"Quýt làm cam chịu"

Thời gian gần đây liên tục xuất hiện nhiều trường hợp lái xe cố tình che biển số hoặc dán thêm để làm sai biển số hòng trốn tránh bị phạt nguội. Thực trạng này đang gây khó khăn cho các lực lượng chức năng khi tiến hành phạt nguội đối với các phương tiện vi phạm giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
Với bao tải phía sau che kín biển kiểm soát, nhiều shipper vô tư vi phạm luật mà không bị camera giao thông phát hiện. Ảnh: Dũng Phương
Với bao tải phía sau che kín biển kiểm soát, nhiều shipper vô tư vi phạm luật mà không bị camera giao thông phát hiện. Ảnh: Dũng Phương

Phạt nguội vi phạm giao thông qua hình ảnh không phải gần đây mới áp dụng. Thực tế ở Việt Nam, việc phạt nguội được triển khai từ năm 2004 và ngày càng được nhân rộng ra khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, mang lại nhiều điểm tích cực đối với công tác quản lý an toàn giao thông (ATGT), góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Đến nay hệ thống camera giao thông được lắp trên các tuyến đường cao tốc, các ngã tư trọng điểm. Từ lực lượng chức năng cho đến người dân và các chuyên gia đều đánh giá cao hiệu quả cũng như tính minh bạch của biện pháp này.

Sau khi triển khai phạt nguội, hành vi làm sai lệch biển kiểm soát đã nhen nhóm xuất hiện, bắt đầu từ một số phương tiện chuyên chở hành khách như xe ôm, ta-xi. Bên cạnh đó, hiện tượng sử dụng biển số giả hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp cũng tồn tại từ lâu.

Camera giám sát giao thông ngày càng phát huy năng lực trong quản lý điều hành giao thông. Thế nhưng, những trường hợp sử dụng biển số giả, cố tình che, dán thậm chí sử dụng thiết bị lật biển số kèm theo biển số giả khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra và xử lý vi phạm.

Thực trạng nhức nhối này đang ngày càng phát triển, không chỉ đối tượng xe ôm, ta-xi mà đang lan rộng ra cả những phương tiện cá nhân không phục vụ vận tải hành khách. Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện loạt hình ảnh nhiều chủ phương tiện cố tình che, sửa các chữ, số trên biển số xe để "trốn" phạt nguội đang khiến nhiều người dân vì vô tình trở thành nạn nhân.

Những câu chuyện kiểu "quýt làm, cam chịu" không còn là hiếm gặp, nhiều chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện cố tình thực hiện hành vi nhằm mục đích trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng để vi phạm pháp luật. Anh Trần Quốc T. (Thái Bình) bức xúc: "Trong thời gian cả nước bùng dịch, suốt cả tháng 3/2022, tôi bị mắc Covid-19 phải cách ly tại nhà.

Ấy vậy mà vừa rồi đem xe đi đăng kiểm, Trung tâm đăng kiểm chỉ cấp đăng kiểm tạm thời 15 ngày vì có thông báo xe của tôi chưa giải quyết xong vấn đề phạt nguội khi tham gia giao thông tại Hà Nội vào ngày 10/3". Rất may anh T. chứng minh được mình bị oan cho nên hệ thống sẽ xóa lỗi phạt nguội nhưng cũng phải mất khá nhiều thời gian, tiền bạc ngược xuôi để giải quyết. Trong khi nhiều trường hợp khác không đủ chứng cứ để tự minh oan đành ngậm ngùi nộp phạt cho xong.

Ngoài những rắc rối vì bỗng dưng bị phạt nguội, một tình huống éo le hơn đang xảy ra với nhiều chủ xe khi không tham gia giao thông trên đường cao tốc, không qua trạm thu phí nào, mà tài khoản thu phí tự động không dừng (ETC) vẫn bị trừ tiền.

Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) thông tin, từ tháng 3 đến tháng 6/2022, đơn vị này tiếp nhận sáu trường hợp phản ánh xe không qua trạm nhưng vẫn bị trừ tiền, VDTC đã đối chiếu dữ liệu hình ảnh xe qua trạm và hồ sơ của khách hàng cung cấp khi đăng ký dịch vụ phát hiện phương tiện sử dụng biển số giả để lưu thông qua trạm thu phí, đồng thời liên hệ khách hàng giải thích và hoàn tiền.

Nghị định 123/2021/NĐ-CP đã tăng gấp 6 lần mức phạt so với quy định trước đó tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền đến 6 triệu đồng đối với hành vi này, tuy nhiên, mức phạt mới được cho là vẫn chưa đủ "sức nặng" nếu so với một số lỗi vi phạm Luật Giao thông, như lỗi chạy xe quá tốc độ có thể bị phạt tới 12 triệu đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe từ hai đến bốn tháng.

Đó là chưa kể nếu vi phạm Luật Giao thông nhiều lần thì mức phạt có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Do đó, nhiều chủ xe vẫn cố tình làm sai lệch biển số, hoặc thậm chí sử dụng biển số giả khi tham gia giao thông nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Những kẻ "khôn lỏi", chủ đích "gieo tội" cho người khác như trên đã khiến cộng đồng bất bình, cơ quan chức năng cần sớm có chế tài nghiêm khắc hơn để ngăn chặn những hành vi trái pháp luật này.