Trao đổi ý kiến

Kỳ 4: Xây lại lộ trình và phương thức tiến hành xã hội hóa

Để chủ trương xã hội hóa thật sự tạo nên động năng trong mối quan hệ giữa ba thành tố cốt lõi của quốc gia hiện đại, bao gồm Nhà nước, thị trường và xã hội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Cao Ngọc (Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), NSƯT Tuyết Minh (Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam) và nghệ sĩ Huỳnh Anh Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH Sân khấu-Nghệ thuật Thái Dương).

Cảnh trong vở ballet Kiều.
Cảnh trong vở ballet Kiều.

- Xã hội hóa hoạt động văn học - nghệ thuật được coi là một chủ trương lớn, kịp thời và góp phần mang lại sức sống mới cho nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, quá trình tiến hành xã hội hóa những năm qua lại làm cho một số ngành nghệ thuật rơi vào tình trạng nghiệp dư hóa, và đối diện nguy cơ khủng hoảng. Ý kiến của ông/bà về vấn đề này?

Kỳ 4: Xây lại lộ trình và phương thức tiến hành xã hội hóa -0

- TS Cao Ngọc: Xu hướng xã hội hóa hoạt động văn học - nghệ thuật đã được giới văn nghệ sĩ khẳng định là tất yếu trong bối cảnh chung hiện nay. Tuy nhiên, đúng như nhận định về mặt trái, mặt thiếu tích cực, nếu không muốn nói là tiêu cực thì việc xã hội hóa các loại hình văn học - nghệ thuật cũng có những điểm làm cản trở bước phát triển về chất lượng cũng như số lượng các tác phẩm. Một trong những loại hình chịu ảnh hưởng lớn là nghệ thuật sân khấu, nhiều đơn vị chuyên nghiệp đã bị rơi vào nghiệp dư hóa, khủng hoảng.

Là loại hình sáng tạo mang tính tập thể, một tác phẩm sân khấu thành công là sự tham gia đồng bộ của cả ê-kíp từ nhà viết kịch, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ, kỹ sư âm thanh ánh sáng… và cần sự đầu tư nghiêm túc về vật chất, về thời gian. Khi tự hạch toán thu chi, rồi dần tiến tới xã hội hóa hoàn toàn thì các đơn vị nghệ thuật đã thật sự phải bươn chải để tìm cách tồn tại và tìm hướng phát triển. Dưới áp lực của doanh thu, nhiều đoàn nghệ thuật sân khấu đứng trước nguy cơ chịu giải thể, mất phiên hiệu hoặc phải chấp nhận dàn dựng những kịch bản nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khán giả tìm đến sân khấu để giải trí đơn thuần, hiếm dần các vở diễn khiến "Người ta đến sân khấu để giải trí và ra về mang theo sự suy nghĩ" (Stanislavski). Khó khăn tài chính khiến cho sàn diễn, phòng rạp và phục trang, đạo cụ dần xuống cấp, hay nói cách khác, sân khấu xảy ra sự nghiệp dư hóa sàn diễn chuyên nghiệp (Nguyễn Đình Nghi).

Áp lực của xã hội hóa ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng nghệ thuật, tiêu chí nghệ thuật của các đơn vị sân khấu. Vốn được coi là giải pháp tình thế, nhưng loại hình sân khấu nhỏ đã phát triển thành xu thế chủ đạo, thay thế gần như hoàn toàn các sân khấu lớn, nghiêm ngắn. Đó thật sự là bước lùi của sân khấu, khi trở lại dáng dấp phường gánh cũ.

Chủ trương sáp nhập các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tại các địa phương theo địa dư hành chính được tiến hành khá vội vàng, hầu hết mới là phép cộng gộp cơ học, chưa dựa theo những tính toán khoa học thật sự thỏa đáng ở các địa phương gây ra những xáo trộn về nhân sự, làm ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của sân khấu.

Sân khấu chuyên nghiệp đang bị những đặc tính của sân khấu nghiệp dư xâm nhập vào hầu hết các thành phần, gây cảm giác sân khấu chuyên nghiệp đang quay lại với sự dễ dãi, giản đơn. Đây là hiện trạng đáng buồn của sân khấu Việt Nam.

