Sự lỗi thời của cơ chế giải thưởng

NDO - Quá nhiều ồn ào, bức xúc quanh đợt xét tặng danh hiệu nghệ sĩ và giải thưởng văn học nghệ thuật năm nay. Ðằng sau những bức xúc mang mầu sắc cá nhân, sâu xa lại chính là những bất cập trong cơ chế và tiêu chí xét thưởng.

Việc tổ chức các đợt phong tặng các giải thưởng, danh hiệu cao quý của Ðảng và Nhà nước là sự động viên rất lớn đối với văn nghệ sĩ. Khi đón nhận danh hiệu cao quý này, mỗi nghệ sĩ đều nhận thấy trách nhiệm của mình lớn lao hơn.

Chất lượng và uy tín của một giải thưởng trước hết phụ thuộc vào tầm mức các tiêu chí, sự chuẩn xác khi thẩm định, tính nghiêm ngặt trong lựa chọn... Ở Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật là một biểu hiện của đường lối phát triển văn hóa, là sự ghi nhận thành tựu của văn nghệ sĩ, khẳng định giá trị đích thực của sự sáng tạo... Vì thế, việc công nhận các giải thưởng là cần thiết và có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của đời sống văn học - nghệ thuật nước nhà.

Tuy nhiên, cách thức tiến hành việc xét thưởng và trao giải hiện nay, tuy đã có một số sửa đổi, nhưng vẫn theo phương thức đã tồn tại từ nhiều năm trước, mang nặng tính hành chính mà chưa chú tâm đề cao nhìn nhận khả năng cống hiến của nghệ sĩ đối với nghệ thuật. Ðối với nghệ thuật, sự cống hiến là tiêu chí hàng đầu và giải thưởng lớn nhất đối với một văn nghệ sĩ. Việc tính theo năm để xét tiêu chuẩn nghệ sĩ giống như việc đến ngày đến tháng lên lương dường như đã không còn phù hợp trong nhịp sống hiện đại ngày nay.

Ngay cả quy định 15 năm hoạt động nghệ thuật liên tục cũng là quy định chưa hợp lý. Vì có nhiều nghệ sĩ giỏi nhưng không thuộc biên chế ngành nào. Có nhiều người nếu tính biên chế nhà nước 15 năm thì không đủ, nhưng nếu xét cống hiến cho nghệ thuật suốt 15 năm liên tục thì họ có thừa. Theo NSND Phạm Thị Thành, nếu xét danh hiệu mà cứ dựa vào Huy chương vàng và Huy chương bạc thì không hợp lý. Bởi vì mấy năm mới có một hội diễn mà mỗi hội diễn cũng chỉ có một hai vai chính diễn tốt mới được thì nó sẽ rất khó cho những người có tài năng. Trong khi đó có nhiều ca sĩ, nghệ sĩ đoạt rất nhiều giải thưởng do Cục, do Bộ cấp, hoặc là giảng viên của trường, các học viện, có nhiều đóng góp nhưng không tham gia hội diễn thì rất thiệt thòi.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, phân tích: Chúng ta đang đi ngược. Cũng giống như việc trao Huân chương. Lẽ ra chúng ta phải tìm cái người có công để thưởng chứ không phải là người có công báo công để được thưởng. Cách trao giải thưởng của chúng ta hiện nay mang đậm tính xin - cho. Mà đã xin - cho thì sẽ nảy sinh những tiêu cực và làm cho bộ máy mất năng lực.

Nhiều nghệ sĩ không muốn làm đơn để được xét tặng danh hiệu cũng vì lẽ này. Theo ca sĩ Trọng Tấn, sự đóng góp của các nghệ sĩ với công chúng là vô tư và sự ghi nhận đó thực chất là công chúng ghi nhận là chính. Khi nghệ sĩ đã đóng góp cho công chúng, cho nhân dân, nếu xứng đáng thì phải được công nhận. "Phải có một hội đồng nghệ thuật chuyên ngành để làm công việc theo dõi quá trình hoạt động của các nghệ sĩ. Khi nhận thấy nghệ sĩ cống hiến tốt thì mời từng nghệ sĩ hoặc đề cử họ. Có nhiều giải thưởng lớn như giải Grammy của Mỹ, Viện Hàn lâm là nơi đề cử và xét trao giải thưởng cho các nghệ sĩ".

Việc xác định những lĩnh vực nào thì trao các danh hiệu NSƯT, NSND cũng là điều cần thiết. Bởi theo NSND Phạm Thị Thành, chúng ta đang làm giống như Liên Xô trước đây. Nhưng họ chỉ trao các danh hiệu NSND và Nghệ sĩ Công huân (tương đương NSƯT của ta) cho nghệ thuật biểu diễn, vì nghệ thuật biểu diễn mang tính khoảnh khắc, không truyền được cho đời sau.

Nhiều nghệ sĩ kiến nghị, Giải thưởng Hồ Chí Minh nên trao cho cả sự nghiệp sáng tác của văn nghệ sĩ, một giải thưởng trọn đời thì sẽ chính xác và hợp lý hơn.

Giải thưởng cao nhất vẫn chính là sự ghi nhận, đánh giá của công chúng. Có đáng băn khoăn không, khi rất nhiều nghệ sĩ được phong danh hiệu NSƯT nhưng lại không được công chúng biết đến? Vậy nên, giải thưởng, sẽ được nhân giá trị lên rất nhiều, nếu nhận được sự đồng thuận từ phía khán giả. Ðúng như lời tâm sự của NSND Doãn Hoàng Giang - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: "Với nghệ sĩ, điều tối quan trọng là tạo được dấu ấn cá nhân của mình trong đời sống nghệ thuật và được công chúng nhớ tên, biết mặt, quan tâm, đánh giá tốt. Giải thưởng cần phải làm thế nào để công chúng đồng tình với danh hiệu mà các nghệ sĩ được tặng, thủ tục xét duyệt vẫn cần thông thoáng, mềm dẻo, uyển chuyển, tinh tế hơn, tôn trọng tối đa "cái tôi" của mỗi nghệ sĩ".

* Sau sáu đợt phong tặng danh hiệu, tới nay, cả nước đã có 192 NSND, 1.580 NSƯT.