Những thay đổi trong quan niệm giá trị về văn học đại chúng

Những năm gần đây diễn ra sự thay đổi trong quan niệm giá trị của cộng đồng đọc sách văn học. Đó vừa là kết quả, vừa là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi trong đời sống văn học và rộng hơn là văn hóa. Điều cần bàn lúc này là làm sao kiến tạo được một cộng đồng đọc - đại chúng ở mức cao hơn.

Những thay đổi trong quan niệm giá trị về văn học đại chúng

1 Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi định nghĩa văn học đại chúng: “Còn gọi là văn học thông tục... Cơ sở tư tưởng của văn học đại chúng là chủ nghĩa thực dụng. Cơ sở xã hội của văn học đại chúng là chính sách nhượng bộ đối với lớp thị dân: dùng phương tiện sản xuất hàng loạt để nuôi dưỡng tâm lý tiêu dùng… Điểm mấu chốt của văn học đại chúng là làm cho người ta được can dự vào văn hóa hiện đại dưới dạng lược gọn, nó đưa ra một thế phẩm cho sự thỏa thuận thẩm mỹ...”. Xã hội Việt Nam đến thời điểm hiện tại có thể xem là đã trải qua hai cuộc thay đổi quan trọng các hệ giá trị. Lần thay đổi thứ nhất diễn ra vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong sự giao lưu gặp gỡ với phương Tây. Lần thứ hai diễn ra vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX với công cuộc đổi mới toàn diện. Từ đó đến nay, trên tinh thần đổi mới, những hệ giá trị vẫn diễn biến theo hướng gìn giữ các giá trị phù hợp, đào thải các giá trị không còn phù hợp, hoặc không còn là giá trị, hình thành và xây đắp, kiến tạo các hệ giá trị mới. Ở thời kỳ “mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng”, “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/ Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên) văn chương đã thể hiện một cách tập trung thế giới quan, giá trị quan thời đại đánh giặc. Giá trị sống, hạnh phúc của mỗi cá nhân nằm trong hạnh phúc lớn lao của dân tộc. Giá trị của văn chương, giá trị của đời sống, của con người được hướng đến thời bấy giờ là lý tưởng cách mạng, là tinh thần xây dựng, chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc.

Chiến tranh kết thúc, đất nước tiến hành đổi mới, những điều kiện cụ thể của lịch sử - xã hội và thời đại đã tạo nên những tiền đề quan trọng cho sự thay đổi về quan niệm giá trị của con người đương đại. Sự bùng nổ của văn học đại chúng, văn học thị trường, các hình thức xuất bản, văn học mạng… đã đem đến sự sôi động cho đời sống văn học. Độc giả của những tác phẩm dạng này rất đông, hàng triệu lượt xem và hàng nghìn lượt bình luận đã nói lên điều đó.

Các tác phẩm văn học đại chúng, có thể chưa nhiều giá trị về mặt nghệ thuật, tuy nhiên, những mẫu hình nhân vật (kiểu trai xinh, gái đẹp, soái ca, hot boy, hot girl, những mối tình lãng mạn giữa thiếu gia và người đẹp, tổng giám đốc và người tình nhỏ…), những trang thiết bị, vật dụng của nhân vật (nhà, xe), những mô tả sinh hoạt (ăn, chơi, du lịch, du học, công việc…)… lại là sự yêu thích, tìm kiếm của độc giả. Trong những tác phẩm này, người đọc nhận thấy sự xuất hiện của những quan niệm về cuộc sống mới từ các nhân vật - qua đó thể hiện quan niệm về giá trị, cuộc sống của cộng đồng đọc. Đó là những nhu cầu gắn với cá nhân mỗi người, những đòi hỏi thiết yếu, thực dụng cho đời sống của họ ở hiện tại. Những hệ giá trị như trong văn học cách mạng và dòng văn học tinh hoa được tìm thấy rất ít trong các tác phẩm này.

2 Bây giờ nhìn lại, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những khác biệt mang tính lịch sử của thị hiếu tiếp nhận: “Trong thời kỳ trước đây, công chúng văn học của chúng ta “thuần” hơn. Ngày ấy người ta không đòi hỏi gì nhiều và thật ra cũng không có điều kiện để đòi hỏi vì chiến tranh, vì khó khăn về giấy má in, vì giao lưu quốc tế chưa mở rộng… Đấy là chưa kể tình trạng “bao cấp” trong phát hành sách làm cho người đọc không có đầy đủ quyền lựa chọn những tác phẩm mà mình yêu thích. Đã có một thời do thói quen phân phối, bao cấp, với giá bán sách rẻ như cho nên in ra bao nhiêu cũng hết dù chất lượng thế nào. Vì vậy đã dẫn đến tình trạng người viết không quan tâm đầy đủ đến người đọc và người đọc không có đủ quyền đặt hàng cho người viết” (Từ Sơn). Công chúng đòi hỏi ở văn chương một trường thẩm mỹ mới có thể tương thích đồng thời kiến tạo tinh thần, mỹ cảm của thực tại. Văn chương nghệ thuật phải đi vào đời sống của “cái tôi” bản thể, phô bày quyền sống, lẽ sống, nhu cầu sống của con người trong từng giây phút hiện sinh. Tuy nhiên, vấn đề tiếp nhận văn học đích thực, như nhà nghiên cứu Huỳnh Vân nhận định: “Đã bị thủ tiêu do chỗ người đọc và tác giả không còn có ý nghĩa chủ thể nữa mà đã bị biến thành phương tiện cho những mục đích ngoài văn học”.

