Y tế

Ðể các bệnh viện không còn “điệp khúc” thiếu thuốc, vật tư y tế

NDO - Sau gần 3 tháng Nghị định 24/2024/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu thầu, các bệnh viện đã ít nhiều khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, trên thực tế, giải quyết triệt để tình trạng này là câu chuyện khác. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn tồn tại, các cơ sở không lên tiếng vì nhiều lý do, hoặc chỉ là tâm lý ngại vạch áo cho người xem lưng... Ðể giải quyết hiệu quả việc thiếu hàng hóa y tế, cần phải thẳng thắn nhìn vào thực tại, mới hy vọng từ đó đưa ra giải pháp.
0:00 / 0:00
0:00
Máy móc y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân luôn ở trong tình trạng quá tải.
Máy móc y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân luôn ở trong tình trạng quá tải.

Thiếu tầm nhìn chiến lược

Điều đầu tiên cần phải nói đến là, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các bệnh viện thiếu thuốc, vật tư thời gian qua là thiếu tầm nhìn chiến lược và sự đồng bộ trong các văn bản chính sách của cơ quan quản lý nhà nước.

Giữa năm 2023, một vị lãnh đạo trong ngành y tế từng nói rằng, với cơ chế hiện nay, nửa đầu 2024 sẽ thiếu thuốc, vật tư trầm trọng. Dự đoán đó đã trở thành sự thật.

Bởi, Nghị quyết 30 của Chính phủ và Thông tư 14 của Bộ Y tế nhằm giải quyết các khó khăn trong mua sắm hàng hóa y tế tại các cơ sở y tế công lập đều chỉ có hiệu lực đến ngày 31/12/2023, trong khi các văn bản hướng dẫn “gối đầu” lại chưa có, để có thể thực hiện được Luật Đấu thầu 2023.

Về lý thuyết, từ 1/1/2024 các bệnh viện thực hiện theo Luật Đấu thầu 2023. Nhưng thực tế, cuối tháng 2/2024 mới có Nghị định, còn Thông tư hướng dẫn hiện vẫn chưa có, dù đến nay, thời gian đang trôi về gần nửa cuối quý 2/2024. Các bệnh viện không biết dựa vào đâu để đấu thầu, khi cái cũ hết hạn, còn cái mới thì chưa có hướng dẫn.

Lẽ ra, trước khi các văn bản hướng dẫn của 2023 hết hạn, thì các bộ, ngành chức năng đã phải sẵn sàng Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu để ban hành kịp thời, thì Luật mới thật sự đi vào cuộc sống ngay từ 1/1/2024. Những người làm chính sách đều biết, từ khi làm thầu đến khi có hàng hóa y tế, phải mất 3-5 tháng.

Do đó, muốn khắc phục việc thiếu hàng hóa y tế ở các bệnh viện đòi hỏi các văn bản pháp luật về đấu thầu phải khẩn trương đồng bộ. Khi các văn bản khập khiễng, nhất là vào thời điểm khó khăn trăm bề của ngành y tế, các bệnh viện rất khó triển khai.

Điều cần nhất bây giờ là Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ ra các thông tư hướng dẫn để các bệnh viện “trông vào” làm cơ sở thầu.

Làm rõ nguyên nhân thiếu hàng hóa y tế

Trong khi đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế nói rằng chỉ cần Nghị định 24 là thực hiện được Luật Đấu thầu 2023, thì các bệnh viện vẫn cho rằng chưa đủ, nên vẫn chờ đợi có Thông tư mới làm.

Một Đại biểu Quốc hội kiến nghị: Để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư, lãnh đạo Bộ Y tế và các cục, vụ chức năng cần trực tiếp khảo sát tại các bệnh viện, cả tuyến TW, tuyến tỉnh và huyện. Nếu lý do vướng mắc đã có trong Luật thì chỉ cho họ biết mà làm; còn nếu Luật, Nghị định chưa có thì phải tập hợp các ý kiến để ra thông tư hướng dẫn. Đặc biệt, phải làm điều tra khảo sát kỹ càng trong bệnh nhân.

Như vậy, Bộ Y tế cần tìm hiểu rõ nguyên nhân thiếu hàng hóa y tế tại các bệnh viện, có phải thực sự do chính sách chưa phù hợp, hay do tâm lý e ngại, sợ sai, thay vì chỉ dựa vào báo cáo.

