Kỳ 3: Xã hội hóa trong văn học - nghệ thuật còn nhiều hạn chế và điểm nghẽn

So với thời kỳ đầu khi chủ trương xã hội hóa mới được triển khai ở nước ta trong thập niên 90 của thế kỷ trước, giai đoạn hiện nay cho thấy những thay đổi đáng kể về cách tiếp cận và cơ chế triển khai của chủ trương này.

Ra đời năm 2017, Không gian sáng tạo VICAS Art studio đã tổ chức được nhiều sự kiện nghệ thuật chất lượng cao.
Ra đời năm 2017, Không gian sáng tạo VICAS Art studio đã tổ chức được nhiều sự kiện nghệ thuật chất lượng cao.

Xã hội hóa không đơn thuần là một giải pháp nhằm huy động nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước cho việc đầu tư vào các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, mà bản chất sâu xa của nó chính là việc thay đổi động năng trong mối quan hệ giữa ba thành tố cốt lõi của quốc gia hiện đại, bao gồm Nhà nước, thị trường và xã hội. Kết quả tích cực của quá trình xã hội hóa sẽ đưa Nhà nước, thực thể vẫn nắm giữ vai trò quan trọng trong hệ thống văn hóa, chuyển dần từ vị trí người chỉ huy sang vai trò quản lý, bảo trợ và kiến tạo. Trong khi đó, các cá nhân, nhóm và cộng đồng với tư cách là chủ thể của quá trình sáng tạo, phân phối và hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật sẽ nắm giữ vị trí trung tâm của các hoạt động này. Mối quan hệ giữa Nhà nước và xã hội sẽ vận hành dựa trên các nguyên lý cơ bản của thị trường và sự hợp tác thay vì cơ chế bao cấp và phụ thuộc như từng có trước đây.

Những thay đổi trong nhận thức và quan điểm về xã hội hóa là nền tảng quan trọng cho việc tìm kiếm những cách thức mới để hiện thực hóa chủ trương này trên thực tiễn, và từ đó, góp phần đưa tới những kết quả tích cực trong lĩnh vực văn hóa. Chúng ta có thể thấy các thí dụ thành công điển hình như việc phục hồi hàng trăm lễ hội truyền thống ở khu vực nông thôn nhờ vào sự huy động trí tuệ, tài chính và nhân lực của các cộng đồng địa phương hay sự ra đời của các không gian sáng tạo tại các khu đô thị nhờ vào nỗ lực vận động của các nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật. Với sự tham gia tích cực của các cá nhân và tổ chức xã hội vào việc phát triển các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, không chỉ sản phẩm và dịch vụ văn hóa trở nên đa dạng hơn mà khả năng tiếp cận và quyền tham gia văn hóa như một trong những quyền cơ bản của công dân cũng được bảo đảm và phát huy. Việc mở rộng sự tham gia đi cùng với việc tiếp tục phát huy cơ chế thị trường, phá bỏ sự độc quyền của Nhà nước trong việc kiểm soát từ nguồn lực cho đến quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm, dịch vụ đã tạo ra động lực thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của các thành phần khác nhau trong khu vực văn hóa.

Những chuyển dịch gần đây của lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam minh chứng cho tính tất yếu và những ảnh hưởng tích cực của chủ trương xã hội hóa trong bối cảnh đương đại. Văn hóa - nghệ thuật hiện nay không chỉ thu hút sự tham gia của các thành phần xã hội với tư cách là một lĩnh vực giúp bồi đắp các giá trị về tinh thần mà còn là một khu vực kinh tế với tiềm năng to lớn trong việc tạo ra sự tăng trưởng về vật chất. Xu hướng phát triển này phù hợp mục tiêu tổng quát mà Việt Nam đặt ra trong các chiến lược phát triển quốc gia, và đồng thời, nó cũng tương đồng các khuôn khổ và xu thế đang chi phối cộng đồng quốc tế.

