BÀI DỰ THI "HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH"

25 năm dẫn đường trên biển

25 năm tuổi quân, 25 năm ở nhà giàn, 25 năm gắn bó với máy thông tin I-com sóng cực ngắn, để truyền những bức điện duy trì mối dây liên lạc từ nhà giàn về đất mẹ. Bao nhiêu đêm thức trắng, bao nhiêu công điện khẩn, bao nhiêu lần tay mỏi rã rời, nhưng rực cháy trong tim đại úy Hồ Thế Công (chiến sĩ báo vụ nhà giàn DK1/3 tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân) luôn là một quyết tâm: dù bất kỳ hoàn cảnh nào, sự kết nối này vẫn phải được bảo đảm thông suốt.

"Những ngày tháng bám biển, chiếc máy thông tin luôn là người bạn đồng hành cùng tôi. Biển đã ngấm vào máu thịt tôi, nó là quê hương thứ hai của người lính thông tin nhà giàn DK1. Sống ở biển, vui buồ
"Những ngày tháng bám biển, chiếc máy thông tin luôn là người bạn đồng hành cùng tôi. Biển đã ngấm vào máu thịt tôi, nó là quê hương thứ hai của người lính thông tin nhà giàn DK1. Sống ở biển, vui buồ

25 năm "cho gà ăn"

"Đến giờ cho gà ăn rồi Công ơi!". "Ừ, để tao!". Tôi ngạc nhiên: "Cho gà ăn là gì thế?"."Anh cứ vào đây thì biết". Kéo ghế ngồi, Công khởi động máy I-com. Tay trái cầm tổ hợp, Công gọi: "Sông Lam 01, Sông Lam 01". Từ đầu dây bên kia, giọng nữ nhân viên báo vụ trả lời: "Sông Lam chờ, có TK". "OK, chờ!"-Công đáp lại.

Công choàng tai nghe ốp chặt hai tai, tay phải cầm ma-níp ấn lên ấn xuống. Những tiếng "tít tít" phát ra liên hồi. Cứ thế, hơn ba giờ đồng hồ liên tục, Công miệt mài thu tín hiệu từ đất liền. "Ở nhà giàn quanh năm sóng gió, bọn tôi phải đặt tên các con vật cho vui và đỡ nhớ đất liền. Khi có mục tiêu máy bay lạ xuất hiện thì gọi là "đại bàng tới". Liên lạc với đất liền thì gọi là "cho gà ăn"" - Công chia sẻ.

Để dẫn đường cho những con tàu từ đất liền ra biển, đảo và ngược lại, những người lính thông tin truyền dẫn tín hiệu trên các nhà giàn DK1 phải trực liên tục 24/24 giờ một ngày. Dù công việc không nặng nhọc, chân tay, nhưng vô cùng căng thẳng và thường xuyên thức trắng đêm, nhất là mỗi khi có tàu, thuyền, máy bay của nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển. "Trong bất kỳ điều kiện thời tiết mưa nắng hay bão giông, thông tin liên lạc phải thông suốt và an toàn", đó là nhiệm vụ "bất biến" của lính thông tin.

25 năm "cho gà ăn" và đi hầu hết 15 nhà giàn DK1, Công không nhớ bao đêm thức trắng và bao nhiêu lần mở máy trực canh 24/24 để theo dõi những mục tiêu lạ, khi có tàu nước ngoài hoạt động thăm dò trái phép tại vùng biển thềm lục địa DK1. Song, sự kiện nhà giàn DK1/3 đổ tháng 12-1990, cuốn trôi xuống biển tám cán bộ, chiến sĩ và làm ba đồng đội của anh hy sinh thì không thể nào quên.

