Về vấn đề phục dựng và tái hiện lễ hội

NDO - Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thường xuyên tổ chức những lễ hội, những sự kiện văn hóa hoành tráng trong các dịp lễ, Tết hoặc trong các dịp kỷ niệm những sự kiện trọng đại của đất nước và địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người dân và phục vụ phát triển du lịch.

Ðể phục vụ các "lễ hội đương đại", nhiều di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các lễ hội truyền thống, đã được phục dựng, tái hiện rất quy mô, góp phần làm cho "bức tranh lễ hội" ở Việt Nam trở nên phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, không phải ở đâu và khi nào việc phục dựng, tái hiện các lễ hội truyền thống; việc khai thác các di sản văn hóa để phục vụ cho các sự kiện văn hóa, các "lễ hội đương đại" nói trên cũng mang tính tích cực. Ngược lại, do thiếu hiểu biết về di sản văn hóa, do xu hướng thương mại hóa và chính trị hóa hoạt động lễ hội nên việc phục dựng, tái hiện các lễ hội truyền thống đã có những bất cập, tạo nên những hệ lụy không mong đợi, gây phản ứng xấu trong dư luận và cộng đồng.

Theo chúng tôi, những bất cập trên là do những nguyên nhân sau: Nội dung và hình thức tổ chức của nhiều lễ hội đã bị làm sai lệch vì các lý do khác nhau, chẳng hạn, người ta sẵn sàng cắt bỏ những nội dung quan trọng của lễ hội truyền thống, sẵn sàng thay đổi không gian và hình thức tổ chức lễ hội vì lý do thương mại hay thay đổi thời gian tổ chức lễ hội chỉ vì lý do truyền hình trực tiếp; Ðặt quá nhiều mục tiêu cho việc phục hồi một lễ hội nên không đáp ứng được mục tiêu nào; nhiều hình thức diễn xướng dân gian đã bị tách khỏi môi trường nguyên thủy, bị sân khấu hóa, nên bị xơ cứng, giả tạo và thiếu sức sống; chủ thể của lễ hội không nhất quán, thậm chí ngay trong cùng một cuộc lễ; nhiều nghi thức truyền thống bị loại bỏ hoặc được thay thế bằng những biến tướng; nhiều loại trang phục, đạo cụ truyền thống sử dụng trong lễ hội bị thay thế bởi trang phục, phương tiện, thiết bị hiện đại, không đúng với nguyên gốc, v.v.  thêm vào đó, người tham dự lễ hội không còn đóng vai trò là chủ thể trong lễ hội, là đối tượng sáng tạo nên di sản văn hóa mà trở thành khách thể, là những người thưởng thức, sử dụng di sản văn hóa, thậm chí còn trở thành "những kẻ tước đoạt văn hóa" như những kẻ "cướp ấn" trong lễ hội đền Trần ở Nam Ðịnh.

Thực trạng trên đã khiến cho "bộ mặt" của lễ hội ngày càng nhếch nhác, phản văn hóa. Nhiều di sản văn hóa, cả vật thể lẫn phi vật thể, bị "huy động" để phục vụ cho các "lễ hội" kiểu này đã đánh mất hình thái nguyên thủy, dẫn đến việc đánh mất tính chân xác (autenthicity) của nó, mà lẽ ra, phải được bảo toàn theo yêu cầu Luật Di sản văn hóa của Việt Nam và theo các công ước của UNESCO về bảo vệ tính chân xác của di sản văn hóa phi vật thể.

Chúng tôi không phản đối quan điểm cho rằng cần phải phục hồi, tái hiện các lễ hội truyền thống trong bối cảnh đương đại để phục vụ cho các nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân và phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, mỗi khi phục dựng, tái hiện lễ hội thì cần phân biệt rõ việc làm đó phục vụ cho cộng đồng hay cho sự phát triển du lịch.

Nếu phục hồi lễ hội vì nhu cầu tâm linh hay vì ý nghĩa nhân văn sâu sắc của lễ hội thì cần phải tuân thủ về nghi thức, thời gian, địa điểm hành lễ, phải tôn trọng tính chân xác của lễ hội, để tránh cung cấp cho người dân những cách nhìn lệch lạc về lễ hội. Ðó phải là một lễ hội thật sự và người dân đóng vai trò chủ thể, chính quyền chỉ đóng vai trò ủng hộ, hỗ trợ.

Nếu phục vụ cho việc phát triển du lịch thì chấp nhận hình thức sân khấu hóa và thương mại hóa, nhưng phải "để" cho công chúng biết rằng đây là lễ hội phục dựng, chứ không phải là một lễ hội "chân truyền".

Cần phải tôn trọng tính chân xác của lễ hội, từ địa điểm, không gian, thời gian tổ chức đến hình thức diễn xướng, trang phục, đạo cụ, nội dung văn tế mỗi khi phục hồi, tái hiện lễ hội để phục vụ đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân hay để phục vụ phát triển du lịch. Phải xác định rõ chủ thể của lễ hội để có những giải pháp giữ nguyên trạng hay thay thế trong từng lễ hội cụ thể mỗi khi tiến hành phục dựng, tái hiện lễ hội. Cần xác định giá trị gốc, tiêu chí nhận dạng và các biểu hiện đặc trưng của các lễ hội để tránh tình trạng làm sai lệch và biến dạng lễ hội mỗi khi khai thác và sử dụng.

Sau cùng, chúng tôi cho rằng, cần phải duy trì sự tồn tại của lễ hội trong lòng cộng đồng, trong môi trường nguyên thủy mà lễ hội đã nảy sinh và tồn tại; luôn tạo điều kiện cho cộng đồng bảo vệ, tổ chức khai thác và phát huy các mặt tích cực của lễ hội và hạn chế những tiêu cực mà lễ hội có thể mang lại. Không nên vì mục đích thương mại, vì vấn đề "nguồn thu" từ lễ hội mà sẵn sàng bịa đặt, "vẽ rắn thêm chân" như đã xảy ra trong nhiều lễ hội ở một số địa phương trong thời gian gần đây.