Nhà văn Ngô Thảo:

Nên coi giải thưởng là cuộc chơi của những người làm nghề

Bàn sâu về chất lượng giải thưởng của các hội Văn học nghệ thuật (VHNT), với góc nhìn của một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhà văn Ngô Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đã chia sẻ với chúng tôi những đánh giá, phân tích và đề xuất một số giải pháp cải thiện tình hình.

Không biết đến bao giờ, chúng ta mới lại có được một Lưu Quang Vũ trong sân khấu, với khả năng bám sát đời sống và đầy tính dự báo.
Không biết đến bao giờ, chúng ta mới lại có được một Lưu Quang Vũ trong sân khấu, với khả năng bám sát đời sống và đầy tính dự báo.

Tôi muốn nhấn mạnh giá trị của giải thưởng

- Xin được hỏi thẳng, ông có quan tâm tới hệ thống giải thưởng hằng năm của các hội VHNT nhằm vinh danh và tôn vinh các cống hiến cũng như nỗ lực sáng tạo của đội ngũ tác giả nước nhà?

- Không chỉ riêng tôi mà nhiều văn nghệ sĩ khác cũng không còn mặn mà với hệ thống giải thưởng này. Bởi giải thưởng chẳng đáng là bao so với công sức đã bỏ ra. Một tiểu thuyết bỏ công viết 5 năm, in 1.000 bản, trao giải 5, 10 triệu đồng thì thật là không tương xứng. Trong khi đó, hãy thử nhìn vào Giải thưởng Nobel ở lĩnh vực Văn học là một triệu USD. Tất nhiên cả thế giới cũng chỉ có vài người thôi! Nhưng tôi muốn nhấn mạnh tới giá trị của giải thưởng dù sao cũng phải tương xứng với công sức và chất xám mà các văn nghệ sĩ đã tạo nên những tác phẩm đó. Trên thế giới, đã xuất hiện không ít các giải thưởng văn học dù không có giá trị vật chất cao nhưng chỉ cần tác giả đoạt được giải thưởng này, tác phẩm sau đó sẽ được in với số lượng lớn, đưa tên tuổi của nhà văn đi rất xa, không chỉ trong nước mà còn tới với độc giả ở các quốc gia khác. Ðó vừa là vinh dự đối với nhà văn, vừa bảo đảm cho tác giả có một cuộc sống bớt chật vật hơn.

- Ông cho rằng giải thưởng của các hội VHNT đang đi ngược lại xu thế trên thế giới?

- Với văn hóa đọc đang có chiều hướng đi xuống như hiện nay, rõ ràng, các nhà văn, nhà thơ đang gặp rất nhiều khó khăn. Giải cứ đều đặn được trao hằng năm nhưng thử hỏi, đã có tác giả nào giàu lên, nổi tiếng hơn từ giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam? Tôi tin, các tác phẩm sau khi đoạt giải, chúng ta có in cũng rất khó thu hút nhiều người đọc. Những công chức, viên chức mà tôi biết đọc không nhiều. Giới trẻ chỉ thích đọc truyện tranh, truyện ngôn tình, còn các cuốn tiểu thuyết được coi là chính thống lại chẳng được mấy ai yêu mến. Vì thế, mỗi lần nhắc đến giải thưởng, chúng ta cũng đừng làm mất lòng nhau. Nghe cay đắng quá mà phải nói thật là chưa bao giờ nước ta chi cho sáng tạo nghệ thuật ít ỏi như bây giờ. Một SEA Games mất mấy nghìn tỷ, trong khi hội sáng tác VHNT mấy chục tỷ là không nhiều. Ðể có được một vận động viên, chúng ta phải mất rất nhiều công đào tạo, đưa đi tập huấn nước ngoài, trong khi chúng ta đã mất đồng tiền nào để đào tạo người sáng tác văn học nghệ thuật?

- Chúng ta trao giải cho các tác giả mà không cần biết, công chúng có quan tâm, có xem hay đọc các tác phẩm đó sau khi được vinh danh, thưa ông?

- Ðều đặn hằng năm, các hội vẫn tiến hành trao giải thưởng cho các hội viên nhằm tổng kết, đánh giá thành quả lao động của một năm. Nhưng rõ ràng, sức lan tỏa, tiếng vang từ giải thưởng này đang ngày càng trở nên ít ỏi. Giải thưởng được trao hiện nay vẫn đang thực hiện theo lối “cả làng cùng vui”, mà không có một nghiên cứu, một khảo sát nào về chất lượng tác phẩm và sự quan tâm của công chúng đối với giải thưởng này.

Sự thay đổi cần đến từ hai phía

- Theo ông, là do đâu mà các giải thưởng từng một thời lừng lẫy của các hội VHNT nay lại bị quay lưng một cách đáng tiếc như thế?

