Lực lượng lý luận, phê bình trẻ hiện nay

LTS - Hội nghị "Những người trẻ viết về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật" do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại hai khu vực phía nam và phía bắc mới đây đã đặt ra những vấn đề hết sức căn bản, đang thu hút sự quan tâm của không chỉ những người làm văn nghệ nói chung, lực lượng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng. Trong số báo trước (ra ngày 9-8-2015), chúng tôi đã giới thiệu bài viết của cây bút trẻ Phan Tuấn Anh về "Những giới hạn và tiềm năng" của lực lượng lý luận, phê bình trẻ hiện nay. Tiếp theo góc nhìn trách nhiệm, thẳng thắn và cởi mở ấy, cây bút trẻ Trần Thiện Khanh đề cập đến "Vị thế của người viết trẻ", và nhà văn Phong

Lực lượng lý luận, phê bình trẻ hiện nay

Vị thế của người viết trẻ

Nhìn chung, vị thế của người viết trẻ trong đời sống văn học hiện nay của chúng ta vẫn còn rất khiêm tốn. Truyền thông và giới chuyên môn từ lâu đã lên tiếng về tình trạng "biến mất" của người trẻ trong rất nhiều không gian văn học. Người ta nói rất nhiều về sự đổi mới trong các tổ chức nghề nghiệp, mà một trong những nhân tố tham gia tích cực làm nên sự đổi mới đó là người trẻ, nhưng cho dù dự án trẻ hóa có công phu và được kỳ vọng chừng nào thì đến nay người trẻ vẫn đứng ở vị thế yếu.

Nhận diện đội ngũ

Người ta nói nhiều về một luồng gió trẻ trung tươi mới sẽ được thổi vào các hội nghề nghiệp nhưng trên thực tế thì ngược lại. Không chỉ có khó khăn, con đường của người viết trẻ có cả sự nguy hiểm rình rập. Không phải họ không có trách nhiệm, không có năng lực để đổi mới, mà như một vài người cho biết, nếu họ tham gia cũng không cải thiện tình hình được bao nhiêu, vì thế họ khước từ, ở đây cần phải hiểu điều đó như một tình thế thất bại của người trẻ hơn là thái độ đối với nghề nghiệp của họ.

Người viết trẻ đứng ở đâu? Rõ ràng là đứng ở vị thế bấp bênh, lơ lửng. Họ từ chối mô hình sáng tác và phê bình của thế hệ trước, nhưng cũng không giành được thẩm quyền kiến tạo văn học và diễn giải văn học theo mô hình/khung tri thức mới mà thế hệ họ được tiếp nhận, thuộc về. Mặt khác, trong cơ cấu của một hội đồng thẩm định các tác phẩm tham dự giải thưởng của các hội văn học, nghệ thuật gần như không có chân người trẻ, nghĩa là người trẻ chưa được cất tiếng nói đại diện bênh vực chính thế hệ họ trong các cuộc thẩm định, định giá chính thức các hiện tượng, các sáng tác văn học của thế hệ mình. Người trẻ vẫn như một đối tượng hơn là chủ thể. Hệ quả của vấn đề này đưa đến một vấn đề khác đáng buồn, là khoảng cách thế hệ, thay vì được thu hẹp lại thì dường như đâu đó nó lại bị đẩy ra xa hơn. Thay vì trở thành "thế hệ kế cận", người trẻ biến thành những dấu vết trong trò chơi "biến mất và đi tìm" của một cộng đồng văn chương.

Để nhận diện vị thế của người viết trẻ hiện nay, cần phải thấy rõ tình thế văn hóa mà người trẻ bị đặt vào. Tình thế hiện nay mà người trẻ đối diện có thể hình dung như sau: đạo đức xã hội xuống cấp, trong sáng tạo và học thuật diễn ra sự suy tư tưởng, giá trị nhân văn và văn hóa truyền thống bị xem nhẹ, sự phát triển của công nghệ thông tin truyền thông làm xóa nhòa nhiều ranh giới và chuẩn mực, thái độ vọng ngoại đưa đến nguy cơ hạ thấp những giá trị văn hóa cốt lõi, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh giao lưu hội nhập...

Trong một tình thế ấy, người viết trẻ dường như chưa có được một vị trí xã hội xác định. Chính bản thân người trẻ viết phê bình cũng từ chối tư cách phê bình của họ. Không phải vì họ tự cao, tự đại, mà chính vì sự phê bình trong bối cảnh đương đại đang bị nhiễu, bị những động cơ ngoài mục đích xây dựng nền văn học, học thuật làm cho vẩn đục. Bao nhiêu nguy cơ đang đổ dồn vào lớp trẻ, bao nhiêu thứ ảnh hưởng, gây áp lực lên cách tư duy của người trẻ, từ những kinh nghiệm làm nghề thấm thía, xót xa đến những nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh.

Đột phá từ đâu?

Ở trên tôi nói, người trẻ sáng tác hay dịch thuật, viết lý luận, phê bình chưa có chỗ xứng đáng trong các sinh hoạt nghề nghiệp. Tình thế văn hóa tư tưởng mà họ được đặt vào vô cùng phức tạp. Đấy là nói về một tình thế, tình cảnh chung. Còn nếu xét trường hợp cụ thể thì theo tôi, trong quãng ba năm nay có hai sự kiện đáng chú ý.