Câu hỏi được đặt ra ở đầu bài viết đến đây có thể bước đầu được trả lời. Công chúng tìm đến văn học đại chúng là tìm đến một sản phẩm tinh thần phù hợp với thị hiếu của họ. Việc rời xa hay thờ ơ với các tác phẩm tinh hoa, yêu thích các tác phẩm đại chúng nói lên sự thay đổi trong thị hiếu, qua đó thể hiện sự thay đổi trong quan niệm về giá trị. Với công chúng đương đại, cái giá trị là những cái hữu ích với họ ngay trong những hiện diện cụ thể nhất của sự sống. Ngắn gọn, nhanh, dễ hiểu, có tính giải trí, thiết thực, cụ thể… chính là những tiêu chí mới trong đời sống văn học đương đại.

3 Sự thay đổi quan niệm về giá trị của con người đương đại đã tác động rất lớn đến toàn bộ hệ thống văn học, văn hóa. Điểm ra những thay đổi ấy từ truyền thông, nghệ thuật, xuất bản, sinh thái tinh thần, sự gìn giữ, kiến tạo và loại trừ, bản sắc và hội nhập, bản địa và toàn cầu… chúng ta hiểu rằng, ảnh hưởng của nó là không nhỏ. Các nhà xuất bản và người viết chiều theo thị hiếu công chúng, tạo nên những tác phẩm có tính giải trí, nhất thời. Truyền thông chạy theo các thông tin giật gân, gây sốc, thu hút công chúng bằng các chiêu trò rẻ tiền. Nghệ thuật, không chỉ văn học, cũng chiều theo công chúng phổ thông với thị hiếu nhất thời, sản xuất các sản phẩm âm nhạc, hội họa, điện ảnh, sân khấu… bị đánh giá là nhảm. Các giá trị cốt lõi bị sao nhãng. Bản sắc dân tộc bị phai nhạt trong những thị hiếu toàn cầu nhưng hời hợt, mang tính a dua. Sự hòa nhập đến mức như là hòa tan, đánh mất truyền thống bản địa cũng là điều có thể nhận thấy. Văn học đại chúng, như cái cách mà nó đang hiện diện mang dáng dấp của showbiz. Bộ phận độc giả tinh anh hướng đến các giá trị tinh hoa đang co cụm lại, rút vào trạng thái âm thầm. Theo đó, những tác phẩm kinh điển thường có từ 1.000 đến 5.000 lượt xem, ít hoặc nhiều hơn một chút. Trong khi, lượt xem của các tác phẩm văn học đại chúng (ngôn tình, truyện teen, kiếm hiệp…) đạt tới con số hàng trăm nghìn. Sự trương nở của cộng đồng này, như đã có ý kiến chỉ ra, là “kẻ thù của văn học” - văn học được hiểu như là một loại hình nghệ thuật. Nhìn lại những quan tâm của cộng đồng văn học đại chúng như đã nêu ở trên, có thể thấy, thị hiếu về giá trị nghệ thuật dường như chưa được chú ý đến. Trong khi, văn học đích thực, giá trị nghệ thuật phải đặt lên hàng đầu. Nếu cứ như thế, hệ quả nhãn tiền là chúng ta sẽ chứng kiến một nền văn học nhợt nhạt trong những sắc thái hời hợt. Từ đó, xuất hiện những lo ngại về sự xuống cấp của thị hiếu, đời sống tinh thần.

Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề đào tạo công chúng lại được nhắc đến trong những câu chuyện của cộng đồng tinh hoa. Quan niệm về giá trị với tầm đón nhận có mối liên hệ nhân quả mật thiết. Các yếu tố như tri thức, kinh nghiệm thẩm mỹ, nền tảng văn hóa, xã hội, nghệ thuật chi phối rất lớn đến tầm đón nhận của người đọc. Bởi thế, không có con đường nào khác ngoài việc phải nâng cao tầm đón nhận của chủ thể tiếp nhận. Trong một xã hội mở, toàn cầu hóa, việc cấm đoán hay quản lý một cách cứng nhắc, phiến diện sẽ khó có thể thực hiện được. Do vậy, việc chấp nhận sống chung là tình thế không tránh khỏi. Nhưng, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, đào tạo năng lực sáng tạo, tiếp nhận, thẩm định, thưởng thức nghệ thuật cần phải được xem là chiến lược, là hành trình và cứu cánh. Trong một thế nhìn xa rộng hơn về tương lai của văn học, văn hóa dân tộc, cần gọi tên những giá trị tinh hoa, có phẩm chất hướng đến sự trường tồn.