Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Hiền:

Tôi tìm thấy mình trong ngôn ngữ múa đương đại

Là người khá kín tiếng, gần như ít khi xuất hiện trên truyền thông đại chúng, song Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Hiền lại nổi tiếng trong giới với những tác phẩm múa đương đại lấy cảm hứng từ chất liệu văn hóa dân tộc. Mỗi tác phẩm là một hành trình khám phá, tạo dấu ấn riêng bằng ngôn ngữ múa nguyên sơ đầy mê hoặc…
0:00 / 0:00
0:00
NSND Đỗ Hiền
NSND Đỗ Hiền

Ði tìm ngôn ngữ cơ thể của riêng mình

- Chúc mừng anh vừa nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Điều đó có ý nghĩa như thế nào với anh?

- Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân rất có ý nghĩa với tôi, nhất là trong lĩnh vực múa thầm lặng và nhọc nhằn. Tôi hạnh phúc vì được ghi nhận. Nhưng đây cũng là một dấu mốc khiến tôi nghĩ nhiều về việc sẽ đi tiếp chặng đường mới như thế nào để xứng đáng với danh hiệu cao quý này.

- Con đường làm nghệ thuật của anh là một hành trình không ngừng nỗ lực. Cơ duyên nào đưa anh đến với múa?

- Hành trình đến với múa của tôi khá gian nan. Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở ngoại thành Hà Nội. Gia đình không có truyền thống theo nghệ thuật nhưng anh trai tôi (Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hưng-PV), do là một cây văn nghệ ở làng nên được Đoàn chèo Hà Nội tuyển vào học. Anh định hướng cho tôi theo học múa, bắt đầu từ lớp tạo nguồn.

Tôi nhớ, mẹ chở tôi bằng xe đạp, đều đặn bốn buổi mỗi tuần từ nhà sang Trường Múa Việt Nam, xa hơn 30 cây số. Một năm sau, tôi đỗ vào hệ chính thức và học tập trung tại trường. 12 tuổi, tôi bắt đầu sống xa nhà, đến cuối tuần, hai anh em lại đạp xe chở nhau về với mẹ... Tôi không nhớ, mẹ, tôi và anh trai đã bao lần đi qua con đường từ nhà tới trường. Những cái cây bên đường ngày đó còn bé xíu, giờ đã tỏa bóng sum suê. Mỗi lần nhìn thấy hình ảnh đó, tôi chỉ biết thầm cảm ơn mẹ.

- Anh học múa cổ điển nhưng lại theo đuổi múa đương đại từ khi ngôn ngữ múa ấy còn xa lạ với khán giả Việt Nam. Vì sao anh lại chọn hành trình gian khó này?

- Tôi học múa cổ điển nhưng khi được học bổng sang Pháp học múa đương đại, tôi nhận ra có một sự thay đổi lớn trong chính mình. Cơ thể tôi được tự do và giải phóng, không bị gò bó trong những khuôn mẫu.

Múa đương đại hấp dẫn tôi, như là thứ ngôn ngữ mà tôi thuộc về. Nó hấp dẫn khi mình chuyển động từ làn da hay cơ bắp. Vì thế, khi về Việt Nam, tôi thành lập nhóm múa +84, tự đi xin tài trợ và dựng vở biểu diễn. Tôi muốn đi một con đường đi khác, tìm ngôn ngữ cho chính cơ thể mình.

Từ năm 2006 đến 2013, tôi dàn dựng, biên đạo rất nhiều tác phẩm với sự hỗ trợ, tài trợ từ một số quỹ văn hóa nước ngoài tại Hà Nội. Tôi nhớ vở Tam nguyên, được dàn dựng để kính tặng người thầy của tôi, Nghệ sĩ Nhân dân Công Nhạc. Tác phẩm này được trao giải Nhất về múa đương đại trong hệ thống giải thưởng Tài năng trẻ (Talent Prize) của Quỹ Phát triển và Trao đổi văn hóa (Quỹ CDEF) thuộc Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội, năm 2007. Nhưng điều đáng buồn là thời đó không có khán giả… Để tiết kiệm mọi khoản chi phí, mỗi người trong nhóm chúng tôi đảm nhận đủ các việc, từ sắp xếp đạo cụ sân khấu, biên đạo đến diễn viên. Chỉ cần có một khoản tiền tài trợ và có chỗ diễn là tôi bắt tay vào dựng vở, không quan tâm thù lao còn lại được bao nhiêu. Nhiều phen, sau khi trừ hết các chi phí, mỗi người chỉ còn lại mấy trăm nghìn đồng. Vất vả nhưng vui. Lúc đó tôi chỉ làm vì đam mê, để được thỏa chí và mong muốn một ngôn ngữ múa mới được biết đến ở Việt Nam. Đó cũng là nền tảng để sau này tôi tiếp tục đi con đường với múa.

