TS VÕ TRÍ THÀNH: “Chuyển đổi xanh không chỉ là cam kết chính trị mà chính là lối sống”

NDO - TS Võ Trí Thành (ảnh bên), nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng chuyển đổi xanh không chỉ là do các cam kết chính trị mà lớn hơn, đó là lối sống, cách sống, cách tiêu dùng đang đòi hỏi...
0:00 / 0:00
0:00
TS Võ Trí Thành
TS Võ Trí Thành

Theo ông bối cảnh kinh tế năm 2024 có những đặc điểm gì để dẫn đến xu hướng chuyển đổi xanh?

Bối cảnh kinh tế đầu năm 2024 cho thấy nhiều nền kinh tế như Mỹ, châu Âu sẽ bắt đầu giảm lãi suất, giảm bớt áp lực vì lãi suất và tỷ giá cho đồng tiền của Việt Nam. Lạm phát năm nay được dự báo đi xuống, tạo dư địa tốt hơn cho chính sách tiền tệ để điều chỉnh linh hoạt. Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn nhiều rủi ro và bất định liên quan đến địa chính trị, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan.

Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, lãi suất giảm, tạo môi trường thuận lợi hơn. Nhập khẩu giảm giúp Việt Nam có thặng dư, nhưng trong các mặt hàng nhập khẩu đó có nhiều nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo có nhúc nhích đi lên nhưng khó khăn. Đầu tư công vẫn là động lực của kinh tế. Đầu tư nước ngoài cam kết tốt, giải ngân tích cực nhưng không có chuyển biến lớn. Lòng tin của thị trường với đầu tư tư nhân chững lại.

Nhìn tổng thể và khác với đặc tính chung trong suốt thời kỳ dài, xuất khẩu và đằng sau là ngành công nghiệp chế biến chế tạo không còn là động lực chính cho tăng trưởng. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 4,4%; riêng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo giảm 5,2%. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 3,6%. Lĩnh vực nổi bật, được xem như là một trụ đỡ cho nền kinh tế lại chính là sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản.

Nhìn xa hơn, việc hiện thực hóa mục tiêu và khát vọng phát triển đến năm 2030 trở nên thách thức hơn. Không chỉ cần tăng trưởng cao, mà là cả việc tạo ra những tiền đề thiết yếu cho phát triển nhanh, bền vững. Khó khăn trước mắt ít nhiều đã ảnh hưởng đến sự quyết liệt trong đẩy nhanh cải cách.

Những thách thức từ tình hình thế giới và trong nước cũng là cơ hội buộc chúng ta thay đổi, bỏ đi những tư duy, cách làm không còn phù hợp để phát triển theo tư duy mới.

Giờ đây, kinh tế không chỉ cần tăng trưởng cao mà còn phải phát triển bao trùm, nhân văn... và một loạt những đòi hỏi mới. Đó là những đặc điểm của giai đoạn hiện nay, trong đó xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là rõ nét nhất. Chuyển đổi số đã là điều không thể dừng lại. Chuyển đổi xanh thì không chỉ là chuyện của những cam kết chính trị ở tầm chiến lược, tầm nhìn quốc gia mà nó đang trở thành đòi hỏi của thị trường, được dẫn dắt bởi thị trường và chủ đề nóng khi bàn về chuyện kinh doanh sản xuất hiện nay.

Tôi muốn nhấn mạnh là việc chuyển đổi xanh này không phải chỉ là áp lực từ các cam kết mà còn áp lực từ thị trường, việc chuyển đổi này rất thị trường.

Thưa ông, vì sao ông cho rằng chuyển đổi xanh không chỉ là cam kết chính trị để chống lại biến đổi khí hậu mà còn áp lực từ thị trường, việc chuyển đổi này rất thị trường?

Chuyển đổi xanh không chỉ là do các cam kết chính trị (như cam kết của Việt Nam ở Cop26), cam kết giữa các quốc gia như trong các hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, EVFTA... cam kết rồi thì phải thực thi. Nhưng lớn hơn, đó là lối sống, cách sống, cách tiêu dùng đang đòi hỏi. Sản phẩm phải xanh, an toàn, nhân văn, chưa nói đến cá tính. Và xu hướng này đang rất mạnh bởi tầng lớp trung lưu và giới trẻ. Nhiều nước đã đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí cao với hàng nhập khẩu. Không thuần túy chỉ là những đòi hỏi chất lượng, về an toàn thực phẩm mà có rất nhiều những đòi hỏi mới như giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

Bởi vì chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn liên quan đến vấn đề “To be or not to be” (tồn tại hay không tồn tại), sống chết của nhân loại với sự biến đổi khí hậu. Mặt khác, chúng ta cũng đã có sự thay đổi về quan điểm cũng như nhận thức về phát triển, không còn chỉ là tăng trưởng đơn thuần mà phải bền vững, bao trùm, sáng tạo.

Phải chăng để chuyển đổi xanh thì mấu chốt là vấn đề chính sách?

Chưa bao giờ chúng ta có ý chí, cam kết chính trị mạnh mẽ như hiện nay, một trong số đó là Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi xanh là quá trình đầy thách thức, đòi hỏi thay đổi từ tư duy, nhận thức, thay đổi thể chế, ban hành khung pháp lý, chính sách, đào tạo thay đổi trong hành động, đòi hỏi sự tham gia của cả các tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Như vậy, không chỉ doanh nghiệp hay Nhà nước muốn là làm được mà cần có sự nỗ lực từ cả Chính phủ và các tổ chức, người dân và doanh nghiệp. Tóm lại đây là một sự chuyển đổi từ“dưới lên” và từ “trên xuống”.

