Nhân vật trung tâm cần được hiểu theo hướng nào?

Sau khi Báo Nhân Dân cuối tuần 15, ra ngày 15-4 đăng tải bài viết “Văn học Việt Nam đang khủng hoảng nhân vật trung tâm” của nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên, nhà phê bình Ngô Hương Giang đã gửi đến tòa soạn một số ý kiến trao đổi và có thêm những kiến giải về một trong những vấn đề quan trọng của văn học đương đại nước nhà. Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết này.

Nhân vật trong bộ phim Vợ chồng A Phủ, được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Tô Hoài.
Nhân vật trong bộ phim Vợ chồng A Phủ, được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Tô Hoài.

Nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên đã đưa ra được cơ sở lý luận căn bản của sự cần thiết phải có nhân vật trung tâm trong văn học. Tuy nhiên, đứng ở góc độ nhận thức văn học tương ứng với bối cảnh và thời kỳ xã hội, nhất là xã hội công nghệ với những diễn biến phức tạp từ một “thực tế ảo” như hiện nay thì phần kiến giải của nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên chưa bao trùm hết, cần có sự phản biện rốt ráo hơn.

Nhân vật trung tâm có đồng nhất với nhân vật điển hình trong văn học?

Nhân vật trung tâm, hay còn được hiểu như là nhân vật chính nắm giữ vai trò chỉ đạo toàn bộ nội dung tư tưởng của một tác phẩm văn học. Nhân vật ấy không chỉ có vai trò phản ánh thực tiễn xã hội mà còn góp phần cải tạo ý thức xã hội, khiến người đọc sẽ được thanh lọc khi tiếp cận tác phẩm văn học. Theo hướng lý luận này thì mỗi một tác phẩm văn học đều có những gương mặt điển hình của xã hội theo các chiều cạnh nhận thức khác nhau. Vì vậy nhân vật trung tâm không nhất thiết phải là điển hình hóa của thực tiễn xã hội, mà là những “gương mặt NGƯỜI” khác nhau trong xã hội. Nghĩa là nhân vật trung tâm vừa mang trong nó sự khái quát biểu trưng cho những con người “hao hao” tính cách như vậy, song, mặt khác họ cũng là những nhân vật rất cụ thể.

Trong khi đó, nhân vật điển hình hay còn gọi là điển hình hóa văn học thì ngược lại. Đó là nhân vật mang tính hư cấu lý tưởng, mang tính phổ quát và có ý nghĩa giáo dục cao. Những nhân vật điển hình thường mang trong nó tính phổ quát chung, là gương mặt đại diện cho một lớp hoặc nhiều lớp người trong xã hội. Chẳng hạn như nhân vật anh bộ đội cụ Hồ trong các tác phẩm của Lê Anh Xuân, Nguyễn Quang Sáng, Quang Dũng… là những nhân vật điển hình. Thường những nhân vật điển hình là những gương mặt không cụ thể. Có thể họ là những “cách xưng hô” rất chung chung, song người đọc vẫn có thể hình dung trong cái chung ấy là những gì rất đỗi thân quen, gần gụi trong cuộc sống. Đó là nhân vật “anh”, “em” trong bài ca dao “Tát nước đầu đình”; là “thân em” trong hệ thống các câu ca dao viết về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến, khi thì “thân em như dải lụa đào”, lúc thì “thân em như hạt mưa sa”… Đây là những điển hình nhân vật mà bất cứ ai khi tiếp cận tác phẩm văn học cũng có thể hình dung về “những phận người trong xã hội”.

Như vậy, nhân vật trung tâm cần được hiểu không phải là nhân vật điển hình, mà nó mang những yếu tố xã hội, lịch sử “gần giống” với nhân vật điển hình. Nói rõ ra, nhân vật trung tâm là tầng dưới của nhân vật điển hình. Nó phản ánh muôn mặt của đời sống và thường hướng người đọc đến những góc khuất số phận, những mặt trái trong xã hội để cải tạo nó, chứ không nhằm chiến đấu thủ tiêu những mặt trái của xã hội ấy. Vì thế, không có “công thức chung nhất” cho nhân vật trung tâm giống như nhân vật điển hình, mà loại nhân vật này luôn biến đổi theo nhu cầu hoàn cảnh thực tiễn mà xã hội đặt ra cho nó.

