An toàn giao thông

"Người vận chuyển" coi thường luật

Không khó để bắt gặp hình ảnh những người lái xe máy công nghệ chở người, chở hàng vi phạm luật giao thông trên các tuyến đường phố ở Thủ đô và nhiều đô thị trên cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Một shipper không đội mũ bảo hiểm, treo bao tải che kín biển số, vừa lái xe vừa xem điện thoại trên đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh | MẠNH TRƯỜNG
Một shipper không đội mũ bảo hiểm, treo bao tải che kín biển số, vừa lái xe vừa xem điện thoại trên đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh | MẠNH TRƯỜNG

Lái xe ôm công nghệ và người chở hàng thuê (shipper) đang ngày càng trở nên thuận tiện giúp phần nào giảm bớt phương tiện cá nhân tham gia giao thông và góp phần lưu thông hàng hóa. Từ nhu cầu thực tế tạo sự phát triển bùng nổ cùng với cạnh tranh khốc liệt đã tạo áp lực lên chính những đối tác lái xe công nghệ, khiến họ nhiều khi bất chấp quy định pháp luật về giao thông.

Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển, người ngồi trên xe mô-tô 2 bánh, xe mô-tô 3 bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách. Tuy nhiên, rất nhiều shipper không những chở hàng hóa cồng kềnh, vi phạm nhiều lỗi giao thông, mà còn không đội mũ bảo hiểm, phóng vù vù trên đường.

Hiện nay, trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh lái xe ôm công nghệ vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại. Anh Nguyễn Văn Đức (phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều lần gọi xe ôm công nghệ đi công việc, ngồi phía sau tôi thấy có lái xe không thạo đường chỉ chăm chăm nhìn vào điện thoại để được hướng dẫn tìm đường đi; hoặc có người thạo đường thường hay vượt đèn đỏ, đi tắt cắt ngang dòng xe đang lưu thông, nhất là trên trục đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), rất mất an toàn”.

Đã có chế tài xử phạt với người sử dụng điện thoại khi lái xe mô-tô, xe gắn máy tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Người dân đã chấp hành, thế nhưng nhiều lái xe ôm công nghệ vì muốn rút ngắn thời gian di chuyển để bắt được nhiều khách hơn vẫn bất chấp quy định pháp luật, vi phạm ngày càng nhiều.

Tại TP Hồ Chí Minh, không khó bắt gặp các shipper đầu không đội mũ bảo hiểm chạy bạt mạng trên đường. Hình ảnh thường thấy là shipper chở khối lượng hàng hóa “khủng” chất đầy trên xe, phía sau còn đeo thêm một bao tải to che kín biển kiểm soát, vừa bóp còi vừa phóng nhanh, tạt đầu các xe khác, luồn lách trên các tuyến đường. Trong lúc đi giao hàng, họ vô tư vừa lái xe vừa bấm điện thoại, thậm chí có người còn mở phim để xem.

Các hãng Grab, Gojek, Be... đều có Bộ Quy tắc ứng xử cho đối tác lái xe, yêu cầu đầu tiên là phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. Các hãng xe khẳng định không thỏa hiệp với hành vi vi phạm của lái xe. Tùy từng mức độ vi phạm, các hãng sẽ khóa tài khoản của đối tác từ tạm thời đến vĩnh viễn. Chị Ngọc Khánh (Quận 1, TP Hồ Chí Minh), người thường xuyên gọi xe ôm công nghệ cho biết: “Trên các ứng dụng gọi xe hiện nay mới chỉ có đánh giá chất lượng sau khi sử dụng dịch vụ bằng cách chấm sao, chưa có mục đánh giá mức độ chấp hành luật giao thông của người sử dụng dịch vụ đối với lái xe. Nhiều lái xe vi phạm giao thông, ngồi sau xe khi di chuyển rất bất an, xuống xe mới thấy an toàn”.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội Bùi Danh Liên, tình trạng các shipper vi phạm quy định về an toàn giao thông đã diễn ra từ nhiều năm nay, trở thành vấn đề nhức nhối trong công tác quản lý và gây bức xúc trong dư luận nhưng đến nay chưa có biện pháp xử lý triệt để. Để giải quyết tận gốc vấn đề, cùng với thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải, cơ quan chức năng cần xây dựng, ban hành các quy định ràng buộc trách nhiệm của công ty vận tải có ứng dụng lái xe công nghệ với đối tác tài xế cũng như với khách hàng.

Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm giao thông có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông; trong đó có hành vi lái xe máy chở hàng cồng kềnh, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều...

Hoạt động bán hàng trực tuyến gắn với dịch vụ giao hàng sẽ tiếp tục phát triển và nhu cầu đi xe ôm công nghệ ngày một tăng cao. Vì thế, các cấp ngành, địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm này. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có chế tài ràng buộc trách nhiệm của các công ty vận tải có ứng dụng lái xe công nghệ để hoạt động giao hàng nhanh đi vào nền nếp, quy củ, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và tạo thiện cảm với người dân khi tham gia giao thông, tránh những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.