Nhà thơ Bùi Quang Thanh

Tự ru mình giữa bộn bề đa đoan

Trên Cánh đồng thời gian, có một người như Ngọn gió, theo Đò dọc-Sông đêm, mà cảm nhận từ chính cuộc đời mình những Hạt đắng, những Mật ong vàng lũng núi... Người ấy là Bùi Quang Thanh, tuổi đôi mươi xông pha khắp Trường Sơn rồi Nam Lào, Tây Nguyên... có một hành trình làm báo tưng bừng, tràn đầy năng lượng trên nhiều vùng miền của đất nước và là một tác giả thơ kiên nhẫn tìm mình với những con chữ hào hiệp để từ đó Tự ru mình giữa bộn bề đa đoan suốt ba thập kỷ qua.

Ký họa chân dung nhà thơ Bùi Quang Thanh của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung nhà thơ Bùi Quang Thanh của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Năm 1994, Bùi Quang Thanh chính thức công bố tập thơ đầu tiên Một thời sao lãng quên, do Hội VHNT Hà Tĩnh xuất bản. Càng về sau, ông viết càng nhiều càng khỏe, độ ba, bốn năm lại trình làng một tập mới. Tập mới nhất của Bùi Quang Thanh là tập Thơ tuyển chọn (NXB Hội nhà văn, 2020). Trong hành trình thơ bền bỉ ấy, ông từng gặt hái được một số giải thưởng thơ tại quê nhà Hà Tĩnh của Tạp chí Văn nghệ quân đội... song bộ phận người truy cập vào trang cá nhân buiquangthanh.com để đọc thơ ông mỗi ngày mới thực là giải thưởng lớn nhất dành cho một người làm thơ giữa thời buổi thơ bị lạnh nhạt hôm nay, khi lượng truy cập trang vào một chiều đầu tháng 12 năm 2021 mà người viết này cập nhật, lên tới 14.414.101 lượt, lúc này trên 500 người đang trực tuyến đọc ông.

Thuở áo lính ra trận, thơ Bùi Quang Thanh lưu lại cái nhìn trẻ trung, chân thực về một thời kỳ trận mạc mà ông là người trong cuộc. Thời bình, những ký ức ấy thi thoảng vẫn trở về thao thức trong thơ ông. Đêm sông Mây, những câu thơ được viết bởi một người lính trẻ ngay giữa mặt trận Nam Lào năm 1971, nằm trong ba lô chờ đến ngày hòa bình, chờ đến ngày người thơ Bùi Quang Thanh đến với bạn đọc với tư cách một tác giả thơ, cho thấy rất nhiều điều, không chỉ về những cuộc hành quân gian khổ nơi chiến trường, mà lớn hơn, là sự có mặt của thơ ngay giữa những hoàn cảnh gian nan nhất của chiến tranh: Mới sáng nay chín tầng trời/Dìu nhau đường lên ngàn bậc/Lương khô khuấy cùng môn thục/ Răng hàm gõ nhịp từng cơn/ Chiều nay từ trên chon von/ Vượn kêu dưới làn sương trắng/ Trường Sơn điệp ngàn thăm thẳm/ Tai mèo dựng ngược bàn chông... (Đêm sông Mây); Cài hoa lên nòng súng/ Ta bước tiếp chặng đường/ Hương xuân bay bát ngát/ Giữa núi rừng Trường Sơn (Cành hoa bưởi).

Đến Tây Nguyên, con mắt thi sĩ khiến người lính trận cảm nhận được thiên nhiên nên thơ một cách trọn vẹn ngay cạnh sự sống và cái chết: Nắng xiên kẽ lá/ muôn sợi tơ vàng/Đuốc hồng treo ngược/ rực cành Pơ-Lang/ Suối xanh ríu rít/ lọc trong tiếng đàn... (Đàn T’rưng).

