TRAO ÐỔI Ý KIẾN

Tìm lại vị thế cho giải thưởng

Sau những luận bàn sâu nhiều chiều từ các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu nghệ thuật, chất lượng, sức lan tỏa cũng như căn nguyên những tồn tại của hệ thống giải thưởng của các hội văn học nghệ thuật (VHNT) đã được nhận diện rõ nét. Ðể khép lại vệt bài về hệ thống giải thưởng vốn có bề dày này trong lĩnh vực VHNT, Nhân Dân cuối tuần đăng tải một số ý kiến đề xuất giải pháp cụ thể, trước mắt cũng như lâu dài, để giải thưởng của các hội VHNT có thể tìm lại được vị thế từng "một thời vang bóng" trong đời sống văn hóa nước nhà.

Tìm lại vị thế cho giải thưởng

NSND VŨ NGOẠN HỢP: Nên nhìn vào bóng đá để học tập cách tổ chức giải thưởng

Tôi cho rằng, giải thưởng hằng năm của các hội VHNT nên được xã hội hóa và nên làm càng sớm càng tốt. Với sự đồng hành của các doanh nghiệp, các đơn vị tài trợ sẽ giúp cho giải thưởng được nâng hạng, tạo uy tín đối với giới làm nghề và khán giả. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện, chúng ta vấp ngay từ tư duy quản lý. Hiện nay, hệ thống giải thưởng này đang thực thi theo Luật Thi đua - Khen thưởng, nguồn kinh phí của Nhà nước rót xuống cho các hội. Việc nhận thêm các nguồn tài trợ khác để tổ chức rất khó khăn ở chỗ, nguồn tiền đó sẽ được sử dụng như thế nào cho đúng luật, bảo đảm chất lượng và giữ đúng nguyên tắc làm chủ của Nhà nước. Trong khi đó, tư nhân một khi đã bỏ tiền ra họ phải được lợi, phải có quyền quyết định một số vấn đề. Chính vì sự không dứt khoát, không có một quy định cụ thể trong việc phối kết hợp giữa các hội và các doanh nghiệp cho nên các đơn vị xã hội hóa không đặt hết niềm tin vào hệ thống giải thưởng này.

Theo ý kiến cá nhân tôi, chúng ta nên nhìn vào bóng đá để học tập. Ban đầu, bóng đá phải tạo được hệ thống người hâm mộ, từ tầm ảnh hưởng đó, họ mới tiến tới kêu gọi các nhà tài trợ. Và đến giờ thì bóng đá đã nâng hạng lên tầm chuyên nghiệp trong khâu tổ chức. Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng có lẽ, việc nâng tầm ảnh hưởng cho giải thưởng hằng năm của các hội nên nhìn vào mô hình tổ chức của bóng đá để lựa chọn ra những gì thích hợp nhất. Như trong thời đại cách mạng 4.0, tại sao chúng ta không sử dụng ưu thế của công nghệ để quảng bá rộng rãi các tác phẩm chuẩn bị đưa vào chấm giải, rồi sau đó là các tác phẩm đoạt giải, những lời nhận xét của Ban giám khảo cho từng tác phẩm… trên mạng xã hội, các diễn đàn văn học nghệ thuật. Cách làm thì có nhiều, song điều quan trọng là các nhà tổ chức cần biết đẩy hình ảnh của tác phẩm, của giải thưởng tới gần hơn với khán giả, đặc biệt là những người trẻ - những công chúng đầy hứa hẹn của nền VHNT.

Một giải thưởng sẽ tạo hiệu ứng xã hội tốt khi có một đơn vị tổ chức chuyên nghiệp, có đội ngũ nhân viên lành nghề và một chiến dịch truyền thông hợp lý. Một chương trình tốt đến mấy nhưng nếu không được truyền thông tốt thì cũng ít người biết tới. Vì thế, truyền thông cho giải thưởng này cần được làm có chiến dịch, kế hoạch từ trước đó nhiều tháng, nhất định không thể sát nút mới bắt đầu tiến hành, bởi việc xem xét, thẩm định vội vàng sẽ làm giảm hiệu quả của công tác vinh danh như giá trị đích thực.

Nhạc sĩ HỒ HOÀI ANH: Cần nâng tầm cho đội ngũ sáng tác và công chúng

Tìm lại vị thế cho giải thưởng ảnh 1

Một giải thưởng uy tín cần có độ thẩm thấu của thời gian, vì thế, các giải thưởng lâu năm thường có ưu thế riêng so với các giải thưởng mới về độ tin cậy, về lượng khán giả đã đồng hành. Do vậy, giải thưởng hằng năm của các hội VHNT đúng là có vị trí rất đáng trân trọng trong lòng công chúng. Tuy nhiên, cùng với cơ chế thị trường, nhiều giải thưởng về VHNT cũng được ra đời làm cho khán giả có nhiều lựa chọn hơn. Tình trạng đi xuống và bị khán giả, độc giả quay lưng lại của giải thưởng hằng năm không phải là cá biệt. Nhìn rộng ra, có thể thấy, đây là tình trạng chung của nhiều giải thưởng uy tín khác. Ðể có sự vận động, thay đổi của một giải thưởng, một chương trình là điều không dễ dàng. Tôi cho rằng, việc xã hội hóa giải thưởng hằng năm của các hội VHNT không hẳn là một ý hay. Bởi đôi khi, chính cơ chế xã hội hóa lại kéo theo các hệ lụy, làm mất đi tính đặc thù của các giải thưởng.