Kỳ 4: Xây lại lộ trình và phương thức tiến hành xã hội hóa -0

- Nghệ sĩ Huỳnh Anh Tuấn: Là người gần như sớm nhất "đón" chủ trương xã hội hóa và thành lập sân khấu tư nhân đầu tiên ở khu vực phía nam, tới nay, đã gần 40 năm, tôi vẫn thấy, đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lý của nhà nước trong việc "thay máu" hoạt động văn hóa-nghệ thuật ở nước ta. Chỉ có điều, cách chúng ta thực hiện chủ trương đó đang có nhiều vấn đề cần nhìn lại và thay đổi. Nếu nói chủ trương đó đẩy một số ngành nghệ thuật rơi vào tình trạng nghiệp dư hóa, và đối diện nguy cơ khủng hoảng; thì nhìn lại hoạt động của các đơn vị xã hội hóa do tôi quản lý: Nhà hát múa rối thiếu nhi Nụ Cười (gồm hai cụm: Nhà hát Rối nước Rồng Vàng, Nhà hát Nón Lá chuyên về nghệ thuật dân tộc) và Sân khấu Kịch IDECAF, tôi muốn hỏi, chúng tôi nghiệp dư và khủng hoảng chỗ nào? Chúng tôi có nhiều tác phẩm "cháy" vé, tái diễn nhiều lần, có khán giả của mình. Tôi cũng hay đưa đoàn tham gia các festival quốc tế, khán giả ủng hộ còn đông hơn cả đoàn của các nước bạn. Kể cả những vở dành cho thiếu nhi, chúng tôi còn đầu tư nhiều hơn mức dựng vở của Nhà hát Tuổi Trẻ.

Trong suy nghĩ và trải nghiệm của tôi, tác phẩm chất lượng cao không phải là tác phẩm đạt điểm cao nhất ở một kỳ liên hoan nào đó, rồi khi khép tấm màn nhung, vở diễn cũng mất tăm mất tích, không đến được với công chúng. Tác phẩm chất lượng cao phải là tác phẩm sống được trong lòng khán giả, sống qua nhiều thế hệ.

Kỳ 4: Xây lại lộ trình và phương thức tiến hành xã hội hóa -0

- NSƯT Tuyết Minh: Đối với nghệ thuật múa, ngay từ những ngày đầu hưởng ứng chủ trương này đã có một số mô hình xã hội hóa được thành lập như các đoàn múa tư nhân, các vũ đoàn, các studio, các nhóm nhảy… Ở khu vực này họ năng động, linh hoạt nắm bắt xu thế thị trường, chịu đầu tư và ứng dụng công nghệ cao trong sáng tạo các sản phẩm nghệ thuật, bắt kịp xu thế và các trào lưu quốc tế, đáp ứng nhu cầu nghe nhìn, hấp dẫn khán giả trẻ và đáp ứng thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật của đại đa số khán giả. Tuy nhiên, do thương mại hóa, chạy theo đơn đặt hàng, cho nên nhiều sản phẩm chưa đạt chất lượng cao, chệch hướng hoặc pha trộn thể loại, lai căng văn hóa nước ngoài, xa lạ với văn hóa bản địa, ít nhiều nghiệp dư hóa làm cho nghệ thuật múa bung ra nở rộ trên diện rộng mà thiếu chiều sâu và chất lượng nghệ thuật cao.

Một hướng khác của xã hội hóa đó là các đơn vị nghệ thuật công lập đã bắt đầu tự chủ một phần, hướng đến hoặc đã bắt đầu đi trên lộ trình xã hội hóa, ở khu vực này vấp phải rất nhiều bất cập. Một là mâu thuẫn từ việc phải giải quyết chế độ biên chế cho các nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến với việc tinh giản biên chế, trong khi lực lượng trẻ, các ngôi sao đang lên hoặc hút khán giả lại khó chen chân vì quỹ biên chế có hạn, nếu chuyển sang xã hội hóa lại có những yêu cầu riêng để hút khán giả và đáp ứng yêu cầu của các công ty, chương trình có tính thương mại. Hai là đội ngũ nghệ sĩ đã quen bao cấp chưa thích ứng được quy luật đào thải và khả năng tự hoàn thiện, nâng cao năng lực nên dễ bị trượt dài cả về thanh sắc cho tới kỹ năng, kỹ xảo so với đội ngũ nghệ sĩ trẻ hoạt động tự do. Vấn đề thứ ba là chủ trương sáp nhập các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp vào các trung tâm văn hóa với mục đích tinh giản biên chế nhưng lại gây ra hệ lụy lực lượng nghệ sĩ từng loại hình ca, múa, nhạc vừa thiếu, vừa yếu. Điều quan trọng nhất là tính chuyên nghiệp và những chương trình, vở diễn có quy mô, chất lượng nghệ thuật cao dần ít đi trong khi các gameshow, chương trình truyền hình thực tế đang bùng nổ, lấn át nghệ thuật chuyên nghiệp. Hai xu thế này chưa tìm được mẫu số chung trên lộ trình xã hội hóa.

