Cần nghiên cứu kỹ chính sách đấu thầu để vận dụng hiệu quả

NDO - Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội là một trong rất ít đơn vị trong cả nước không để tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội chung quanh câu chuyện triển khai các biện pháp để mua sắm kịp thời thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội

Xin ông cho biết Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã có những giải pháp nào để mua sắm kịp thời thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để đáp ứng công tác khám, chữa bệnh cho người dân?

Để có thể thực hiện được việc đấu thầu, mua sắm vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế nhằm phục vụ khám và điều trị cho 4.000 người bệnh mỗi ngày, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đãthực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng cốt yếu là bám sát nhất các hướng dẫn hiện hành như Luật Đấu thầu số 23/2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, Thông tư 01/2024/BKHĐT. Đây là các hành lang pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện.

Với các nội dung mà văn bản pháp luật chưa chi tiết thì Bệnh viện sẽ họp Hội đồng để thống nhất phương pháp, cách thức thực hiện. Khi đã thống nhất về cách thức, phương pháp rồi thì các bộ phận trực tiếp sẽ bám sát nội dung đó để triển khai.

Bệnh viện tổ chức đấu thầu theo kế hoạch, khởi động các gói thầu theo dự kiến thời gian hoàn thành để các gói thầu có kết quả gối nhau khi kết thúc hợp đồng. Đồng thời, Bệnh viện cũng vận dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu như đấu thầu rộng rãi, mua sắm trực tiếp theo hướng dẫn, phù hợp với tiến độ và thời gian.

Hiện vẫn có nhiều bệnh viện lúng túng, có ý chờ các thông tư hướng dẫn, khiến cho tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đâu đó vẫn xảy ra. Ông có thể chia sẻ cách thức mà Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã vận dụng Luật Đấu thầu, Nghị định 24 vào thực tiễn mua sắm đấu thầu như thế nào?

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bám sát và thực hiện đúng các hướng dẫn tại Luật Đấu thầu số 23/2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP cùng các văn bản phân cấp của Bộ Y tế. Thực tế, nghiên cứu các văn bản này, chúng tôi thấy vẫn có đủ các căn cứ để triển khai thực hiện lựa chọn nhà thầu. Nếu có thêm các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế thì việc triển khai thực hiện sẽ thuận lợi hơn.

Theo ông, vấn đề cần lưu ý nhất trong công tác mua sắm đấu thầu là gì?

Vấn đề cần lưu ý nhất trong công tác đấu thầu là sự tham gia với trách nhiệm rất cao của các bộ phận liên quan từ người sử dụng đến bộ phận trực tiếp thực hiện và Ban lãnh đạo. Cùng với đó là việc thực hiện quy định pháp luật cho hiệu quả, bảo đảm tính công khai, minh bạch, cạnh tranh.

Lãnh đạo Bệnh viện và các cán bộ chuyên môn phải nghiên cứu kỹ quy định pháp luật, để vận dụng hiệu quả tốt nhất các chính sách vào cuộc sống với tinh thần dám chịu trách nhiệm. Từ đó, thực hiện đúng pháp luật, với tinh thần cao nhất vì người bệnh.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là một đơn vị chuyển đổi số điển hình của ngành y tế. Ông có thể cho biết chuyển đổi số có giúp gì cho bệnh viện trong hoạt động đấu thầu, mua sắm?

Việc ứng dụng công nghệ thông tin có vai trò rất quan trọng trong công tác đấu thầu: Với khối lượng công việc rất lớn, nếu làm thủ công, không ứng dụng công nghệ thông tin thì độ chính xác thấp và tốn rất nhiều thời gian, do phụ thuộc hoàn toàn vào con người. Cùng với đó, nếu làm thủ công thì việc thống kê, báo cáo cũng như tổng hợp số liệu phục vụ mục đích xây dựng kế hoạch mua sắm đáp ứng yêu cầu hoạt động sẽ bị sai lệch nhiều.

Bệnh viện đã ứng dụng công nghệ vào các hoạt động trong quá trình thực hiện mua sắm đấu thầu và đã mang lại hiệu quả rất lớn: Từ việc xây dựng các hồ sơ, tính toán tổng hợp dữ liệu dần được tự động ở những khâu nhất định bằng các ứng dụng, công cụ công nghệ thông tin đã giảm thiểu sai sót, tăng tính chính xác, rút ngắn thời gian thực hiện tại bộ phận lập hồ sơ cũng như rút ngắn thời gian thẩm định. Từ đó việc tổ chức mua sắm được nhanh hơn, chính xác hơn.

Bên cạnh đó các ứng dụng, công cụ còn giúp theo dõi, cảnh báo kịp thời đến các bộ phận về thời gian sẽ hết thuốc, vật tư, để chủ động trong việc nhập hàng cũng như triển khai các kế hoạch thầu gối tiếp, hạn chế đứt đoạn cung ứng.

Cần nghiên cứu kỹ chính sách đấu thầu để vận dụng hiệu quả ảnh 1
Một ca bệnh được chỉ định làm ECMO cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Với thực tế là người trực tiếp chỉ đạo triển khai đấu thầu, mua sắm thời gian qua ở đơn vị mình, theo ông những vướng mắc gì cần kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết để tạo thuận lợi nhất cho các bệnh viện triển khai mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế?

Từ thực tế triển khai quá trình mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thời gian qua, chúng tôi thấy còn một số vướng mắc cần kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Thứ nhất là tiếp tục chỉnh sửa hệ thống đấu thầu qua mạng để có thể áp dụng lựa chọn chấm quy trình 2 với gói thầu gồm nhiều phần. Việc này sẽ giúp giảm rất nhiều nguồn lực, thời gian xét thầu.

Thứ hai là chỉnh sửa hệ thống báo cáo thông tin kết quả lựa chọn nhà thầu để dễ dàng tìm kiếm tra cứu thông tin nhiều trường hơn phục vụ cho xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu được chính xác.

Về phía Bộ Y tế, chúng tôi xin kiến nghị 3 nội dung:

Sớm ban hành hướng dẫn về phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng.

Sớm vận hành chính thức Cổng thông tin đăng tải mời chào giá để bệnh viện đăng tải rộng rãi bên cạnh việc đăng tải mời chào giá tại trang thông tin của bệnh viện như hiện tại.

Xây dựng, vận hành cổng thông tin tra cứu thông tin tài liệu kỹ thuật của hàng hóa được phép lưu hành tại Việt Nam. Việc này để bảo đảm các chủ đầu tư, bên mời thầu có thể tra cứu khi cần, từ đó tăng hiệu quả, tính công bằng, khách quan, trung thực trong khi dự thầu của nhà thầu.

Xin cảm ơn ông đã trao đổi!