Một tác phẩm văn chương dù xét ở góc độ nào đi nữa thì vẫn phải có những nhân vật bao quát được phạm trù thẩm mỹ của một giai đoạn xã hội cụ thể, dù là phạm trù “cái ác” thì cũng là cái ác được nâng lên tầm nghệ thuật nhằm thanh lọc tinh thần người đọc, hay xây dựng phạm trù “cái đẹp” thì cũng phải là cái đẹp có tính giáo dục. Thậm chí, dù là những nhân vật có tính bản năng đi nữa, thì những bản năng ấy cũng phải là những “bản năng có tính phổ biến”.

Do vậy không thể tồn tại nhân vật phi tâm hay giải tâm trong văn học, mà chỉ là sự chuyển dịch từ trung tâm của người đọc là nhân vật sang trung tâm của sự kể là thế giới nội tâm của nhân vật mà thôi. Nói một cách chính xác thì, những nhân vật mà các lý thuyết gia hậu hiện đại gọi là phi tâm thực chất là những nhân vật sắm vai vừa là người đọc vừa là người kể chuyện.

Hướng đi nào cho nhân vật trung tâm?

Nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên đã khái quát ra ba kiểu “loại hình nhân vật trung tâm” trong tác phẩn văn học Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, là: Tầng lớp tư sản, tiểu thương (“ông chủ doanh nghiệp”); tầng lớp tiểu tư sản trí thức; tầng lớp nông dân… Nhưng, theo tôi, đó chưa hẳn là “những nhân vật trung tâm” mà đúng ra là những đối tượng thực tiễn để nhà văn xây dựng nên những loại hình nhân vật trong tác phẩm văn chương.

Nhân vật trung tâm trong văn học Việt Nam đương đại, theo tôi, có những xu hướng phát triển sau:

Một là, nhân vật trung tâm theo cách kể chuyện truyền thống. Họ là nhân vật chính thâu tóm toàn bộ nội dung, thông điệp của tác giả. Là người sắm vai tác giả để kể câu chuyện, mang trong nó dấu ấn đặc trưng phong cách của tác giả. Cốt truyện theo đó cũng được kết cấu theo cách truyền thống: mở đầu, tạo độ căng, đỉnh điểm độ căng và giải quyết độ căng câu chuyện.

Hai là, nhân vật trung tâm có đời sống độc lập. Tác giả “cố gắng thoát ly” khỏi nhân vật, để nhân vật tự kể tự diễn biến, mặc dù vẫn dưới sự kiểm soát của tác giả. Những nhân vật này khá phổ biến trong các tác phẩm văn học của các nhà văn đương đại như Uông Triều, Nguyễn Đình Tú, Đinh Phương.

Ba là, nhân vật trung tâm là những nhân vật phân thân, tích hợp nhiều thân phận (nhân vật) trong một nhân vật với nhiều góc độ kể khác nhau: khi là tác giả kể, khi là nhân vật “tự kể”, khi thì nhân vật phụ kể để tôn lên vai trò nhân vật trung tâm.

Bốn là, nhân vật “giả” trung tâm. Nghĩa là tác phẩm xây dựng “tưởng như” không có nhân vật trung tâm, mà để mỗi nhân vật phụ kể một chuyện rời rạc, tưởng như không kết nối. Tuy nhiên nội dung thông điệp tác phẩm chính là “yếu tố trung tâm”. Nói vắn gọn thì, nhân vật trung tâm chính là “cốt truyện”. Kiểu nhân vật này là kiểu nhân vật rất phổ biến được các nhà văn hậu hiện đại đặc biệt tung hô, sử dụng triệt để. Tuy nhiên, những nhân vật kiểu này thường khiến độc giả phải trở thành những “nhà bác học” và ý nghĩa thẩm mỹ cũng như giá trị ứng dụng xã hội của nó là không cao.

Từ bốn kiểu loại nhân vật trung tâm nói trên, theo quan điểm của tôi, xuất phát từ mục đích nhân văn và nhân bản của văn học là: văn học vì nhân sinh, vì sự tiến hóa trong nhận thức con người cũng như vì một xã hội đạo đức, thì, nhân vật trung tâm trước hết phải là những nhân vật có tính cách của con người xã hội. Nó phải hướng đến kiến tạo những giá trị tốt đẹp cho con người, xác lập một xã hội nhân bản, tích cực. Đó mới là sứ mệnh cuối cùng và cao cả của văn chương, nghệ thuật.