- Giải thưởng hằng năm của các hội VHNT là nhằm ghi nhận những đóng góp của giới sáng tác đối với nền VHNT nước nhà qua từng năm. Nhưng mỗi thời mỗi khác, vai trò của VHNT cũng bị tác động bởi sự thay đổi này. Tôi nhớ, ngày trước, VHNT có vị trí lớn lao trong đời sống xã hội. Mỗi tác phẩm ra đời thường có tiếng vang rất lớn, còn bây giờ, VHNT đang chưa bao giờ yếu thế đến vậy, nhất là nghệ thuật chân chính. Những bộ phim nghiêm túc không mấy người xem, tiểu thuyết hay chỉ in được một nghìn bản, thơ vài trăm bản, trong khi đó chúng ta có gần 100 triệu dân cả trong và ngoài nước. Vì thế, những giải thưởng này cũng không nên đánh giá cao quá, chúng ta nên coi đó là cuộc chơi của giới làm nghề thay vì đặt nó vào đúng vị trí đáng lý giải thưởng phải thể hiện được vai trò của mình như đưa tên tuổi của một tài năng chớm nở đi xa hơn, bay cao hơn, làm bàn đạp cho người nghệ sĩ ấy đi tới chân trời mới trong sáng tác.

- Ông có đề xuất nào để thay đổi hiện trạng đáng buồn của hệ thống giải thưởng hằng năm của các hội VHNT?

- Ðể thay đổi cần cả hai bên. Các văn nghệ sĩ cần biết nhân dân đang cần gì? Gần 100 triệu người là hạnh phúc lớn của người làm văn hóa, chỉ cần 10 triệu người biết tên, vài triệu người mua sách của anh thì anh sẽ có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc, và cũng giúp đời sống của họ đỡ khó khăn hơn rất nhiều. Người làm văn hóa giống như người chèo đò, nếu anh nghiêng về bên thị trường quá sẽ làm con đò đi về phía tầm thường, nhưng nếu anh chèo nghiêng về bên chính thống quá sẽ làm con đò nghiêng về phía hàn lâm. Các nghệ sĩ cần bám sát đời sống của nhân dân và qua nhãn quan của người làm sáng tác mà thổi bùng lên ngọn lửa của lòng đam mê, thỏa mãn điều người đọc, người xem đang mong đợi.

Không biết đến bao giờ, chúng ta mới lại có được một Lưu Quang Vũ trong lĩnh vực sân khấu, nhưng điều cần ở người làm công tác VHNT là phải biết đánh trúng cái mà nhân dân đang cần, đang thiếu như tính dự báo, tính phát hiện và tính khái quát các hiện tượng đơn lẻ thành cái chung về xã hội đương thời. Còn Nhà nước lại cần tạo ra cơ chế để dân tộc cần đến văn hóa. Trong tình hình hiện nay, văn hóa nói chung và văn hóa đọc nói riêng đang có những vấn đề đáng báo động. Vì thế, để vực dậy chất lượng và uy tín của một giải thưởng không thể là chuyện của một hội, một liên hội mà là chuyện mang tầm vĩ mô, do cơ chế và chính sách của Nhà nước tạo ra nhằm thúc đẩy, khích lệ cái mới xuất hiện, tạo điều kiện tốt nhất cho văn nghệ sĩ được chuyên tâm sáng tác.

- Dù việc vực dậy giải thưởng hằng năm của các hội VHNT không thể một sớm một chiều nhưng ông có cho rằng, giá trị của giải thưởng được tăng lên cùng sự vào cuộc của các đơn vị xã hội hóa sẽ phù hợp trong tình hình hiện nay?

- Ðiều này cũng phải nghiên cứu và xem xét một cách thấu đáo. Rất hoan nghênh các doanh nghiệp đầu tư cho VHNT nhưng phải qua các cơ quan trung gian nghiêm túc chứ không phải vì mục đích quảng cáo. Còn thực hiện bằng hình thức đóng góp qua một quỹ độc lập đầu tư cho VHNT cũng tốt nhưng không đơn giản, vì hội đồng là ai, tặng cho ai lại là câu chuyện khá phức tạp, liên quan tới nhiều vấn đề. Tôi ủng hộ cách làm để các doanh nghiệp đóng góp vào các quỹ Nhà nước, người được giải cũng cách ly với thương hiệu đó, người có tiền cũng không khống chế được giải thưởng.

- Tiêu tốn tiền của của Nhà nước nhưng ít tiếng vang, ít sức lan tỏa, ông có đồng tình với ý kiến cho rằng, cần xem xét lại ý nghĩa của giải thưởng hằng năm của các hội VHNT?

- Tôi nghĩ rằng nên nhìn nhận và đánh giá thật công tâm, khách quan về vấn đề này. Giải thưởng hằng năm của các hội VHNT không thể mang ra so sánh với các giải thưởng gameshow, các cuộc thi truyền hình. Vì đó là những giải thưởng do thị trường quyết định. Chúng ta phải luôn nghĩ làm sao để việc trao các giải thưởng cho phù hợp. Thực tế, không có tài năng được tích tụ mà mỗi năm cứ dàn đều các giải thưởng. Nhưng định kỳ 5 đến 10 năm thì cần có những giải thưởng nổi bật. Giải thường niên chỉ mang tính chất động viên, nên tăng tiền chứ không giảm.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!