Ước mơ nhỏ của thầy giáo khiếm thính

NDO - Sáng chủ nhật, học sinh Trường Khiếm thính Lâm Ðồng tập trung đông đảo ở sân dự buổi sinh hoạt ngoại khóa, một hoạt động vẫn thường diễn ra vào những ngày nghỉ. Không gian rộn rã, giai điệu sôi động, hào sảng của bài hát Gùi nắng gội mưa do nhạc sĩ Ðỗ Trường An sáng tác lấp lánh trên từng gương mặt, nhóm các học sinh đội văn nghệ biểu diễn bài múa rất đúng nhịp, hòa quyện với tiết tấu trên nền nhạc dạt dào âm hưởng Tây Nguyên: “Ai đem nắng đặt trên lưng mẹ/ Ai đem mưa gội lên đầu cha/ Mồ hôi cha thấm trên đất này/ Mồ hôi mẹ tưới xanh đại ngàn... Mẹ gùi nắng trên đôi vai gầy/ Ai đem mưa gội trên đầu cha”...
0:00 / 0:00
0:00

130 học sinh khiếm thính ở Lâm Đồng tụ về trường, hầu hết đều ở lứa tuổi từ mầm non đến trung học cơ sở. “Các em học theo chương trình phổ thông bình thường, có điều kiến thức được chuyển thành ngôn ngữ kí hiệu”, Hiệu trưởng nhà trường - cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Minh - chia sẻ.

Là con gái Hà Nội, tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Sư phạm 1 năm 1992, năm 1994 theo chồng vào Lâm Đồng và gắn bó với ngôi trường dành riêng cho học sinh khiếm thính đến tận bây giờ, cả thanh xuân của cô Hiệu trưởng dành hết cho nơi này. Chẵn 30 năm không chỉ dạy học mà còn sống cùng, nhiều lúc ăn cùng ở cùng học sinh, cô đã chứng kiến nhiều em vào trường lúc còn là một đứa trẻ lẫm chẫm, lớn dần lên, biết đọc, biết viết, biết học thành thạo một nghề, để có công việc đi ra cuộc đời và gây dựng cuộc sống.

Ước mơ nhỏ của thầy giáo khiếm thính ảnh 1

Một buổi giao lưu ngoại khóa của học sinh trường Khiếm thính Lâm Đồng

Hết bài múa, nhóm học sinh nam lại trổ tài đồng diễn võ thuật, động tác thuần thục và đều đặn, dứt khoát. Như để giải tỏa sự ngạc nhiên ở những người dự khán, cô Hiệu trưởng lý giải: “Các em ở đây có khả năng quan sát và ghi nhớ rất tốt”.

Như để bù đắp lại những khiếm khuyết mà số phận không may giáng xuống, học sinh khiếm thính thường rất tập trung trong học tập và thu nhận bài học rất nhanh. Vì “học như bình thường” nên ngoài những môn bắt buộc trong chương trình, các em còn được làm quen với những môn năng khiếu: đàn, vẽ, võ thuật... song song với học nghề theo tinh thần hướng nghiệp bám sát hoàn cảnh thực tế của từng cá nhân.

Chính bởi vậy, trái với hình dung của không ít người, môi trường ở đây vẫn luôn ngập tràn thanh âm và đầy ắp điệu cười...

Học sinh vào trường mỗi người một cảnh ngộ, nhưng hầu hết đều chào đời trong những gia đình khó khăn. Cha mẹ không đủ cả điều kiện lẫn kiến thức để chăm sóc, nuôi dạy những đứa con đặc biệt, nên chọn cách gửi vào trường. Có nhà, cả ba đứa con đều theo học tại trường, lâu lâu mới đưa nhau về thăm nhà. Lớn lên ở trường, gắn bó với trường nên có những học sinh trưởng thành, kể cả thành đạt rồi quay lại làm giáo viên, chăm lo dìu dắt những lứa đàn em phía sau.

Ước mơ nhỏ của thầy giáo khiếm thính ảnh 2

Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Minh và thầy giáo Võ Duy Quang

Sinh năm 1988, 7 tuổi bắt đầu vào học tại trường, tính ra đã xấp xỉ 30 năm, Trường Khiếm thính Lâm Đồng đã trở thành một phần đời không thể thiếu của Võ Duy Quang. Cũng như nhiều bạn cùng cảnh ngộ khác, cha mẹ gửi Quang vào trường từ độ tuổi tiểu học với mong muốn được học con chữ, tối thiểu biết đọc, biết viết.

Hơn cả cái ước muốn giản đơn của cha mẹ, ngay từ những tháng năm đầu đời, Quang đã rất chăm học và học rất giỏi. Hết cấp 2, Quang muốn học lên nữa nhưng tiếc là trường không có lớp. Ở Lâm Đồng và nhiều tỉnh cao nguyên ngày đó chưa có lớp cấp 3 - trung học phổ thông, chứ đừng nói tới một trường trung học phổ thông dành cho học sinh khiếm thính.

