Phê bình văn học đang làm gì?

Rất nhiều tác phẩm kém chất lượng, qua công nghệ PR cộng với những lời khen quá đà của những người "điểm sách" đã và đang khiến nền văn học trẻ trở nên nhộn nhạo. Không ít người viết trẻ bị hoang mang bởi chưa tìm được đâu là điều để làm nên một tác phẩm có giá trị lâu bền. Điều đó, chắc chắn cũng cần đến ý kiến và sự đồng hành của giới phê bình. Song, nhiều năm qua lực lượng viết phê bình cũng tồn đọng nhiều hạn chế.

Phê bình văn học đang làm gì?

1.

Mới đây, nhiều tờ báo ca ngợi tác giả có bút danh lạ Nồng Nàn Phố với tập thơ "Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng" sử dụng một hệ thống ngôn từ gợi tả sex. Hơn thế, trên các trang mạng xã hội còn bàn tán xôn xao và cho rằng cô có sự phá cách độc đáo, dám dấn thân. Trong khi một bộ phận độc giả và bạn thơ xem sự táo bạo của Nồng Nàn Phố là "tài năng" thì một số khác lại cho rằng đó là biểu hiện của sự dễ dãi, ngô nghê trong sáng tạo. Điều đó cho thấy sự thiếu đồng nhất trong đánh giá, phê bình ngày càng lớn. Và vài tháng nay kể từ khi tập thơ đó được xuất bản, vẫn chưa có một kiến giải thật sự "thỏa lòng" để người đọc tâm phục khẩu phục.

Trong sự "bế tắc" đó, cũng chưa thấy có tiếng nói của những người làm lý luận, phê bình thật sự. Phải chăng, Nồng Nàn Phố - được cho là đại diện cho một thế hệ người viết trẻ đang ra sức đổi mới, nổi loạn hiện nay không nằm trong "tầm ngắm" của những người làm phê bình? Nói thẳng thắn như nữ nhà văn Di Li: "Từ lâu rồi, phê bình văn học không mặn mà, chú trọng đến văn chương đương đại. Nếu họ có viết, thì vẫn viết về những tác phẩm lớn, của những nhà văn đã có tên tuổi, lớn tuổi, thậm chí nhiều người đã chết. Chứ họ không sánh bước cùng các tác giả trẻ, chưa có tầm cỡ.

Họ cảm giác đọc tác phẩm của nhà văn trẻ, những người mới viết, với những tác phẩm chưa nổi tiếng là tự làm thấp họ. Nên nhà phê bình vẫn chỉ đi đào bới những cái xưa cũ".

Uy tín của một người làm phê bình văn nghệ không nằm ở chỗ họ đang đọc hay viết về ai, về tác phẩm nào mà là những phân tích, nhận định, dự cảm của họ có thật sự thuyết phục và có giá trị định hướng cho công chúng cách đọc, lựa chọn tác phẩm đúng đắn để đọc hay không.

Phê bình hay và đúng, trước hết phải dựa trên tinh thần nội dung của tác phẩm, chứ không phải là nhìn vào vỏ bọc đánh lừa con mắt. Nói cách khác, người làm phê bình trước tiên nên đọc với tư cách người đọc đơn thuần. Không vì ưu tiên hay hiềm khích cá nhân mà nâng cao hay hạ bệ một tác phẩm mà thậm chí mình còn chưa đọc. Cũng không nên tin theo vài "điều tiếng" chưa hay về tác phẩm mà vội loại thải rồi định kiến về nó.

2.

Cũng phải nói thêm là tâm lý a dua trong sáng tạo của người viết cũng đang vô tình "làm khó" những người làm phê bình. Văn đàn thiếu sôi động, thiếu đi sự thể nghiệm và các tác phẩm hay, có bản sắc riêng thì "đất" để phê bình cũng ngày càng thu hẹp. Nói như nhà văn Y Ban: "Chúng ta đừng chấp nhận vợt tép" và "muốn có tác phẩm lớn, sống được trong lòng độc giả thì cần bốn yếu tố: Tài năng nhà văn, nhà phê bình, độc giả, những người quản lý, thì tất cả những cái đó đều đang khập khiễng, khiên cưỡng".

Một người viết chân chính ngoài việc tiếp thu những ý kiến phê bình chính đáng còn phải xây dựng, trang bị cho bản thân một quan điểm rõ ràng trong việc đánh giá một tác phẩm thay vì chờ đợi những "món ăn sẵn" chưa được kiểm định về chất lượng trong thời điểm tình hình xuất bản có phần dễ dãi như hiện nay. Còn đứng về phía người đọc, người viết phê bình trẻ cần có chính kiến riêng chứ không "cuốn theo đám đông" mà bỏ lỡ những tác phẩm hay. Và nếu chưa cảm thấy thỏa mãn với những luận giải của những người làm phê bình khác hoặc không đồng tình với cách xây dựng tác phẩm của người viết, họ có quyền phản biện. Đó là sự phản biện đáng cổ vũ.

Phải khẳng định, chất lượng văn chương qua từng giai đoạn không đồng đều, cho nên mới có những quãng "trầm" và "hưng" của phê bình, lý luận. Đồng thời, lại có quan điểm cho rằng phê bình không thể đi song song với sáng tác. Bởi khi người làm phê bình tiến tới điểm A, thì người sáng tác đã đi chệch sang điểm B. Theo tôi quan điểm này chưa đúng, bởi dù người sáng tác là độc lập, nhưng người viết phê bình sẵn sàng đứng trên cơ sở khoa học, lý luận, chỉ ra những trào lưu chưa được, hay những cách viết chưa ổn để những người sắp và sẽ sáng tác nắm được. Qua đó, có cách xử lý "tỉnh táo" hơn, thay vì cắm đầu cắm cổ viết những tác phẩm dễ bị "thổi còi", hoặc kém thẩm mỹ cũng như chất lượng nghệ thuật.

3.

Một thói quen khó thay đổi của bạn đọc và người sáng tác hiện nay là đánh giá "cái tầm" của một người làm phê bình, lý luận chủ yếu trên các hoạt động bề nổi, những tiêu chuẩn nhãn tiền; trong khi điều cần chú tâm nhất là điểm gặp nhau trong kiến giải của người làm phê bình với phản hồi thưởng thức của độc giả. Phải chăng chính người làm phê bình chân chính cũng phải bớt đi những chiêu thức "làm màu", đồng thời độc giả phải kiên nhẫn hơn trong việc đọc tác phẩm, đọc bài viết phê bình để có sự soi chiếu, hướng tới có cái nhìn thỏa đáng hơn về người làm phê bình, lý luận.