NHỮNG ĐIỂM SÁNG VÙNG BIÊN
Đầu năm 2023, chúng tôi đến huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng khi khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng đã đi vào hoạt động ổn định với hàng chục dự án, đề án trị giá gần 10 nghìn tỷ đồng. Một trung tâm xuất nhập khẩu quốc tế, một đô thị vùng biên giàu bản sắc, điểm đến của du lịch quốc gia và quốc tế, trung tâm giao thông, hậu cần vận tải vùng đã hiện lên khiến ít ai ngờ rằng, cách đây chưa lâu vùng đất này còn không ít khó khăn, thiếu thốn.
Bí thư Huyện ủy Nông Thị Hà (nay là Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Cao Bằng) cho biết, kể từ năm 2009, sau khi tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc, địa phương đã phát huy lợi thế là huyện biên giới, có vị trí trọng yếu về an ninh-quốc phòng và có cửa khẩu giao thương quốc tế để triển khai đồng loạt những chính sách tích cực nhằm phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, tạo đà bứt phá để xây dựng địa phương trở thành một đô thị kiểu mẫu vùng biên.
Đồng chí Lương Đức Tố, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nguyên Phó Chủ tịch huyện Quảng Hòa nhớ lại, nhờ nhận được sự đầu tư của Nhà nước và địa phương trong việc xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu, nên từ năm 2012, lãnh đạo huyện đã mạnh dạn làm việc với chính quyền huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để tổ chức hàng loạt sự kiện như Hội chợ Triển lãm thương mại quốc tế Việt - Trung với chủ đề “Hợp tác - Hữu nghị cùng phát triển”, Hội đàm “Hợp tác phát triển thương mại biên giới”...
Qua đó, đã giới thiệu các quy hoạch du lịch, vùng trồng các cây thế mạnh của địa phương và làm trung gian kết nối giữa các doanh nghiệp hai bên để ký kết thỏa thuận hợp tác, tập trung vào xuất khẩu nông sản, thủy sản đông lạnh qua cửa khẩu Tà Lùng.
Đến nay, Quảng Hòa đã có hàng trăm dự án trồng chuối, mía xuất khẩu trên diện tích hàng chục nghìn ha, tạo nên sinh kế mới ổn định, giá trị kinh tế cao cho nhân dân trong huyện, qua đó thúc đẩy thêm mối quan hệ thân tình giữa nhân dân hai nước.
Cũng trên đà đi tới “miền núi bắt kịp miền xuôi” như Quảng Hòa, nơi ngã ba biên giới A Pa Chải, đồng bào Hà Nhì nơi đây cũng như hàng trăm bản làng của đồng bào Mông, Dao, Thái, Cống, Shi La... khu vực biên giới Điện Biên hôm nay đã và đang có được cuộc sống mới nhiều khởi sắc nhờ sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương và hiệu lực, hiệu quả từ Luật BGQG. Trên cơ sở Luật, Nhà nước đã tập trung đầu tư và huy động các nguồn lực, sức mạnh để phát triển kinh tế, thương mại, an sinh xã hội, thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
Đề án “Sắp xếp ổn định dân cư khu vực biên giới” tại Điện Biên là một trong số 298 dự án, chương trình phát triển kinh tế ở khu vực biên giới được triển khai. Từ đó, gần 2.000 hộ gia đình định canh định cư, ổn định sản xuất, hàng trăm ha ruộng lúa nước được khai hoang phục hóa, hàng nghìn ha rừng vành đai biên giới được trồng mới cùng nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con.
Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, ông Pờ Dần Xinh, Bí thư Ðảng ủy đầu tiên xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé hồ hởi kể về quá trình vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc. Theo ký ức của ông, vào những năm 2000, Sín Thầu vẫn luôn tiềm ẩn nhiều vấn đề nhức nhối, phức tạp về an ninh trật tự, di dịch cư tự do, vượt biên trái phép... nhưng rồi một ánh sáng mới đã soi đường cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trên cơ sở các đề án hỗ trợ của Chính phủ, xã Sín Thầu đã xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đồng thời triển khai kịp thời, minh bạch các gói hỗ trợ đến nhân dân, tạo niềm tin và động lực để bà con phát huy vai trò của mình trong các phong trào thi đua yêu nước. Nhờ đó, từ một xã nghèo, Sín Thầu đã cán đích Nông thôn mới năm 2020, trở thành ngọn cờ đầu của huyện Mường Nhé.
