Người dân kể rằng, khi xưa tổ tiên ta ngoài bắc vào nam, đều đi theo đường biển, tiến vào sông Sài Gòn. Khi ấy nơi này rậm rịt, cây cối um tùm, nước ngập khắp nơi, nhiều hổ và trâu rừng, mênh mông mầu xanh của rừng nước lợ, nhìn không thấy bóng người. Dân ta ban đầu neo đậu ngoài sông, mưu sinh, dựng nên nhiều cái bè kiên cố, nên người ta gọi là xứ Nhà Bè.
Sau rồi đồng bào vào đông hơn, người ta tiến sâu vào rừng rậm, dựng nhà cửa, phố thị, làm nên xứ Đồng Nai, thành phố Sài Gòn. Thời nhà Nguyễn và Tây Sơn giao tranh, trên sông diễn ra nhiều trận đánh ác liệt.
Bởi vậy có khi vẫn tìm thấy những khẩu súng thần công dưới đáy sông.
Thành Gia Định được triều đình xây dựng sát mé sông, cách ngã ba sông hơn một dặm, đứng trên thành thấy rõ ngã ba sông. Khi giặc Pháp đánh vào thành, tàu giặc từ ngoài biển tiến vào, quân ta hai bên bờ tập kích, tàu ta cũng xông ra đánh.
Nhưng tàu giặc quá hiện đại, vũ khí quân ta thô sơ, cuối cùng giặc phá được thế trận tiến vào chiếm thành, quân ta phải lui về miền tây. Nguyễn Đình Chiểu làm câu thơ: Bến Nghé của tiền tan bọt nước/ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.
Những năm Mỹ xâm lược, quân địch chiếm lấy ngã ba sông, thả nhiều tàu chiến hiện đại nhất. Bác Tư, người dân ở đây kể: “Thuyền bè dân qua lại đều bị kiểm soát ngặt nghèo, súng bắn bất kỳ, cuộc sống bấp bênh”. Các chiến sĩ biệt động thành kể lại, quân ta đã tổ chức đánh bom, tàu địch nổ tung trên sông. Đặc công rừng Sác ven sông cũng tiến công đánh vào kho xăng, uy hiếp tàu của địch.
Bây giờ, thời hòa bình, tàu trên sông rất nhiều, nhưng đều là tàu buôn bán, tàu du lịch. Ngã ba sông tàu neo đậu nhận hàng, có những cái to như tòa nhà năm tầng, đèn như sao. Người dân ven sông buôn bán đó đây, thuyền bè tấp nập, riêng ngã ba sông là một thế giới riêng.
Đứng từ Mũi Đèn Đỏ, doi đất đầu tiên của thành phố, nhìn ra sông mới thấy ngã ba sông mênh mông rộng lớn, ngút ngát, tưởng chừng vô tận.
Trên doi đất người ta đặt một cột đèn hiệu nhấp nháy suốt đêm, gọi là Mũi Đèn Đỏ.
Hồi mới giải phóng, ta có chủ trương biến Mũi Đèn Đỏ thành điển hình nông nghiệp, thanh niên xung phong đến đắp đê, trồng trọt. Dấu vết đê điều vẫn còn. Nhưng giờ đây, chỉ còn mấy hộ sống bằng nghề nông nghiệp. “Do đất hoang nhiều, chuột bọ lắm, nên thu hoạch chẳng được là bao” - người dân nói. Người cán bộ hội nông dân dẫn tôi đi thực tế nói: “Nghe phong thanh nơi này tương lai sẽ thành điểm du lịch tiền tiêu của thành phố, nhưng hiện giờ dừa nước vẫn mọc um tùm”.
Bên kia sông, người dân quận 2 đã giải tỏa đi nơi khác hết để xây Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ven sông còn lại vỏn vẹn một vài gia đình làm nghề sắt vụn. Họ có vài chiếc thuyền cũ, chuyên đi ra sông để kiếm sắt vụn. Bằng những nghiệp vụ đặc biệt của dân sông nước, mỗi ngày họ vẫn kiếm được mấy tạ sắt vụn chìm dưới đáy sông. Những người thợ lặn nói với tôi: “Ngã ba sông giông gió bất thường, lại gặp tàu lớn, sóng lớn, luôn phải dè chừng”. Những người thợ lặn có vẻ như là những công dân cuối cùng còn bám trụ ở ngã ba sông, khi mà người dân trong bờ đã di dời đi hết, để lại những miếu hoang và những đình làng vắng ngắt. Với họ, đáy sông vẫn còn nhiều bí ẩn.
Thật ra trên sông cũng có dân tạm trú. Họ là nhân viên, thủy thủ của những con tàu vào bốc hàng.
Tân, một thủy thủ nói: “Chúng em dân ngoài bắc, theo tàu vào lấy gạo.
Nhiều khi ở trên sông nửa tháng, chỉ nhìn thấy thành phố sáng những ánh đèn”. Tân cho biết, lương bổng thủy thủ chừng sáu triệu, có người tám triệu, khá là cao, nhưng “suốt tháng cứ nằm giữa ngã ba sông, buồn bã lắm”. Mấy anh này mới thuê một chuyến đò ngang, vào bờ chở ra mấy két bia. “Gạo chưa gom đủ, nên tàu hẵng còn nằm chờ” giữa sóng nước.
