Hệ thống hàng rào bao vững chãi quanh trung tâm được phá dỡ từ lâu. Tôi được nghe câu chuyện về sự thu phục lòng người của vị thủ lĩnh, Giám đốc trung tâm Nguyễn Quang Toàn chắp nối từ các học viên và cán bộ nhân viên ở đây. Mười năm trước, ông nhận nhiệm vụ với bề bộn khó khăn giữa vùng đầm lầy hoang sơ, heo hút. Mối quan hệ giữa học viên và cán bộ nhân viên trong trung tâm có thời kỳ căng thẳng gần như là đối đầu bằng dùi cui, roi sắt, đến nay đã thay đổi về cơ bản, như hôm nay khách đến và cảm nhận. Những mẩu chuyện nhuốm mầu huyền thoại, tỏ rõ vị thủ lĩnh có sức mạnh vô hình nào đó, để thuần hóa lòng người, đồng lòng đồng sức, thuận theo lẽ tự nhiên mà tồn tại và phát triển trung tâm được như hôm nay.
Tôi nhìn quanh ngờ vực, hỏi quản lý học viên ra sao, anh Nguyễn Trần Quang Thắng, Trưởng phòng giáo dục tư vấn của trung tâm cho biết: Chỉ một vài tháng đầu học viên mới vào, chúng tôi có chế độ theo dõi nghiêm ngặt về ăn uống, thuốc thang, giờ giấc sinh hoạt. Cùng với việc tuân thủ các bài tập, ăn, ngủ, học hành đúng giờ, hầu hết học viên sẽ thích ứng với môi trường mới để hợp tác cùng chúng tôi trong việc quyết tâm dứt bỏ ma túy. Trung tâm được thành lập từ năm 2003. Hiện nay, số người ở trung tâm khoảng 1.700 người (số người luôn được vào ra) trong đó 270 người là thầy giáo và làm công tác quản lý. Đối tượng học viên là người địa phương chiếm số lớn. Chỉ có khoảng 10% là học viên các tỉnh. Một số người nước ngoài cũng tìm đến đây để điều trị cai nghiện.
Hàng năm, trung tâm đã chữa trị cho hàng trăm người từ bỏ được nghiện ma túy, được học nghề để tìm cơ hội có việc làm tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng. Một số học viên hết thời kỳ điều trị, từ bỏ được ma túy tình nguyện ở lại trung tâm làm cộng tác viên, nhân viên của trung tâm. Ở đây, lượng học viên đến chữa trị mang tính tự nguyện chiếm số lượng tương đối lớn, nên ý thức, nguyện vọng của cá nhân học viên đã sẵn sàng, nên họ tự giác trong sinh hoạt. Chính vì thế, hàng rào đã được dỡ bỏ cách đây khá lâu.
Với diện tích hơn 70 ha, trung tâm được chia thành nhiều khu chuyên biệt, như khu chuyên trồng và chế biến nấm linh chi và các loại nấm ăn, khu sản xuất giấy, làm gạch bê-tông, khu làm đồ gốm, khu chăn nuôi gia súc... Dọc hai bên đường là các dãy bê-tông che tôn để nuôi giun quế, các trại chăn nuôi trâu bò, các trại trên mặt hồ nuôi lợn thịt, hai trại quây ở sườn đồi nuôi lợn rừng... Cả một vùng rộng lớn là thế song hầu như không có chỗ nào để trống đất.
Nhà thơ thương binh Đỗ Việt Dũng, sau khi đến đây đã có những dòng thơ cảm động: “... Bàn chân đi về phía mặt trời/Bỏ lại phía sau góc khuất/ Cuộc chiến giữa cái còn, cái mất/ Bước gian nan tìm lại chính mình...”. Bài thơ được sáng tác tặng tập thể cán bộ, học viên hình như cả thầy và trò của trung tâm, ai ai cũng thuộc.
Mô hình sau cai gần đây mới có chỉ thị và văn bản hướng dẫn cụ thể, nhưng trên thực tế mô hình này đã được triển khai ở trung tâm khá sớm. Đó là sự cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ nhân viên, nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của học viên. Vấn đề cai nghiện vẫn là thách thức lớn không chỉ ở nước ta mà là của toàn cầu. Để thực hiện hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa trung tâm, gia đình và cộng đồng.
