Thạc sĩ, KTS Phạm Trung Hiếu

Cầm vàng chớ để vàng rơi

Là một chuyên gia luôn nặng lòng với lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc, Thạc sĩ, KTS Phạm Trung Hiếu (ảnh bên) đã tâm huyết mang tới Hội thảo Tái thiết di sản công nghiệp 2022 - Đổi mới và bền vững bản đồ án chi tiết nhằm “hô biến” Nhà máy xe lửa Gia Lâm - di sản công nghiệp (DSCN) đặc biệt giá trị thành một “không gian văn hóa-sáng tạo cộng đồng” ấn tượng và phát triển bền vững trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Cầm vàng chớ để vàng rơi

Bởi dưới góc nhìn của riêng anh, “kế hoạch di dời chín cơ sở kiến trúc công nghiệp sắp tới tạo nên một quỹ đất lớn, mở ra một cơ hội quý giá kiến tạo nên một mạng lưới các không gian sống, hoạt động, làm việc và vui chơi tân tiến nằm trong lòng Thủ đô hiện tại”.

Từ ý tưởng tái thiết đầy sáng tạo

Lý do khiến anh chọn Nhà máy xe lửa Gia Lâm - một trong chín cơ sở công nghiệp phải di dời khỏi nội đô trong vòng 5 năm tới làm nơi gửi gắm triết lý tái thiết DSCN của mình?

Cầm vàng chớ để vàng rơi ảnh 1

Phối cảnh góc không gian sáng tạo của Dự án tái thiết Nhà máy xe lửa Gia Lâm.

Hà Nội là một đô thị có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, hiện nay đã tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Nhưng Thủ đô hiện đang thiếu vắng một cơ sở hạ tầng vững chắc phục vụ công cuộc phát triển sáng tạo bền vững, bên cạnh đó vẫn tồn tại thực trạng một bộ phận cấu trúc cũ của thời kỳ cách mạng công nghiệp không được sử dụng, cải tạo một cách hợp lý.

Chọn cơ sở đường sắt duy nhất đáp ứng tàu khổ ray 1.435mm vào tận các xưởng; nơi tạo ra những biểu tượng của đường sắt Việt Nam độc lập như đầu máy hơi nước “Tự lực”, đầu máy diesel “Đổi mới”..., nhóm thiết kế muốn phục hồi những lớp cấu trúc cũ của đô thị, làm sáng những điểm đen, phục hồi ký ức của thị dân Hà Nội về một thời đã qua về những cụm nhà máy công nghiệp nằm trong mạng lưới dân cư.

Chúng tôi hy vọng mô hình “không gian văn hóa-sáng tạo cộng đồng” này đủ năng lượng để phát triển bền vững và trở thành điểm khởi đầu mạnh mẽ cho hệ thống các không gian sáng tạo có hoàn cảnh tương tự nhằm kích hoạt nguồn nội lực vô tận của một mảnh đất nghìn năm tuổi.

Anh có thể đưa ra đôi nét phác thảo giúp độc giả dễ mường tượng hơn?

Hồi sinh không gian nhà máy thành một tổ hợp không gian đa chức năng, bảo tồn một phần cấu trúc của DSCN, cải tạo thích ứng không gian nhà xưởng đáp ứng công năng mới, lấy di sản làm nền tảng sáng tạo, nhân rộng mô hình dựa vào tuyến đường sắt quốc gia cùng các hệ thống giao thông công cộng mà Hà Nội đang triển khai là những mục tiêu chúng tôi đặt ra. Bảo tàng ngành đường sắt - Không gian sáng tạo cộng đồng - Công viên nghệ thuật là những hạng mục chính cụ thể hóa mô hình đề xuất trên.

Để độc giả dễ hình dung, trên quỹ đất gần 20ha mà nhà máy đang tọa lạc, sẽ có hạng mục bảo tàng, không gian sáng tạo (bao gồm xưởng làm việc chung của nghệ sĩ - studio nghệ thuật - không gian trưng bày của nghệ sĩ nghiệp dư - không gian giao lưu nghệ thuật - tổ hợp triển lãm, đấu giá và khán phòng biểu diễn) - khối sinh hoạt câu lạc bộ - hệ thống cảnh quan - hệ thống các hạng mục điểm nhấn dọc mặt tiền - hành lang tham quan xuyên suốt.

Nghe như thể mọi thứ sẽ được làm mới nhưng thực ra chúng tôi đề cao giải pháp tái sử dụng hoàn toàn hoặc phần lớn kết cấu cũ, để một không gian mới sẽ được hình thành nên từ những cảm hứng được tiếp nối, tại một DSCN nổi bật hàm chứa những ký ức Hà Nội đẹp đẽ và không thể nào quên của một thời.

Đợi chờ một danh mục chuẩn hóa

Nhân nhắc tới khái niệm DSCN, được biết Nhà máy xe lửa Gia Lâm cùng với Nhà máy thuốc lá Thăng Long và Nhà máy bia Hà Nội là ba DSCN đích thực nhận được sự đánh giá đồng thuận của giới trong nghề. Nhưng với những kiến trúc công nghiệp còn lại thì đong đếm giá trị tới đâu vẫn còn là vấn đề tạo nhiều luồng tranh luận?

Như PGS, TS, KTS Phạm Thúy Loan - Đại diện Mạng lưới bảo tồn di sản công nghiệp châu Á tại Việt Nam từng phân tích thì chúng ta chỉ có các công trình công nghiệp có giá trị di sản chứ chưa có DSCN. Lý do là bởi chưa khái niệm di sản này chưa được pháp lý hóa trong các văn bản luật. Luật Di sản thì không bao hàm DSCN mà Luật Kiến trúc thì không có hướng dẫn về DSCN trong đánh giá, lập danh mục các công trình có giá trị. Điều đó thực sự gây khó khăn rất lớn cho giới KTS, khi đau đầu kiếm tìm cách ứng xử phù hợp với từng công trình cụ thể.

Phần nào bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng? Phần nào đập bỏ, xây mới? Cái nào là DSCN, cái nào là công trình có giá trị di sản, cái nào vô giá trị có thể bỏ đi hoàn toàn? Một danh mục kiểm kê, với những tiêu chí phân loại chi tiết sẽ rất hiệu quả trong nỗ lực gìn giữ và bảo tồn DSCN. Và Luật hóa, đưa vào những thông tư, hướng dẫn minh bạch, cụ thể sẽ giúp chúng ta có cách ứng xử khoa học, chính xác, tránh những tranh cãi không cần thiết, khi đứng trước một công trình thuộc diện di dời.

Các cơ sở công nghiệp là một minh chứng của một giai đoạn phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, đánh dấu phương thức hoạt động sản xuất của xã hội Việt Nam tại một thời điểm lịch sử. Việc lưu giữ và bảo tồn một số công trình, hạng mục tiêu biểu có tính toán kỹ lưỡng mô hình, giải pháp thích ứng là cách thức để đảm bảo sự tiếp nối bền vững những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc tích lũy nơi đô thị.

Trong thời gian tới, để thực hiện hóa việc chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo kết hợp với không gian văn hóa cộng đồng một cách hiệu quả, Hà Nội cần làm gì, theo anh?

Về diện tích, Hà Nội giờ đã mang tầm vóc của một đô thị lớn, vị trí trung tâm nội đô tập trung những “khu đất vàng” hàm chứa cả giá trị về nơi chốn, ký ức lẫn giá trị kinh tế rất lớn. Vì vậy, việc chuyển đổi chức năng của chúng thường được hướng tới mô hình đạt hiệu quả đầu tư lớn nhất, phần lớn biến thành chung cư thương mại, gây gia tăng áp lực cho khu vực cả về mật độ giao thông lẫn mật độ dân số. Diện tích không gian công cộng, diện tích cây xanh công cộng trên đầu người vốn đã thấp so với tiêu chuẩn sẽ lại càng giảm nếu không được bù đắp mà chỉ gia tăng dân số.

Để công cuộc tái thiết DSCN hiệu quả, khi đã có một danh mục chuẩn hóa, chúng ta phải lập quy hoạch cho tổng thể các cơ sở công nghiệp nội đô, phân loại các cơ sở có cùng mô hình chuyển đổi và cuối cùng mới đề ra giải pháp cho từng cơ sở cụ thể. Cần có sự tiếp thu ý kiến từ cộng đồng trong tất cả các bước hoạch định, tránh việc đưa ra một phương án kiến trúc rồi đẩy dư luận vào những tranh cãi về vấn đề xấu - đẹp của thiết kế hoặc có bỏ lỡ một công trình giá trị cần bảo tồn hay không... như trường hợp công trình nhà xưởng tại 61 Trần Phú vừa qua.

Thêm vào đó, tôi muốn lưu ý rằng, các khu đất từng là cơ sở công nghiệp đều có mức độ ô nhiễm nhất định. Việc chuyển đổi ngay những khu đất đó thành các khu đất ở, công trình dân dụng mà chưa có đánh giá tác động môi trường một cách kỹ lưỡng có thể tiềm ẩn những rủi ro về ô nhiễm đất, nước và không khí cho người sử dụng trong tương lai. Cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi nghiên cứu đề xuất các mô hình chuyển đổi - dù ở mô hình nào: bảo tồn, cải tạo thích ứng hay chuyển đổi hoàn toàn.

Kế hoạch tái thiết DSCN, nếu thực hiện hiệu quả sẽ giúp cư dân đô thị có cơ hội phát triển cá nhân theo nhiều định hướng hơn, phát huy sự sáng tạo thay cho lối sống thụ động, hưởng thụ đang tồn tại. Mô hình sống mới: Sáng tạo hơn - Sinh thái hơn - Công nghệ hơn - Năng động hơn... sẽ mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Nói một cách hình ảnh, “mỏ vàng” đã “phát lộ”, nhiệm vụ của chúng ta là “cầm vàng chớ để vàng rơi”!

Năm 2011, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt. Sau khi Luật Thủ đô ra đời, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao UBND thành phố chủ trì xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội thành. Theo đó, quỹ đất sau di dời sẽ được dùng vào các công trình, cơ sở hạ tầng công cộng chứ không xây dựng chung cư cao tầng. Bên cạnh đó, những công trình có giá trị kiến trúc sẽ phải được bảo tồn, tôn tạo và khai thác.

Mặt khác, Hà Nội đã chính thức là thành viên thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, càng đặt ra nhu cầu cấp bách đối với việc mở rộng các không gian sáng tạo. Để đáp ứng nhu cầu đó, nhiều không gian văn hóa nghệ thuật của Hà Nội đã lần lượt “chào đời” nhưng vì nhiều lý do đều đang tồn tại èo uột hoặc nhanh chóng “chết yểu”. Trong bối cảnh đó, quỹ đất cùng với các di sản công nghiệp của 92 nhà máy cũ trên địa bàn chính là “địa chỉ” phù hợp nhất. Một giải pháp vẹn cả đôi đường, khi vừa giải quyết được bài toán di dời các “quả bom nổ chậm” đe dọa môi trường ra khỏi nội thành, vừa mở rộng, làm phong phú thêm các không gian sáng tạo giúp thủ đô tiếp tục định vị hình ảnh trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của thế giới.