Trân trọng truyền thống lịch sử, cống hiến dựng xây đất nước

Giáo dục truyền thống cách mạng nhằm khơi dậy lòng yêu nước, truyền lửa, hun đúc lý tưởng sống cao đẹp, ý chí phấn đấu để mỗi học sinh thấm nhuần, nỗ lực phát huy tinh thần xung kích, dấn thân cống hiến để xây dựng đất nước giàu mạnh. Trong bối cảnh xã hội hiện đại thời hội nhập, việc giáo dục chính trị tư tưởng, bồi đắp đạo đức, lối sống cho học sinh cần đổi mới, sáng tạo, phù hợp thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường THPT Lê Lợi (Hà Nội) hát Quốc ca tại Lễ trao tặng 1.500 lá cờ Tổ quốc gửi các chiến sĩ biển đảo Trường Sa và thi hát Quốc ca.
Học sinh Trường THPT Lê Lợi (Hà Nội) hát Quốc ca tại Lễ trao tặng 1.500 lá cờ Tổ quốc gửi các chiến sĩ biển đảo Trường Sa và thi hát Quốc ca.

Hun đúc ý chí phấn đấu, lý tưởng cao đẹp

Hơn 10 năm nay, cuộc thi hát Quốc ca đã trở thành hoạt động thường niên của Trường THPT Lê Lợi (Hà Nội). Học sinh các lớp hăng hái luyện tập theo đội hình, hát to vang, tìm tòi dàn dựng hoạt cảnh, mong muốn đóng góp tiết mục ấn tượng. Hình ảnh vinh danh vận động viên Việt Nam đạt huy chương trong các giải thi đấu quốc tế, các bác sĩ xung kích trên trận tuyến phòng, chống dịch Covid-19, 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc, chị Võ Thị Sáu hiên ngang ra pháp trường... được tái hiện xúc động trong các hoạt cảnh, sau đó học sinh trong trang phục cờ đỏ sao vàng đặt tay lên ngực đồng thanh hát Quốc ca toát lên không khí nghiêm trang, thiêng liêng, hào hùng. Nhiều học sinh chia sẻ, các hoạt động như hát Quốc ca chào cờ hằng tuần, biểu diễn các bài hát đi cùng năm tháng, tham gia thi tìm hiểu về lịch sử Đảng, hùng biện về biển đảo, tặng cờ các chiến sĩ cảnh sát biển, hải quân... làm các em thêm yêu Tổ quốc mình.

Cô giáo Phạm Thúy Nga bộc bạch, trong bối cảnh hội nhập, tác động tiêu cực của mạng xã hội và luồng thông tin không chính thống, độc hại, những hoạt động phong phú không chỉ cung cấp tri thức, mà còn góp phần hình thành nhân cách, giúp các em xác định thái độ, trách nhiệm và có hành động cụ thể, thiết thực, đúng đắn. Hiệu trưởng Lê Xuân Trung cho biết, học sinh ngày nay nhạy bén, tài năng, nếu biết khơi gợi, định hướng và thường xuyên tạo nhiều “sân chơi” lành mạnh, bổ ích, với nhiều hình thức đa dạng, các em biết cách thể hiện sáng tạo, hiệu quả không chỉ dưới dạng bài nghị luận, tranh vẽ mà còn bằng file trình chiếu, infographic, video, sân khấu hóa... Qua đó giác ngộ, nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, củng cố niềm tin, tinh thần tự hào dân tộc, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong mỗi học sinh và nghị lực, khát vọng cống hiến xây dựng đất nước giàu mạnh.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, giáo dục truyền thống cách mạng, hun đúc lòng yêu nước cần bền bỉ “mưa dầm thấm lâu”, tổ chức nhiều hoạt động phong phú để thu hút đông đảo học sinh tham gia và mỗi giáo viên phải là người “truyền lửa”, lồng ghép, tích hợp trong mỗi tiết dạy, từng bài giảng. Cần định hướng để các em phát huy sáng tạo trong khuôn khổ, đơn cử như trình diễn tiết mục rap, nhảy, nhạc kịch... ca ngợi quê hương, đất nước với phong cách trẻ trung mà không bị “chệch hướng”. Tại Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), học sinh hóa thân trong vai các chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong dũng cảm chiến đấu giữa mưa bom, bão đạn trong hoạt cảnh phản ánh năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khốc liệt, rồi những buổi giao lưu với những nhân chứng lịch sử đã truyền cảm hứng, giúp các em hình dung về một thời khói lửa, truyền thống bất khuất của dân tộc.

