Một số quan niệm lệch lạc cần phê phán

LTS - Ngay sau khi giới thiệu vệt bài của nhà lý luận phê bình Trần Thiện Khanh về chủ đề "Văn học với nền tảng tinh thần xã hội", chúng tôi đã nhận được sự khích lệ, chia sẻ và trao đổi của nhiều bạn đọc cùng những người quan tâm. Trong số này, Báo Nhân Dân cuối tuầngiới thiệu bài trao đổi của tác giả Kiều Nga.

Nhiều bạn trẻ sớm có ý thức lựa chọn cho mình những cuốn sách có giá trị
Nhiều bạn trẻ sớm có ý thức lựa chọn cho mình những cuốn sách có giá trị

Cơ sở triết học của sáng tạo

Văn học - nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội. Mọi sự vận động, phát triển của loại hình này đều có quan hệ mật thiết với hệ tư tưởng, trong đó triết học và mỹ học giữ vai trò hạt nhân. Ở phương Đông, triết thuyết Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo đều kiến tạo cho riêng mình một hệ thống mỹ học đặc trưng. Ở phương Tây, triết học của A-ri-xtốt (Aristote), Pla-tôn (Platon), Hê-ghen (Heghen), Căng (Kant),... cũng đều xây dựng một hệ thống mỹ học riêng để lý giải sáng tạo văn học - nghệ thuật.

Đường lối văn nghệ của Đảng ta khẳng định, cơ sở triết học của sáng tạo văn học -nghệ thuật Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là nền tảng tinh thần của sự sáng tạo, mà còn là cơ sở khoa học, hệ hình tri thức để các nhà nghiên cứu kiến tạo một hệ thống lý luận văn nghệ hiện đại phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Đường lối văn hóa - văn nghệ là thiết chế xã hội của văn học- nghệ thuật trong nước. Ngay từ năm 1943, thông quaĐề cương về văn hóa Việt Nam, Đảng ta đã đặt ra những vấn đề thuộc về nguyên tắc, trật tự, chuẩn mực của việc xây dựng, canh tân văn hóa dân tộc. Từ cương lĩnh đầu tiên về văn hóa này của Đảng, việc thẩm định và sáng tạo văn học nghệ thuật, không chỉ được xác định cụ thể về mặt thẩm mỹ, mà còn được xem xét rõ ràng hơn cả trên phương diện chính trị và hệ tư tưởng. Để giải quyết những vấn đề cấp bách của thời đại, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã kịp thời kiến tạo nên một thiết chế xã hội mới cho văn học - nghệ thuật, kết nối văn nghệ dân tộc với quá trình cách mạng, với sức mạnh xã hội, chính trị và đấy cũng chính là cơ sở lý luận cho cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa, xây dựng nền văn hóa mới sau 1945. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, những nguyên tắc mà Đề cương nêu ra vẫn được duy trì như là nền tảng của nhận thức, chỉ đạo, và hành động thực tiễn của một đội ngũ trí thức khoa học và nghệ thuật.

Sau Đề cương về văn hóa Việt Nam, giữ vai trò định hướng cho văn nghệ sĩ, thúc đẩy văn học- nghệ thuật thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và từ khi Đổi mới đến nay phát triển, đạt nhiều thành tựu, còn có nhiều văn kiện quan trọng khác như Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam (1960), Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị về Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học nghệ thuật và văn hóa phát triển tiến lên một bước mới (1987), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1998), Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới (2008)... Các văn kiện này đều là sự tiếp tục nhất quán và phát triển các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa văn nghệ đã được khẳng định từ đầu thế kỷ 20, trong tình hình mới của đất nước.

Những quan niệm lệch lạc, phiến diện

Trong thực tiễn sáng tác và nghiên cứu văn nghệ hiện nay, đang xuất hiện một số quan điểm lệch lạc cho rằng cần giải các thiết chế xã hội hiện hành đối với văn nghệ, cho rằng nghệ thuật đích thực phải "trong suốt", tự trị, khép kín, đứng ngoài các ràng buộc văn hóa xã hội, không chịu sự chi phối, tác động của các hình thái ý thức xã hội khác (chính trị, pháp luật, đạo đức...), không có chức năng phục tùng chính trị, chính thể đương thời, độc lập trước quyền lực kinh tế. Một số người viết gián tiếp phủ nhận cơ sở triết học và mỹ học của nền văn học - nghệ thuật Việt Nam hiện đại bằng cách tuyên bố cần gạt ra ngoài đời sống văn nghệ những thành tố đặc trưng của văn học xã hội chủ nghĩa. Mối quan tâm dành cho mỹ học mác-xít, văn học cách mạng, văn học cổ điển ở một bộ phận người viết đã có phần phai nhạt.

Trong nhà trường, do thiếu định hướng đúng đắn, không ít sinh viên tiếp nhận thiếu phê phán các lý thuyết như hậu cấu trúc, giải cấu trúc, hậu hiện đại, phân tâm học, nữ quyền luận...Một số nghiên cứu của học viên được triển khai theo kiểu dựa theo ý kiến của người khác, dễ dãi chấp nhận quan điểm của người đi trước, không xem xét lại, kiểm nghiệm lại các kết luận, dẫn đến tình trạng ngộ nhận, đề cao thái quá một số hiện tượng văn học mà về bản chất không có tinh thần nhân văn, hoặc chuyển từ cực phủ nhận sang cực khôi phục, bênh vực, biện hộ cho các tác giả "có vấn đề", không tính tới tính lịch sử của chúng. Một số sinh viên ngành văn không được trang bị phương pháp luận nghiên cứu văn học vững chắc, chưa có tri thức nền tảng và hệ thống về văn học sử, thiếu một bản lĩnh và kinh nghiệm, vội vã chạy theo các giá trị văn hóa phương Tây, vồ vập các lý thuyết mới, không tính tới tính đặc thù của nền văn hóa dân tộc, xa rời các giá trị mỹ học truyền thống, văn hóa truyền thống.

Một điều đáng lưu ý khác nữa, là xu hướng luận văn, luận án trích dẫn tài liệu thiếu chọn lọc, thiếu chuẩn mực, tham khảo các nguồn thông tin, bài vở đã được xuất bản trên các trang web thiếu độ tin cậy và tính khoa học. Rất tiếc, các cơ sở đào tào trong nước gần như không có quy chế điều chỉnh kịp thời vấn đề này. Trước 1975, ở miền nam, khi các trào lưu triết học ào ạt tràn vào, trở thành thời thượng nơi giảng đường một số đại học, nhưng trong môi trường như thế đã từng có không ít tấm gương không xu thời, khí khái về chính trị, chẳng hạn như thầy giáo Nguyễn Khắc Hoạch. Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch mặc dù sống ở Pháp, lại nghiên cứu sâu một số nhà tư tưởng quan trọng của triết học hiện đại, nhưng ông vẫn thấy "sợ những chữ ism" (chủ nghĩa - Kiều Nga), vì "một số đã tàn phá lịch sử nhân loại" (dẫn theo Đặng Tiến, nhà phê bình văn học, hiện sống tại Pa-ri). Thực vậy, lý thuyết, học thuyết, chủ nghĩa nào cũng có tính chính trị, có mục đích chính trị của nó. Nếu không tỉnh táo chúng ta sẽ dễ bị lôi kéo mà không hay. Ngay đến chủ nghĩa lãng mạn, cái chủ nghĩa mà chúng ta tưởng không có can hệ gì đến chính trị lại là nơi hàm chứa rất nhiều quan điểm chính trị mạnh mẽ.

