Văn học ngôn tình hay là sự lãng quên tri thức

Dòng truyện ngôn tình (tình cảm nam nữ một cách ủy mị, gợi dục), đam mỹ (truyện về tình yêu đồng tính nam) xuất hiện do sự biến đổi của xã hội, cảm quan thẩm mỹ của người viết và nhu cầu của người đọc. Dòng truyện này phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc như một trào lưu lớn, nó song hành với các thể loại văn học khác và chiếm một số lượng độc giả rất lớn, chủ yếu là giới trẻ.

Sách ngôn tình đang bày bán nhan nhản ở nhiều nhà sách.
Sách ngôn tình đang bày bán nhan nhản ở nhiều nhà sách.

Một trào lưu ảo tưởng đầy tác hại

Sở dĩ truyện ngôn tình, đam mỹ tạo nên được những làn sóng của nó là do lợi thế văn học mạng. Loạt sách này được dịch và in ấn ở nước ta khoảng tám năm nay. Nó đem tới cho người viết nhiều ảo tưởng, nghĩ mình có thể trở thành một nhà văn thực sự. Có thể nói bất kỳ một người nào đó cũng có quyền chia sẻ những tác phẩm, bài viết của mình trên in-tơ-nét. Khi có sự tương tác giữa người viết - văn bản - bạn đọc thì tác phẩm được hình thành.

Tính chất lãng mạn bởi những câu chuyện về tình yêu trắc trở là yếu tố chung của tiểu thuyết ngôn tình hiện nay. Tất nhiên, xét trong dòng lịch sử văn học thì yếu tố này đã có từ lâu trong tiểu thuyết tài tử giai nhân của người xưa và trào lưu văn học lãng mạn khởi nguồn từ Pháp. Nếu đối sánh về lối viết, cốt truyện, hệ thống nhân vật, cách triển khai tình tiết thì các truyện ngôn tình, đam mỹ hiện nay không khác gì lắm so với các tác phẩm trước đây của Quỳnh Dao, Trương Ái Linh... ngoài sự bạo dạn hơn trong việc khai thác những chi tiết mang nặng dục tính và sự yếu kém hơn về mặt ngôn từ cũng như tư tưởng nhân văn.

Là truyện ngôn tình nên các tác phẩm như Đồng Lang cộng hôn, Ngủ cùng sói...của Diệp Lạc Vô Tâm; Cuộc sống đại học xui xẻo của Phong Lộng... đều là những tác phẩm không có gì khác ngoài chuyện chú tâm khai thác tình yêu nam nữ. Những câu chuyện tình yêu trắc trở, những chi tiết mùi mẫn, thậm chí mạnh bạo và dung tục trong mô tả tính dục là thế mạnh để loại sách này thu hút sự tò mò của người đọc mới lớn.

Dựa trên nhiều đặc trưng, truyện ngôn tình được chia thành một số thể loại như: xuyên không (nhân vật vượt giới hạn thời gian - không gian), cung đấu (đấu đá, tranh đoạt trong cung đình), huyền huyễn (truyện có yếu tố phép thuật, kỳ ảo), võng du (truyện miêu tả song song cuộc sống ảo trên mạng và ngoài đời thực của nhân vật), cổ đại (mang tính chất cổ xưa)...

Nếu đặt truyện ngôn tình, đam mỹ trong vai trò khai mở nhận thức về thực tại cho người đọc cũng như thúc đẩy sự phát triển nói chung của văn học thì loại truyện này không đáp ứng được. Ngược lại, chính những kiểu tình yêu ướt át, những cuộc đời mộng ảo, những mối tình diễm tuyệt, những nỗi đau hoàn toàn bị chi phối bởi cảm xúc thiếu vắng lý trí kia đã đẩy sự mơ tưởng tới khung cảnh viễn vọng, ẩn chứa những mầm họa lớn đối với sự phát triển tâm lý của bạn đọc trẻ.

Thậm chí, truyện ngôn tình có thể nhấn chìm tuổi trẻ vào những thế giới thiếu thực tế mà những trái tim cùng với lý trí non nớt của các em khó lòng thoát ra được. Trong thế giới đó thường có những yếu tố kích động và làm thỏa mãn những cảm xúc bình dân, trí tò mò về tình dục, hướng trẻ tới những hành vi lệch lạc và có những tâm thế yếu mềm, xa lánh thực tại.

Lỗi tại ai?

Trong những năm gần đây, bước vào một nhà sách bất kỳ nào chúng ta cũng thấy một số lượng lớn sách ngôn tình, đam mỹ. Là sản phẩm dịch từ nước ngoài và một số cây bút thế hệ trẻ trong nước, nên lỗi đầu tiên không thuộc về bạn đọc trẻ mà thuộc về người lớn. Ấy là khi các nhà xuất bản chỉ nghĩ tới lợi nhuận mà bỏ qua vai trò khai sáng của văn hóa đọc đúng nghĩa. Và, thật đau lòng, khi bạn đọc trẻ lựa chọn dòng truyện này để thỏa mãn nhu cầu giải trí theo kiểu bản năng thì những dòng sách ý nghĩa khác đã bị lãng quên.

Vẫn biết, song hành tồn tại với dòng truyện ngôn tình, đam mỹ, thời gian gần đây một số ít nhà xuất bản cũng đã có những động thái tổ chức dịch thuật giới thiệu đến công chúng nói chung và bạn đọc trẻ nói riêng những tác phẩm văn học nghệ thuật kinh điển, những công trình nghiên cứu lớn về chính trị, kinh tế, triết học, mỹ học, xã hội học... của nhân loại trong khát vọng muốn nâng cao văn hóa đọc. Nhưng có lẽ chúng ta chưa có một định hướng mang tính chiến lược trong việc hướng cho bạn đọc trẻ tới những dòng sách ý nghĩa hơn.

Đơn cử như tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và Nhà xuất bản Tri Thức - một tủ sách đầy giá trị cho bạn đọc trong việc tiếp nhận tri thức khách quan của thế giới và hình thành nhân cách của một con người trí tuệ hiện đại. Có điều, sự tác động của tủ sách này tới bạn đọc trẻ không lớn như kỳ vọng của những người thực hiện. Một thông tin đáng buồn đưa ra tại cuộc tọa đàm thông báo về giải thưởng Phan Châu Trinh 2012, rằng, mỗi một cuốn sách, dù là rất có giá trị, cũng không thể bán được trên 2.000 cuốn. Trong khi, so sánh với những cuốn sách có thị hiếu văn hóa có thể nói là không cao, cũng bán được 10.000-15.000 bản...Trước sự xâm lấn ồ ạt của dòng truyện ngôn tình, đam mỹ hiện nay thì tri thức và ý nghĩa của trí tuệ trong các dòng sách khác ít hay nhiều đã bị bạn đọc trẻ lãng quên. Mãi mới đây, Cục Quản lý xuất bản, In và phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông) mới có công văn gửi các Nhà xuất bản, tạm ngừng đăng ký dòng văn học ngôn tình, đam mỹ và xử lý một số sách vi phạm. Muộn còn hơn không, quyết định này khiến các bậc phụ huynh và độc giả từ trung niên trở nên hả hê, nhưng gây cụt hứng cho độc giả trẻ và sự lo lắng cho các nhà sách chuyên sống bằng việc in và phát hành dòng truyện ấy.

Hy vọng rằng động thái này là một dịp để cơ quan chức năng tính toán, đưa ra những giải pháp quản lý chặt chẽ, thay vì không quản được thì cấm, hoặc chỉ xốc lên rồi để đó, giống như tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa", hay là một hành động chữa cháy.