Một là, Hội nghị lý luận, phê bình văn học lần thứ III do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2013 tại Tam Đảo. Tôi xem đây là một dấu mốc về việc duyệt đội ngũ người trẻ làm phê bình. Trong Hội nghị Tam Đảo, người trẻ được tham gia, và được lên cất tiếng nói thể hiện quan điểm và mong muốn của họ, song đó là tiếng nói vĩ thanh. Nói cách khác, câu chuyện người trẻ lên tiếng về chuyên môn trong một hội nghị chính thức vẫn nằm trong vấn đề trật tự và nghi thức nói năng, mà chưa trở thành một trong những khâu then chốt nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động lý luận, phê bình văn học trong bối cảnh mới.

Hai là, Hội nghị "Những người trẻ viết về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật" do Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức mới đây. Phải đến Hội nghị này, đội ngũ những người viết trẻ ở hầu hết các khu vực lần đầu tiên được phát hiện, điểm duyệt, tập hợp lại, nhóm họp lại, trước đó các bài viết điểm danh đội ngũ chưa làm được; các hội nghị, hội thảo đã từng diễn ra cũng chưa dựng lên được khuôn mặt đa dạng của thế hệ dịch giả, nghiên cứu lý luận phê bình mới. Hội nghị lần này là một diễn đàn chính thức tổ chức, gắn kết lực lượng những người viết trẻ vào một hoạt động chung, có quy mô lớn nhất bàn riêng về thực trạng và giải pháp phát triển đội ngũ người viết trẻ.

Tôi không có ý định đề xuất giải pháp phát triển đội ngũ người trẻ viết phê bình, công việc này có lẽ phải chờ đợi những nhà quản lý văn hóa văn nghệ. Từ việc mong muốn các bạn đồng nghiệp chia sẻ cởi mở và thẳng thắn chuyện nghề, sau đây, tôi xin điểm lại quan niệm phê bình văn học của một số nhà phê bình thế hệ trước, như một cách đặt vấn đề hoặc như một kinh nghiệm, gợi ý cho chúng ta.

Thứ nhất: Nhà phê bình trong bất cứ tình thế, hoàn cảnh nào cũng phải nhận thấy bản thân liên đới trách nhiệm với thực trạng văn học đương thời, phải tham cuộc vào đời sống văn chương, gắn bó với người sáng tác, thời đại, dân tộc.

Thứ hai: Trong bối cảnh nhiều giá trị, quan niệm bị đặt lại, nhiều trào lưu tư tưởng lý thuyết được du nhập, đối với hoạt động nghề nghiệp, nhà phê bình cần lựa chọn một lập trường rõ rệt, đúng đắn làm cơ sở cho sự đánh giá, định giá và cần có một thái độ thiện chí, một ý thức xây dựng nền văn học dân tộc, góp vun thúc đẩy nền học thuật nước nhà ngày càng lành mạnh, nhân văn, tiến bộ hơn.

Thứ ba: Trong quan hệ với đồng nghiệp, nhà phê bình cần nêu cao phẩm giá của ngòi bút, không nên vị lợi mà chụp mũ, quy kết, mạt sát, đẩy đồng nghiệp vào những khó khăn, phiền lụy. Phê bình văn học như một tấm gương, nếu người phê bình chỉ trích, phê phán người khác một cách thiếu thiện chí, không đứng đắn, thù hằn, thiên kiến thì chính tấm gương ấy sẽ làm lộ rõ chân dung, tư cách của người phê bình đó.

Trong thời kỳ đổi mới, để tạo một bước đột phá, đưa sáng tác văn học phát triển lên một bước mới và tạo điều kiện cho phê bình văn học phát triển, bên cạnh Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa"; Chỉ thị số 61-CT/TW ngày 21-6-1990 của Ban Bí thư về một số vấn đề trong công tác quản lý văn học - nghệ thuật hiện nay; và nhiều văn kiện quan trọng khác, còn có Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 8-6-1989 của Ban Bí thư về đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn học - nghệ thuật. Tôi rất chú ý đến Chỉ thị này, một Chỉ thị đánh giá đúng đặc trưng, đánh giá cao vị trí cũng như vai trò của công tác lý luận, nghiên cứu và phê bình văn học đối với việc truyền bá mỹ học Mác - Lê-nin, khẳng định và phát huy thành tựu văn học cách mạng, phổ biến những di sản văn học quý giá của nền văn hóa dân tộc, những giá trị đặc sắc của văn học thế giới; tiếp tục phát huy những mặt tích cực, đồng thời khắc phục những hạn chế của phê bình văn học - nghệ thuật.

Trong bối cảnh hiện nay, thực tiễn đòi hỏi có một Chỉ thị tương tự để nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động phê bình văn học - nghệ thuật, một lĩnh vực tiếp giáp gần nhất với các vấn đề ý thức hệ. Các cơ quan hữu trách cần sớm nghiên cứu, tham mưu, tư vấn về vấn đề này để có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển phê bình văn học, cải thiện tình hình điều kiện làm nghề của các nhà phê bình văn học hiện nay. Làm sao để có thêm những không gian, diễn đàn đề cao tinh thần học thuật, khách quan, dân chủ; có một giải thưởng thường niên dành riêng cho lý luận phê bình văn học trẻ nhằm ghi nhận, tôn vinh, khích lệ những người làm công tác đặc thù và đầy khó khăn, phức tạp, nhạy cảm này, có một quỹ hỗ trợ cho việc xuất bản các công trình lý luận, phê bình... là những vấn đề then chốt, những khâu đột phá thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của văn học, học thuật.

----------------------

Kỳ sau: Điều kiện của tài năng.