Văn học dịch, có nên bao cấp tâm hồn?

Hiện nay, văn học được xem như thứ mặt hàng lẫn lộn giữa vô vàn mặt hàng khác, buộc phải thích nghi trong thế giới thị trường tự do. Thực tế nghiệt ngã ấy không chỉ khiến các cơ quan tổ chức và quản lý văn hóa cần có những điều chỉnh phù hợp, mà cùng đó, hoạt động dịch văn học cũng buộc phải chủ động hơn trong môi trường đầy tính cạnh tranh này.

Gặp gỡ Văn chương Việt - Hàn tại TP Hồ Chí Minh.
Gặp gỡ Văn chương Việt - Hàn tại TP Hồ Chí Minh.

Trước sự thật nghiệt ngã rằng tiểu thuyết Nghệ nhân và Margaritacủa Bun-ga-rốp (M. Bulgarov), một kiệt tác của văn học Nga in 3.000 bản, bán 10 năm chưa hết, nhà báo Hạ Huyền cho rằng "văn học Nga ở Việt Nam: xa rồi thời hoàng kim". Dịch giả Đoàn Tử Huyến cảm nghe hối tiếc và đổ lỗi cho chất lượng dịch thuật: "Tôi tiếc vì độc giả Việt Nam chưa được đọc bản dịch Sông Đông êm đềm nào hay xứng tầm nguyên bản". Chưa chắc! Dịch giả trẻ Thụy Anh có cái nhìn khác và thực tế hơn: "Quá khứ đáng tôn thờ, nhưng không nên tiếc nuối".

Không nuối tiếc, đúng lắm. Văn học Nga từng một thời thống ngự văn đàn tác phẩm dịch tại Việt Nam. Ở miền bắc xã hội chủ nghĩa giai đoạn chiến tranh và trên cả nước, sau đó. Ở đó, nguyên do thời cuộc và quan hệ hữu nghị đóng vai trò quyết định. Tất cả được gói trọn trong vòng tròn khép kín: việc chọn tác phẩm dịch, công tác in ấn và phát hành, lẫn chuyện độc giả (không có gì khác) đọc tác phẩm chọn kia. Nhưng nay, cuộc thế đổi thay, văn học được xem như thứ mặt hàng lẫn lộn giữa vô vàn mặt hàng khác, buộc phải thích nghi trong thế giới thị trường tự do. Các cơ quan với tổ chức văn hóa mang tính bao cấp chỉ có vai trò thứ yếu trong cuộc chơi đầy tính cạnh tranh này.

Cuộc "Gặp gỡ Văn chương Việt - Hàn", sau đó là "Lễ Trao giải Cuộc thi viết Cảm nhận tác phẩm văn chương Hàn Quốc" tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vừa qua dù thu hút khá đông các bạn sinh viên cùng văn giới, nhưng số lượng tác phẩm văn học Hàn được dịch ra tiếng Việt vẫn còn ở con số rất khiêm tốn. Đến nay, mới có 58 tác phẩm văn chương Hàn được dịch ra tiếng Việt, mà dịch giả chủ yếu là người Hàn Quốc! Lại qua trung gian của Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc. Vậy là vẫn bài cũ lặp lại: Không khác mấy so với thời văn học Liên Xô cũ.

Trong khi đó, ở miền nam trước Bảy nhăm, nhu cầu dịch văn học rất khác. Bốn mảng văn học được dịch đáp ứng bộ phận độc giả của mình. Những danh tác cổ điển, ở đó gần như toàn bộ tác phẩm của Đô-xtôi-ép-xki (Dostoievski) được chuyển sang Việt ngữ. Đáp ứng tâm thức thời đại: tâm thức hiện sinh, A. Cam-muy (Albert Camus) là khuôn mặt được ưu ái nhất. Văn chương mang tính thời cuộc, Ghê-oóc-ghiu (Georghiu) là một trong những tác giả đứng đầu bảng. Bộ phận độc giả bình dân, tác phẩm best-seller của Quỳnh Dao vừa xuất hiện ở Đài Loan (Trung Quốc) thì gần như ngay tức thời Liêu Quốc Nhĩ có ấn bản bằng tiếng Việt phục vụ kịp thời. Vân vân...

Thời ấy, ở miền nam cũng tồn tại Ủy ban Dịch thuật thuộc Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, nhưng có thể nói, ấn phẩm từ lò này hoàn toàn chìm nghỉm giữa bạt ngàn dịch phẩm xuất phát từ đam mê cá nhân.

Không nên nuối tiếc, đáng lắm! Bởi văn chương xuất phát từ nhu cầu thực của cá nhân con người. Tác phẩm văn học hấp dẫn người đọc hoàn toàn mang tính cá nhân, những cá nhân cùng chung cảm thức đồng cảm trước một vấn đề, sẽ tìm đến tác giả - tác phẩm, người đã thay mình, nói lên bao nỗi kia. Không nên bao cấp và không thể bao cấp tinh thần và tâm hồn con người.

Một bản dịch "xứng tầm nguyên bản" là đòi hỏi chính đáng, nhưng sự thể không nói lên được việc tác giả kia được người dịch tìm đến và độc giả đón nhận. Sinh thời, dù chưa thành tác gia cổ điển, bản tiếng Việt từ tác phẩm của A. Cam-muy được một lượng độc giả Việt đáng kể đón đọc. Với văn chương Nhật đương đại, Mura-ka-mi được dịch giả Việt Nam chờ đón sau mỗi tác phẩm ra đời.

Không phải văn chương Hàn không có tác phẩm sáng giá. Hãy chăm sóc mẹ của nữ nhà văn Shyn Kyung-sook là tiểu thuyết best-seller từng đoạt Giải thưởng Man Asian năm 2011 cao quý, là tác phẩm đáng được độc giả các nước đón đợi. Thế nhưng, bên cạnh trở ngại về ngôn ngữ lẫn chưa có bề dày truyền thống dịch thuật, phương cách tiếp cận với độc giả Việt của nhà văn Hàn vẫn còn khoảng cách nhất định.

Hội thảo khoa học Văn học Hàn Quốc trong bối cảnh châu Á tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh vào đầu năm (7-1-2014) khá rềnh rang, rồi cả hai ngày "gặp gỡ" vừa qua, không hiểu sao chưa thấy tác giả Hàn nào trực tiếp với độc giả thành phố. Hoạt động văn học quanh đi quẩn lại vẫn đóng khung nơi trường đại học và các cơ quan liên quan.

Người Nhật thì khác: Trực diện. Và do đó hiệu quả hơn. Tác giả trẻ M. Ô-nô (Masatsugu Ono - sinh 1970) sau giao lưu với sinh viên về tập truyệnTiếng hát người cára mắt bản tiếng Việt sáng 23-2-2012 tại Đại học Hoa Sen, thì ngay hôm sau đã có cuộc nói chuyện với độc giả rộng lớn hơn ở Cà-phê thứ Bảy. Cuộc đối thoại trực diện và sòng phẳng, không diễn văn, không tham luận mang tính giao tế, mà như một nhà văn với độc giả của mình. Làm như vậy, bởi họ hiểu, văn chương là phương tiện để tâm hồn đến thẳng tâm hồn, mà không cần đến bất kỳ sự bao cấp nào.