Đứng trước ngã ba đầu tiên của cuộc đời, vào thời khắc tốt nghiệp trung học cơ sở: hoặc tiếp tục học lên nữa, hoàn thành chương trình trung học phổ thông, hoặc về nhà làm ruộng cùng cha mẹ, Võ Duy Quang đã quyết tâm chọn lựa con đường gai góc, mà hầu như chưa có nhiều tiền lệ ở mảnh đất cao nguyên này: Học. Phải về tận Thành phố Hồ Chí Minh mới có lớp cấp 3 cho người khiếm thính, Quang dốc sức theo đuổi tới cùng ước mơ. “Học sinh khiếm thính phần lớn thể chất và trí tuệ như người bình thường, các em có đủ khả năng học lên cao nữa.

Việc thiếu một trường cấp 3 ở Lâm Đồng khiến nhiều học sinh không thể theo học tiếp vì không phải ai cũng có điều kiện để về Thành phố Hồ Chí Minh. Lâm Đồng khí hậu ôn hòa, nếu có trường, sẽ còn thu hút được học sinh cả khu vực Tây Nguyên”, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Minh ngậm ngùi.

Cha mẹ dù ủng hộ, cũng không chia sẻ gánh đỡ được nhiều, Quang ở thành phố vừa học, vừa đi làm thêm phụ tiền trang trải cuộc sống. May mắn nhận được học bổng từ một quỹ từ thiện, những tháng ngày thường của Quang đã vơi bớt phần nào cảnh túng thiếu...

Tốt nghiệp trung học phổ thông đã là một nỗ lực hiếm có, tuy nhiên Võ Duy Quang không bó hẹp giấc mơ đời mình. Quang đặt mục tiêu học đại học và trúng tuyển vào Khoa Tiểu học, Trường đại học Sư phạm Đồng Nai. Để có tiền trang trải, Quang vừa học, vừa làm thêm, chủ yếu là dịch tiếng Anh. Quang có khả năng đọc hiểu, biên dịch tiếng Anh rất tốt mặc dù anh hoàn toàn tự học.

Hoàn thành chương trình cử nhân, ra trường, Võ Duy Quang trở về quê hương, tình nguyện vào làm giáo viên tại Trường Khiếm thính Lâm Đồng, xác định sẽ gắn bó với học sinh khiếm thính suốt đời bởi: “Tôi thấu hiểu sâu sắc các em cần cái gì, mong muốn gì, thiếu cái gì, ước nguyện gì”. 9 năm qua, học sinh nhà trường đã quá quen với thầy giáo “giống như chúng mình”, “đọc được suy nghĩ của chúng mình”, vô cùng tận tâm và nhiệt tình với từng bạn nhỏ.

Quang khát khao theo học cao học, nâng cao kiến thức và trình độ để chăm lo cho học sinh của mình tốt hơn. Nỗ lực của bạn bè trang lứa bình thường là một, thì nỗ lực của những người như Quang phải gấp rất nhiều lần mà nỗ lực trước hết là vượt qua cái rào cản định kiến và nhiêu khê thủ tục.

Hồ sơ nộp xét tuyển và dự thi cao học của anh Quang đã gửi đi nhiều lần, nhiều nơi tuy nhiên toàn bị loại từ “vòng gửi xe” vi thiếu chứng chỉ tiếng Anh. Quang đương nhiên chưa hề có một chứng chỉ tiếng Anh nào, dù trình độ không thua kém ai, chỉ bởi không thể hoàn thành phần thi nghe nói theo yêu cầu đặt ra vì là... người khiếm thính.

Ước mơ nhỏ của thầy giáo khiếm thính ảnh 3

Một buổi giao lưu ngoại khóa của học sinh trường Khiếm thính Lâm Đồng có sự tham gia của họa sỹ Nguyễn Thị Kim Thái

Lựa chọn duy nhất là dự tuyển cao học tại Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường đại học Sư phạm (Đại học Quốc gia Hà Nội). Nhưng khoảng cách địa lý quá xa, đi lại tốn kém, những khó khăn thuần tiền bạc vượt quá khả năng là lý do bất khả kháng ngáng trở ước mơ của một thầy giáo có hoàn cảnh đặc biệt của ngôi trường đặc biệt...

Ước mơ luôn nung nấu nhưng không làm khó những ngày thường đầy dư vị của anh. Quang hằng ngày vẫn nhẫn nại tỉ mẩn bên học sinh của mình, dạy cho các em không chỉ kiến thức trong những môn học theo chương trình, mà còn dạy vẽ, dạy tiếng Anh..., tranh thủ mọi lúc, mọi giờ truyền dạy cho các em tất cả những gì mình biết.

Học kiến thức để biết, học nghệ thuật để thêm yêu đời, yêu người và học nghề để tự tin làm chủ cuộc sống, học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng được hướng nghiệp từ sớm, mỗi người một công việc theo năng lực, sức khỏe, khả năng của mình. Và Võ Duy Quang không chỉ là thầy giáo, một người bạn, một người đi trước, mà còn là một tấm gương cho các em noi theo và trân trọng bản thân hơn.

Anh nguyện dành cả cuộc đời mình cho trẻ em khiếm thính dẫu trong lòng luôn canh cánh giấc mơ: Được theo học cao học và có một trường cấp 3 ngay ở Lâm Đồng để đón nhận học sinh khiếm thính khu vực Tây Nguyên về tụ hội...