Tôi tìm thấy mình trong ngôn ngữ múa đương đại ảnh 1
Cảnh trong vở múa Huyền (Biên đạo: NSND Đỗ Hiền và NSND Hữu Từ). Ảnh: NVCC

Tôn trọng vẻ đẹp nguyên bản của từng vùng văn hóa

- Dấu ấn của Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Hiền còn là những tác phẩm múa mang vẻ đẹp của văn hóa bản địa. Vì sao anh lựa chọn con đường mang văn hóa dân gian lên sân khấu múa đương đại?

- Năm 2009, tôi được mời dựng vở cho Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc để tham gia Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.

Tôi lên Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), ngỡ ngàng vì văn hóa dân gian của mình đẹp quá. Từ chất liệu văn hóa của người H’Mông và câu chuyên tình Khau Vai, tôi dựng vở Tiếng vọng núi rừng. Vở diễn được trao Huy chương vàng tại Hội diễn năm đó. Tôi bắt gặp sự đồng cảm giữa tinh thần của nghệ thuật đương đại mà tôi đang theo đuổi với sự tự do, ngẫu hứng, không khuôn mẫu trong từng điệu múa, lời ca, âm nhạc của đồng bào dân tộc nơi đó. Mỗi dân tộc có câu chuyện, mầu sắc khác nhau. Và tôi kết hợp vào một tác phẩm múa theo cách của tôi.

- Anh dùng hai chữ "đồng bào" để nói về bà con các dân tộc thiểu số mà anh đã gặp, sống cùng họ, nghe thật thân thương, như là nơi chốn để anh trở về vậy. Hẳn anh có rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ với họ?

- Tôi đã đặt chân đến nhiều tỉnh ở vùng núi phía bắc, khu vực miền trung và một số địa phương ở miền nam. Mỗi chuyến đi rất vất vả vì tôi chỉ lọ mọ vào bản, ‘ba cùng" với người dân, gặp các nghệ nhân, ngồi nghe họ kể chuyện và được ăn cơm họ nấu. Khi đã ngà ngà chén rượu, họ sẽ hát, chơi nhạc và múa, đó là thứ hấp dẫn cần tìm. Nhiều già làng còn giở gia phả ra cho tôi xem về lịch sử của những điệu múa, lời ca.

Mỗi dân tộc của chúng ta đều có những nét văn hóa riêng, đặc sắc. Tôi lấy thí dụ: người Tày múa theo nhịp đi xuống, người Thái thì nẩy lên, người Cao Lan chỉ toàn nhịp lẻ, còn người Dao có cả hai nhịp lẻ và chẵn... Ở đó, có sẵn chất mộng mị, nguyên sơ, say đắm và tôi muốn giữ nguyên hồn cốt ấy bởi với tôi, đó mới là cái đẹp. Tôi thích sự xù xì, mộc mạc chứ không phải cái đẹp đã được điểm tô. Nhưng để làm được điều đó, tôi cần phải biết cách trở thành một người đồng bào dân tộc thiểu số nguyên bản nhất để thấm và truyền tải cho các diễn viên tinh thần nguyên sơ ấy.

- Từ trải nghiệm ấy, anh đã xây dựng cho mình một nguyên tắc riêng trong chuyên môn biên đạo múa để giữ được "cái tôi sáng tạo". Anh có thể chia sẻ về nguyên tắc này?

- Tôi chú trọng hồn cốt văn hóa của từng vùng miền trong tác phẩm nhưng tôi làm theo cách của tôi, sáng tạo trên chất liệu đó để kể câu chuyện của mình. Khán giả sẽ vẫn cảm nhận được dấu ấn của văn hóa người Tày, người H’Mông trong vở diễn của tôi nhưng đồng thời cũng sẽ thấy vở diễn phản chiếu rõ ràng cá tính sáng tạo của tôi. Tôi không bắt chước điệu múa nguyên sơ, động tác quen thuộc của đồng bào người Tày, người H’Mông. Trong sáng tạo, một khi đã bắt chước, sẽ không còn là mình.

Chính vì vậy, khi dàn dựng một vở múa cho đoàn nghệ thuật ở địa phương, tôi phải rất kỳ công. Ngoài việc đi tìm chất liệu, tôi còn phải làm việc với các diễn viên, kiên trì, cặn kẽ, tận tình, có ngày chỉ được một, hai động tác cũng được nhưng trái tim phải rung cảm với từng động tác ấy. Tôi không làm ào ào cho xong để nhận thù lao rồi rời đi.

- Vậy hành trình tiếp theo của anh sẽ là...

-Tôi vẫn tiếp tục với múa thôi. Đây là cái nghiệp của tôi rồi, được làm điều mình thích, và may mắn, điều đó mang lại hạnh phúc cho tôi và khán giả. Tôi đã bắt đầu đi tìm chất liệu cho một tác phẩm mới.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nghệ sĩ Nhân Dân Đỗ Hiền hiện là một biên đạo múa hoạt động độc lập. Anh đã giành được nhiều giải thưởng, như: Giải Biên đạo múa xuất sắc tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2021 với vở múa Gọi non ngàn thức giấc; tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2018, nhiều vở múa anh tham gia với vai trò viết kịch bản, biên đạo và đồng biên đạo đã được trao Huy chương vàng: Hồn đất, Mắt lưới, Mùa nghêu, Dệt tình Sa Pa...