Việt Nam - Indonesia: Cuộc đấu trí của hai “ông thầy” Hàn Quốc

Việt Nam - Indonesia: Cuộc đấu trí của hai “ông thầy” Hàn Quốc
Cover_-1623026091917.jpg

Cơ hội đi tiếp vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đang rất sáng với tuyển Việt Nam, chúng ta sẽ tiến thêm một bước dài nếu “dứt điểm” tốt Indonesia – đối thủ vừa gây ấn tượng mạnh nhờ sự tươi mới. Tất cả đều chờ đợi tài thao lược của thầy Park.

Sub_title_Indonesia_Da_vi_chang_-1623026092613.jpg

Đội bóng xứ Đảo không còn cơ hội đến World Cup, nhưng họ đang tận dụng sân chơi tại UAE để xây những viên gạch đầu tiên cho tương lai. Hơn một năm rưỡi đã qua kể từ thất bại 1-3 trước Việt Nam tại Bali, Indonesia đang thể hiện một gương mặt hoàn toàn khác.

Chia tay HLV Mc Menemy, LĐBĐ Indonesia mời về một nhà cầm quân tầm cỡ thế giới: Shin Tae-yong. Ông Shin từng dẫn dắt tuyển Hàn Quốc, là người mà HLV Park Hang-seo biết rất rõ và kính nể. Dưới tay ông Shin, Indonesia đã thay mới hầu hết lực lượng, đồng thời cách mạng luôn cả lối chơi.

Chỉ một trận hoà 2-2 với người Thái là chưa đủ để đánh giá trình độ các cầu thủ trẻ (trung bình 22 tuổi) mà ông Shin sử dụng, nhưng điều quan trọng nhất, họ đã sớm thể hiện sự lạnh lùng, tự tin trong những pha dàn xếp phản công - ăn bàn. Cả hai bàn thắng của Kadek Agung và Evan Dimas đều là những pha bóng thuộc hàng mẫu mực về chạy chỗ và dứt điểm.

G_indo_-1623026092283.jpg

Tất nhiên, Thái Lan không hội đủ quân như HLV Akira Nishino trông đợi, nhưng diễn biến trên sân cho thấy người Thái nhiều thời điểm đã ngỡ ngàng, bối rối, thậm chí sợ hãi khi Indonesia tăng tốc. Cách những cầu thủ độ tuổi SEA Games của Indo đi tìm khoảng trống và chiếm lĩnh nó chỉ ra rằng tư duy chơi bóng của họ đã được cải thiện đáng kể, trên cái nền tảng tinh thần không hề vướng gợn vì áp lực.

Chất lượng kĩ thuật cũng là thứ được nâng cấp rõ rệt từ khi ông Shin Tae-yong đến. Nó có thể làm thay đổi dần hình ảnh về một Indonesia thô ráp, tiếp cận trận đấu bằng cách phá “bài” của đối phương, luôn tìm cách đẩy cuộc chơi vào va chạm và tranh thủ các tình huống phát sinh từ điểm nóng.

Trong quá khứ, các HLV tuyển Việt Nam đều biết rõ Indonesia rất ít chiêu, thậm chí vô chiêu, nhưng vẫn thường phải đón nhận kết quả bất lợi vì cầu thủ chúng ta hay thua thiệt trước lối đá rát của họ. Đó là lý do chúng ta phải chờ đến 20 năm (1999 – 2019) mới lại có một chiến thắng trước Indonesia ở cấp độ đội tuyển. Và tác giả của chiến thắng ấy, không ai khác, là ông Park.

Việt Nam – Indonesia: Cuộc đấu trí của hai “ông thầy” Hàn Quốc -0

 

Ông Park có đến hai lần đánh bại Indonesia, một trong số đó là chung kết SEA Games 2019, giúp U23 Việt Nam lần đầu tiên có được HCV tại kỳ Đại hội thể thao Đông - Nam Á.