Kinh nghiệm ở nhiều trường cho thấy, việc đổi mới giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng thông qua tích hợp, lồng ghép các chuyên đề của môn học và tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phù hợp với đặc điểm, tâm lý lứa tuổi học sinh tạo hứng thú và đạt hiệu quả cao. Thầy Phạm Huy Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) nhấn mạnh, các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ, sự kiện trọng đại của đất nước được nhà trường tổ chức bằng hình thức online giúp học sinh dễ dàng tiếp cận, nhận thức đúng đắn, kiên định lập trường tư tưởng, ngay cả thời điểm dịch bệnh, nghỉ hè. Trong các chuyến về nguồn, học sinh chính là người thuyết minh về các di tích lịch sử, di tích cách mạng, qua đó hiểu thêm về truyền thống lịch sử dân tộc, biết trân trọng quá khứ, từ đó quyết tâm hành động, biến ước mơ, hoài bão thành hiện thực.

Thông qua đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng cùng với tổ chức các hoạt động ngoại khóa, phong trào sôi nổi, thiết thực, nhiều học sinh ưu tú được giác ngộ, xác định ý thức tu dưỡng, rèn luyện, động cơ phấn đấu đúng đắn, sau quá trình “ươm mầm”, thử thách đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nguyễn Hữu Thái chia sẻ được kết nạp vào Đảng tại Trường THPT Xuân Giang (Hà Nội) là vinh dự, dấu ấn tươi đẹp không thể nào quên trong cuộc đời. Qua những buổi cùng các bạn thăm viếng, chăm sóc phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ xã nhà, em càng thấu hiểu may mắn được sinh ra trong thời bình, biết ơn các anh hùng liệt sĩ giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và nguyện tiếp bước cha anh góp phần dựng xây nước nhà.

Tuổi trẻ là tương lai của đất nước và giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước là cơ sở quan trọng để phát huy tinh thần trách nhiệm và sức mạnh đoàn kết, cống hiến của thế hệ trẻ với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Việc giáo dục bài bản, đi vào chiều sâu tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, tình cảm và hành vi. Mỗi học sinh phải có ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào và tự tôn dân tộc sâu sắc, trân trọng những giá trị tốt đẹp và thành tựu của quê hương, đất nước, sống có khát vọng, không ngừng học tập, tu dưỡng rèn luyện để trở thành công dân có ích, đóng góp phát triển đất nước phồn vinh.

Ðổi mới phương thức, đa dạng hóa hoạt động

Tuy đã có nhiều thay đổi về hình thức và nội dung, hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống cách mạng cho học sinh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục, nhất là khi tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội có chiều hướng gia tăng; tác động tiêu cực của văn hóa ngoại lai, internet đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của học sinh. Một bộ phận học sinh còn phai nhạt lý tưởng, dao động, chạy theo lối sống thực dụng, vọng ngoại; trong khi việc dạy học lịch sử còn nặng lý thuyết, khô cứng, thiếu hấp dẫn. Do đó, việc xây dựng hệ giá trị cốt lõi, phù hợp xu thế thời đại, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, định hướng giá trị sống cho học sinh đang là đòi hỏi, thách thức lớn đối với cả nhà trường, gia đình và cộng đồng. Thế hệ trẻ có tư duy và tiếp cận nhanh nhạy, luôn khao khát đón nhận cái mới, nên tránh lối giáo dục cứng nhắc, một chiều mà phương thức tổ chức các hoạt động và truyền tải cần phong phú, sáng tạo, bám sát thực tiễn. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cần tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin để tuyên truyền, lan tỏa sinh động, sâu rộng và kịp thời. Tổ chức đa dạng các hoạt động ngoại khóa, tập trung vào các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn bằng nhiều hình thức như: diễn đàn, tọa đàm, các hội thi, hội diễn sân khấu hóa, nói chuyện truyền thống, triển lãm, trải nghiệm hành trình tới các “địa chỉ đỏ”, “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử, di tích văn hóa... qua đó bồi đắp lòng yêu nước, hình thành lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức cao đẹp, hun đúc tinh thần tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên cho học sinh.

Cần phát huy hơn nữa vai trò nhà trường, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, cách tiếp cận, lấy người học làm trung tâm, lồng ghép trong các môn học. Đặc biệt, cách giảng dạy môn lịch sử cần đổi mới, hấp dẫn hơn để các em thêm yêu, tự hào và trân trọng truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta qua các thời kỳ lịch sử, trân quý những đóng góp của thế hệ đi trước, biết kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, phê phán những quan niệm, biểu hiện đi ngược giá trị truyền thống. Thầy Nguyễn Văn Tú, Trường THPT Thái Phiên (Hải Phòng) chia sẻ, việc giáo dục chính trị tư tưởng cần sự chung tay góp sức của nhiều phía, trước hết là gia đình và nhà trường. Học sinh nhạy bén, thông minh, giáo viên biết lắng nghe, tin tưởng giao việc, động viên, khích lệ kịp thời và tạo điều kiện phát huy khả năng sáng tạo, các em sẽ triển khai được nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích. Cùng với chú trọng nhân rộng cách làm mới, hiệu quả, cần quan tâm tuyên dương khen thưởng, lan tỏa các tấm gương học sinh tiêu biểu tích cực tham gia hoạt động phong trào và đạt nhiều thành tích cao trong học tập, rèn luyện.