Muốn vào bờ “những thủy dân tạm trú” của ngã ba sông phải thuê đò ngang, mỗi chuyến ra vào chừng ba trăm ngàn. Khách ta có, thủy thủ tây cũng có. Lâu lâu, họ gom tiền hùn nhau đi vào bờ chơi một chuyến. Nào ăn hàng, đi hát karaoke, nhưng nhiều nhất là mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân. Đi từ trưa, đến chiều thì lại ra sông. Có nhiều anh say khướt không leo nổi lên cầu thang bên hông tàu. Nhà tàu phải dùng máy cẩu đưa các anh này lên trên chiếc xuồng cứu hộ. Họ vẫy tay chào tất cả mọi người, chào thành phố, chào bầu trời đầy mây.
Tôi thuê một chuyến đò ra sông.
Chạy đến ngã ba sông đã thấy mấy anh chàng mò sắt vụn có mặt ngoài đó rồi. Họ đánh trần, lầm lỳ, con thuyền gỗ nhỏ chạy băng băng.
Họ biết khúc nào tàu hay bị đắm, có nhiều sắt vụn. Nhưng sông sâu lắm, có khúc tới 20 mét, việc mò sắt không phải dễ dàng.
Giang, một thủy thủ nói với tôi rằng, trên sông, bên cạnh những người làm ăn lương thiện, không sợ cái chết rình rập, thì “có những kẻ bị tha hóa, chỉ chực trộm cắp”. Đêm khuya, đám này bơi ra sông, leo lên tàu, ăn trộm, rồi chuồn mất. Giang nói: “Chúng em phát hiện ra, chưa kịp hô hoán, chúng nhảy bùm xuống sông, lặn đi đâu mất tích”.
Thuyền bán rong trên sông.
Người dân ven sông trách đám thủy thủ nhiều kẻ ăn chơi. Đôi khi thuê đám đò ngang chở gái bán dâm ra phục vụ. Chúng đi đến tàu tây, tàu ta, tới gần sáng đánh đò vào bờ, không ai hay biết. Nhưng cùng theo chúng, một lũ ma cô chăn dắt choai choai, nghiện ngập, nhiễm HIV chết bất đắc kỳ tử, khiến bố mẹ chúng đau đớn, xót xa. “Cuộc sống nơi ngã ba sông khắc nghiệt là vậy” -người dân xóm đò nói với tôi. Họ kể tên những thanh niên bị nghiện, những kẻ buôn ma túy đã bị bắt ngồi tù ra sao. Chúng vốn là những thanh niên ngoan ngoãn, chỉ vì ham chơi và đua đòi mà từ dòng sông đã chui vào ngục tối.
Dòng sông chìm trong sương.
Khi khói lam chiều dâng lên, những con tàu khổng lồ neo đậu cũng chìm dần trong ánh hoàng hôn. Thành phố sáng ánh đèn và rực rỡ những tụ điểm giải trí, những quán nhậu, phố phường khoe sắc. Khi ấy, ngã ba sông lại đón những kẻ vào bờ tham quan trở về, chếnh choáng hơi men.
Sông không ngủ, ngã ba vẫn thức.
Những ánh đèn trên các con tàu được bật sáng.
Những con thuyền du lịch rực rỡ ánh đèn vẫn thường hướng về phía ngã ba sông. Từ trên tầng cao, du khách có thể thấy ngã ba sông bát ngát ánh trăng. Những con tàu chở dầu neo đậu vắng lặng. Những tàu chở gạo vẫn tranh thủ lên hàng cả vào ban đêm. Họ thắp đèn sáng rực một bên thân tàu. Xa xa, hai bên bờ thấp thoáng những mái đình cổ kính phủ bóng thời gian.
Trong chuyến đi cùng đoàn các nhà làm phim dân tộc học quốc tế xuôi dòng, các nhà làm phim nói rằng, sông Sài Gòn vào đêm đẹp hơn ban ngày và họ ghi vào trong máy camera kỹ thuật số rất nhiều hình ảnh.
Tôi nói với một đạo diễn rằng, dòng sông này trước kia là những “thủy chiến trường” nơi giao tranh ác liệt và rất nhiều người yêu nước đã ngã xuống dòng sông, mà như người dân kể lại thì “hầu như không tìm thấy thi thể”. Có những người thầm lặng đã chiến đấu ở ngã ba sông, để bảo vệ thành phố của mình trước sự tiến công của kẻ thù đến từ nơi xa lạ, để còn mãi đó câu ca: “Nhà Bè nước chảy chia hai...”.
* Người dân ven sông buôn bán đó đây, thuyền bè tấp nập, riêng ngã ba sông là một thế giới riêng. * Có những người thầm lặng đã chiến đấu ở ngã ba sông, để bảo vệ thành phố của mình trước sự tiến công của kẻ thù đến từ nơi xa lạ, để còn mãi đó câu ca: “Nhà Bè nước chảy chia hai...”. |
8-2013