Anh Vũ Ngọc Nhã, người đã cai nghiện thành công và hiện nay đang là cán bộ nhân viên của trung tâm tại khu sau cai, chia sẻ cởi mở về hành trình khó nhọc trở về cuộc sống hiện nay. Suýt soát tuổi năm mươi, anh đã mất hơn hai mươi năm mắc nghiện trong cuộc chiến khốc liệt với nàng tiên nâu. Anh đã từng có đủ thứ: công việc, nhà cửa, con cái đề huề, và rồi anh mất tất cả, sống kiệt quệ trong nghiện ngập nghèo túng bệnh tật khi cuốn vào ma túy. Nhận thấy nếu vẫn tiếp tục, cuộc sống sẽ là không lối thoát, anh Nhã quyết tâm tự cai nghiện tại nhà. Với sự giúp đỡ của người thân trong gia đình, anh đã trải qua ba lần tự cai. Có thời gian dài nhất, anh đoạn tuyệt được hai năm, rồi lại tái nghiện. Vào đây từ năm 2008, anh đoạn tuyệt với ma túy, trở thành cộng tác viên, và bây giờ là cán bộ của trung tâm. Hỏi, nếu rời môi trường này, anh có tự tin sẽ không tái nghiện? Anh nói luôn: Khó để nói trước, càng khó để hứa hẹn điều gì. Bởi thực tế, tôi đã hô hào quyết tâm hết lần này lần khác, nhưng vẫn không thể dứt điểm được. Đúng là khi vào đây, tôi từng cảm thấy tuyệt vọng, cùng đường, chỉ dám đặt mục tiêu để chết đi không mang tiếng là chết vì nghiện. Nhưng rồi, tôi đã làm được hơn thế. Đó chỉ là một trong nhiều trường hợp nhiều số phận đã thành công trong hành trình trở về cộng đồng.
Có hàng trăm, hàng nghìn con đường dẫn đến nghiện ngập. Nhưng để thoát ra, có chung một điểm, là sự quyết tâm của mỗi cá nhân. Ông Nguyễn Quang Toàn, Giám đốc trung tâm cho rằng, xã hội nên nhìn nhận con nghiện là một căn bệnh mãn tính và dễ tái phát. Trên thực tế, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện vẫn là rào cản trong việc tiếp cận và cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Điều này càng gây khó khăn hơn để người cai nghiện tái hòa nhập với cộng đồng.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không muốn nhận người sau cai nghiện vào làm việc. Theo báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động TBXH, số doanh nghiệp tiếp nhận người sau cai chỉ chiếm 0,07% tổng số đơn vị trong cả nước. Chính sự kỳ thị của cộng đồng đã khiến người mắc nghiện khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm để tái hòa nhập cộng đồng.
Công tác quản lý sau cai còn hình thức, thiếu các biện pháp cụ thể, phù hợp. Tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy phức tạp, môi trường xã hội còn nhiều ma túy nên người nghiện dễ dàng tìm mua... cũng là tác nhân khiến tỷ lệ tái nghiện cao. Do đó đấu tranh mạnh mẽ, hiệu quả với loại tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy cũng là giải pháp quan trọng. Công tác cai nghiện đòi hỏi một quá trình lâu dài, bền bỉ. Trong cả quãng thời gian đó, cần có sự phối kết hợp các biện pháp hỗ trợ đồng bộ về y tế, tâm lý xã hội của cả trung tâm, cộng đồng xã hội và gia đình. Để đi vào tính thực chất, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở cai nghiện, kết hợp chặt chẽ của ba yếu tố đó.
Rời trung tâm, tâm sự của người cán bộ gắn bó lâu năm với công tác đẩy lùi tệ nạn ma túy cứ ám ảnh tôi: Người nghiện ma túy vẫn còn cô độc trên bước đường đấu tranh, vượt lên chính mình. Cần lắm sự cảm thông của mỗi gia đình và cộng đồng, hãy mở rộng vòng tay để họ có cơ hội hòa nhập, trở về với cuộc sống.
* Anh đã từng có đủ thứ: công việc, nhà cửa, con cái đề huề, và rồi anh mất tất cả, sống kiệt quệ trong nghiện ngập nghèo túng bệnh tật khi cuốn vào ma túy.
Học viên Đặng Việt Hưng trong giờ thực hành nghề làm gốm.