“Thả con săn sắt, bắt con cá rô”
Màn kịch Phạm Văn Đồng và đồng bọn dựng lên là tổ chức hội thảo tri ân khách hàng, tặng quà nhằm trục lợi. Nhiều người già, phụ nữ trung niên tham dự hội thảo tại khách sạn Bảo Sơn ở phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam ban đầu hào hứng nhận được quà tặng miễn phí, một số người đặt cọc 50-100 nghìn đồng được tặng quà là máy xay sinh tố, chảo rán. Sau khi gây dựng được lòng tin, nhiều người mắc bẫy khi đặt mua nồi cơm điện được quảng cáo có công dụng tách đường, giảm béo giá 4,6 triệu đồng, máy xay sinh tố giá 3,1 triệu đồng. Mặc dù hàng kém chất lượng, không rõ đơn vị sản xuất nhưng giá bán “cắt cổ”. Thu xong hơn 800 triệu đồng của những người tham gia hội thảo, nhóm đối tượng chuồn ra xe ô-tô chờ sẵn để tẩu thoát thì công an thị xã Duy Tiên ập đến, bắt giữ. Lúc này, các nạn nhân chỉ biết tự trách mình dại dột.
Bà V.T.H than thở: “Đúng là lừa cao cấp, mọi người như bị bỏ bùa mê thuốc lú, răm rắp đưa tiền, giờ cạch đến già”. Trung tá Bùi Quang Phúc, Công an thị xã Duy Tiên cho biết, thủ đoạn hoạt động của 15 đối tượng hết sức tinh vi, chuyên nghiệp, bàn bạc kỹ lưỡng, đánh vào lòng tham, cứ nghĩ rằng tới dự là được tặng lại tiền và có sản phẩm.
Công an huyện Tân Kỳ, Nghệ An khởi tố vụ án “Lừa dối khách hàng” xảy ra tại khách sạn Đại Phú Gia (thị trấn Tân Kỳ) hồi trung tuần tháng 9 năm 2023, ước tính hơn 100 nạn nhân bị Nguyễn Thị Hải, Phạm Trọng Phương, Đặng Ngọc Long và Nguyễn Thị Lanh lừa mua hàng giá cao. Sau khi phát quà tặng là chai nước mắm, hạt nêm, bó đũa, hộp thìa..., nhóm đối tượng bán các sản phẩm rẻ tiền: khay inox, hạt nêm, máy mài dao, người mua được tặng phần quà “tri ân khách hàng” tương đương số tiền phải trả để tạo dựng niềm tin.
Khi bán các sản phẩm chính như nồi áp suất, bếp hồng ngoại giá 5.100.000 đồng/chiếc, chảo xào 1.050.000 đồng/chiếc, chiêu bài gian dối tung ra là mua 1 sản phẩm được tặng 1 can nước giặt và 3 tạ gạo tương đương khoản tiền bỏ ra mua. Tin tưởng theo đúng “quy luật cuộc chơi” lần này cũng sẽ được hoàn tiền, nhiều cụ già không ngần ngại móc hầu bao. Lợi dụng sơ hở, cả bọn nhanh chóng lên ô-tô tháo chạy trong sự ngỡ ngàng của hàng trăm người. Có người choáng váng, tiếc tiền đã ngất xỉu tại chỗ.
Cả tin vào chiêu trò tặng quà miễn phí, khuyến mại, nhiều người dân mua hàng kém chất lượng, giá cao. |
Chiêu trò “thả con săn sắt, bắt con cá rô” cũng diễn ra tại nhiều địa phương. Không chỉ ở các miền quê xa xôi, các đối tượng len lỏi khắp các ngõ ngách, tới các tòa nhà chung cư nhiều thành phố phát tờ rơi, giấy mời; thuê, mượn hội trường nhà văn hóa, nhà dân để tổ chức hội thảo tặng quà tri ân, khuyến mại, giới thiệu sản phẩm kết hợp bán hàng. Cho rằng có quà “từ trên trời rơi xuống”, ai nấy hớn hở đến tham dự.
Để tạo sự tin tưởng và dụ người dân mua hàng, chúng dùng chiêu tặng quà là những mặt hàng thiết yếu, rồi bán các sản phẩm có giá trị cao hơn. Những công dụng thần kỳ của sản phẩm được thổi phồng qua lời thuyết trình hùng hồn, có cánh của các “chuyên gia”: thảm trải giường, gối khiến ngủ ngon, hết đau xương khớp, chảo chống dính còn có tác dụng chữa được bệnh tiểu đường, những hòn đá thần kỳ nấu canh thả vào là hút hết mọi độc tố, an cung hoàn là thần dược chống đột quỵ... “Mật ngọt chết ruồi”, những lời dẫn dụ ngọt ngào cùng chiêu trò thao túng tâm lý đám đông khiến nhiều người như bị thôi miên, đổ xô giành nhau mua hàng đấu giá cao ngất ngưởng, khi nhận ra bị lừa thì những kẻ bất lương đã kịp “cao chạy xa bay”.