Nhưng nổi bật nhất, thành công nhất, lay động nhất trong gia tài thơ Bùi Quang Thanh, chính là phần thơ viết về mẹ và quê hương với những câu chữ tải nặng ân tình. Mẹ là nguồn cảm xúc dạt dào gắn với bức tranh quê, gắn với những thi ảnh độc đáo, những liên tưởng thú vị, gây bất ngờ: Nghìn năm vẫn mái tranh quê/ Mẹ tôi tơi lá nón mê chống trời (Viết từ những câu ca). Mẹ khiến những câu thơ thổn thức nỗi đau không gì bù đắp nổi: "Mắt Mẹ mờ sau bụi bặm thời gian. Khói thành mây, nắng thành sương, lá vàng rưng rưng vườn cũ/ Nón lá áo tơi treo chùng vách nhớ. Vòi hái cong, lưỡi liềm cong, ngoéo một thuở ruộng đồng; Nghèn nghẹn tiếng "ầu ơ...", cánh võng không bàn tay hụt hẫng. Cuối vườn thu vơi bay từng sợi nắng, rứt gì lòng Mẹ? Thu ơi ... ...(Lời hương khói).

Mẹ chọn năm sinh tôi - một bài thơ về mẹ, về tôi, nhưng sự thuyết phục của câu chữ ở đây thuộc về những chi tiết cụ thể làm nên sự khái quát trên bức tranh đất nước trong khói lửa chiến tranh bi thương nhưng đầy chất thơ: Tuổi tôi đếm theo từng tên chiến dịch/ Một tuổi: Biên giới/ Hai tuổi: Hòa Bình/ Ba tuổi: Tây Bắc/ Bốn tuổi: Điện Biên/ Dõi chân trời tìm bóng cha bóng chú/ Ráng mây nào từ lửa khói bay lên?

Hơi thơ mạnh và phóng khoáng giúp nhà thơ khắc họa bằng thơ một Huyền thoại núi Hồng sừng sững mà không kém phần da diết: Dẫu là sải đến muôn quê/ Chim hồng chim lạc chẳng chê đất nghèo/ Bóng xưa da diết mỗi chiều/ Ráng mây chín đỏ câu Kiều thiết tha/ Dáng xưa gần gũi chan hòa/ Trên lưng mẹ buổi nắng nhòa mưa chan... (Trường ca Đò dọc - Sông đêm).

Đồng đội, đồng chí, bạn văn khiến bầu trời thơ Bùi Quang Thanh được mở rộng đến những biên giới không hạn định trong thơ. Ông viết khá nhiều về chủ đề này. Thương người không trở về: Rễ cây thay tóc trên đầu/ Bạn đau mối đốt, mình rầu cỏ ăn (Lời ru đồng đội); nhớ người anh hùng Uông Xuân Lý ở Ngã ba Đồng Lộc: Đồng Lộc/ Nghìn quả bom dội trên lưng/ Nghìn tấm lưng thịt xương giữ/ con đường huyết mạch/ Trời có thể nghiêng trong tiếng bom/ Xe không thể một giờ ùn tắc..., đối thoại với nhà văn Chu Lai: Xắn quần lội về quá khứ/ Gom từng hạt máu thời gian/ Ngọn bút - lưỡi cày dần vẹt/ Tiếp sức tôi với, ơi làng! Hay những câu thơ viết 9 năm sau khi thi sĩ Bùi Giáng rời cõi tạm: Trước Người, có ai như Người không?/Sau này, còn ai như Người không?/ Buồn như rêu và xanh như cỏ/Cỏ trong thơ và cỏ trên đồng... (Nhớ Bùi Giáng).

Buồn và cô đơn đến mấy (thi sĩ muôn đời vẫn thế), vất vả túng thiếu đến mấy (hoàn cảnh chung của đất nước một thời, không chỉ người làm văn chương chữ nghĩa), thì với Bùi Quang Thanh, đó thực sự chỉ là những thoáng chốc. Cốt cách lãng tử, lởi xởi, tốt bụng, sống vì bạn, vì thơ, luôn nghĩ cho người khác, nụ cười luôn trên môi ngay cả những hoàn cảnh thiếu thuận lợi nhất, qua thời sôi nổi cống hiến tiếp tục mở lòng hướng tới những ân tình của cuộc đời, không so đo hơn thiệt hay bận lòng soi xét bỉ bôi.