Khi ấy, Công là chiến sĩ báo vụ số 2 của nhà giàn DK1/3. Chiều ngày 4-12-1990, cơn lốc bất ngờ ập tới. Lệnh từ đất liền, cán bộ, chiến sĩ làm tốt công tác chuẩn bị rời nhà khẩn cấp. Trời tối đen như mực, sóng đánh trùm qua sàn công tác, gió giật ầm ầm. Dây ăngten bị đứt, thông tin vô hiệu. Làm thế nào để liên lạc với đất liền? Trong tiếng thét gào của gió bão, Công mặc áo phao, đội mưa trèo lên cầu thang, lần mò nối dây ăng-ten. Thông tin liên lạc được nối liền, những bức điện chuyển về đất liền kịp thời. "Mặc dù thông tin liên lạc thông suốt, công tác chỉ huy tác chiến không bị gián đoạn, nhưng đến rạng sáng ngày 5-12, nhà giàn không trụ được trước những con sóng dữ. Khi xuống biển, tôi đã xé áo làm cờ tín hiệu mong tàu phát hiện và đến cứu. Ba đồng đội tôi đã nằm lại biển khơi trong trận bão tố này. Anh Quảng lúc đó là chính trị viên, đã nhường miếng lương khô cuối cùng và chiếc áo phao cho đồng đội rồi chìm vào lòng biển", giọng Công chùng xuống.

Trên khóe mắt của người lính 25 năm lăn lộn với biển cả rơm rớm nước. Anh nhìn qua ô cửa sổ như cố giấu đi cảm xúc: "Tôi không nghĩ mình lại còn sống đến bây giờ. Nói thật với anh, lính thông tin đi nhà giàn DK1 ngày ấy đồng nghĩa với sinh tử, tuy nhiên chẳng ai lùi bước!", Công nói chân thành.

Nằm trong mạng lưới canh biển, thông tin các nhà giàn DK1 có nhiệm vụ dẫn đường cho những con tàu. Tàu đi đến đâu, thông tin biết đến đó. Công khẳng định: "Tất cả các động thái hoạt động trái phép của tàu thuyền nước ngoài đều được kiểm soát chặt chẽ. Để không bỏ sót lọt mục tiêu, ngoài trực canh theo phiên, chúng tôi luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Trong mọi tình huống, không được đứt mạch máu liên lạc!".

"Biển đã ngấm vào máu thịt"

Đại úy Hồ Thế Công nhập ngũ năm 1989. Sau ba tháng huấn luyện thông tin hữu tuyến, Công được điều về Tiểu đoàn DK1 và ra nhà giàn DK1/3 nhận nhiệm vụ. Sau sự cố nhà giàn DK1/3 đổ tháng 12-1990, Công được cấp trên cho đi học nghiệp vụ trung cấp báo vụ, sau đó lại trở về Tiểu đoàn DK1 công tác. Biết đời mình sẽ gắn bó với nghề truyền tín hiệu và nhà giàn, năm 1994, Công cưới vợ gửi "ông bà già" rồi tiếp tục đi biển. 21 năm cưới vợ, nhưng gom lại, anh chỉ ở với vợ con khoảng gần hai năm. Lính thông tin thiếu, nên có khi nghỉ phép chỉ được 10 ngày, đơn vị gọi là đã phải lên đường.

Ngày con trai Hồ Thế Hải còn nhỏ, lần nào về quê nghỉ phép, anh cũng đem theo mươi mét dây thông tin. Hai đầu dây gắn vào ống bơ, con đứng trong nhà, bố ở ngoài vườn, a-lô với nhau làm thông tin liên lạc.

25 năm bám trụ nhà giàn, niềm vui lớn nhất của Đại úy Hồ Thế Công không phải là những tấm huy chương chiến công các hạng, mà là chuyện dẫn đường an toàn cho những con tàu, nối liền mạch máu thông tin giữa bờ và biển. Một sự cống hiến không mệt mỏi của người lính tận tụy với nghề. Đồng lương của 25 năm làm lính thông tin góp lại chỉ đủ xây ngôi nhà cấp bốn ở quê cho vợ con ở. Tiếp sức cho anh bám biển dài ngày và xoa dịu những đêm nhớ đất liền khắc khoải, là hình ảnh người vợ tảo tần và hai đứa con đang vững bước trên giảng đường Đại học Huế. Với anh Công, cuộc sống giữa biển khơi, bám trụ nhà giàn đầy những gian nan, nhưng lại là những năm tháng ý nghĩa nhất trong đời. Cuộc đời một người lính Cụ Hồ, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua...