Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa:

"Trường hợp khẩn cấp phải có biện pháp khẩn cấp"

Nhìn lại một năm 2022 nhiều thách thức, đồng thời đưa ra những tiên lượng tích cực, chẩn đoán cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa (ảnh bên), Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, đã có những chia sẻ cùng Nhân Dân hằng tháng ngay khi không khí Tết ngập tràn.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: Thu Ngà
Ảnh: Thu Ngà

Kinh tế Việt Nam đã chống đỡ tốt trước áp lực từ bên ngoài

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nước, cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng gây nên những xáo trộn chưa từng có. Nền kinh tế Việt Nam lại có độ mở cao, nên đã trải qua một năm 2022 đầy thách thức khi đối phó với những biến động có quy mô toàn cầu. Ông có đồng tình với đánh giá này, thưa tiến sĩ?

Năm 2022 kinh tế của chúng ta gặp nhiều bất lợi nhưng nguyên nhân chưa hẳn do khách quan vì trên bình diện thế giới không có khủng hoảng kinh tế. Dịch bệnh, chiến tranh là một "tai nạn" toàn cầu. Vì là "tai nạn" nên hệ thống tài chính toàn cầu vẫn ổn định, không bị liên lụy mạnh. Hệ thống ngân hàng cũng ổn định, chưa gặp vấn đề gì lớn, không có bệnh từ bên trong. Xác định được như vậy thì ảnh hưởng xấu của "tai nạn" sẽ qua nhanh hơn, ít để lại hậu quả nặng nề hơn. "Tai nạn" này đành rằng tác động đến kinh tế Việt Nam, nhưng đây chỉ là tác động từ bên ngoài vào thông qua nhập khẩu hàng hóa, vận tải, xuất khẩu, tỷ giá hối đoái, giá trị tiền tệ... kéo theo nguy cơ lạm phát, mất giá đồng Việt Nam... Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đã chống đỡ tốt trong thời gian vừa qua, giữ vững được ổn định vĩ mô, tăng trưởng GDP vượt mục tiêu đề ra, kiểm soát lạm phát ở mức thấp...

Tức là kiềm chế được lạm phát và giữ ổn định tỷ giá hối đoái trong tương quan lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới ở mức cao, thậm chí rất cao... đã góp phần giúp kinh tế Việt Nam năm 2022 không bị suy thoái trong và sau đại dịch, ngược lại phục hồi và phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua nhiều chỉ số thống kê?

Vì bên ngoài lạm phát, Mỹ tăng lãi suất, làm đồng USD tăng giá, tác động vào tỷ giá hối đoái của mình. Giá hàng nhập khẩu tăng do giá gốc tăng, chi phí vận tải vận chuyển tăng, thuế nhập khẩu cũng tăng lên vì tính % theo giá, tỷ giá hối đoái tăng lên... vậy cách chống lạm phát, chống giá nhập khẩu tăng đơn giản là giảm thuế, chỉ số giá nhập khẩu sẽ giảm xuống chống đỡ cho nền kinh tế. Nhìn thị trường xăng dầu là đủ biết, xăng dầu chiếm 60% lạm phát từ bên ngoài vào. Điều hành giá xăng dầu, nếu chúng ta hành động kịp thời, thị trường sẽ ổn định hơn nhiều. Bên cạnh giảm thuế còn phải kiểm soát tỷ giá hối đoái, như vậy không có nghĩa là giữ tỷ giá hối đoái cố định, không tăng mà phải ổn định. Trên thực tế Việt Nam đã thực hiện thành công điều đó. Đồng Việt Nam có thời điểm mất giá so với USD chỉ khoảng 8,3%, tương đương với Thái Lan; trong khi Trung Quốc: 10-11%; Nhật Bản: 18-20% tính riêng từ đầu năm chứ trước nữa thì phải tới 40%; châu Âu: 15%. Mất giá đồng Việt Nam so với USD thuộc nhóm thấp nhất thế giới và nếu điều hành tốt, phối hợp cả chính sách tài khóa và tiền tệ thì sẽ không tổn hao nhiều dự trữ ngoại tệ.

Trên nền tảng đó, ông dự báo năm 2023 có mang đến những triển vọng tích cực?

Năm 2023 sẽ đến với nhiều thay đổi thuận lợi: Lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm khá nhanh, đồng USD cũng giảm giá nhanh. Giá vận tải vận chuyển giảm ngay cả khi giá xăng dầu tăng, sẽ giảm về mức trước Covid-19. Điều này cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu đã phục hồi. Kinh tế Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn dự báo, đặc biệt khi Trung Quốc nới lỏng chính sách phong tỏa Covid, sẽ tạo ra sức cầu tốt hơn cho nền kinh tế. Dù vậy kinh tế châu Âu lại nhiều bất lợi do liên lụy trực tiếp bởi khủng hoảng năng lượng từ xung đột Nga-Ukraine và cầu tiêu dùng giảm do lạm phát tăng. Những bất lợi từ bên ngoài vào sẽ ít đi trong năm 2023. Còn lại chỉ là vấn đề nội tại của Việt Nam thôi.

 "Trường hợp khẩn cấp phải có biện pháp khẩn cấp" ảnh 1

Đồng Việt Nam mất giá so với USD thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Ảnh: Tâm An

Giải cứu thị trường chứ không phải giải cứu "đại gia"

Là những vấn đề gì, thưa ông?

Chúng ta đang rơi vào tình trạng, tạm gọi là khó khăn về thanh khoản của toàn bộ nền kinh tế. Đây là vấn đề lớn, làm cho sức mua của người tiêu dùng nói chung đều giảm. Một nhóm doanh nghiệp không chịu sức ép thanh khoản thì lại gặp khó về đơn hàng, đặc biệt giày da, dệt may, đồ gỗ, đồ điện tử... Những trục trặc lớn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng nằm trong bất ổn về thanh khoản. Thị trường đang có dấu hiệu đánh mất lòng tin. Điều này rất đáng lo ngại. Mất lòng tin sẽ không có đầu tư. Đây chính là những vấn đề cấp bách cần khắc phục thật nhanh.

Vậy đâu là giải pháp?

Cung tiền từ ngân hàng phải tăng đủ để lưu thông GDP danh nghĩa. Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng. Nới room rất hữu ích, nhưng room chỉ là mệnh lệnh hành chính, quan trọng là cung tiền. Tăng cung tiền từ ngân hàng thì tăng room mới có giá trị giảm lãi suất. Nếu không tăng cung tiền mà tăng room thì lãi suất sẽ tăng lên để huy động, huy động để thực hiện room, nên không thể giảm lãi suất. Tăng cung tiền còn để bảo đảm thanh khoản của các ngân hàng thương mại, bảo đảm lưu thông khối lượng GDP theo giá hiện hành. Điều này phục vụ yêu cầu khách quan của nền kinh tế, chứ không phải tăng cung quá mức để lạm phát.

Đúng là bất ổn trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gây nên nhiều hệ lụy?

Muốn giải cứu được thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều cách. Bộ Tài chính vừa công bố một số giải pháp khá tốt, có tác dụng tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Nhưng chưa đủ. Quan trọng là tạo lòng tin cho các nhà đầu tư dài hạn. Nếu biết sử dụng sức mạnh của các ngân hàng thương mại lớn, nhất là các ngân hàng quốc doanh tham gia vào việc giải cứu thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì có thể giải cứu được trái phiếu của các doanh nghiệp lớn, có tài sản bảo đảm. Họ có tài sản mà không bán được hàng, không có thanh khoản. Bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp đã, đang, sẽ phát hành của các tập đoàn uy tín, có tài sản bảo đảm là cách làm hiệu quả mà đỡ tốn kém nếu so với Hàn Quốc chi 35 tỷ USD thành lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu hay Trung Quốc tài trợ cho vay phục hồi thị trường bất động sản. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam chưa quá lớn. Trung Quốc bỏ 1.600 tỷ USD cho các tập đoàn mạnh vay mua lại dự án của các tập đoàn xấu, phát triển để trở thành tập đoàn mạnh. Nhưng bây giờ chính các tập đoàn đi giải cứu cũng đang gặp khó khăn và họ phải đi cứu những doanh nghiệp đi giải cứu, là cứu đợt 2. Trong khi đó chúng ta chỉ cần cho phép một số ngân hàng thương mại đứng ra làm chuyện này có sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính là có thể phục hồi lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà tốn kém chi phí rất thấp, thậm chí không tốn kém gì.

Đây là bất ổn nặng nề nhất, nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến sụp đổ nhiều tập đoàn bất động sản, ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, vì hầu hết bất động sản đều là tài sản thế chấp của hệ thống ngân hàng. Nếu thị trường bất động sản giá cả xuống thấp nữa, thậm chí vỡ bong bóng bất động sản thì toàn bộ giá trị bảo đảm chiếm tới khoảng 60-70% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng cũng đi luôn. Như vậy hệ thống ngân hàng chẳng còn gì để dựa vào đó mà cho vay.

Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, nhân dịp này nên có các biện pháp can thiệp mạnh hơn để kéo giá bất động sản về với giá trị thực?

Đấy lại là câu chuyện khác, câu chuyện về lâu về dài, chúng ta không thể cùng lúc vừa giải cứu, vừa giảm giá. Cần tạo ra lòng tin cho các nhà đầu tư giúp thị trường chứng khoán phục hồi, thị trường bất động sản phục hồi, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi. Phục hồi xong rồi, dòng tiền lưu thông bình thường rồi mới bắt đầu quay lại xem xét xử lý chuyện thổi giá đầu cơ.

Các tập đoàn sân sau của ngân hàng lợi dụng vị thế của mình vay tiền đi mua bất động sản thổi giá lên dùng cái đó thế chấp vay tiếp rồi lại thổi giá lên nữa... Họ làm được vì mấy lí do: Nguồn cung quá hạn chế. Mấy năm gần đây rất ít dự án được cấp phép, phần lớn cấp phép các dự án về bất động sản công nghiệp chứ bất động sản nhà ở rất ít. Hà Nội trước đây một năm có 30, 40 dự án bây giờ không có, có khi chỉ được nửa cái dự án. Một thành phố xấp xỉ chục triệu dân mà một năm cấp được nửa dự án hay một dự án thì không có nguồn cung, các đối tượng đầu cơ lợi dụng nguồn cung khan hiếm để thổi giá. Nhìn sang từ Trung Quốc, thấy họ rất chặt chẽ: Lãi suất cho vay mua nhà tối đa không được vượt quá ngần này. Chính quyền địa phương được quy định giá nhà loại một, loại hai, loại ba tối đa không được vượt qua ngần này. Nếu để cho các doanh nghiệp lợi dụng việc họ có trong tay ngân hàng, vay mua nhà, thổi giá lên gấp đôi rồi lại vác cái nhà này đi thế chấp mua cái khác rồi tăng giá lên... thì tiền bao nhiêu cho xuể.

Thổi giá, đầu cơ đã khiến có một căn nhà để ở trở thành giấc mơ xa vời của rất nhiều người?

Đấy là đòn chí mạng giáng vào tương lai con cháu chúng ta, vì không ai đủ tiền để có thể mua được nhà. Không có hàng không có nguồn cung. Hệ thống ngân hàng và tài sản bảo đảm sụp đổ thì toàn bộ nền kinh tế sẽ sụp đổ. Như Thủ tướng cũng đã nói, trường hợp khẩn cấp thì phải có biện pháp khẩn cấp, chứ đang lúc khẩn cấp mà lấy luật thông thường ra vận dụng thì hỏng. Bối cảnh bất thường thì phải có giải pháp bất thường. Cần phải xử lý nhanh, xử lý bằng những biện pháp khẩn cấp chứ không phải thông thường, biện pháp xử lý phải rất nghệ thuật. Lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư phải có nghệ thuật. Gần đây thông điệp chính sách của Chính phủ, đặc biệt của Thủ tướng và một số bộ, ngành đã có tác động tích cực tới lòng tin của thị trường. Nhưng thị trường rất thực tiễn, phải có thực thì mới vực được đạo. "Thực" ở đây là tiền và thanh khoản. Phía bên cầu là tiền và thanh khoản. Phía bên cung là đất đai, dự án. Nếu không dám cấp, không dám ký một dự án nào mà đòi giá bất động sản xuống thì không được. Ở Trung Quốc họ cũng rất mạnh mẽ và nhất quán tuyên bố: "Kiên định quan điểm nhà là để ở, nhà không phải để đầu cơ. Thực hiện cơ chế đầy đủ về bất động sản lâu dài chứ không phải ngắn hạn. Có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính để phát triển thị trường bất động sản hợp lý và lành mạnh, không nên thắt chặt tài chính với bất động sản".

Ta phải thấy giải cứu là giải cứu thị trường bất động sản chứ không phải giải cứu đại gia bất động sản. Tình hình này sẽ có những "đại gia" phá sản, và nên để phá sản. Chỉ giữ lại những doanh nghiệp quản trị tốt, những "đại gia" làm ăn nghiêm túc, không để cho các đại lý, các nhóm đầu cơ lũng đoạn. Hơn nữa chính doanh nghiệp phải có tiềm lực thực sự, không có tiềm lực thì ai giải cứu nổi.

Doanh nghiệp thì thiếu vốn, thiếu thanh khoản... trong khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chưa như mong đợi... cũng là một trở ngại chưa được giải quyết triệt để với nền kinh tế, thưa ông?

Tôi lại thấy giải ngân đầu tư công gần đây đã đạt được nhiều khả quan, có nhiều địa phương giải ngân tới 95% vốn được phân bổ. Thời gian qua, tôi đi công tác, tiếp xúc với một số Bí thư các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, các đồng chí ấy chia sẻ, họ học theo cách làm của Thủ tướng giai đoạn làm Bí thư Quảng Ninh, tức là: Đích thân Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban giải phóng mặt bằng, như vậy mới có thể lãnh đạo mọi mặt và toàn diện, những phức tạp và tiêu cực nếu có sẽ nắm bắt được hết và chỉ đạo để giải quyết nhanh gọn, triệt để.

Với những "vấn đề" cả về khách quan lẫn chủ quan đó, ông vẫn lạc quan vào đà tăng trưởng của nền kinh tế?

Năm 2023 kinh tế cũng vẫn còn nhiều khó khăn, dù vậy chúng ta sẽ vượt qua. Tất nhiên vượt qua với cái giá như thế nào. Cá nhân tôi tin vào Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tin vào bản lĩnh hành động, sự thông minh linh hoạt, dám chịu trách nhiệm. Có một Chính phủ hành động dưới sự lãnh đạo, ủng hộ của Đảng, của Tổng Bí thư... khó khăn rồi cũng sẽ qua. Tôi có lòng tin vào những người như thế. Tôi cũng tin vào một thế hệ các doanh nhân trẻ năng động hiện nay, họ có ý thức làm giàu đúng pháp luật, luôn tăng cường sức mạnh để tham gia vào các cuộc đấu thầu công khai, minh bạch chứ không còn loanh quanh để "chạy dự án" như trước. Nói thật trước đây có doanh nhân "chạy" được một cái dự án thì có thể sống cả đời, nhưng cơ chế đấu thầu không còn nhiều kẽ hở cho chuyện đó nữa. Trên những căn cứ như thế, tôi vẫn đặt lòng tin và hy vọng vào đà tăng trưởng của kinh tế trong năm 2023.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa!