Xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền

Ngày 9/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới". Theo đó, một trong những nội dung quan trọng của mục tiêu tổng quát, đó là hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị các tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền trung-Tây Nguyên đóng góp ý kiến đối với dự thảo Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".
Hội nghị các tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền trung-Tây Nguyên đóng góp ý kiến đối với dự thảo Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".

Nhà nước pháp quyền đề cao vị thế của Hiến pháp, pháp luật, coi đó là những chuẩn mực để Nhà nước, các cơ quan, nhân viên nhà nước, các tổ chức khác trong xã hội, các cá nhân tự ràng buộc mình, hoạt động theo chuẩn mực đó vì một xã hội có trật tự, ổn định, phát triển. Do vậy, trong Nhà nước pháp quyền những quan hệ xã hội nào cần điều chỉnh bằng pháp luật đều phải có pháp luật điều chỉnh. Nếu không có pháp luật thì không thể có Nhà nước pháp quyền. Tuy vậy, cũng không nên lạm dụng, pháp luật chỉ nên ban hành tới mức cần thiết (phải huy động và kết hợp nhiều công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác), phải quy định sao cho dễ hiểu, dễ thực hiện để bảo đảm sự an toàn về mặt pháp lý cho các tổ chức và cá nhân trong xã hội.

Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền phải được ban hành đầy đủ, kịp thời, có chất lượng cao, luôn phù hợp quy luật khách quan, thể hiện sự nhân đạo, phù hợp đạo lý, công bằng xã hội, có tác dụng thúc đẩy tiến bộ xã hội vì hạnh phúc của con người. Nếu có pháp luật, nhưng chất lượng thấp, kìm hãm sự phát triển của xã hội, gây nhiều bất lợi cho con người thì cũng không thể có Nhà nước pháp quyền. Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền phải bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất, phù hợp, được ban hành kịp thời với kỹ thuật pháp lý cao để thể hiện chính xác, đầy đủ ý chí nhân dân. Cần tạo cho pháp luật tính minh bạch, hợp lý, hợp tình, công bằng để bảo đảm lòng tin của mọi người đối với pháp luật, không nên đưa ra những biện pháp quá đáng, quá khích để bảo đảm sự tương quan giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Có pháp luật tốt, nhưng nếu không có sự tôn trọng và thực hiện pháp luật nghiêm minh thì cũng chưa có Nhà nước pháp quyền. Hiến pháp, pháp luật phải được thượng tôn, mọi hoạt động của Nhà nước, các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các lực lượng vũ trang và mọi công dân đều phải dựa trên cơ sở pháp luật, luôn phù hợp với pháp luật. Pháp luật do Nhà nước ban hành, nhưng luôn giữ vai trò thống trị đối với chính Nhà nước, các cơ quan, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Các tổ chức đảng, các đảng viên và tất cả các tổ chức, cá nhân khác đều phải tôn trọng và thực hiện pháp luật nghiêm minh. Mọi vi phạm pháp luật của bất kỳ chủ thể nào cũng đều phải bị xử lý theo pháp luật.

Thấm nhuần những tư tưởng trên về Nhà nước pháp quyền, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn chú trọng xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Do vậy, hệ thống pháp luật của đất nước từng bước được hoàn thiện, nhiều văn bản luật được ban hành và tổ chức thi hành nghiêm minh đã phát huy tốt vai trò trong đời sống xã hội. Tuy vậy, hệ thống pháp luật nước ta vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, "còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn", "Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập. Năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế; chất lượng luật pháp và chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp". Việc thi hành pháp luật cũng chưa thật tốt, "chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế, năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp"...

Những hạn chế, khiếm khuyết nói trên đòi hỏi toàn Đảng phải nghiêm túc nhìn nhận, nỗ lực phấn đấu để khắc phục, tiếp tục lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.

Đối với công tác xây dựng pháp luật cần "đẩy mạnh việc hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới". Để nâng cao hơn chất lượng của công tác lập pháp nói riêng, của pháp luật nói chung, trước hết đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm luật và sửa đổi luật, trong đó cần chú trọng những giải pháp cơ bản sau:

Nâng cao hơn nữa chất lượng dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trên thực tế có dự thảo luật khi trình Quốc hội chất lượng chưa cao. Để khắc phục tình trạng trên, sau khi dự thảo luật được hoàn thành cần có thủ tục "đánh giá ngoài", nhận xét, phản biện bắt buộc của Mặt trận Tổ quốc và của những chuyên gia độc lập (những tổ chức, cá nhân không trực tiếp chuẩn bị dự thảo luật). Như vậy, việc đánh giá sẽ khách quan hơn và dự án sẽ được xem xét, nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau, vừa bảo đảm tính dân chủ, vừa nâng cao được chất lượng dự thảo luật.

Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả làm việc của ĐBQH và các Ủy ban của Quốc hội. Công việc của Quốc hội chủ yếu được giải quyết bởi các Ủy ban và ĐBQH, nhất là các đại biểu chuyên trách. Với cách tổ chức và hoạt động như hiện nay, nên nghiên cứu cơ chế huy động trí tuệ của những người không phải là ĐBQH, tham gia bắt buộc vào hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội. Đó có thể là những người đang làm công tác nghiên cứu, giảng dạy hoặc đang hoạt động thực tiễn... có uy tín nhất về lĩnh vực pháp luật đó. Nếu được chỉ định là thành viên của Ủy ban nào đó, họ sẽ được tham dự các kỳ họp của Ủy ban, được phát biểu, tranh luận... về dự thảo luật, nhưng không có quyền biểu quyết với tư cách là một ĐBQH. Kể cả những người đang làm trong các cơ quan hành chính, tư pháp... nhưng không phải ĐBQH cũng có thể được tham gia vào hoạt động của một Ủy ban nào đó của Quốc hội, để có thể đóng góp công sức, trí tuệ cho Quốc hội mà không rơi vào tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" của một số ĐBQH như hiện nay.

Thực hiện tham vấn bắt buộc về các dự án luật đối với các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy luật. Nước ta có khá nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật, luôn có đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học chuyên sâu đối với các lĩnh vực pháp luật khác nhau, song do không có cơ chế ràng buộc bắt buộc nên hiệu quả sử dụng trí tuệ của đội ngũ nói trên chưa cao. Thiết nghĩ, nên có cơ chế các Ban soạn thảo phải tham vấn bắt buộc đối với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật và các cơ sở được tham vấn phải được trả kinh phí và có trách nhiệm với ý kiến tham vấn của mình. Tóm lại, là phải có cơ chế thu hút, huy động, trọng dụng mọi khả năng có thể, nhất là trí tuệ của những tầng lớp tinh hoa, nhân tài trong xã hội tham gia "Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững".

Cần "gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật". Đầu tư hợp lý các nguồn lực, nhất là về nguồn lực con người có năng lực chuyên môn, có đủ phẩm chất, uy tín cho các cơ quan có trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật.

Xây dựng lối sống theo pháp luật, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm, thực hiện không đúng quy định pháp luật. Muốn có thói quen "sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật" thì trước hết phải cưỡng bức, phát huy vai trò trừng phạt của pháp luật, buộc mọi tổ chức, cá nhân phải tuân theo pháp luật, hành vi tuân theo pháp luật được tiến hành lâu dần mới thành thói quen tuân theo pháp luật. Tăng cường kỷ luật, trách nhiệm đối với các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm tổ chức thi hành, theo dõi thi hành pháp luật, đồng thời nâng cao chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để họ toàn tâm, toàn ý vào thi hành công vụ, có biện pháp xử lý các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.