Kỳ 6: Định vị lại hoạt động lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật

Có vai trò hết sức quan trọng trong sự định hình tính chất và phương pháp của một nền văn nghệ, công tác lý luận, phê bình của nhiều chuyên ngành văn học-nghệ thuật hiện nay lại gặp khó khăn lớn cả về chất lượng và đội ngũ. Làm thế nào để xây dựng nền lý luận chuyên nghiệp và thuần túy Việt Nam? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi quanh nội dung này với nhà văn Lê Quang Trang, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng và nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Loan.

Lĩnh vực hội họa vẫn sống được, do ngành này về chủ yếu họa sĩ tự lo, tự tìm thị trường; song ngay cả phê bình hội họa cũng giảm sút. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Lĩnh vực hội họa vẫn sống được, do ngành này về chủ yếu họa sĩ tự lo, tự tìm thị trường; song ngay cả phê bình hội họa cũng giảm sút. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

- Nhiều ý kiến cho rằng, công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật đúng nghĩa đã gần như biến mất trong những năm gần đây, và điều đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển lệch lạc và sa sút của nhiều lĩnh vực sáng tạo. Xin ông/ bà cho biết ý kiến về nhận định này?

- Nhà văn Lê Quang Trang: Thật ra, công tác, hay hoạt động lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật không "biến mất", mà vẫn đang tồn tại khá sôi nổi trong đời sống. Đảng, Nhà nước và các tổ chức chuyên ngành vẫn có nhiều hoạt động về lĩnh vực này. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và của TP Hồ Chí Minh có nhiều hoạt động tốt. Báo chí xuất bản vẫn có nhiều tác phẩm, nhiều bài viết về vấn đề này. Tôi biết nhiều người cũng tìm tòi, trăn trở lắm. Có điều còn tản mạn, mạnh ai nấy làm, không có trọng điểm, không thành phong trào, thành dư luận tập trung tác động mạnh mẽ vào công chúng và người sáng tác, sáng tạo.

Kỳ 6: Định vị lại hoạt động lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật -0
Nhà văn Lê Quang Trang

Hơn nữa, cho đây là "nguyên nhân dẫn đến sự phát triển lệch lạc và sa sút của nhiều lĩnh vực sáng tạo" cũng chưa hoàn toàn thỏa đáng về khoa học và tính chính xác.

Đúng là lý luận phê bình có tác động đến sáng tác, sáng tạo văn học nghệ thuật, nhưng không nhiều. Rất nhiều người sáng tác, nhất là những người bản lĩnh, có quan niệm riêng của họ, không dễ bị "lung lạc" đâu. Những biểu hiện lệch lạc (theo tôi là có, nhưng không nhiều), chủ yếu là do chính họ thôi. Còn ý kiến là nguyên nhân dẫn đến "sa sút", cũng nên cân nhắc kỹ hơn, vì nếu nhìn từ góc độ số lượng và sự phong phú, đa dạng thì không phải như vậy. Tuy nhiên, đánh giá về chất lượng còn nhiều nhận định khác nhau, thậm chí đối lập nhau, chắc phải thảo luận nhiều nữa mới có thể đồng thuận.

- Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Loan: Không rõ khái niệm "công tác lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật đúng nghĩa" hàm ý gì? Riêng tôi, ý kiến nhận định "công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật đúng nghĩa đã gần như biến mất trong những năm gần đây" là không chuẩn xác. Bởi, cho tới nay, những bài lý luận, phê bình âm nhạc vẫn có mặt trên các báo, tạp chí in cũng như điện tử. Nhiều bài chất lượng rất tốt, mang tính khoa học, nhìn thẳng vào những hiện tượng lệch lạc trong nghiên cứu lý luận cũng như trong đời sống âm nhạc.

Kỳ 6: Định vị lại hoạt động lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật -0
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Loan

Nếu đổ lỗi cho lý luận, phê bình về những hiện tượng lệch lạc trong sáng tạo âm nhạc thì cũng không hợp lý. Bởi những lệch lạc đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Sự phát triển của công nghệ thông tin tạo nên thế giới "phẳng". Đời sống được nâng cao, điện thoại thông minh trở thành phương tiện đại trà khắp nơi. Các thế hệ có thể dễ dàng tiếp cận mọi luồng văn hóa tốt và xấu. Bên cạnh những mặt tốt, có cả mặt trái: các yếu tố không lành mạnh từ internet gây tác hại tới nhiều lĩnh vực trong đời sống, kể cả âm nhạc. Đây là vấn đề nan giải - với các nước phát triển cũng vậy.

Ngoài ra, còn tâm lý chạy theo lợi nhuận, thích nổi danh, sự buông thả của một số trong lớp trẻ và cũng có trường hợp là sự nông nổi nhất thời của vài tác giả, v.v. Vì thế, riêng lý luận phê bình đâu có tháo gỡ được vấn đề, dù đã có những bài phê phán rất trực diện?