ÁNH SÁNG TỪ MỘT VĂN BẢN LUẬT
Sự khởi sắc đáng ghi nhận của huyện Quảng Hòa hay xã Sín Thầu là một trong hàng ngàn minh chứng rõ nét về ý nghĩa và hiệu lực, hiệu quả qua 20 năm triển khai Luật BGQG. Luật BGQG là căn cứ pháp lý để phân giới cắm mốc với các nước láng giềng. Trên tuyến biên giới đất liền, Việt Nam đã ký kết 7 văn kiện pháp lý về biên giới với các nước láng giềng và tiến hành phân giới cắm mốc được 5.019 cột mốc, cọc dấu. Nước ta đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, công tác tôn tạo, tăng dày cột mốc trên tuyến Việt Nam-Lào và đang cùng nước bạn Campuchia nỗ lực hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên đất liền.
Hội phụ nữ Bộ đội Biên phòng Kon Tum tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình cho hội viên phụ nữ xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi. |
Chuyện phân giới cắm mốc không chỉ là việc hệ trọng của hai quốc gia, mà còn là việc lớn của người dân biên giới hai nước bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến thửa ruộng, mảnh vườn hay cánh rừng của họ. Ông Hai Bé ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, An Giang là một người có uy tín với nhân dân hai bên biên giới, được ông Sổm Pon, chủ tịch xã Tà Ô, huyện Kiri Vong, tỉnh Takéo (Campuchia) nhận làm anh nuôi.
Ông bảo: “Nhà tui có ba chục công ruộng giáp đất ông Lên phía bên Campuchia. Trước giờ làm ruộng gần nhau nên qua lại thân thiết. Giờ biên giới được phân định. Ruộng ai nấy làm, xưa giờ không thay đổi”. Còn ông Pon, người em nuôi “ngoại quốc” của ông Bé cũng cho biết có hơn 100 hộ dân của hai xã tham gia canh tác dọc đoạn biên giới này và ai cũng có ý thức giữ gìn và bảo vệ đường biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như giữ gìn tình cảm láng giềng tốt đẹp.
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP cho biết: “Luật BGQG đã tạo động lực phát triển mới trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, làm cho biên giới giàu mạnh, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới ngày càng được cải thiện. Luật cũng là cơ sở pháp lý để BĐBP và các lực lượng chức năng tổ chức duy trì kiểm tra, kiểm soát 206 cửa khẩu, lối mở, đường qua lại trên biên giới đất liền và cảng biển; kiểm tra, kiểm soát gần 800 triệu tấn hàng hóa xuất, nhập khẩu; kiểm soát hơn 15 triệu lượt người xuất, nhập cảnh, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động biên mậu, giao thương hàng hóa và du lịch, dịch vụ”.
Kể từ năm 2008 đến nay, các tỉnh đã triển khai xây dựng 18 khu kinh tế ven biển, tạo điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số khu kinh tế như Nghi Sơn (Thanh Hóa), Chu Lai (Quảng Nam), Vân Đồn (Quảng Ninh), Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng)... phát triển mạnh, trở thành hạt nhân tăng trưởng không chỉ tại địa phương mà của cả khu vực.
Cùng với đó, sức bật của 26 khu kinh tế cửa khẩu trên biên giới đất liền cùng 267 cụm công nghiệp hoạt động ở khu vực biên giới cũng đã phát huy được ưu thế, bảo đảm sản xuất và nâng cao đời sống cho người dân trong khu vực, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, giữa vững trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.
Cùng với đầu tư phát triển công nghiệp, Đảng, Nhà nước, địa phương biên giới đã có nhiều chính sách tổng thể để thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, tạo “cú hích” để biên giới thật sự chuyển mình, từng bước nâng cao điều kiện sống, xóa nghèo bền vững; thu hẹp chênh lệch vùng miền một cách toàn diện ở khu vực nông thôn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, đã có 100% các xã, phường, thị trấn biên giới có đường ô-tô đến trung tâm và có điện lưới quốc gia, 95% thôn bản được phủ sóng điện thoại di động, 94% số hộ thoát nghèo; 95% số hộ thoát cận nghèo.
Qua 20 năm, có thể khẳng định Luật BGQG đã góp phần tạo tiềm lực về chính trị, tinh thần, quân sự, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.