Tham nhũng chính sách là việc lạm dụng quyền lực để đưa ra, thay đổi hoặc duy trì các chính sách nhằm trục lợi cá nhân hoặc vì lợi ích nhóm, gây thiệt hại cho lợi ích công.
Xét về mức độ và hậu quả, tham nhũng thông thường so với tham nhũng chính sách chỉ là con muỗi so với con voi. Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật là “siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật”.
Tham nhũng chính sách khó bị phát hiện hơn tham nhũng thông thường rất nhiều nên việc phòng, chống khó khăn. Các quyết định ban hành hoặc thay đổi chính sách luôn được thực hiện thông qua các quy trình hợp pháp và phức tạp. Tham nhũng chính sách liên quan đến nhiều bên, bao gồm các quan chức, doanh nghiệp và nhóm lợi ích, tạo ra một mạng lưới phức tạp và khó phá vỡ, hậu quả thường xuất hiện gián tiếp và kéo dài, khiến việc xác định nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể là không dễ.
Tham nhũng chính sách diễn ra phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tại các nước đang phát triển, tham nhũng chính sách thường xuất hiện ở những lĩnh vực có quyền lực tập trung và có nhiều nguồn lực như đất đai, xây dựng, tài chính và năng lượng, điển hình là việc cấp phép đầu tư, điều chỉnh quy hoạch đô thị và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tại các nước phát triển, tham nhũng chính sách thường diễn ra tinh vi hơn thông qua vận động hành lang, tài trợ chính trị và tác động của các nhóm lợi ích lớn. Thí dụ, các tập đoàn lớn có thể sử dụng sức mạnh tài chính và quan hệ để tác động đến quá trình lập pháp và điều chỉnh chính sách thuế, môi trường và thương mại nhằm đạt được lợi ích riêng.
Hậu quả của tham nhũng chính sách là rất nghiêm trọng, trước hết làm suy giảm niềm tin của công chúng vào hệ thống chính trị và các cơ quan nhà nước. Khi người dân nhận thấy rằng các quyết định chính sách không vì lợi ích chung mà chỉ phục vụ cho một nhóm người, họ sẽ mất niềm tin và không còn ủng hộ các chính sách của nhà nước.
Cùng với đó, tham nhũng chính sách dẫn đến phân bổ các nguồn lực bất hợp lý gây ra lãng phí và thất thoát, các dự án đầu tư công, các chương trình hỗ trợ kinh tế có thể bị điều chỉnh để phục vụ lợi ích cá nhân, làm giảm hiệu quả sử dụng tài nguyên và nguồn lực quốc gia. Tham nhũng chính sách còn dẫn đến việc ưu ái một số nhóm lợi ích, làm gia tăng bất bình đẳng xã hội. Những người nghèo và những nhóm yếu thế thường chịu thiệt thòi, trong khi những nhóm giàu có và có quyền lực lại càng trở nên giàu có và có ảnh hưởng lớn hơn.
Tham nhũng chính sách là một thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và tính chính danh của hệ thống chính trị. Để phòng, chống hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường chính sách trong sạch và công bằng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như:
1. Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Xây dựng và thực hiện các cơ chế minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình ra quyết định chính sách. Các quyết định chính sách cần được công khai và có sự tham gia giám sát của các tổ chức xã hội, báo chí và công chúng.
2. Cải cách hệ thống pháp luật và quản lý công. Xây dựng và thực hiện các quy định pháp luật chặt chẽ về quy trình ban hành quyết định. Cải cách hệ thống quản lý công để giảm bớt quyền lực tập trung, tăng cường sự phân quyền và giám sát độc lập.
3. Phát triển văn hóa chính trị và đạo đức công vụ. Khuyến khích và phát triển văn hóa chính trị trung thực, liêm khiết trong đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, khen thưởng và khuyến khích những hành vi trung thực, liêm chính.
4. Tạo điều kiện cho Mặt trận, các tổ chức xã hội và báo chí để phát huy vai trò tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Bảo vệ quyền tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của người dân để tăng cường sự giám sát từ cộng đồng.