Nếu thực sự Nghị định 24 đã giải quyết được các vướng mắc trong đấu thầu, mà các bệnh viện do không hiểu đúng, nên không dám làm thầu, thì Bộ Y tế cần hướng dẫn các bệnh viện này, hoặc tổ chức các hội nghị để hướng dẫn các bệnh viện những chỗ chưa thông về thủ tục.

Thực tế, trong khi nhiều bệnh viện để thiếu hàng hóa y tế trầm trọng, thì vẫn có một số nơi như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đức Giang... không thiếu hàng hóa y tế. Điều này chứng tỏ họ đã vận dụng tốt văn bản chính sách vào thực tiễn để đấu thầu mua sắm. Bộ Y tế sẽ mời các bệnh viện này chia sẻ kinh nghiệm vận dụng chính sách trong đấu thầu để các bệnh viện khác cùng tháo gỡ.

Kinh nghiệm mà ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ rất đáng để Bộ Y tế xem xét và nhân rộng: “Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được phân cấp mạnh, thủ trưởng đơn vị được tự phê duyệt, chịu trách nhiệm, nên không bị thiếu dụng cụ, thuốc men”. Như vậy, trao quyền nhiều hơn cho các giám đốc bệnh viện công trong đấu thầu chính là “chìa khóa” để các bệnh viện chủ động mua sắm.

Do đó, Bộ Y tế cần sớm ban hành quyết định phân cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giám đốc bệnh viện sẽ quyết định tất cả, từ việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả hợp đồng và tất cả những việc xử lý trong đấu thầu liên quan đến dự toán mua sắm, kể cả việc quyết định mua sắm như thế nào mà không trình lên Bộ Y tế.

Còn nếu các văn bản chính sách đã tháo gỡ mà bệnh viện vẫn không làm, chẳng hạn do chuyên môn kém dẫn đến tâm lý e ngại, sợ sai, thì Bộ Y tế cần phải có chế tài, để bệnh viện phải thay đổi tư duy, hoặc thay người làm chuyên môn yếu kém. Bởi chính sách đã tháo gỡ mà các bệnh viện vẫn thiếu hàng hóa y tế, khiến bệnh nhân bảo hiểm y tế bị thiệt hại, phiền hà, là không thể chấp nhận được, thậm chí, là có tội với bệnh nhân như ý kiến của ĐBQH Nguyễn Anh Trí.

Chính sách chưa hoàn toàn tháo gỡ

Tuy nhiên, theo các bệnh viện, các chính sách vẫn chưa hoàn toàn được gỡ rối hết như đại diện Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu. Trong buổi làm việc với Bộ Y tế cách đây không lâu, ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết một thí dụ: Việc mua sắm khẩn cấp, tức là chỉ được mua dưới 50 triệu đồng, rất khó thực hiện, bởi thiết bị, vật tư phục vụ phẫu thuật khá đắt. Ví như một bộ khớp giả giá khoảng 140 triệu đồng, nếu mua theo hình thức khẩn cấp cũng không thể thực hiện được trong một gói thầu.

Ông Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, nêu ý kiến, trong quá trình triển khai thực hiện, cần có những hướng dẫn chi tiết hơn như vấn đề chọn nhóm nước rồi vùng lãnh thổ như thế nào để phù hợp.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh lo lắng: “Nghị định 24 hướng dẫn rất rõ về vấn đề báo giá, nhưng lại sợ các cơ quan hữu quan hiểu khác nhau, điển hình là câu chuyện có lấy giá ship (giá vận chuyển) hay không”.

Nhiều bệnh viện cũng cho rằng, cần phân nhóm các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị cụ thể đâu là hạng mục dành cho các cơ sở y tế, khám, chữa bệnh được phép chủ động đấu thầu mua sắm, đồng thời, những phần mềm như mua sắm trực tuyến, hay chào giá trực tuyến cần đi vào hoạt động đồng bộ, thì việc thực hiện mới khả thi.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cũng chỉ ra: Rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua “khe cửa hẹp” để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu. Do đó, các bệnh viện không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới.

Vì vậy, cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao. Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế.

Các bệnh viện cũng cho rằng, việc cấp phép nhập khẩu, cho phép sử dụng các dụng cụ y tế mới ở nước ta vẫn đầy thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, để đảm bảo luôn có đầy đủ các dụng cụ y tế mới.

Hy vọng, khi Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm có các giải pháp thiết thực, các bệnh viện công sẽ chủ động giải quyết dứt điểm được bài toán thiếu hàng hóa y tế đang khiến hàng triệu bệnh nhân bảo hiểm y tế lao đao khốn đốn mấy năm qua.