Mặt khác, không rõ các ngành khác thế nào, nhưng nếu có ai cho rằng sáng tạo âm nhạc ở nước ta những năm gần đây "phát triển lệch lạc và sa sút" thì đó là cách nhận định một chiều, không đúng thực tiễn trong nước. Bởi những hiện tượng lệch lạc chỉ xảy ra ở một bộ phận nhỏ sáng tác, chủ yếu của tác giả trẻ. Nhiều tác giả - gồm cả tác giả trẻ, vẫn luôn tìm tòi sáng tạo hướng tới chân-thiện-mỹ và có những thành tựu rất đáng ghi nhận về nghệ thuật cũng như tinh thần hội nhập với thế giới, phát huy các giá trị di sản âm nhạc dân tộc. Có thể khẳng định: lệch lạc không phải là xu hướng phát triển chung của sáng tạo âm nhạc ở Việt Nam những năm gần đây. Âm nhạc Việt Nam cũng không sa sút. Trái lại, chưa bao giờ âm nhạc nước ta phong phú, đa dạng đồng thời phát triển lên tầm cao mới về nghệ thuật như ngày nay. Không ít tác phẩm nhạc hàn lâm cũng như nhạc đại chúng của tác giả Việt Nam đã vươn ra thế giới và được đón nhận.

- Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: Thời bao cấp, Nhà nước bao cấp cả hoạt động sáng tác, kinh phí làm phim, tiền xuất bản sách văn học, tiền cho đoàn kịch, tiền triển lãm tranh, tượng... và cả tiền cho hội thảo phê bình, in tạp chí, sách phê bình. Khi bao cấp xóa bỏ, thì các đầu tư trên không còn, nên nhiều ngành nghệ thuật lâm vào khó khăn, đến mức đóng cửa. Riêng có lĩnh vực hội họa vẫn sống được, do ngành này về chủ yếu họa sĩ tự lo, tự tìm thị trường. Song ngay cả phê bình hội họa cũng giảm sút. Như vậy nguyên nhân chính của sự đi xuống tới mức không còn của phê bình lý luận nghệ thuật là do hoạt động chính của các ngành đi xuống, tới mức không hoạt động nữa, hoặc hình thức hoạt động mang tính thị trường (ca nhạc trẻ, triển lãm cá nhân), họ tự lo về việc quảng cáo, theo cách riêng, phê bình cũng theo cách riêng. Nhà phê bình, nghiên cứu hiện nay không có nguồn kinh phí xã hội nào cả, đương nhiên cái nghề đó chết. Trong kinh tế thị trường, khi nghệ thuật chưa thành một ngành kinh doanh, thì phê bình lý luận cũng không phát triển. Thành ngành kinh doanh rồi, thì công việc phê bình, nghiên cứu, curator (giám tuyển) lại hết sức cần thiết, và có kinh phí từ việc kinh doanh tác phẩm.

Kỳ 6: Định vị lại hoạt động lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật -0
Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng

Việc phê bình cũng cần quan niệm khác, có phê bình chỉ mang tính giới thiệu quảng cáo, nâng nghệ sĩ trong thị trường. Còn phê bình khách quan dưới góc độ nghệ thuật-xã hội, thì phải tự lo, hoặc do kinh doanh báo chí trả tiền, đặt hàng. Những điều này có vẻ còn rất non trẻ ở ta. Nghệ thuật Việt Nam hiện tại về cơ bản đã tiến xa hơn rất nhiều so với thời Đổi mới, bao cấp, nhưng quan niệm về phê bình vẫn cũ như thời trước, thì nếu có cũng chẳng ai dùng cái thứ phê bình đó nữa.

- Để nâng tầm cho công tác lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật, theo ông/ bà cần phải làm những gì?

- Nhà văn Lê Quang Trang: Tôi thấy nhiều việc lắm, nhưng chỉ xin nêu lên vài việc chính. Trước hết cần thay đổi nhận thức về vai trò của công tác lý luận phê bình. Trên cơ sở ấy để bố trí cán bộ, xác định công việc, hoạch định chính sách, chế độ đầu tư... Dường như ai cũng thấy vai trò quan trọng của công tác, hoạt động lý luận phê bình trong văn học nghệ thuật, nhưng nhận thức lại có phần coi nhẹ. Người hoạt động trên lĩnh vực này hiện nay chủ yếu theo sở thích của mình. Vui thì làm, không vui thì thôi hoặc lảng tránh sang các việc khác, trừ những trường hợp không thể thoái thác. Dẫn chứng có rất nhiều. Cần thay đổi cách phát triển từ lối hình thành tự nhiên, tự phát sang cách chủ động, tự giác, có kế hoạch.