Hiện nay, ở nhiều nơi, cũng đang xuất hiện hiện tượng một số nhà văn thay vì tìm tòi sáng tạo, công bố tác phẩm mới có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đã "đi làm chính trị" trên mạng internet. Họ công kích, phê phán chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta, chống đối Việt Nam, quy tất cả hạn chế về văn học - nghệ thuật cho vấn đề chính trị. Nhiều nhà văn lập blog cá nhân, tham gia mạng xã hội, phổ biến các quan điểm lệch lạc, sai trái bằng cách dẫn links bài hoặc đăng lại toàn văn các bài viết trên các trang thông tin không chính thức, chính thống, coi việc có nhiều người bình luận hùa theo là một thành công trong thế giới internet. Một số người tận dụng ưu thế của truyền thông hiện đại tuyên truyền kích động văn nghệ sĩ thoát ly ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng đối với văn học- nghệ thuật, hoặc cho rằng sứ mệnh của văn học là chống lại trật tự hiện hành, là thay đổi trật tự trước mắt, thay đổi các hệ giá trị, thách thức lại các chân lý, điển phạm, chuẩn mực... Nội dung nổi bật, thu hút sự quan tâm hiện nay là nội dung ý thức hệ trong sáng tác, phê bình văn học.

Chức năng của văn chương không phải là phá hủy, chống đối lại trật tự hiện hành, thay đổi trật tự trước mắt, làm ra sự bất ổn, tạo ra một thế giới vô nghĩa lý, khiến cho người đọc bất mãn trước hiện thực, cảm thấy thất vọng về mọi thứ. Văn học không thể đoạt tuyệt với ý thức hệ, đạo đức, kinh tế, tâm lý học, sử học, nhân chủng học, văn hóa học, không thể khép kín nó trong giá trị tu từ, trong những vấn đề thuần túy kỹ thuật. Theo T.Tô-đô-rốp (Tzvetan Todorov), "văn học không sinh ra trong chân không, mà giữa một tổng thể tập hợp những tiếng nói sống động mà bản thân nó cùng chia sẻ nhiều đặc tính". "Nếu như hôm nay, tôi tự hỏi - Tô-đô-rốp nói- tại sao mình thích văn chương, câu trả lời đến ngay trong đầu tôi là: vì nó giúp tôi niềm đam mê sống". Văn học nới rộng đến tận cùng chân trời giao lưu với người khác, nhờ văn học, đời sống tinh thần của chúng ta phong phú hơn, "văn học cung cấp cho chúng ta cảm giác đặc biệt không gì thay thế được, khiến cho cuộc đời trở nên có ý nghĩa hơn, và tốt đẹp hơn. Nó đâu phải là một thú tiêu khiển tầm thường, hay một sự giải trí dành riêng cho hạng người có học, nó giúp chúng ta đáp ứng thiên chức làm người của mình" (Tô-đô-rốp).

Người đọc đang quay lưng lại với văn học. Văn chương ngày càng bị coi thường... Thực tế này có trách nhiệm của phê bình văn học, do quan niệm lệch lạc của phê bình, của việc giảng dạy văn học. Mục đích tối hậu của phê bình văn chương không phải hướng dẫn độc giả biết đọc văn, phân tích văn chương một cách khoa học (phân tích câu chữ, thủ pháp nhân hóa, hoán dụ, kết cấu, ngôi kể, điểm nhìn, giọng điệu...), tìm ra cá tính, sự can đảm, táo bạo, "không giống ai" của cái tôi nào đó. Văn học không chỉ giúp người đọc tìm thấy trong văn học một ý nghĩa nào đó cho phép họ hiểu sâu sắc hơn về con người, thế giới, và bản thân mình, mà phải giúp người đọc đi đến chỗ hoàn thiện bản thân, đáp ứng thiên chức làm người của họ.

Chức năng của văn chương không phải là phá hủy, chống đối lại trật tự hiện hành, thay đổi trật tự trước mắt, làm ra sự bất ổn, tạo ra một thế giới vô nghĩa lý, khiến cho người đọc bất mãn trước hiện thực, cảm thấy thất vọng về mọi thứ. Văn học không thể đoạt tuyệt với ý thức hệ, đạo đức, kinh tế, tâm lý học, sử học, nhân chủng học, văn hóa học, không thể khép kín nó trong giá trị tu từ, trong những vấn đề thuần túy kỹ thuật.