Nói ông “mát tay” quả không sai, mà nói ông nhìn nhận, phân tích đúng điểm mạnh, yếu của Indonesia lại càng xác đáng. Từ khi thầy Park Hang-seo cầm quân, các đội tuyển Việt Nam gặp Indonesia luôn chủ động thoát khỏi sự truy cản, khiêu khích của đối thủ, kiên nhẫn duy trì nhịp độ do mình tạo ra và tận dụng tốt các tình huống hàng phòng ngự của họ mất tập trung.

Nó khác hẳn với cái hoang mang vỡ trận ngay tại Mỹ Đình hồi Tiger Cup 2004 thời HLV Edson Tavares. Nó khác hẳn với cái tức tưởi, bế tắc của lứa Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh… từng gặp năm 2013 khi còn là học trò thầy Giôm (Guillaume Graechen) tuổi U19. Nó cũng khác hẳn với nỗi chua chát của Quế Ngọc Hải – bất đắc dĩ phải khoác áo thủ môn khi bị loại ở bán kết AFF Cup 2016… Indonesia từng đá văng chúng ta khỏi các mục tiêu lớn như vậy đó!

VN_1-1623026092973.jpg

Nhưng Park Hang-seo đến, và vẫn với những con người từng bạc nhược dưới tay Miura, vụn vỡ trong nhiệm kỳ Hữu Thắng…, ông biến họ thành đội bóng bất khả chiến bại ở Đông - Nam Á. Bây giờ, đội bóng ấy được cả châu Á đặt ở thế thượng phong trong trận lượt về đêm 7/6. Người hâm mộ nước nhà cũng mong mỏi tuyển Việt Nam sẽ thắng, thậm chí là thắng đậm Indonesia để giành thêm lợi thế trong cuộc đua World Cup.

Dù vậy, ông Park đã nhận thấy sự nguy hiểm của một Indonesia trẻ trung, táo bạo trong những trận giao hữu với Afghanistan, Oman. Ông cũng tận mắt chứng kiến đồng nghiệp Nishino nhận về kết cục thế nào khi đánh giá sai sức mạnh xứ Đảo. HLV người Nhật xếp một đội hình lạ lẫm với những Supachai, Supachok, Thitipan, Tristan Do… ngồi dự bị, để rồi phá sản mục tiêu tối thượng. Suýt thua trận này, Thái Lan gần như ném đi cơ hội giành ngôi nhất bảng.

Đó là một bài học đầy sống động cho các tuyển thủ Việt Nam. Trong các buổi tập gần nhất, họ được Ban huấn luyện “nhồi” đến nơi đến chốn các tình huống đối phó với cách chơi không bóng của Indonesia, mà Dimas (6), Maulara (10), Yudo (9) là những nhân tố thoắt ẩn thoắt hiện. Trong triết lý Park Hang-seo, dù biết rõ chúng ta cần bàn thắng để xây chắc ngôi đầu và kéo vạch đích gần lại, việc “giữ nhà” vẫn luôn là ưu tiên số một.

Sub_title_Ai_se_giu_nha-1623026093458.jpg

Đấy là một trăn trở lớn của ông Park, mà thực tế nó xuất hiện từ rất lâu trước khi quyết định không triệu tập Văn Lâm. Mặc nhiên nếu Lâm đến UAE, anh sẽ được ưu tiên suất chính, vấn đề có giữ được vị trí hay không chỉ phụ thuộc vào trạng thái của anh mà thôi.

Nhưng ông Park, một người cũng có chuyên môn kha khá về bắt bóng, một người quan tâm tiểu tiết đến mức tự mình thị phạm cho Văn Hoàng dù bên cạnh vẫn có trợ lý thủ môn, thừa hiểu khó khăn của Văn Lâm khi hơn nửa năm không được chơi một trận đấu đúng nghĩa nào. Giờ chót trước khi lên đường, ông bổ sung một thủ môn nữa, nghĩa là đã dự tính đến bất trắc cuối cùng.