Tinh vi hơn, dưới vỏ bọc “tuyên truyền văn hóa đọc”, học trò cũ thành đạt về tặng quà tri ân các thầy cô, tổ chức “tham quan du lịch miễn phí 0 đồng”, hội thảo tư vấn sức khỏe, các đối tượng dùng lời lẽ ngon ngọt, đánh vào tâm lý “thích khuyến mại giá rẻ” dụ dỗ, lôi kéo các cụ già mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe giá “cắt cổ” như sữa non, đông trùng hạ thảo, yến sào, sụn vi cá mập, hồng sâm, dầu thông đỏ... Để củng cố niềm tin, chúng công chiếu những đoạn video, hình ảnh, thuyết minh về công dụng “bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ”, đánh giá tích cực từ người dùng chứng minh sản phẩm tốt. Để thúc giục khách hàng quyết định chi tiền, chúng dùng chiêu bài “chốt hạ” là giới hạn thời gian mua hàng, mua trong ngày mới có giá rẻ, số lượng sản phẩm có hạn, phải đặt cọc tiền trước, nhận hàng sau.
Các đối tượng hoạt động di động, chụp giật, thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm, yêu cầu không được chụp ảnh, quay phim vì lý do bảo mật sản phẩm. “Những cái bẫy “giăng sẵn” khiến nhiều người ngậm quả đắng, kiểm tra mã vạch, tên công ty, địa chỉ nơi sản xuất... mới “ngã ngửa” bởi không có thông tin về nguồn gốc sản phẩm, người bán thì biệt tăm, không liên lạc được. Ông N.V.N ở xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên, Nghệ An) buồn đến “mất ăn, mất ngủ” vì nhẹ dạ cả tin, trót bỏ tiền triệu mua thực phẩm chức năng giá quá đắt mà không dám dùng vì hàng không rõ nguồn gốc, không biết chất lượng thế nào.
Ðể tránh “tiền mất, tật mang”
Phần lớn người cao tuổi thường có tiền tích lũy để dưỡng già, lại mắc một số bệnh nền, tâm lý thích được tặng quà, đi du lịch... nên là “khách hàng tiềm năng” của hình thức kinh doanh biến tướng, trá hình này. Các cụ già không rành công nghệ, cách sử dụng điện thoại thông minh để kiểm tra thông tin, ít va chạm với một số mặt hàng, khả năng nhận diện thủ đoạn lừa đảo còn hạn chế nên các đối tượng dễ dàng tung hỏa mù, quảng cáo, dụ dỗ, thuyết phục mua hàng.
Nhiều cụ nhất quyết không nghe con cháu khuyên can, nằng nặc đòi mua, thậm chí dấu người thân đi vay tiền, dốc tiền phòng thân, khi biết bị lừa, tỉnh ngộ thì đã muộn, trở nên buồn rầu, u uất. Hệ lụy không chỉ mất tiền oan, mà sử dụng sản phẩm kém chất lượng còn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều gia đình lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười”, bất hòa, lục đục.
Thời gian qua, lực lượng chức năng nhiều địa phương đã ráo riết vào cuộc, chủ động ngăn chặn kịp thời nhiều vụ việc, xử phạt hành vi bán hàng không niêm yết giá, khởi tố nhiều vụ án lừa dối khách hàng. Theo Luật sư Lê Ngọc Hà, Trưởng Văn phòng luật sư Đa Phúc, thành phố Hà Nội, hành vi đưa thông tin gian dối về sản phẩm để bán hàng giả, hàng nhái nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, tùy theo tính chất, mức độ có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người dân cần đề cao cảnh giác, tỉnh táo tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ và giá cả khi mua sản phẩm, tránh bị lợi dụng.
Cả tin vào chiêu trò tặng quà miễn phí, khuyến mại, nhiều người dân mua hàng kém chất lượng, giá cao. |
Để ngăn chặn các chiêu trò, lừa đảo dưới các hình thức “tặng quà tri ân”, “mua hàng hoàn tiền, mua hàng tặng quà”..., UBND tỉnh Nghệ An có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gửi các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã; yêu cầu các địa phương trên địa bàn tuyệt đối không cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê, mượn hội trường UBND phường, xã, thị trấn; nhà văn hóa khối, xóm, bản, các sân vận động để tổ chức giới thiệu sản phẩm, bán hàng, tổ chức hội thảo kết hợp bán hàng.
Muốn tránh “tiền mất, tật mang”, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ hoặc chẳng may “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Con cháu cũng nên cảnh báo, cập nhật thông tin cho ông bà, bố mẹ để hạn chế bị mắc lừa. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, khuyến cáo đông đảo người dân nhận biết những chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo, chủ động phòng tránh cần được đẩy mạnh. Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng chú trọng hơn nữa công tác quản lý, giám sát các hoạt động thương mại trên địa bàn, tăng cường nắm bắt thông tin, kiểm tra, kiểm soát hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các nhà hàng, khách sạn, địa điểm cho thuê hội trường... có dấu hiệu vi phạm và kiên quyết xử lý nghiêm để răn đe.