Bác Tám nói: "Không ai tay hòm chìa khóa của tập thể mà làm lâu như tui. Người ta làm ba năm phải đổi, tui làm hơn 40 năm." Bác tính hơn 40 năm là vì trước cả năm 1977 lo hậu cần cho Trường Bồi dưỡng chuyên đề Công an, từ tháng 10-1975, bác đã làm Phó ban Quản trị của Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định. Sau khi Ủy ban Quân quản hết vai trò lịch sử, bác Tám chuyển về ngành công an, phục vụ lâu nhất tại Đại học ANND cho đến ngày về hưu.
Đại tá Nguyễn Văn Lai - Anh hùng LLVTND.
Các thế hệ cán bộ, sinh viên biết ơn bác không chỉ vì bác Tám tự tay chăm lo từng bữa ăn của hàng chục nghìn con người hết năm này qua năm khác, mà bác chính là "vị thần" đã cứu đói họ trong những năm gian nan nhất sau ngày đất nước thống nhất. Còn nhớ những năm 1977-1980, cả nước thiếu đói, cán bộ, học viên Trường Bồi dưỡng chuyên đề, sau đó chuyển thành Khoa Quốc tế, Cao đẳng ANND (nay là Đại học ANND) cũng lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Bác Tám có sáng kiến ra Long Khánh (Đồng Nai) xin đất sản xuất, trồng ngô, trồng khoai, nuôi heo, bò, gà... Ban đầu cả cơ quan đi tăng gia, sau sản xuất ổn định thì một tay bác vừa quản lý cơ sở sản xuất vừa lo chợ búa, cơm nước cho nhà trường đóng ở trung tâm thành phố. Khi trường về đóng tại Thủ Đức, thấy đất chung quanh còn rộng mà không ai làm gì, bác đứng ra xin địa phương cho xây chuồng trại nuôi heo, nuôi gà. Cơm canh thừa, nước vo gạo, cọng rau bỏ hằng ngày tận dụng từ bếp nhà trường làm thức ăn cho heo, gà, ấy vậy mà heo có lúc lên tới hàng trăm con, gà cả nghìn con, phần bổ sung cho bếp ăn, phần bán ra ngoài lấy tiền mua vật liệu xây nhà ở cán bộ, sửa sang, xây dựng cơ sở vật chất nhà trường trong khi kinh phí nhà nước cấp eo hẹp. Khi trường phát triển thành đại học, với cương vị Trưởng phòng Hậu cần, bác Tám lại xin đất lập trang trại ở Bình Dương, chuyển heo, gà, bò từ trang trại ở Long Khánh qua, tiếp tục chăn nuôi và trồng cao-su, lấy nguồn thu từ trang trại làm nguồn quỹ lo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, học viên và xây dựng cơ sở vật chất. Có thời kỳ cao điểm, cán bộ, học viên nhà trường lên tới 4.500 người, dưới sự tổ chức của bác Tám, nhà trường lo được cho cán bộ hai bữa ăn miễn phí (sáng và trưa), còn học viên thì được "ăn tươi" hơn hẳn tiêu chuẩn của nhà nước.
Mấy chục năm công tác, Phó phòng, rồi Trưởng phòng nhưng bác Tám chẳng ngồi bàn giấy bao giờ. Cán bộ, học viên đã quen với hình ảnh bác, bốn giờ chiều tất bật từ Thủ Đức lên Chợ Lớn mua hết đồ khô chất lên xe, hai giờ sáng dậy cùng anh tài xế đánh xe ra chợ đầu mối Bình Điển mua thịt cá, bốn giờ có mặt ở chợ Thủ Đức để mua rau, năm giờ có mặt tại trường, bắt đầu chế biến, nấu bữa sáng cho mấy nghìn con người... Sớm mai của bác tròn một vòng thành phố, từ Tây sang Đông, khi mà người khác còn trong chăn ấm...
60 tuổi, bác nhận quyết định nghỉ hưu. Nói là hưu cho vui thôi, vì bác vẫn tiếp tục lên thực đơn, đi chợ, nấu nướng, tiếp tục chỉ huy trang trại với 100 hecta cao-su đang trồng thêm và hàng nghìn con bò, heo, gà đang eo óc gọi. Đám sinh viên cũng gọi: Bác Tám, nay cho con ăn gì, mai ăn gì?
