Tiểu thuyết lịch sử

Dấu ấn từ những hiện tượng mới

Mấy năm trở lại đây, dòng tiểu thuyết lịch sử nhận được sự quan tâm lớn của bạn đọc. Mới đây nhất, khi kết quả Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016 - 2019) của Hội Nhà văn Việt Nam được công bố, thể loại này chiếm ưu thế ở cả ngôi vị cao nhất lẫn số lượng tác phẩm được giải (8/20 tác phẩm). Sự xuất hiện trở lại đầy ấn tượng này như một lời khẳng định, tiểu thuyết lịch sử vẫn là một trong những thành tựu nổi bật nhất của văn học Việt Nam đương đại.

Dấu ấn từ những hiện tượng mới

1 Sự xuất hiện trở lại đầy ngoạn mục và ấn tượng của tiểu thuyết lịch sử lần này có thể lý giải bởi những chuyển biến trong đời sống xã hội, nhất là tư duy đổi mới và tinh thần dân chủ ngày càng được khuyến khích, mở rộng kể từ sau Đại hội VI (1986) của Đảng đến nay. Chính làn gió đổi mới đã tạo điều kiện cho những tìm tòi, thể nghiệm của người nghệ sĩ, trong đó có lĩnh vực sáng tạo về đề tài lịch sử. Với nhà văn, việc tìm về “di chỉ của ký ức” không chỉ nhằm khỏa lấp những khoảng trống, khoảng trắng trong lịch sử, mà chủ yếu thể hiện quan điểm, suy tư cá nhân về quá khứ dân tộc. Bên cạnh đó, nhu cầu đổi mới tự thân của nền văn học nói chung và thể loại tiểu thuyết lịch sử nói riêng buộc mỗi người cầm bút phải tự điều chỉnh, nỗ lực, nếu không muốn trở thành người “lạc thời” trước xu thế phát triển chung. Và cuối cùng, xu hướng toàn cầu hóa, “giải lãnh thổ hóa” phần nào đó thức tỉnh lòng yêu nước, tinh thần tự chủ, tự tôn dân tộc. Trước tình thế ấy, tiểu thuyết lịch sử xuất hiện để cùng gánh vác sứ mệnh lớn lao là khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần tự chủ, sức mạnh đoàn kết trong mỗi người Việt Nam. 

Dấu ấn từ những hiện tượng mới -0
 

Có thể thấy, với sự tác động của các yếu tố nội sinh và ngoại sinh ấy, tiểu thuyết lịch sử đã không ngừng vận động, phát triển, một mặt kế thừa truyền thống của những giai đoạn trước, mặt khác tìm cách đổi mới, thể nghiệm cho phù hợp với nhu cầu và tâm thế hôm nay. Các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Mộng Giác, Thái Bá Lợi... và gần đây nhất là Nguyễn Thế Quang, Phùng Văn Khai, Bùi Việt Sỹ, Trần Thùy Mai, Thiên Sơn, Võ Khắc Nghiêm, Đặng Ngọc Hưng, Trương Thị Thanh Hiền… là những thí dụ tiêu biểu cho nỗ lực làm mới thể loại. Dấu ấn của sự đổi mới được thể hiện trên nhiều phương diện. Nhìn vào đội ngũ sáng tác một vài năm trở lại đây, chúng ta thấy bên cạnh những cây bút kỳ cựu đã khẳng định tên tuổi bắt đầu xuất hiện những nhân tố mới. Có thể là các tác giả lần đầu tiên sáng tác tiểu thuyết về đề tài lịch sử, dù trước đó tên tuổi của họ đã được công chúng độc giả biết đến rộng rãi, như Trần Thùy Mai, Uông Triều, Trần Thanh Cảnh... Có thể là những tác giả chọn tiểu thuyết lịch sử cho thử nghiệm đầu tay của mình như trường hợp Nguyễn Thế Quang, Trường An…

Khoảng cách lịch sử được phục hiện trong tiểu thuyết cũng ngày càng thu hẹp với thời điểm hôm nay. Cùng với những tác phẩm chọn thời điểm “lịch sử xa” (thế kỷ 9 đến 14) như Ngô Vương, Phùng Hưng, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc (Phùng Văn Khai), Mệnh đế vương (Trương Thị Thanh Hiền), Thị Lộ chính danh (Võ Khắc Nghiêm), Thiệu Bảo bình Nguyên (Hồng Thái)… xuất hiện nhiều hơn các tiểu thuyết chọn thời điểm “lịch sử gần” (thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20) như Từ Dụ thái hậu (Trần Thùy Mai); Nguyễn Du, Khúc hát những dòng sông, Thông reo Ngàn Hống, Đường về Thăng Long (Nguyễn Thế Quang); Thiên hạ chi vương, Vũ tịch, Hồ Dương (Trường An); Hùng binh (Đặng Ngọc Hưng); Gió bụi đầy trời (Thiên Sơn)… Đây là xu hướng lựa chọn ít gặp trong chặng đường trước của tiểu thuyết lịch sử. Bởi lẽ viết về “lịch sử gần” dù có lợi thế lớn về mặt tư liệu chính sử, song lại chứa đựng những thử thách không hề nhỏ. Các sự kiện, nhân vật lịch sử dường như “nằm trọn” trong tầm ngắm của độc giả đương thời, rất dễ gây ra sự so sánh, có khi là phản ứng gay gắt nếu vượt ngưỡng hiểu biết. Khoảng trống cho sự tưởng tượng, hư cấu bị hạn hẹp khá nhiều, nếu không bản lĩnh, người viết rất dễ sa vào lối biên niên sử hay tiểu thuyết hóa lịch sử. Mặt khác, không ít sự kiện, nhân vật lịch sử còn gây tranh cãi, vẫn đang nằm trong quá trình đánh giá, đánh giá lại của giới nghiên cứu như vấn đề triều Nguyễn…

