Dễ ít, khó nhiều

Tiếp tục bàn về câu chuyện chất lượng của hệ thống giải thưởng thường niên của các hội Văn học nghệ thuật (VHNT), nâng giá trị giải thưởng bằng phương thức xã hội hóa là một giải pháp được nhiều người nhắc đến để tăng sức hút và tạo ra sức lan tỏa lớn hơn cho các giải thưởng này. Dù mặt tích cực là điều không thể phủ nhận, song hiện thực hóa được ý tưởng này, thực tế, cũng không phải là điều đơn giản…

Xu thế tất yếu

Việc xã hội hóa giải thưởng là điều nhiều người mong đợi vì những lợi ích có thể nhìn thấy ngay trước mắt. Điều này được “chỉ mặt đặt tên” với nguồn kinh phí tổ chức rộng rãi hơn, đồng nghĩa với việc, giá trị giải thưởng sẽ được nâng lên và khả năng tập hợp đội ngũ sáng tác với các tác phẩm chất lượng hơn. Bên cạnh đó, với nguồn vốn rộng mở, ban tổ chức (BTC) sẽ có thể xây dựng nhiều hoạt động bên lề nhằm tạo ra sức lan tỏa cũng như tầm ảnh hưởng của giải thưởng tới đông đảo người dân. Đúng hơn, bằng việc xã hội hóa, giải thưởng hằng năm của các hội VHNT có cơ hội nâng tầm và không dừng lại ở phạm vi bó hẹp là cuộc chơi của giới làm nghề với mục đích ban đầu là động viên, khích lệ các tác giả, các nghệ sĩ say mê lao động, tạo ra những “đứa con tinh thần” gắn bó với cuộc sống của quần chúng nhân dân.

Theo NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, xã hội hóa giải thưởng còn tạo ra điểm hẹn văn hóa cho khán giả, chứ không chỉ dừng lại ở việc vinh danh các cá nhân. Chẳng hạn ở lĩnh vực biểu diễn như sân khấu, điện ảnh, múa, âm nhạc, các nhà tổ chức và các hội nghề nghiệp hoàn toàn có thể tạo nên các chương trình nghệ thuật thu hút người xem, thậm chí bán vé thu lợi nhuận. Đồng thời, ở các chương trình này, BTC sẽ lồng ghép việc tôn vinh các tác giả. Đó là cái lợi không thể phủ nhận khi Nhà nước và tư nhân bắt tay nhau thực hiện việc trao giải hằng năm cho các văn nghệ sĩ.

Theo chia sẻ của NSƯT Tống Toàn Thắng, xu hướng xã hội hóa các giải thưởng đã trở nên quen thuộc trên thế giới. Các cuộc thi xiếc quốc tế cũng được tiến hành theo cách này. Các nghệ sĩ tới với cuộc thi không chỉ được tranh tài, thể hiện tài năng mà còn là những người biểu diễn đem lại nguồn thu cho BTC. Thế nên, sau mỗi liên hoan xiếc quốc tế, khán giả của nước tổ chức vẫn ùn ùn kéo đến đêm diễn gala vinh danh các nghệ sĩ đoạt giải thưởng cao và cùng thưởng thức các tiết mục được đánh giá cao của kỳ liên hoan đó. Điều đáng ghi nhận ở việc xã hội hóa các giải thưởng là tạo ra một sân chơi lành mạnh cho các nghệ sĩ được tỏa sáng. Bởi những nghề nghiệp có tuổi nghề ngắn như xiếc, múa thì việc tôn vinh cần được làm thường xuyên và kịp thời hơn.

Theo họa sĩ Ngô Xuân Khôi, Nhà xuất bản Phụ nữ, việc xã hội hóa giải thưởng hằng năm của các hội VHNT là xu thế tất yếu. Bởi một trong những điều kiện khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới là phải giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước với các hoạt động nghệ thuật. Do vậy, chỉ trong nay mai, các ngành nghệ thuật sẽ phải ngắt ra khỏi “bầu sữa mẹ” - nguồn ngân sách nhà nước. Nếu xã hội hóa được các giải thưởng thì nghệ thuật sẽ tươi mới hơn, có động lực phát triển.

Tuy nhiên, cho tới nay, có thể nhận thấy, chưa có một hội nghề nghiệp nào thật sự rốt ráo trong việc thực hiện trao giải thưởng hằng năm cho các hội viên theo cách này. Thay vào đó, vẫn là lối tổ chức cũ kỹ, trông chờ vào ngân sách nhà nước để tiến hành các bước cần thiết. Do vậy, chất lượng của hệ thống giải thưởng này đang ngày một kém đi, và sự thờ ơ của công chúng và nghệ sĩ cũng là điều dễ hiểu.

Quá nhiều ràng buộc

Mặt khác, hệ thống quy định hiện thời cũng ít nhiều đang gây khó, khiến cho một số lãnh đạo hội dù đã cởi mở về tư duy vẫn thấy ngần ngại khi làm đề xuất hoặc lên ý tưởng về việc xã hội hóa giải thưởng hằng năm của các hội.

Với những loại hình có tầm ảnh hưởng lớn như ca nhạc, điện ảnh, âm nhạc, cách trao giải cũng không có gì mới, chứ đừng nói tới các loại hình có phạm vi ảnh hưởng ít hơn như mỹ thuật, sân khấu, văn nghệ dân gian… Vì thế, nhìn chung, các hội hiện nay vẫn đang “giậm chân tại chỗ” trong việc kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia tổ chức giải thưởng. Theo lý giải của NSƯT Tống Toàn Thắng, sự khó khăn trong việc xã hội hóa giải thưởng này có thể do doanh nghiệp chưa tin quyền lợi của họ sẽ được bảo đảm trong quá trình tổ chức giải thưởng này. Doanh nghiệp đầu tư về kinh phí nhưng lại không được quyết, không có quyền, không ưu đãi. Những ràng buộc về mặt quản lý nhà nước làm cho quá trình hợp tác khó có hiệu quả và dễ rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Cụ thể, đó là cách quản lý, tổ chức chưa quen với hành lang xã hội hóa.

Chưa kể, khi doanh nghiệp tham gia, chất lượng giải thưởng có thể sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho nhà tài trợ, làm ảnh hưởng tới chất lượng giải thưởng.

Những tham vọng về việc khuấy động một giải thưởng thường niên dường như đang gặp rất nhiều khó khăn khi các quy định, ràng buộc và hành lang thực hiện đang níu kéo những ai có mong muốn thay đổi. Hơn thế, với tuổi đời của các lãnh đạo hội hiện nay cũng ít nhiều làm giảm bớt sự năng nổ, đổi mới, bởi thói quen làm việc cố hữu đã in sâu. Do vậy, sự an toàn luôn được đặt lên hàng đầu.

Rõ ràng, đổi mới cách trao giải thưởng hiện nay để khuyến khích những tài năng VHNT được bộc lộ và đưa tác phẩm của họ đến gần hơn với công chúng đang là đòi hỏi cấp thiết đối với sự vận hành của hệ thống các hội VHNT. Thế nhưng, đặt trong bối cảnh hiện nay, còn rất nhiều rào cản khiến cho lộ trình xã hội hóa hệ thống giải thưởng này dường như vẫn đang ở vạch xuất phát.