Ngay cả trong những khoảnh khắc người ta dễ hối tiếc nhất, thơ Bùi Quang Thanh vẫn hồn hậu như cách ông đi giữa cuộc đời: Bèo giạt về đâu bèo ơi?/ Hai mươi năm trời bỗng gặp/ Vẫn là chùm hoa tím ngát/ Thiết tha nở giữa ao người. Viết về một ngẫu nhiên gặp gỡ, chất đa tình không giấu nổi nhưng câu thơ lại dịu ngọt rất Bùi Quang Thanh: Người về, lòng không về nữa/ Biết từ đây lại khổ rồi/ Biển đó. Và em ở đó/ Lang thang làm gì? Tôi ơi!

Vì vậy mà khi dành thời gian cho trẻ thơ và làm thơ thiếu nhi, nhà thơ như trẻ hóa giữa cuộc đời: Hoa Đồng Tiền đi chợ/ Học bán và học mua/ Hoa Mẫu Đơn giữ chùa/ Xòe tay gầy tập múa/ Hoa Gạo học nhóm lửa/ Làm cháy một góc sân/ Sen, Súng đứng dầm chân/ Dưới bùn sâu tập cấy...(Các loài hoa); Còng lưng bế lũ con thơ/ Phấn rôm theo gió thả hờ tóc nâu/ Nào ng tóc biến thành râu/ Trăm ngàn răng sữa mọc sau áo dày/ Đầu con dầu bạc phây phây/ Thương yêu mẹ ẵm đến ngày thân khô... (Cây ngô).

Sau tất cả, Bùi Quang Thanh chọn lựa thơ, chưng cất mình trong thơ, như hạt muối kết từ biển mặn cuộc đời: Bên biển xanh chẳng soi nổi bóng mình/ Trước gương trong không gọi về tuổi trẻ/ Bạc đầu rồi vẫn còn ngơ dại thế/ Cũng mình thôi mà chắc đã là mình (Tự khúc); năm tháng cứ trôi, người thơ cứ thế vịn vào mình mà bước tiếp: Tự ru mình giữa bốn bề đa đoan (Với thơ).

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu hai bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Bùi Quang Thanh:

TỰ KHÚC

Bên biển xanh chẳng soi nổi bóng mình
Trước gương trong không gọi về tuổi trẻ
Bạc đầu rồi vẫn còn ngơ dại thế
Cũng mình thôi mà đã chắc là mình

Biển thời gian tôi đã bơi qua ba phần:
phần mẹ dìu
phần tự thân
phần số phận
Quãng mẹ dìu gừng cay muối mặn
quãng tự thân đồng đội song hành
quãng số phận ngoái tìm bè bạn
biết bao người thăm thẳm trùng xanh
Quỹ thời gian còn mấy để dành
Như của chùa, tôi đã chi:
cho dại khờ
cho đam mê
cho chiêm nghiệm
Phần dâng hiến rụt rè tính toán
Ngó hầu bao không giấu nổi chút buồn

Kịp nghèo rồi đâu đã kịp khôn
Tôi nhá nhẩn hạt thóc rang ký ức
Còn lại quãng đời không quên được
Trên mây đèo Trường Sơn.

HỌC CHỮ

Gà trống thuộc mỗi chữ O
Thế mà sáng sáng gáy to nhất làng.
Dê con dịch cũng rất xoàng
Bờ... E thì cứ hát tràn «Be... be»
Bác trâu nằm dưới bóng tre
Hếch mồm cười nhạt:
"Ngờ... e... Nghé à!"

Tự ru mình giữa bộn bề đa đoan -0
Minh họa | NGUYỄN MINH