G_ai_gac_den-1623026091692.jpg

Lúc này, Tấn Trường có lẽ sẽ là lựa chọn trong khung gỗ, bởi so với Văn Toản, Văn Hoàng, anh dạn dày hơn hẳn về kinh nghiệm thi đấu quốc tế (dù trong đó không ít kinh nghiệm đớn đau). Từ chỗ tưởng như đã treo găng giải nghệ, thủ thành quê Đồng Tháp “bẻ lái” đầy bất ngờ và toả sáng cũng bất ngờ không kém trong màu áo CLB Hà Nội. Khi Nguyên Mạnh của nhà đương kim vô địch Viettel bị phớt lờ, không ai xứng đáng hơn Tấn Trường để ông Park đặt niềm tin.

Việt Nam – Indonesia: Cuộc đấu trí của hai “ông thầy” Hàn Quốc -0

Chốt “gác đền” dù khó vẫn tìm ra lời giải, nhưng chấn thương của Hùng Dũng thì thực sự không có người thay thế. Để trám lỗ hổng này, HLV Park Hang-seo đã phải xoay các quân bài theo nhiều hướng, lắp ghép chúng thành nhiều mảng, phục vụ những mục đích khác nhau.

Thiếu Hùng Dũng là thiếu đi mẫu tiền vệ tất cả trong một: thu hồi bóng, chuyền bóng, giữ nhịp, phát động tấn công, thậm chí đảm nhiệm luôn việc ghi bàn. Hùng Dũng là điển hình cho khái niệm tiền vệ trụ đa năng, ít nhất trong phạm vi Đông - Nam Á. Có Hùng Dũng ở trên sân, người đá cặp với anh cũng thảnh thơi hơn, mà Đức Huy ở trận lượt đi với Indonesia là một ví dụ.

Nhưng may mắn cho ông Park là cặp tiền vệ trung tâm Tuấn Anh -Xuân Trường được Kiatisuk hồi sinh ở HAGL vừa kịp lúc. Tuấn Anh vẫn còn dư âm chấn thương, Xuân Trường thì có giai đoạn phải tập riêng, nhưng họ đã ở trạng thái sẵn sàng xung trận. Bộ đôi này vẫn cần cải thiện khả năng phòng ngự, nhưng đây là thời điểm họ đang hứng khởi với nhiệm vụ tấn công.

Việt Nam – Indonesia: Cuộc đấu trí của hai “ông thầy” Hàn Quốc -0

Để tăng cường tuyến giữa, Công Phượng sẽ được đá lùi phía sau Văn Toàn như cách Kiatisuk dùng anh trên phố Núi. Đây cũng là phương án được tính đến bởi thầy Park rất cẩn thận trước miếng phản công của các tiền vệ Indonesia. Bù lại, Tiến Linh, Quang Hải… sẽ phải di chuyển rộng để thoát sự đeo bám từ hậu vệ đối thủ, và khi cần, chúng ta hoàn toàn sử dụng được vũ khí sút xa.

Hiện tại, tuyển Việt Nam không thiếu “hoả lực” tầm 20, 25m. Tiến Linh từng lập siêu phẩm vào lưới UAE, Công Phượng, Xuân Trường, Minh Vương, kể cả Văn Toàn cũng sút thành công hàng tuần ở V.League… Đó là chưa tính đến các tình huống cố định, điểm mấu chốt giúp chúng ta phá vỡ thế bế tắc trong 2 lần gặp Indonesia gần nhất.

Nhìn Thái để tự răn mình, nhưng cũng nhìn chính mình để thấy cán cân đối mặt đang ngày càng xoay chuyển nhiều lợi thế, tuyển Việt Nam trong vai người chinh phục đã sẵn sàng vào cuộc, bất chấp ngọn núi lửa Indonesia đột ngột phun trào. Một chiến thắng, dù với cách biệt tối thiểu cũng đủ mở ra cánh cửa thênh thang cho thầy trò ông Park, đồng thời đẩy UAE, Thái Lan và Malaysia vào thế phải loại bỏ lẫn nhau

Việt Nam - Indonesia: Cuộc đấu trí của hai “ông thầy” Hàn Quốc ảnh 10

Ngày xuất bản: 07-06-2021

Nội dung: ĐỨC ANH

Ảnh: THIỀU ANH

Đồ họa: ANH NGUYÊN