của chèo?

- Khán giả trẻ hiện nay đang cần những vở diễn mang hơi thở của thời đại, các vấn đề nổi cộm của xã hội phải đưa vào vở diễn mới thu hút được họ. Chèo rất cần điều đó nhưng các đơn vị ngại làm vì khó. Lâu lắm rồi không có những vở diễn tốt. Chúng ta phải chú trọng yếu tố mới, bên cạnh việc giữ gìn phát triển truyền thống. Với chèo và nghệ thuật truyền thống nói chung, chúng ta đang làm theo tư duy bảo tàng, bảo tồn, chứ chưa phát triển. Nhạc sĩ Quốc Trung từng làm chương trình “Đường xa vạn dặm” trên nền của xẩm. Đó là những thể nghiệm với nghệ thuật truyền thống. Rất thú vị. Để phá vỡ khuôn thước của chèo rất khó nhưng không có nghĩa là chúng ta không làm được. Ngày xưa các cụ không ngừng sáng tạo nên chúng ta mới có hàng trăm bài bản cổ hay như thế. Bây giờ chúng ta cũng phải sáng tạo, nếu chỉ ngồi khai thác của các cụ thì làm sao tiếp nối được?!

- Vậy là hiện nay chúng ta thiếu một chiến lược phát triển chèo?

- Để chèo sống được không vất vả như các loại hình khác nhưng phải có nhiều phương pháp và nhiều việc phải làm. Chúng ta phải đi theo nhiều hướng. Phải đầu tư, không chỉ tiền mà thời gian, tư duy cho nghệ sĩ và người đứng đầu các đơn vị nghệ thuật. Chèo không “bi đát” như một số loại hình khác. Ngân sách nhà nước chỉ cho lương, còn anh em muốn sống được phải bằng các đêm diễn. Nếu lãnh đạo năng động thì anh em sẽ sống được.

- Vấn đề lớn của chèo và sân khấu truyền thống nói chung là thiếu vắng khán giả. Đây là một bài toán nan giải ai cũng hiểu nhưng chưa có những giải pháp hiệu quả?

- Tìm khán giả cho chèo không khó như các loại hình nghệ thuật khác. Vấn đề là chúng ta có lao tâm khổ tứ để làm hay không. Xây dựng khán giả chèo, nếu yêu và mong muốn chèo tồn tại, chúng ta sẽ làm được. Nếu ai đã từng dự những buổi các cháu học sinh xem chèo hào hứng không khác gì xem một trận đá bóng thì không ai nói là chèo thiếu khán giả. Chúng ta chưa biết cách, chúng ta buông bỏ bao nhiêu năm nay. Đó là một khoảng trống lớn, chúng ta đã không chú trọng đến việc phát triển khán giả của chèo mà chỉ quan tâm đến vấn đề học thuật, chèo phát triển thế nào, đổi mới ra làm sao. Chúng ta bỏ quên việc phải xây dựng, ươm mầm và đào tạo công chúng. Nhiều năm qua, Nhà hát Chèo Hà Nội làm chương trình sân khấu học đường, đến từng trường học trò chuyện về chèo, gieo vào các em những khái niệm về loại hình này, từ đó nuôi dưỡng tình yêu. Nếu tất cả các đoàn chèo cùng chung tay vào làm thì chắc chắn, chúng ta sẽ có các lớp khán giả kế cận.

- Cảm ơn những chia sẻ của chị.

Chèo đang cầm cự ảnh 1

Một cảnh trong vở chèo dã sử Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư của Đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh tham dự liên hoan. Ảnh: THANH TÙNG (TTXVN)