Tiếp theo, cần từng bước xây dựng nền lý luận nước nhà, là cơ sở, tiêu chí để định giá. Lại nên tập hợp chuyên gia giỏi để giới thiệu một cách bài bản, khoa học, toàn diện hệ thống lý luận của cha ông và các lý thuyết, trường phái lớn trên thế giới theo kế hoạch, lộ trình và cách tổ chức cởi mở. Điều này không dễ, phải quyết liệt lắm mới thành công.

Về phê bình, cần tập hợp được nhiều cây bút có tay nghề vững, đánh giá kịp thời những sáng tác mới, luận bàn có văn hóa (tranh luận) những vấn đề quan trọng hay cấp bách nào đó, tạo phong trào, khơi gợi, hướng dẫn công chúng thưởng thức, từ đó tác động đến người sáng tác.

Đặc biệt cần chăm lo xây dựng đội ngũ làm lý luận phê bình, có chính sách in ấn và nhuận bút với sách lý luận phê bình để khích lệ người viết. Hết sức tranh thủ ý kiến của các học giả lớn. Nhanh chóng, liên tục đào tạo, bồi dưỡng các đối tượng chủ yếu sau:

Một là, những người đang hoặc sẽ làm lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là nhân tố ở cấp chiến lược.

Hai là, những chuyên gia chuyên ngành trong hệ thống các viện, trường, tạo điều kiện cho họ giúp giải đáp những vấn đề của văn học-nghệ thuật. Đặc biệt, cần chú ý đội ngũ thầy cô giảng dạy ở cấp đại học và cao hơn, vì trình độ, uy tín của đội ngũ này có sức cảm hóa và lan tỏa rộng.

Ba là, những người biên tập báo chí, xuất bản, để họ am hiểu, tinh thông cả nghiệp vụ văn nghệ và báo chí, đáp ứng kịp thời những yêu cầu của đời sống. Đây là lực lượng đông đảo, thẩm định bước đầu, truyền bá lan tỏa nhanh rộng, nếu làm tốt sẽ phát triển tốt, có lợi cho phong trào.

- Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: Giữa thực tế nghệ thuật và công việc phê bình, nghiên cứu trong thời hiện tại và kinh tế thị trường, gắn bó với nhau, không phải là thứ dẫn đường, hướng dẫn, mà là song hành, cùng nâng cao chất lượng sáng tác, đáp ứng thị trường, nên nó được phân cấp rất chuyên môn. Phê bình nằm trong marketing, thường làm trước hai năm đối với một sự kiện nghệ thuật, và về kinh phí nó chiếm tới 25%. Công việc này cũng là thị trường, chứ không phải những bài viết thoải mái của các nhà phê bình trên báo như trước. Tuy nhiên, vẫn có những phê bình độc lập, thưởng ngoạn, nhưng không phụ thuộc vào quan điểm nào, cũng không cần đến báo chí chính thống, vì mạng xã hội khá mạnh, lại cơ bản không kiểm duyệt. Đây chính là cái ta phải suy nghĩ.

- Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Loan: Công tác lý luận, phê bình thường không đi trước-trừ những công trình lý luận thuộc lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết, còn nhiệm vụ của lý luận, phê bình nói chung phần lớn là từ những hiện tượng xảy ra trong thực tiễn mà đúc kết, nhận định và đề xuất, qua đó góp phần định hướng, uốn nắn lệch lạc, khích lệ những nhân tố tích cực, sáng tạo. Để làm tốt những việc trên, người làm lý luận, phê bình - dù đang hành nghề ở các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo hay ở khu vực báo chí, hội nghề nghiệp, đều cần luôn tự trau dồi, bồi bổ kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội cũng như các chuyên ngành nghệ thuật, đồng thời cần điều tra, tìm hiểu kỹ các hiện tượng, sự việc, để có tầm nhìn bao quát, chính xác những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống. Từ đó mới có những nhận định, phê bình đúng đắn, khách quan, khoa học. Đương nhiên, còn cần có tâm, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm với xã hội cũng như với chính bản thân cùng những gì mình viết.

Tổ chức những lớp tập huấn bồi dưỡng, trao đổi qua đó nâng cao nghiệp vụ cho những người làm công tác lý luận, phê bình như Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức trong hai năm gần đây, hoặc những hội thảo chuyên đề, những khóa đào tạo nâng cao ngắn hạn về nghiệp vụ viết đều là những biện pháp có thể góp phần nâng tầm của công tác lý luận, phê bình, hạn chế những nhận định, phản ánh và phê phán sai lạc còn lẻ tẻ ở một số bài lý luận, phê bình trong những năm qua.

- Trân trọng cảm ơn các ông, bà đã tham gia cuộc trao đổi!