Nhiều người lui tới Đại học ANND cứ tưởng bác Tám là Anh hùng Lao động. Nhưng thật ra bác được phong Anh hùng LLVTND vì những đóng góp trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Bác Tám tên thật là Nguyễn Văn Lậy, sinh năm 1948 ở An Nhơn Tây, Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Năm 1964 tham gia du kích xã. Anh chị em của bác lớn lên đều vào du kích, hoặc đi bộ đội đánh giặc, hai người đã hy sinh. Đầu năm 1967, sau trận càn Cedar Falls của Mỹ vào Củ Chi, bộ đội, du kích bị đánh bật khỏi địa bàn, phần lớn phải lánh qua Bình Dương hay Dương Minh Châu (Tây Ninh). Lúc này Tám Lậy 19 tuổi, đã tham gia Đội vũ trang mật của An ninh huyện Củ Chi, nhưng vì vóc người nhỏ nên khai giấy tờ giả đang tuổi thiếu niên để dễ bề hoạt động, rồi được phái vô Suối Cụt, Phước An xây dựng cơ sở. Tháng 4-1967 anh bị bắt, địch không đủ chứng cứ kết tội nên thả ra. Tám lại nhận nhiệm vụ về ấp Trung Hòa nắm tin tức phục vụ diệt ác, trừ gian. Ngày 19-8-1967, Tám được lệnh diệt Chín an ninh - một tên ác ôn nguy hiểm đã đánh phá nhiều cơ sở cách mạng bằng mìn hẹn giờ. Tên Chín tinh ranh thoát được, nhưng quả mìn cũng kịp làm bốn tên sĩ quan địch chết và hai tên khác bị thương. Địch vây ấp Trung Hòa và bắt được Tám sau khi đã bắn anh tét cánh tay và nát một bên đùi. Chúng cột hai chân lên xe, kéo lê cái "xác" về bót dân vệ, không ngờ cái "xác" còn sống. Chúng trấn nước, đạp bụng, đập đầu, đánh tét hai chân anh. Khi má vào nhận con, chúng đánh bà để lung lạc anh. Không làm gì được, chúng để mặc Tám máu me dập nát, tung tin đã đập chết và ném xác anh xuống giếng, rồi bỏ trực thăng chở anh vô Đồng Dù cho bọn Mỹ. Sau khi chữa vết thương cho Tám, địch chuyển anh ra trại tù binh ở Hố Nai. Mậu Thân 1968, ta đánh vào Hố Nai, địch hốt tất cả tù binh lên máy bay C130 chở ra Phú Quốc.
Bác Tám nói: "Tui trưởng thành nhiều lắm trong nhà lao Phú Quốc, được mấy anh dạy văn hóa, lý luận cách mạng, được kết nạp Đảng." Năm 1969, Đảng ủy nhà lao lãnh đạo một cuộc đấu tranh, trong đó có trừng trị một tên nội gián. Địch đem anh em ra phơi nắng. Sau hai ngày nhiều người kiệt sức. Nhận tín hiệu của Bí thư Đảng ủy, Tám Lậy, lúc đó là Bí thư Chi đoàn Khu C, đứng ra nhận mình đã giết tên nội gián. Tù binh được giải tán, nhưng Lậy và một anh tên Lai bị bắt biệt giam, bị tra tấn dã man. Chúng nhốt hai anh chung một chuồng cọp. Đêm thứ hai ở chuồng cọp, sau khi thiếp đi vì kiệt sức, Tám Lậy choàng tỉnh sờ qua thấy anh Lai không còn thở. Nhìn anh da bọc xương, áo quần rách bươm, Tám Lậy cởi áo, dành tấm áo lành hơn của mình cho anh. Sáng ra bọn cai ngục nói với nhau: Tên Lậy chết rồi! Từ đó Tám Lậy lấy tên là Nguyễn Văn Lai để tưởng nhớ người bạn tù đã mất. Địch tra tấn anh đủ kiểu hòng trả thù vụ tên nội gián bị ám sát, chúng đánh liệt tay, liệt chân để nếu sống cũng trở nên tàn phế. Chúng âm mưu kết án và đày anh ra Côn Đảo, nhưng Đảng ủy nhà lao đấu tranh, phần vì theo căn cước anh còn ở tuổi vị thành niên, nên chúng không thể kết án anh.
Năm 1973, sau Hiệp định Paris, Nguyễn Văn Lai được trao trả ở bờ sông Thạch Hãn, khi đó chỉ còn là một "cái xác", phải khiêng đi. Nằm bệnh viện ở Đông Hà hơn một tháng, anh được đưa ra bắc chữa bệnh và học tập. Tháng 10-1975 trở về Củ Chi thăm gia đình, má không nhận anh. Con má, hồi năm 1967 má đã nhìn thấy xác nó, bê bết máu, hai chân nát bươm, mà sao giờ nó đi đứng lanh lẹ? Con má, má đã thờ cúng bấy nhiêu năm, làm sao có thể đội mồ sống dậy? Rất lâu sau ngày trở về, bà mới nhận anh. Khi đó niềm vui gặp mặt đã qua đi, chỉ còn nỗi tủi hờn kìm nén trong lòng.
Hòa bình, bác Tám về Bình Dương tìm gia đình anh Nguyễn Văn Lai, người bác mang tên, nhưng biệt vô âm tín. Bác cũng gặp lại nhiều bạn tù Phú Quốc, phần lớn họ chịu di chứng của những ngày bị địch tra tấn, hành hạ. Hàng nghìn người đã nằm lại Phú Quốc mà không hề có mồ mả. Bác nói: "Tui may mắn hơn nhiều người vì còn sống, khỏe mạnh!". Vì thế, bác không ham gì, sống tận tụy với tập thể, với đất nước. Bác không từ chối một việc gì, từ nấu ăn, đi chợ, quản lý doanh trại, nuôi heo, nuôi bò. Cả đời bác vun vén cho mọi người, không tơ hào, mưu cầu riêng tư. Ở tuổi 70, bác mới làm công việc đầu tiên cho mình là xây nhà thờ ở quê, thờ cha mẹ đã qua đời.
Tổng kết cuộc đời, bác nói: "Cái được lớn nhất đời tui là tình thương mến của mọi người! Được cái đó, tui vui lắm!" Bác nói chân thành, niềm vui bừng lên trên gương mặt rắn rỏi như chưa quá 60. Có ai đó vừa gọi, réo rắt: "Bác Tám, mai lên trường không?".