Vấn đề thứ tư là chưa có một môi trường bình đẳng thực chất giữa các đơn vị công lập và xã hội hóa. Nhiều nhà quản lý, nhiều đơn vị, nghệ sĩ còn nhầm giữa mô hình xã hội hóa với việc hoạt động nghệ thuật trong mô hình xã hội hóa, nên chưa đánh giá đúng chất lượng, động viên kịp thời những nghệ sĩ chuyên nghiệp hoạt động xã hội hóa.

- Để việc triển khai xã hội hóa hoạt động văn học-nghệ thuật đạt được hiệu quả như kỳ vọng, theo ông/bà, cần phải làm gì?

- TS Cao Ngọc: Việc tiến tới xã hội hóa là cần thiết, nhưng không thể vội vàng. Quy trình sáp nhập các đơn vị sân khấu cũng đòi hỏi phải có những chính sách có tính đặc thù, phù hợp từng địa phương để bảo đảm quyền lợi cho các nghệ sĩ sau khi sáp nhập. Nếu không thận trọng, cứ sáp nhập, xã hội hóa một cách nóng vội thì vô hình trung, rất dễ đánh mất những thương hiệu nghệ thuật chuyên nghiệp đã được các thế hệ nghệ sĩ đi trước dày công xây dựng từ nhiều thập niên.

Nhìn chung, với các đơn vị công lập hiện nay, nhất là các đơn vị tuồng, chèo, cải lương, phải có cơ chế riêng, thậm chí vẫn phải bao cấp một phần lớn để duy trì các hình thức sân khấu đa dạng, phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng khán giả.

Mỗi đơn vị sân khấu xã hội hóa cần có những nguồn thu. Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ, ở nhiều nước phát triển, các đơn vị nghệ thuật có kinh phí từ bốn nguồn chính là tài trợ từ ngân sách dành cho văn hóa; tài trợ từ các nhà hảo tâm; nguồn thu từ các dịch vụ và quảng cáo; và bán vé từng vở diễn. Chúng ta chưa làm tốt công tác tài trợ từ ngân sách dành cho văn hóa, điều này cần cơ chế thông thoáng và minh bạch để tiến hành sự đầu tư thông qua đặt hàng các tác phẩm. Tài trợ từ các nhà hảo tâm thì ở các nước, đã có chính sách miễn thuế, giảm thuế cho các khoản đầu tư từ các cá nhân cho các hoạt động văn học-nghệ thuật phục vụ cộng đồng. Với khoản thu từ dịch vụ và quảng cáo thì hiện tại, chưa có sân khấu tư nhân nào có rạp diễn riêng, nên khó hình thành những dịch vụ văn hóa kèm theo. Khi lượng khán giả đến rạp chưa nhiều, rất khó để tìm kiếm quảng cáo cho các vở diễn. Cuối cùng là nguồn thu từ bán vé thì lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc xây dựng thương hiệu nghệ thuật cho đơn vị sân khấu…

Chúng ta cần sự đồng bộ, cần chính sách lâu dài, có đường hướng mang tính chiến lược để kích thích sự sáng tạo và phát triển của sân khấu.

- NSƯT Tuyết Minh: Thực tế gần 30 năm qua cho thấy, ngay cả đơn vị quản lý nhà nước cũng còn nhiều lúng túng trong việc xác định mục tiêu, lộ trình, hành lang, không gian mang tính định hướng cho xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật. Chưa nói đến tính đặc thù của từng loại hình nghệ thuật sẽ có những yêu cầu riêng cho lộ trình xã hội hóa, trước hết, cần phải xây dựng một chiến lược tổng thể với những bước đi và mục tiêu cho từng giai đoạn. Suy cho cùng, mục tiêu của xã hội hóa hoạt động nghệ thuật nhằm tăng cường việc huy động nguồn lực xã hội; hội tụ và sử dụng nhân tài trong lĩnh vực nghệ thuật; bảo tồn-phát huy những giá trị văn hóa bản địa và tinh hoa thế giới; tôn trọng tính đa dạng của các sản phẩm văn học, nghệ thuật; sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật ở đa dạng thể loại và loại hình, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ và nâng cao mức hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của người dân.

- Nghệ sĩ Huỳnh Anh Tuấn: Trước mắt, phải hoàn chỉnh khung pháp lý. Hiện, các nghị định, nghị quyết, thông tư hướng dẫn… đều mang tính thời vụ, chưa bám sát thực tế hoạt động ngành nghề. Ngoài ra, đưa ra chủ trương, phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đi kèm. Không thể để các đơn vị xã hội hóa tự bơi như vậy mãi được.

- Xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia và nghệ sĩ.