An toàn giao thông

Nghiêm trị “ma men”

Gần đây, nhiều vụ việc tài xế điều khiển xe sau khi sử dụng rượu, bia, gây tai nạn có hậu quả rất nghiêm trọng, trong đó có cả cán bộ, người lao động làm việc trong cơ quan Nhà nước.

Phạt nặng vi phạm nồng độ cồn là bảo vệ an toàn cho người dân. Ảnh | NGUYỄN NHƯ
Phạt nặng vi phạm nồng độ cồn là bảo vệ an toàn cho người dân. Ảnh | NGUYỄN NHƯ

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 5 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra gần 120 vụ tai nạn giao thông (TNGT) do rượu, bia khiến 85 người thiệt mạng và 77 người bị thương. Trong khi toàn cầu đang chững lại thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia có xu hướng tăng nhanh về mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn. Công bố của Tổng cục Thống kê về kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 cho thấy, lượng tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam tăng từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020.

Nhiều nước xác định uống rượu, bia lái xe là hành vi không thể dung thứ và đã có quy định xử phạt tù đối với những “ma men” lái xe dù chưa gây tai nạn. Nhật Bản là một trong những nước có chế tài xử phạt “ma men” khắc nghiệt nhất thế giới, nếu lái xe bị phát hiện có nồng độ cồn (dù chưa gây tai nạn) có thể bị phạt tới 8.800 USD và 5 năm tù, hành khách ngồi trên phương tiện của tài xế có nồng độ cồn cũng bị phạt tiền hoặc ngồi tù tới ba năm. Còn với lái xe say rượu gây tai nạn, mức phạt có thể lên đến tối đa 20 năm tù trong trường hợp gây chết người hoặc 15 năm tù trong trường hợp không gây chết người.

Thực tế, vấn nạn “ma men” sau tay lái đã được dư luận xã hội nhiều lần lên án gay gắt, chuyên gia và các cơ quan truyền thông lên tiếng cảnh báo thường xuyên. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành ở nước ta chủ yếu xử phạt hành chính với các lái xe sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông, còn trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng mới xử lý hình sự. Chính phủ đã ban hành những quy định về tăng nặng mức xử phạt vi phạm hành chính lên tới hàng chục triệu đồng và những chế tài đi kèm đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia.

Ngay từ đầu năm, Bộ Công an ban hành Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” thực hiện trong cả năm 2022. Thế nhưng, thực trạng lái xe tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia vẫn có chiều hướng tăng, nhất là sau khi dịch Covid-19 lắng xuống. Điển hình là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đêm 2/6 khiến ba người tử vong tại Bắc Giang, do một cán bộ thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang gây ra sau khi quá chén. 

Vụ việc đã gióng lên hồi chuông báo động về việc các “ma men” là cán bộ Nhà nước tham gia giao thông, gây tai nạn, không chấp hành quy định hoặc can thiệp vào quá trình xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng chức năng trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Ngay sau vụ tai nạn, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 488/CĐ-TTg ngày 3/6 về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Để phòng ngừa, giảm tác hại của uống rượu, bia đối với trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, góp phần làm giảm tai nạn giao thông do rượu, bia. 

Bộ Giao thông vận tải cũng ban hành Công văn 5693/BGTVT-ATGT ngày 9/6, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe, kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ làm việc.

Để giải quyết vấn nạn này, dư luận xã hội cho rằng, với những “ma men” cầm lái, dù chưa gây hậu quả thì cũng phải phạt nặng, kể cả thu bằng lái, tịch thu phương tiện, thậm chí phạt tù theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự, hành vi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với lỗi vô ý. 

Đồng tình với dư luận, TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, đơn vị vừa kiến nghị cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn xử lý hình sự đối với lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn, theo Điều 260 Bộ luật Hình sự. Ông Minh nhấn mạnh: “Cần sớm ban hành hướng dẫn để xử lý nghiêm khắc lái xe uống rượu, bia. Lái xe phải bị phạt nặng tương ứng với hành vi. Vi phạm nồng độ cồn mức cao có thể bị phạt tù dù chưa gây hậu quả”.