Về phía các doanh nghiệp, chuyển đổi xanh là câu chuyện làm ăn, kiếm tiền, dù muốn hay không muốn cũng phải chuyển đổi. Vì xã hội hiện nay đòi hỏi phải có chữ “xanh” trong tiêu dùng. Theo điều tra, tại các thành phố lớn của việt Nam, thế hệ tiêu dùng xanh nhiều nhất là gen Y và gen Z. Các bạn trẻ hiện nay tiêu dùng rất xanh, rất văn minh và điều tích cực này đang được lan tỏa mạnh mẽ. Thực trạng này tạo ra áp lực cho doanh nghiệp.

Thưa ông, ngoài vấn đề chính sách thì để chuyển đổi xanh cần phải có nguồn tài chính, mà phải là tài chính xanh, nguồn lực ấy từ đâu ra?

Rõ ràng để chuyển đổi xanh cần nhiều tiền, chi phí chuyển đổi lớn, đòi hỏi rất nhiều vốn. Quá trình này cũng phải làm từ trên xuống, thay đổi thể chế pháp lý, chính sách và cả từ dưới lên, thay đổi cách làm việc, tiêu dùng, sản xuất, tác động đến toàn bộ người dân, đặc biệt là doanh nghiệp. Tóm lại là một sự chuyển đổi toàn diện. Trong quá trình này, rõ ràng tài chính rất quan trọng, nên rất cần sự tham gia của các định chế tài chính, các quỹ. Nhưng bản thân tài chính cũng cần phải có sự chuyển đổi và phải góp phần vào quá trình chuyển đổi xanh. Đây chính là ý nghĩa của tài chính xanh và xanh hóa tài chính.

Tài chính xanh tức là các hình thức cung cấp vốn dưới nhiều hình thức khác nhau như phát hành trái phiếu, cổ phiếu, cho vay tín dụng... phải đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh. Kênh cung ứng vốn đó phải góp phần cho chuyển đổi xanh, giảm thiểu ô nhiễm, giảm thải, giảm phát thải khí nhà kính, gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Tất nhiên đây là một quá trình không đơn giản vì nó còn liên quan đến nhận thức, pháp lý và cả động lực.

Doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh phải thay đổi, không xanh thì khả năng huy động vốn rất hạn hẹp. Trên thế giới rất nhiều các tổ chức tài chính, các định chế tài chính áp dụng Nguyên tắc Xích đạo (The Equator Principles - Eps), nếu đáp ứng được một số tiêu chí xanh thì tôi cung cấp vốn, nếu phát hành trái phiếu sạch thì tôi mua. Đây là một áp lực để buộc phải thay đổi nếu không đáp ứng được tiêu chí xanh thì rất khó huy động vốn.

Khuôn khổ chính sách cho tài chính xanh của chúng ta đã được hình thành từ khá sớm. Thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2050 ban hành tháng 9/2012, năm 2015, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng đã ban hành kế hoạch hành động, phát triển ngân hàng xanh và các sản phẩm tài chính xanh. Thị trường vốn xanh tại Việt Nam đang được hình thành với sự manh nha từ cổ phiếu xanh áp dụng các tiêu chuẩn quản trị, môi trường và xã hội đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường cổ phiếu và hình thành thị trường tín chỉ carbon...

Tài chính xanh cũng đã có ít nhiều rồi, như trái phiếu xanh, tín dụng xanh... nhưng quy mô khá nhỏ lại chỉ gắn với một số dự án năng lượng. Ngay như trái phiếu xanh cũng nhiều nghìn tỷ, nhưng phần lớn vẫn là gắn với các dự án điện mặt trời. Quy mô tín dụng xanh cũng chỉ 5% tổng tín dụng. Nhưng một nửa tín dụng xanh cũng là cho vay các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...

Ông đánh giá thế nào vềquá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam, có cảm giác như thiếu một sự chuyển động mang tính đột phá, vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc?

Quá trình chuyển đổi xanh ở nước ta quả là “hành lộ nan”, đang ngổn ngang nhiều việc phải làm từ chính sách đến phân loại tiêu chí, sandbox cho kinh tế tuần hoàn. Nhưng nhìn chung, chúng ta đang thấy có một sự rục rịch chuyển đổi cả từ trên xuống và từ dưới lên. Mặc dù vậy, vẫn có cả núi công việc vẫn còn ngồn ngộn phía trước. Ở đây, ngoài việc cần quyết tâm, nỗ lực, cần phải dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay. Bởi chuyển đổi xanh là công việc chưa có tiền lệ trong khi thế giới thay đổi nhanh, thay đổi về công nghệ, có nhiều điều mới mà cả mình lẫn thế giới còn đang phải tìm hiểu, học hỏi chưa kể biến đổi khí hậu, địa chính trị... nên rủi ro nhiều. Nếu không thay đổi cách thức quản trị nhà nước, không tạo ra được môi trường cho cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, cộng với đó là phải có một hệ thống động lực đàng hoàng cho bộ máy thì rất khó, kể cả việc hoàn thiện khung khổ pháp lý. Nhưng giả sử như có khung khổ pháp lý, chính sách rồi thì phải thực thi cho tốt, cũng không đơn giản.

Áp lực thì thế, rủi ro thì thế, đòi hỏi phải quyết đoán, phải quyết liệt, phải nhanh. Câu chuyện tín dụng xanh hay tài chính xanh cũng phản ánh những điều đấy.

Xin cảm ơn ông!