Tìm mọi cách để bớt khó cho dân

Từ nhiều năm nay, Chủ tịch UBND phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa - Khánh Hòa) Trịnh Xuân Thanh nổi danh là người đề xuất nhiều sáng kiến nhằm giảm thủ tục hành chính. Anh đã góp phần thu hẹp khoảng cách giữa người dân và cán bộ phường, nâng cao đời sống kinh tế địa phương với những mô hình kinh tế hiệu quả.

Anh Thanh (người ngồi giữa) hướng dẫn nông dân cách trồng hoa cúc.
Anh Thanh (người ngồi giữa) hướng dẫn nông dân cách trồng hoa cúc.

Chủ tịch đi thăm đồng

Sau nhiều lần đến UBND phường Ninh Giang tìm, các cán bộ khác đều nói anh Thanh đang "một mình một ngựa" xuống cơ sở tìm hiểu đời sống bà con. Cuối cùng tôi cũng "bắt" được anh khi vừa đi thăm đồng về. Cuộc trò chuyện của chúng tôi nhanh chóng trở nên gần gũi và sôi nổi, với những sẻ chia đầy tâm huyết của người cán bộ hết lòng vì nhân dân địa phương.

Năm 1993, đời sống người dân trong khu vực còn nhiều khó khăn, Trịnh Xuân Thanh đã không ngại gian khó, cùng các nhóm thanh niên đến lao động giúp những gia đình nghèo, neo người ở vùng kinh tế mới miền núi Diên Đồng. Việc làm ấy nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của thanh niên địa phương và đã góp phần tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho những gia đình vùng kinh tế mới vững vàng vượt qua gian khó.

Từ năm 1996, được địa phương gọi về tham gia công tác công an, với chức vụ là Phó công an xã, rồi Trưởng công an xã Ninh Giang, Trịnh Xuân Thanh đã đề xuất nhiều sáng kiến như phát động phong trào "Mỗi thanh niên là một chiến sĩ chống tội phạm", đề xuất mô hình "Công an trong lòng dân". Mỗi tuần, ít nhất một lần lãnh đạo công an xã phải đến sinh hoạt cùng người dân, công an viên phải "Ăn ở cùng với dân"; mỗi thôn thành lập từ 3 đến 5 tổ an ninh nhân dân để kịp thời nắm bắt tình hình an ninh trật tự khu vực, kịp thời báo cáo lãnh đạo cấp cao hơn. Mô hình này đã được Công an tỉnh Khánh Hòa công nhận là mô hình hiệu quả, tặng bằng khen. Công an xã nhiều năm liền đạt danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng".

Được điều động sang làm Phó Chủ tịch UBND xã từ năm 2004, rồi làm Chủ tịch phường năm 2008, với công việc mới, anh Thanh càng tự đặt cho mình nhiệm vụ nặng nề hơn: phải tìm cách nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương.

Cây nấm rơm và viên đá mỹ nghệ

Về làm Chủ tịch phường, Trịnh Xuân Thanh đã thành lập ngay CLB Sinh vật cảnh, tập hợp một số người trồng hoa giỏi để chia sẻ kiến thức cho nhau và truyền đạt cho những hộ chưa có kiến thức. Từ những người này, anh Thanh đã xây dựng và phát triển mô hình trồng hoa.

Anh Thanh đã phải mày mò tìm lên Đà Lạt, đến Viện nghiên cứu hạt nhân học hỏi, nghiên cứu tìm giống hoa phù hợp với địa phương, sau đó đưa chính người nông dân trong địa bàn đến viện để các nhà khoa học tập huấn kinh nghiệm và kỹ thuật, giúp chuyển đổi một phần cơ cấu cây trồng. Và loại hoa cúc trồng trong chậu đã trở thành sản phẩm được thị trường yêu thích, vườn hoa Ninh Giang ngày nay đã nổi tiếng khắp cả nước. Mỗi năm có đến 130 nghìn đến 150 nghìn chậu được bán ra thị trường, thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Tỷ lệ hộ nghèo khi đó là 30%, đã giảm xuống còn 5%.

Từ nguồn ngân sách tiết kiệm, bằng uy tín cá nhân, anh Thanh đã vận động nhiều mạnh thường quân, huy động nhân dân đóng góp vật liệu, những trường hợp neo đơn thì cán bộ trực tiếp đến làm nhà cho dân. Đến nay, trên toàn phường tất cả các nhà dân đều được xây dựng sửa chữa lại kiên cố.

Còn những hộ còn nghèo thì sao? Đó vẫn là điều khiến vị Chủ tịch phường trăn trở. Anh tiếp tục chỉ đạo cấp dưới rà soát, lập danh sách hỗ trợ họ vay vốn làm ăn, đồng thời phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng của phường mở các lớp dạy nghề trồng nấm rơm, nuôi trồng thủy, hải sản, giúp những hộ có điều kiện tăng thu nhập, những hộ nghèo có của ăn của để.

Năm 2010, anh Thanh đi tiền trạm vào Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long để tìm hiểu giống lúa mới; đến Trung tâm giống vật nuôi đồng bằng sông Cửu Long và các trại giống ở các tỉnh phía nam để nghiên cứu, tìm hiểu sau đó đưa những người nông dân vào trực tiếp học tập và mua giống về cho nhân dân; tiến hành áp dụng mô hình sản xuất giống lúa mới và nuôi chim giá trị cao. Đây là mô hình giúp bà con tận dụng quãng thời gian nông nhàn, phù hợp với sức lực của những người đã có tuổi. Chưa hết, với mục tiêu toàn dân đều có kinh tế khá giả, năm 2012, anh Thanh tiếp tục có những nghiên cứu, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để phát triển mô hình làm đá mỹ nghệ. Sản phẩm đã được bình chọn và công nhận "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh Khánh Hòa lần thứ nhất".

Không chỉ hăng hái trong việc tìm mô hình giúp người dân phát triển kinh tế, Chủ tịch phường Trịnh Xuân Thanh cũng là người rất quyết liệt cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "Nhanh gọn- tại chỗ". Bởi vậy, ngay từ năm 2009, anh Thanh đã bắt buộc các phòng chuyên môn phải mở cửa suốt ngày để tiếp công dân. Các phòng, ban của phường được bố trí ngồi quây tròn, thuận lợi cho người dân giao dịch và giám sát cán bộ. Từ đó nâng cao ý thức hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ.

Hết lòng vì đời sống cư dân, vị lãnh đạo phường cũng hiểu tâm lý và nỗi vất vả của họ, nên anh đã làm thông báo: Nhân dân đến liên hệ công việc, nếu có vướng mắc chỗ nào, hay bị cán bộ phường sách nhiễu thì cứ lên gặp Chủ tịch phường, cửa phòng làm việc luôn mở và không cần phải đăng ký trước. Số điện thoại cá nhân của Chủ tịch phường cũng được công khai, người dân có thể gọi bất cứ lúc nào.

Những nỗ lực không mệt mỏi của anh Thanh đang dần gặt hái mùa quả ngọt, vì có đến 50% số hộ ở Ninh Giang đã trở nên khá giả, phường chỉ còn 2,5% hộ nghèo.

Bảy năm liền Trịnh Xuân Thanh đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở. Đầu năm 2013, phường Ninh Giang được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba; cá nhân anh Thanh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đó là thành tích, cũng là niềm động viên để anh tiếp tục có những đóng góp cho nhân dân.