2 Cảm thức và lối viết lịch sử cũng có nhiều sự tìm tòi, đổi mới. Tiếp thu kinh nghiệm của các tên tuổi thành danh với thể loại tiểu thuyết lịch sử như Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Mộng Giác... nhiều tác giả trong chặng đường này đã tỏ ra quyết liệt hơn với những lựa chọn và thể hiện lịch sử mang màu sắc cá nhân. Họ dám xông pha vào những địa hạt vốn trống vắng sử liệu như lịch sử thời kỳ dựng nước và giữ nước (Ngô Vương, Phùng Hưng, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc của Phùng Văn Khai); giải mã những điểm mờ, khuất lấp của lịch sử vương triều Nguyễn (Từ Dụ thái hậu - Trần Thùy Mai; Thiên hạ chi vương, Vũ tịch, Hồ Dương  - Trường An); bồi đắp những khoảng trắng của lịch sử như trường hợp Thị Lộ và vụ án Lệ Chi viên (Thị Lộ chính danh - Võ Khắc Nghiêm). Bên cạnh đó, các tác giả còn đặt ra những vấn đề nóng, có tính thời sự và thời đại như mối quan hệ giữa quyền lực và trí thức, nghệ sĩ (Nguyễn Du, Thông reo Ngàn Hống - Nguyễn Thế Quang); sự lựa chọn của yếu nhân và hệ lụy với lịch sử dân tộc (Đường về Thăng Long - Nguyễn Thế Quang; Gió bụi đầy trời - Thiên Sơn); tinh thần tự chủ, tự cường trước họa ngoại xâm (Hùng binh - Đặng Ngọc Hưng; Thiệu Bảo bình Nguyên - Hồng Thái)…

Dấu ấn từ những hiện tượng mới -0
 

Nhìn chung, tác phẩm của các tác giả chặng đường này thiên về luận giải, đối thoại lịch sử hơn là mô tả, minh họa lịch sử. Sự diễn giải ấy góp phần kiến tạo diễn ngôn đa thanh về lịch sử: diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa, diễn ngôn đời tư - thế sự, diễn ngôn văn hóa - tâm linh, diễn ngôn chấn thương, diễn ngôn đối thoại... Từ đây mở ra chân trời mới cho những tưởng tượng và diễn giải lịch sử, làm xuất hiện nhiều khuynh hướng, cùng những lối viết khác nhau. Cái nhìn đời tư - thế sự - nhân văn thật sự giữ vai trò cốt yếu trong cảm quan nghệ thuật của tác giả. Nhà văn phóng chiếu cái nhìn bao quát, sống động về các sự kiện, nhân vật lịch sử, làm nền cho những diễn giải, nghiệm suy về các vấn đề của dân tộc, thời đại và con người. 

Một điểm rất đáng lưu ý trong một số tiểu thuyết lịch sử gần đây đó là khai thác nhiều về chủ đề tình yêu pha màu sắc ngôn tình hoặc đan cài những yếu tố kỳ ảo, huyền bí, kiếm hiệp trong câu chuyện lịch sử. Đây là một trong những cách để có thể thu hút sự quan tâm của người trẻ về thể loại vốn kén người đọc này. Tiểu thuyết của Trần Thùy Mai và Trường An như một gợi ý thú vị cho người viết văn chương về lịch sử: không chỉ sâu sắc về chủ đề tư tưởng, mà còn thu hút độc giả bởi lối tự sự uyển chuyển, mượt mà.

3 Mặc dù tiểu thuyết lịch sử những năm gần đây đã đạt được nhiều dấu ấn mới, song nhìn chung lại thiếu những hiện tượng thật sự làm nóng văn đàn Việt Nam như “bộ ba nổi loạn” - Kiếm sắc, Phẩm tiết, Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp hay “bộ ba nặng ký” - Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh. Sức lan tỏa của thể loại này chưa mạnh, thậm chí có những tác phẩm chỉ được độc giả biết đến khi được xướng tên ở giải thưởng hằng năm của các hội, đoàn. Điều này khiến người đọc nghi ngại về tính thuyết phục và giá trị của tác phẩm. Điều nữa, giá trị của các tác phẩm chưa đồng đều. Không ít tác phẩm nặng về miêu tả mà thiếu chiều sâu của sự suy tư, nghiền ngẫm. Đâu đó người cầm bút vẫn chưa thoát khỏi gánh nặng sự thật lịch sử, vì vậy, có cảm giác dùng dằng, nửa vời, chưa tới trong các diễn giải. Câu chuyện lịch sử chưa thật sự tự nhiên, đa sắc như chính hiện thực đời sống quá khứ trong cái nhìn hôm nay. Mặt khác, hoạt động quảng bá, phát hành vẫn chưa thật sự mặn mà với thể loại này khiến các tác phẩm mới không dễ đến với bạn đọc. Chính điều này đặt ra hàng loạt vấn đề cần được nhìn nhận thấu đáo và có giải pháp phù hợp đối với người cầm bút, giới nghiên cứu, phê bình, cộng đồng độc giả, cơ quan quản lý cũng như các nhà xuất bản, đơn vị phát hành… để tiểu thuyết lịch sử thật sự hấp dẫn với bạn đọc, đồng thời khẳng định được vị thế và sứ mệnh của mình.