Sự lệch nhịp trong phê bình sân khấu

NDO - Thực trạng lý luận phê bình sân khấu trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện đang có nhiều điều bất ổn.

Trong một cuộc tọa đàm về công tác lý luận phê bình sân khấu, nhiều ý kiến đã cảnh báo về hiện trạng bất ổn của lĩnh vực này: các bậc tiền bối ngao ngán không muốn viết, lớp trẻ lại không có nghề, viết theo cảm tính. Vậy là nảy sinh hiện tượng, nhận định về đời sống sân khấu thì bất kỳ ai cũng sẵn lòng chỉ ra thảm trạng, song khi viết về một vở diễn, một cá nhân thì lại là những bài viết ngợi ca hết lời. Có vô vàn nguyên nhân để biện minh cho thực tế đó như: sân khấu hôm nay không có những vở diễn thật sự sắc sảo, đặt ra được những vấn đề mới về nội dung và nghệ thuật, nhưng nếu phê bình vở diễn thì khác gì 'đập niêu cơm' của các đoàn. Chưa kể sự non gan của các tay viết, ngại đụng chạm, nếu không cẩn thận, lần sau đến đoàn sẽ bị 'lót lá dắt tay'. Chưa kể tình trạng những phóng viên mới ra trường về công tác ở các tòa soạn báo đều được phân công theo dõi mảng văn học nghệ thuật vì người quản lý cho rằng, đây là mảng  dễ, vả lại 'có sai cũng chả chết ai'.

Nguyên nhân sâu xa chính là chúng ta đang thiếu một môi trường hoạt động, một không khí tiếp nhận phê bình tốt. Những người từng được trang bị kiến thức lý luận thì thật khó tìm cách bổ sung cập nhật, bởi ngay trường Ðại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội còn chưa có được bộ giáo trình chuẩn cho chuyên ngành này. Lịch sử hình thành và phát triển sân khấu Việt Nam mới chỉ có hai cuốn sách lý luận là Hý trường phả lục của Lương Thế Vinh và Hý trường tùy bút của Ðào Tấn. Một cuốn chỉ còn tồn tại trong sự mường tượng của nhà nghiên cứu Hà Văn Cầu, còn một cuốn bị nghi ngờ về tính nguyên tác. Những người làm nghề, học lý luận chỉ có thể tự trang bị kiến thức bằng một số sách nghiên cứu của các bậc lão thành như Hoàng Châu Ký, Mịch Quang, Hà Văn Cầu, Tất Thắng... và hầu hết đều đi chuyên sâu nghiên cứu về tuồng, chèo, còn các kịch chủng khác rất ít. Những sách của các nhà nghiên cứu thuộc thế hệ sau còn rất nhiều điều cần bàn cãi. Tại sao không mở rộng ra sách của các nhà lý luận nước ngoài? Rào cản ngôn ngữ là trở lực mạnh nhất. Bên cạnh đó, cũng tồn tại hiện tượng cần quan tâm: người thông thạo ngoại ngữ nước này không chấp nhận những kết quả của người thông thạo ngoại ngữ nước khác. Sách dịch hầu như không có nhiều kết quả khả quan khi người dịch sách ít được khuyến khích. PGS Tất Thắng từng bạc đầu để dịch cuốn Lý luận kịch từ Arixtot đến Lesin thì chỉ là cố gắng cống hiến với nghề chứ không thể nói đến chuyện bán được sách. Hai cuốn lịch sử lý luận kịch tiếp theo, ông đầu tư khoảng thời gian không nhỏ nhưng hiện vẫn chưa in được.

Phê bình lẽ ra là chuyện bình thường trong sự phát triển của văn học nghệ thuật, nhưng hiện nay sự tiếp nhận phê bình lại không mấy cởi mở, phát biểu thẳng thì bị mang tiếng là 'đánh' và sẽ bị cô lập. Vậy là, các nhà lý luận thực thụ không cầm bút, sân khấu đang được 'trình làng' trên công luận bởi những người tay ngang, không có nghề. Thiếu chuẩn mực, người viết chỉ có thể dựa vào xúc cảm tự nhiên khi viết bài, tất yếu dẫn tới việc sự nhận định hay dở về một tác phẩm nghệ thuật rất tùy hứng, làm ảnh hưởng đến cảm nhận của khán giả. Những 'người trong cuộc' thì chán ngán, không muốn tranh luận trước những dư luận do sự phê bình không chính xác.

Thời gian qua, một số tờ báo đã đi vào khía cạnh thu hút người đọc bằng chuyện đời tư nghệ sĩ nhiều hơn là vào những mặt được và chưa được về nghệ thuật. Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội NSSK TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến: Sân khấu hiện đang chia thành hai khu vực hoạt động chính: Khu vực của các đơn vị nhà nước và khu vực hoạt động xã hội hóa. Cả hai khu vực này đang tồn tại những vấn đề cần chấn chỉnh như sân khấu nhà nước là sự thưa vắng khán giả, vẫn đi theo tư duy bao cấp, nghĩa là cung cấp những gì mình có chứ không phải thứ khán giả cần. Khu vực xã hội hóa thì yếu tố nghệ thuật đang bị xem nhẹ, chỉ chú trọng yếu tố hút khách. Cả hai khu vực này, theo cách thức nào đó, đều dường như không cần nhiều đến những nhận định chuyên môn bởi họ quá hiểu mình đang đi đến đâu theo phương thức này. Còn người viết phê bình sân khấu lại chủ quan khi cho rằng, mình cần cho các đơn vị để họ có sự xuất hiện trước công chúng, như chứng tỏ sự tồn tại hoặc thành công.

Sân khấu là hình thức nghệ thuật biểu diễn, nghĩa là nó chỉ thật sự tồn tại trong một thời gian, không gian nhất định. Chính vì thế, sân khấu rất cần đến sự quảng bá của báo chí để được lan tỏa tác động đối với cộng đồng. Sự lệch nhịp giữa sân khấu và truyền thông cần được sớm giải quyết, đó cũng là một cách giúp sân khấu vượt qua khó khăn.