Tuy vậy, từ thực tiễn cũng cho thấy, hiệu quả và khả năng tác động, nhất là việc tạo ra những thay đổi mang tính đột phá của chủ trương xã hội hóa chưa đạt được như kỳ vọng. Sự hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau. Trước hết, mặc dù đã có nhiều cải thiện, nhưng trong tổng thể ngành văn hóa vẫn tồn tại sự bất bình đẳng giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước. Đối với nhiều doanh nghiệp và tổ chức công lập, Nhà nước vẫn duy trì chính sách bao cấp, xin - cho của nền kinh tế kế hoạch hóa. Trong khi đó, các thủ tục hành chính dành cho các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức xã hội còn rườm rà, gây ra nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực công do Nhà nước cung cấp. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, bất chấp xu hướng làm việc tự do ngày càng trở nên phổ biến trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, Nhà nước vẫn chưa thừa nhận tư cách cá nhân của các nghệ sĩ trong việc đề xuất và hưởng thụ các khoản tài trợ từ nguồn ngân sách.

Bên cạnh đó, cơ chế đầu tư công của Nhà nước cũng chưa đủ sức "làm mồi", "dẫn dắt" cho đầu tư của tư nhân trên thị trường. Các chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hóa như miễn, giảm thuế, ghi công cho các khoản đóng góp, tài trợ… còn hạn chế, chưa đủ để tạo ra động lực cho các cá nhân, nhóm và cộng đồng.

Thêm vào đó, Nhà nước còn hạn chế trong kiến tạo phát triển, dẫn dắt thị trường văn hóa, từ đó làm giảm sức hấp dẫn và sự thu hút của thị trường đối với các thành phần xã hội. Một mặt, Nhà nước can thiệp không phù hợp với sự vận động của thị trường, điển hình như việc kiểm duyệt nội dung các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật dựa trên những tiêu chí không rõ ràng. Mặt khác, Nhà nước không có cơ chế và chế tài đủ mạnh để giải quyết vấn đề cốt lõi của thị trường văn hóa như bảo vệ bản quyền. Những bất cập trong việc sử dụng các công cụ quản lý khiến cho vai trò của Nhà nước đối với thị trường bị hạn chế. Nhà nước chưa thật sự trở thành trọng tài cho các chủ thể kinh tế, chưa điều tiết và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa những người sản xuất, phân phối hàng hóa và người tiêu dùng.

Cuối cùng, mặc dù sự tham gia của các thành phần xã hội vào các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đã được mở rộng, họ vẫn chưa thật sự trở thành người đồng kiến tạo văn hóa cùng với bộ máy Nhà nước. Trên thực tế, thể chế và quy định pháp luật vẫn giới hạn sự tham gia của người dân và tổ chức xã hội vào quá trình hoạch định, triển khai và đánh giá chính sách văn hóa.

Như vậy, để thật sự phát huy hiệu quả của chủ trương xã hội hóa, việc tìm ra các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trên đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi sự quan tâm của các nhà quản lý và hoạch định chính sách văn hóa. Về tổng thể, hệ thống các giải pháp này phải hướng tới các mục tiêu căn bản bao gồm: xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích sự hợp tác, và bảo đảm sự công bằng cho các bên liên quan.

Ngày 26/10/2019, diễn ra sự kiện Ra mắt các không gian sáng tạo Việt Nam ViCHI. Đây là một dấu mốc quan trọng cho nền kinh tế sáng tạo của Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một nền tảng giúp kết nối các không gian sáng tạo lại và ươm mầm cho một hệ sinh thái sáng tạo lành mạnh.

ViCHI hướng tới việc trở thành tiếng nói đại diện cho toàn bộ các không gian sáng tạo Việt Nam trong các hoạt động như vận động chính sách, kêu gọi đầu tư và tài trợ, kết nối mạng lưới quốc tế, nâng cao năng lực... trong khu vực và trên thế giới thông qua các sự kiện (như tập huấn kỹ năng, trao đổi, tọa đàm) và hoạt động kết nối với mạng lưới khu vực và quốc tế (tiêu biểu như Mekong Cultural Hub, European Creative Hubs Network,...).