SÂN KHẤU TRUYỀN THỐNG

Thích ứng hay ép duyên?

NDO - Ứng xử như thế nào với các hình thức sân khấu truyền thống đang ngày càng được quan tâm sâu sắc. Nhưng, để có được một tiếng nói chung, một cách làm hiệu quả, khoa học dường như vẫn là điều cần phải kiếm tìm. Tại cuộc hội thảo "Chèo với đề tài hiện đại" mới diễn ra, vấn đề này đã được bàn luận khá sôi nổi.
Cảnh trong vở Danh chiếm bảng vàng (Ðoàn chèo Bắc Giang).
Cảnh trong vở Danh chiếm bảng vàng (Ðoàn chèo Bắc Giang).

Nghệ thuật chèo đang tồn tại như thế nào?

Có hai vấn đề được đặt ra tại hội thảo: Làm thế nào để chèo khai thác đề tài hiện đại mà vẫn giữ được đặc trưng của chèo? Làm thế nào để chèo đề tài hiện đại hấp dẫn công chúng, vươn tới những tác phẩm hay?

Nhóm "ngũ lão" gồm  những người đã từng khuynh đảo trên chiếu chèo với những cách làm mới từ những năm 60, 70 thế kỷ trước: NSND Chu Văn Thức, NSND Lê Huệ, NSND Dân Quốc, NSƯT Ngọc Trung, nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ đã cùng chấp bút tham luận "Sau liên hoan chèo đề tài hiện đại". Họ đã từng cùng làm đơn xin cho phép cả nhóm tham gia Liên hoan chèo đề tài hiện đại 2011 và đã được tạo mọi điều kiện đi về, ăn ở... Họ đã cùng nhau tự lập thành một ban giám khảo riêng và cũng họp bàn sôi nổi ở từng chặng của liên hoan. Bản tham luận đánh giá về liên hoan chèo vừa diễn ra của nhóm ngũ lão đã cho thấy chèo đang lung lay ngay từ gốc rễ khi các tác giả chắp nhặt dễ dãi, tùy tiện làm các chuyện kịch diễn ra lỏng lẻo, bản chất mờ nhạt. Qua thực tế ghi nhận tại liên hoan "ngũ lão" cho rằng, sân khấu chèo đang thiếu hụt mọi lực lượng sáng tạo để tạo nên một sinh khí mới với những tư duy làm mới cho chèo. Ðể rồi ngay như vở diễn giành giải cao nhất Quan lớn về làng của Nhà hát Chèo Hà Nội thì cũng chỉ có thể xếp là vở hài kịch cắm hát chèo!

Có hiện tượng chèo truyền thống và một số loại hình di sản văn hóa khác đang được thương mại hóa bằng mọi giá để phục vụ lễ hội, du lịch, vậy những cơ quan quản lý nghệ thuật của Nhà nước có trách nhiệm thế nào trong việc bảo tồn và phát huy di sản quý giá đó? Tại sao cơ quan quản lý lại chủ trương các đơn vị chèo phải diễn đề tài hiện đại khi thừa hiểu rằng những đề tài dân gian, lịch sử, cổ tích rất phù hợp với chèo, lại dễ đi vào lòng công chúng?

Ngôi nhà chung thiếu chủ?

Sự đối lập trong quan điểm của chính những người làm chèo là lý do khiến nhà nghiên cứu Trần Trí Trắc so sánh chèo hiện đại như ngôi nhà chung đông người mà thiếu chủ. Ở "ngôi nhà" đó, ai viết, ai đạo diễn, ai khen chê, ai quản lý... đều thoải mái mà thiếu đi người chủ chính danh để phân định rạch ròi: Tìm được những tiêu chí nghệ thuật "chuẩn" để phân định đúng - sai, xấu - tốt cho chèo hiện đại.

Chèo hiện đại theo nhạc sĩ Bùi Ðức Hạnh thực chất là một hình thức ép duyên giữa chèo cổ với loại hình kịch tuyên truyền có hát một số điệu chèo nhằm thể hiện những nhân vật cuộc sống mới với mục đích tuyên truyền. Một số lượng lớn những vở chèo đề tài hiện đại xuất hiện trong nửa thế kỷ qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đó, nhưng "cuộc hôn nhân" giữa chèo cổ và chèo mới vẫn luôn xảy ra chuyện "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" báo hiệu sự đổ vỡ bất cứ lúc nào.

Khác với nhạc sĩ Bùi Ðức Hạnh, tác giả Trần Ðình Ngôn với trải nghiệm 50 năm làm nghề với 44 kịch bản chèo dài đề tài hiện đại cho rằng chèo đề tài hiện đại hoàn toàn có thể vận dụng phương pháp tả ý, tả thần như các nghệ sĩ chèo xưa từng làm và để lại những tinh hoa nghệ thuật. Sự mất gốc, theo ông, là do trong quá trình xây dựng các vở diễn đề tài hiện đại, các nhà hát chèo, đoàn chèo và các đạo diễn thường chưa có chủ trương từ đầu, chưa tha thiết với phương pháp tả lý, tả thần của chèo. Phần nhiều những mảng miếng thành công đều do những phút thăng hoa xuất thần của đạo diễn mà thôi. Nhiều đạo diễn chèo xuất thân từ kịch nói nên chịu sự chi phối của phương pháp tả chân. Vì vậy khá nhiều vở diễn của các đơn vị chưa thuần thục chất chèo, còn pha trộn giữa các thủ pháp tự sự, ước lệ, cách điệu, tả ý, tả thần của chèo truyền thống với thủ pháp tả chân của kịch nói phương Tây cũ.

Nhìn vào thực tiễn của các vở diễn chèo đề tài hiện đại  rõ ràng cách khai thác, cách đặt vấn đề, cách thể hiện về đời sống hôm nay vẫn còn mờ nhạt, nghiêng về sinh hoạt đời thường mà không tạo dựng được các hình tượng nhân vật tiêu biểu, đại diện trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là với các nhân vật người nông dân của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ - nơi sản sinh ra nghệ thuật chèo.

Muốn làm chèo hay dẫu đề tài hiện đại hay bất kỳ một đề tài nào thì người làm chèo cũng phải có những kiến thức chắc chắn về những đặc trưng của chèo mới mong tìm ra được những sáng tạo mới mà vẫn giữ được cái gốc của truyền thống.

Từ hội thảo này cho thấy, ngành chèo nói riêng, sân khấu truyền thống nói chung, đang rất cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt ngay từ khâu đào tạo cho tới việc bồi dưỡng, đãi ngộ tài năng nghệ thuật.