Vì thế, tôi ủng hộ việc thay đổi từ chính đội ngũ sáng tác và khán giả để nâng tầm cho hệ thống giải thưởng này. Ðầu tiên là các tiêu chí làm ra một sản phẩm nghệ thuật cũng phải thay đổi, phải gắn với đời sống xã hội, như âm nhạc thì phải gắn với đời sống của người nghe hiện nay. Trong khi đó, theo tôi được biết, các tác giả là hội viên của các hội đôi khi lại sáng tác quá khác biệt, xa cách với đời sống văn hóa và thị hiếu thưởng thức của khán giả đương đại. Bản thân điều đó đã làm giảm giá trị các tác phẩm được trao giải. Có nghĩa, giải thưởng được trao chưa trúng và chưa đúng điều khán giả quan tâm và mong đợi. Vậy thì làm sao có thể thu hút được sự dõi theo của nhiều người?!

Tôi nói như vậy không đồng nghĩa với việc âm nhạc hàn lâm cần phải bình dân hóa. Mà trái lại, công chúng phải nâng tầm hiểu biết và thưởng thức văn học nghệ thuật của mình. Các món ăn bình dân đã quá quen thuộc thì giờ, khán giả cần biết ăn các món sơn hào hải vị. Có nghĩa, giáo dục nghệ thuật trong nhà trường cần được chú trọng giảng dạy cho các em học sinh ngay từ khi còn nhỏ để những khán giả tương lai của đất nước được biết tới những kiến thức sơ đẳng nhất của VHNT và nâng cao thẩm mỹ thưởng thức. Ðúng hơn, để thay đổi thực trạng đáng buồn hiện nay của hệ thống giải thưởng hằng năm của các hội cần tới sự thay đổi của cả xã hội, ngay từ trong mỗi tác giả, mỗi gia đình Việt.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo VIỆT VĂN: Tăng tính minh bạch trong hoạt động của hội đồng giám khảo

Tìm lại vị thế cho giải thưởng ảnh 2

Có một thực tế là, không chỉ các giải thưởng của các hội VHNT, mà nhiều giải thưởng khác trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở Việt Nam cũng thường không chú ý đến hiệu quả và tác động xã hội của giải thưởng, giải trao xong chỉ cất vào kho và công chúng không biết rõ tác phẩm đoạt giải là tác phẩm nào.

Ðể nâng cao chất lượng hệ thống giải thưởng này, theo tôi, phải bắt đầu từ khâu chấm giải. Phải coi việc chấm giải của hội đồng giám khảo của hội là một hoạt động độc lập. Trong việc chấm giải, sự công tâm phải là hàng đầu. Từng tham gia chấm nhiều giải thưởng, tôi phải thừa nhận rằng, sự công tâm là điều không dễ tìm. Chính vì vậy, tôi cho rằng, nên tính đến việc yêu cầu các giám khảo công khai kết quả chấm giải của mình, để tăng tính minh bạch cho việc chấm giải, hạn chế tác động của các mối quan hệ cá nhân.

Cũng nên tính đến việc mở rộng thành phần giám khảo theo hướng liên ngành. Nhiều ngành nghệ thuật hiện nay có sự giao thoa mạnh mẽ với các lĩnh vực khác. Vậy nên, có thể lựa chọn những nghệ sĩ xuất sắc, uy tín của lĩnh vực khác tham gia chấm giải. Ðiều này còn giúp mở rộng thành phần giám khảo, tránh tình trạng loanh quanh chỉ khoảng chục cái tên của mỗi chuyên ngành thay phiên nhau tham gia hội đồng giám khảo như hiện nay.

Tôi đã nghe nhiều ý kiến cho rằng: Nâng cao chất lượng giải bằng cách nâng cao giá trị giải thưởng. Theo tôi, đó chỉ là một giải pháp. Tại sao? Vì hiện nay đã có nhiều cuộc thi đẩy giá trị giải thưởng cao nhất lên mức 30 triệu đồng, thay vì mức 10 triệu đồng trước đây. Nhưng điều đó cũng không giúp thay đổi tình hình. Thế giới đã có những cuộc thi với giá trị giải thưởng rất cao nhưng lại không uy tín về mặt chuyên môn. Nhưng có những giải thưởng không có nhiều giá trị về vật chất lại rất có uy tín nghề nghiệp. Vậy thì, nhiều tiền chưa chắc đã là điều hay, mà ít tiền cũng không hẳn đã là điều dở.

Một mảng lớn đang thiếu trong các giải thưởng VHNT là thiếu tính đương đại. Trong công tác chấm giải, chúng ta đang sợ quá nhiều thứ, nên không dám đổi mới. Vậy nhưng, khi phát hiện được cái mới, đúng hướng, chính là đã tạo ra động lực sáng tạo cho nghệ sĩ. Hiện nay, việc thu hút nhiều người tham gia mới là quan trọng. Mà làm được điều đó thì chính hội đồng giám khảo phải tạo được niềm tin cho nghệ sĩ, đúng nghĩa cầm cân nảy mực, và có khả năng phát hiện cái mới trong sáng tạo nghệ thuật.

Giải thưởng của các hội VHNT là sự đánh giá thành quả sáng tạo của nghệ sĩ một lĩnh vực nghệ thuật trong cả một năm. Nếu chỉ dành cho hội viên thì phải thu hẹp quy mô giải thưởng, chỉ trong phạm vi hội thôi. Nếu vẫn giữ quy mô quốc gia thì cần phải mở rộng đối tượng xét giải. Và khi mở rộng quy mô bên ngoài hội thì đối tượng mời làm giám khảo cũng được mở rộng hơn, tạo cơ hội nâng chất lượng giải thưởng, với những góc nhìn mới.